Xây dựng thương hiệu để mở rộng xuất khẩu

04/10/2023 04:06 - 81 lượt xem

Xây dựng thương hiệu riêng là cách để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, song phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

 

Xuất khẩu bằng thương hiệu riêng

 

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 371,5 tỷ USD, thì có tới 233 tỷ USD hàng hóa xuất sang hơn 60 thị trường có FTA, trong đó có gần 80 tỷ USD được ưu đãi thuế quan.

 

Dù xuất khẩu vẫn tăng đều hàng năm, nhưng lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… phần lớn vẫn mang thương hiệu nước ngoài, giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.

 

Bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) cho biết, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng rất ít, nhất là với các thị trường thuộc khối CPTPP.

 

Doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên liệu thô, dạng nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua, chế biến lại, đóng gói bao bì và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ.

 

Nhiều doanh nghiệp ngại xây dựng thương hiệu, chấp nhận sản xuất gia công thuần túy; không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm” - Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ.

 

Chẳng hạn, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng.

 

Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng chủ yếu theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng.

 

Chia sẻ tại Tọa đàm Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP, tổ chức cuối tuần qua, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, xuất khẩu sang Canada tăng trưởng mạnh trong số các thị trường thuộc CPTPP, nhưng trên 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada là sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất thô hoặc gia công.

 

Trong số doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) đã xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi sang nhiều thị trường có FTA. Việc hưởng lợi từ các FTA giúp doanh nghiệp có được khách hàng chuyển dịch từ thị trường khác sang mua hàng hoặc đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex chia sẻ, trước đây, khi chưa có thương hiệu, doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đại trà, dễ tính. Nhưng những năm gần đây, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản…

 

“Xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu riêng là con đường không hề đơn giản, doanh nghiệp cần có chiến lược và hướng đi khác biệt. Nhưng khi có thương hiệu, sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế, doanh nghiệp như có “giấy thông hành” để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, bán được sản phẩm với giá trị cao hơn và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm quế hồi và gia vị của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Huyền nhấn mạnh.

 

Trong ngành thực phẩm chế biến, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã xuất khẩu các sản phẩm từ dừa bằng thương hiệu Vietcoco tới 60 thị trường, có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn trên thế giới.

 

Với danh mục sản phẩm xuất khẩu đa dạng, từ dầu dừa thô, cơm dừa nạo sấy, sản phẩm chủ yếu xuất qua Trung Đông, châu Phi, Nga; nước dừa, nước cốt dừa thâm nhập châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, với kim ngạch trung bình 20 triệu USD/năm.

 

Không dành cho số đông

 

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã đặt được nền móng xuất khẩu gạo thương hiệu Việt trực tiếp sang châu Âu. Năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 500 tấn gạo “Cơm Việt Nam Rice” sang Pháp, Đức, Hà Lan.

 

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nếu chỉ là nhà xuất khẩu đơn thuần, tức là mua đi bán lại, hoặc có nhà máy, mua lúa xay xát rồi bán, thì gần như không thể xây dựng được thương hiệu tại thị trường EU. Cách của Lộc Trời là tiên phong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

 

Theo đó, với những đơn hàng đặt trước, các đơn vị thành viên của Tập đoàn sẽ phối hợp sản xuất quy mô lớn một cách đồng bộ từ việc quy hoạch vùng trồng, chọn giống phù hợp, thực hiện quy trình canh tác khoa học, ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp sinh học… nhằm đảm bảo cam kết chất lượng cao nhất, lúa gạo mới nhất trên thị trường cho khách hàng.

 

Để tận dụng tối đa xuất khẩu sang các thị trường có FTA, với Vinasamex, doanh nghiệp này xác định mở rộng thị trường bằng thương hiệu riêng. Tới đây, Vinasamex sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn để mở rộng danh mục sản phẩm, ngoài gia vị sang sản xuất các loại trà với thương hiệu Spice Fest và thương hiệu Vinasamex để bán trực tiếp tới người tiêu dùng ở Mỹ, Canada và châu Âu.

 

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Chế biến dừa Lương Quới kỳ vọng, xuất khẩu bằng thương hiệu riêng sẽ là mục tiêu chủ đạo của Công ty giai đoạn 2025-2030, đưa kim ngạch tăng dần từ 100 triệu USD lên 200 triệu USD/năm.

 

Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu bằng thương hiệu riêng là mong muốn của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp. Nhưng theo góc nhìn của bà Trịnh Huyền Mai, đây không phải là con đường đi của tất cả doanh nghiệp, mà chỉ dành cho các doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản.

 

Nguồn: Báo Đầu tư

Quảng cáo sản phẩm