Vì sao Trung Quốc chi hơn 400 triệu USD để nhập khẩu một mặt hàng của Việt Nam, bất chấp giá tăng kỷ lục?
23/02/2024 03:39
Mặt hàng này của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Bột cá chính là mặt hàng được Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,65 triệu tấn bột cá từ các nước trên thế giới, giảm 9% so với năm 2022. Trong số đó, Trung Quốc nhập khẩu gần 262 nghìn tấn bột cá từ Việt Nam, với giá trị 425 triệu USD, lần lượt tăng 24% về khối lượng và tăng 48% về giá trị. Theo Cơ quan Hải Quan Trung Quốc, Việt Nam là nguồn cung cấp bột cá lớn thứ hai cho quốc gia tỷ dân, chỉ sau Peru.
Bột cá là một loại thức ăn chăn nuôi phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại thủy hải sản. Các loại cá không được sử dụng nhiều trong thương mại hoặc các phần của cá như đầu, đuôi, vảy và vi, cùng với một số phụ phẩm và phụ gia khác, là nguồn chính để sản xuất bột cá.
Sở dĩ Trung Quốc tăng cường nhập khẩu bột cá từ Việt Nam và các nguồn cung khác như Nga, Thái Lan và Ấn Độ là do nhập khẩu từ Peru giảm. Theo Undercurrent news, trong năm 2023, nhập khẩu bột cá từ Peru vào Trung Quốc bị sụt giảm tới 51%, đạt 430 triệu USD. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino kéo dài khiến sinh khối cá cơm ở Peru bị giảm đáng kể. Chính vì vậy, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ bột cá lớn nhất thế giới, phải tăng nhập khẩu mặt hàng này từ những nguồn cung khác nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng.
Chính sự sụt giảm của Peru khiến các nguồn sản xuất bột cá lớn như Việt Nam, Nga, Thái Lan và Ấn Độ có cơ hội để lấp vào "lỗ hổng" thị trường này. Thực tế trong năm 2023, ngoài Peru, Trung Quốc đã nhập khẩu tới tới mức kỷ lục gần 1,2 triệu tấn bột cá từ những quốc gia khác.
Theo ông Jean-Francois Mittaine, một chuyên gia phân tích thủy sản, nhu cầu về protein tại Trung Quốc vốn đã cao nhưng nay càng cao hơn. Nhu cầu về bột cá ở Trung Quốc không ngừng tăng khiến công việc chế biến bột cá trở thành một trong những nghề "hot" trên thế giới.
Với 1,766 USD/tấn, đây là mức giá nhập khẩu trung bình của Trung Quốc cao nhất trong lịch sử, kể từ năm 2000. Giá bột cá tăng vọt trong năm 2023 đã trở thành động lực, nguồn cảm hứng cho các nhà sản xuất thức ăn thủy sản tiến hành tăng cường nghiên cứu nhằm cắt giảm khối lượng những vẫn bảo toàn được tính toàn vẹn dinh dưỡng.
Hiện nay, dù bột cá, dầu cá được coi là nền tảng cho thức ăn nuôi trồng thủy sản, nhưng những cải tiến trong việc tìm hiểu về nhu cầu dinh dưỡng đối với những loại cá nuôi khác nhau có thể góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào bột cá.
Trên thực tế, những sản phẩm thay thế như protein đậu nành hay bột gia cầm thường thiếu khả năng tiêu hóa hoặc cân bằng axit amin. Điều này khiến nhu cầu về bột cá vẫn rất cao.
Tuy nhiên, ông Mittaine nhận định rằng: "Tôi nghĩ việc nhập khẩu bột cá của Trung Quốc sắp chạm tới mức tối đa. Quốc gia này đang tìm kiếm nguồn chung từ khắp các nước trên thế giới, nhưng liệu họ có thể mãi chấp nhận về mức giá ngày càng tăng?".
Theo dự báo của các nhà khoa học, vào tháng 4 – 5/2024, hiện tượng El Nino sẽ ở mức trung tính và đến tháng 6 – 7, nó sẽ giảm hết hẳn sang La Nina. Điều này có nghĩa là cá cơm của Peru có thể hồi phục. Nhưng các nước sản xuất bột cá khác cũng sẽ không từ bỏ thị phần mới có được tại Trung Quốc. Các thị trường này sẽ cạnh tranh nhau. Trên thực tế, Ấn Độ, một trong 5 nguồn cung nhập khẩu về bột cá của Trung Quốc, đang có bột cá giá rẻ hơn Peru 100 USD/tấn và chất lượng sản phẩm của họ cũng đang được cải thiện.
Nguồn: Soha
Các tin khác
- Hoa Kỳ nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn (CORE) (13/09/2024)
- Ấn Độ áp thuế chống trợ cấp đối với ống thép không gỉ hàn nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam (13/09/2024)
- Gia hạn thời gian nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra chính thức trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc (13/09/2024)
- Thông báo gia hạn thời gian nộp bản trả lời câu hỏi vụ việc điều tra CBPG đối với thép cán nóng đối với doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước (13/09/2024)
- Xuất nhập khẩu vượt 512 tỷ USD, xuất siêu gần 19 tỷ USD (13/09/2024)