Thời cơ cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam “trở mình”

11/09/2023 04:40 - 5 lượt xem

Thị trường dần phục hồi, cùng với động thái cấm nhập khẩu thủy - hải sản từ Nhật Bản của Trung Quốc, là thời cơ cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam “trở mình” dịp cuối năm nay.

 

Tín hiệu phục hồi

 

Sau nửa đầu năm 2023 hết sức ảm đạm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đã có những tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong đó, riêng tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số đạt gần 180 triệu USD.

 

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tại Mỹ cũng dần hạ nhiệt, sức cầu tiêu dùng được cải thiện, lượng hàng trữ kho cũng vơi dần nên sẽ cần tăng lượng nhập khẩu để phục vụ dịp lễ tết cuối năm.

 

VASEP kỳ vọng, xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ trong dịp cuối năm sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, có 3 yếu tố quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm nay, đó là diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho vơi dần, đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm như Lễ Giáng sinh và đón năm mới gia tăng.

 

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các sản phẩm xuất khẩu cũng có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh so với các nước khác.

 

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia, do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản khá khác nhau nên có thể mức độ tác động sẽ không quá lớn.

 

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) chia sẻ: “Thời gian gần đây, doanh nghiệp chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều khách hàng mới, đặc biệt là Trung Quốc. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nhiều hơn, kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ khả quan dịp cuối năm”.

 

Tận dụng thời cơ

 

Đứng trước thời cơ này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng, nhân lực để phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.

 

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong quý III, các doanh nghiệp thủy sản tăng tốc chế biến, xuất khẩu để bù đắp cho tình trạng suy giảm trong nửa đầu năm nay.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chiêm Cường, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến - đơn vị kinh doanh chính mặt hàng cá tra cho biết, trong giai đoạn trước, khi xuất khẩu thủy sản ảm đạm, Công ty vẫn gắng cầm cự, duy trì việc sản xuất ổn định, không cắt giảm sản lượng trong thời gian dài nhằm giữ chân người lao động, giữ mối quan hệ với khách hàng, chuẩn bị lượng hàng cất kho chờ thời cơ để bung ra thị trường.

 

“Nhờ vậy, nên hiện nay, khi nhu cầu có dấu hiệu hồi phục, chúng tôi đã có sẵn nguồn hàng để cung cấp cho thị trường”, ông Cường khẳng định.

 

Để làm được như vậy, theo ông Cường, những tháng qua, doanh nghiệp phải chịu thâm hụt về lợi nhuận do hàng bán ra ít, mà các chi phí vẫn phải chi như cũ, thậm chí một số chi phí như kho bãi, vật liệu… còn tăng cao.

 

Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ được bù đắp bằng tín hiệu tích cực khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp không phải tốn chi phí, thời gian tuyển dụng, đào tạo nhân lực mới. Các khách hàng cũ sẽ nhanh chóng quay lại do vẫn giữ mối liên hệ.

 

Ngoài ra, ông Cường cho biết thêm, trong thời gian thị trường EU thu hẹp, Công ty Thủy sản Phát Tiến đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tại khu vực Trung Đông, Nam Mỹ…

 

Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩa, Phó giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm thủy sản Cà Mau chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp này đã tìm hướng đầu tư phù hợp hơn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm toàn diện.

 

Theo ông Nghĩa, các thị trường lớn như EU đang ngày càng khó khăn, để đáp ứng được 100%  tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường này là rất khó. Công ty Thực phẩm thủy sản Cà Mau đã tập trung cho việc đào tạo lại đội ngũ nhân lực có chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm một cách toàn diện, từ an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, đến bao bì, bảo quản…

 

“Công ty Thực phẩm thủy sản Cà Mau đang gấp rút cập nhật tiêu chuẩn từ các cơ quan chức năng nhằm đáp ứng, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu không bị kẹt lại vì chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang gấp rút chuẩn bị nguyên liệu, tránh tình trạng không đủ hàng để phục vụ thị trường”, ông Nghĩa nói.

 

Nguồn: Báo Đầu tư

Quảng cáo sản phẩm