Vụ kiện đầu tiên của Việt Nam tại WTO và Câu chuyện về những người phất ngọn cờ hồng

17/06/2014 11:02 - 17091 lượt xem

Việt Nam đã thắng trong vụ kiện đầu tiên của mình tại WTO - Vụ “DS404 - Việt Nam kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp mà nước này sử dụng trong điều tra chống bán phá giá tôm Việt Nam”. Trong nhiều điều thú vị từ vụ kiện đầu tiên của Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ WTO có một điều không nhiều người biết: Vụ kiện của Chính phủ nhưng lại được thúc đẩy bởi sáng kiến và quyết tâm của khối tư nhân.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một góc nhìn tổng thể về vai trò của các Hiệp hội, Doanh nghiệp, những đơn vị ngoài Nhà nước trong các tranh chấp “cấp độ Chính phủ” trong khuôn khổ WTO này.

Tiếng nói đầu tiên…

Đầu năm 2009, sau 4 năm gồng mình chịu thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp đặt với tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam xôn xao trước nguy cơ Hoa Kỳ có thể sẽ chặn con đường thoát mà nhiều doanh nghiệp đang mong mỏi bằng việc sử dụng một số biện pháp kỹ thuật bất hợp lý trong đợt điều tra rà soát hành chính lần 4, đặc biệt là phương pháp quy về 0.

VASEP (Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) như ngồi trên đống lửa. Cùng thời điểm đó, tại Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại của VCCI, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này tỏ ra rất quan ngại. Nhận thấy các phương pháp mà Hoa Kỳ đang sử dụng có dấu hiệu vi phạm WTO, các chuyên gia tính đến phương án sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO để buộc Hoa Kỳ chấm dứt việc sử dụng các phương pháp này nhằm bảo vệ lợi ích hiện tại và trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

VASEP là người đầu tiên “phất ngọn cờ hồng” với Công văn gửi Bộ Công thương đề xuất việc kiện Hoa Kỳ ra WTO từ tháng 3/2009. Tháng 10/2009, khi đã có kết quả nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng, Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại của VCCI có Công văn đề xuất Chính phủ khởi kiện (kèm theo Bản phân tích về các biện pháp vi phạm WTO của Hoa Kỳ, những tác động của chúng tới kết quả vụ điều tra chống bán phá giá tôm, những lập luận có thể sử dụng để chứng minh vi phạm, những án lệ trong WTO liên quan đến vấn đề này và những hiệu quả tích cực đối với các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung nếu Việt Nam thắng kiện trong vụ việc này).

Những cân đong đo đếm…

Trước đề xuất lần đầu tiên và chưa có tiền lệ này của VASEP và VCCI, sau đó (tháng 11-12/2009) đã diễn ra khá nhiều tranh luận trong nội bộ, giữa các cơ quan liên quan với nhau và với các đơn vị đã có đề xuất về nhiều nội dung trong đề xuất (đặc biệt là việc lựa chọn vấn đề khởi kiện và bị đơn của vụ việc). Một số cuộc họp đã được triệu tập tại Bộ Công thương, nhiều trao đổi liên quan đã được thực hiện bên lề các sự kiện khác tại các Bộ Tư pháp, Ngoại giao…

Nhóm phản đối đề xuất này quan ngại rằng một vụ kiện như vậy với Hoa Kỳ không phải là lựa chọn tốt về mặt ngoại giao. Theo họ, rủi ro Hoa Kỳ có thể “bực mình” vì vụ kiện mà gây khó dễ cho quan hệ nói chung giữa hai nước là khá lớn. Một nhóm ý kiến khác thậm chí cho rằng đây là vấn đề của doanh nghiệp, vì và liên quan trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp. Do đó Nhà nước không có trách nhiệm phải hành động gì.

Các ý kiến ủng hộ thì cho rằng tranh chấp trong khuôn khổ WTO là những tranh chấp thương mại thuần túy giữa các Chính phủ thành viên WTO và kinh nghiệm 15 năm vận hành của cơ chế này với hơn 400 vụ việc được giải quyết với sự can dự của hầu hết các thành viên WTO cho thấy kết quả của các vụ tranh chấp trong WTO không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác và thương mại giữa các thành viên WTO với nhau. Thậm chí, các nước nhỏ đang tận dụng rất hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp này để bảo vệ các quyền và lợi ích thương mại chính đáng của mình một cách bình đẳng, công bằng, theo các nguyên tắc pháp luật trong mối quan hệ với các nước lớn.

Các ý kiến này cũng đồng tình với các phân tích được đưa ra trong đề xuất của VCCI và VASEP về khả năng thắng của Việt Nam trong vụ việc. Từ góc độ pháp lý, đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể “chắc thắng” vụ đầu, bởi vấn đề không phải lựa chọn đối thủ nào để kiện mà là lựa chọn vấn đề nào để kiện. Đối thủ có thể lớn nhưng vấn đề kiện chắc thắng thì sẽ tốt hơn nhiều khi chọn một đối thủ “làng nhàng” nhưng ta lại đuối lý.

Các ý kiến này nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam cũng như lợi ích mà Việt Nam phải đánh đổi bằng việc mở cửa thị trường để trở thành thành viên WTO không bị vô hiệu hóa trong thực tế do những vi phạm của các nước thành viên WTO khác là quan trọng và đó trước hết phải là trách nhiệm của Chính phủ. Hơn nữa, theo quy định của WTO, chỉ có Chính phủ mới có đủ tư cách để tham gia vào các tranh chấp trong khuôn khổ WTO. Vì vậy nếu Chính phủ không đứng ra, doanh nghiệp không thể tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng công cụ “cơ chế giải quyết tranh chấp WTO”.

…Và một quyết định

Bên cạnh nghiên cứu từ góc độ pháp lý và thực tiễn làm hậu thuẫn cho đề xuất Chính phủ đi kiện, với kinh nghiệm của mình trong vận động chính sách ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện một “chiến dịch vận động” sâu rộng về vấn đề này. Cụ thể, trong khoảng thời gian cuối năm 2009, đầu năm 2010, VCCI đã tiến hành phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để mở đường cho những thảo luận rộng rãi trong công chúng về việc Việt Nam có nên kiện Hoa Kỳ ra WTO hay không.

Phía VASEP, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp cũng tiến hành nhiều trao đổi trực tiếp cũng như các giải trình bằng văn bản đến các cơ quan liên quan.

Ngày 1/2/2010, Chính phủ Việt Nam đã quyết định gửi đề nghị tham vấn tới Hoa Kỳ về vấn đề này, bước đầu tiên của quá trình giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.

Cỗ xe đã chuyển bánh như vậy. Với tiếng reo hò của rất nhiều người đã ghé vai thúc đẩy, đã chung tay chạy đà

…Những người thầm lặng…

Mặc dù VCCI và VASEP đã có đóng góp rất tích cực và phối hợp tốt với các Cơ quan Nhà nước liên quan trong việc khởi xướng vụ kiện, lựa chọn luật sư tư vấn cũng như cung cấp các thông tin được yêu cầu, hai đơn vị này dường như vẫn đứng bên ngoài quá trình giải quyết tranh chấp chính thức. VCCI chưa một lần được các cơ quan liên quan thông tin chính thức về diễn tiến cũng như những nội dung liên quan của vụ việc. VCCI cũng không được tham vấn trong các báo cáo của phía Việt Nam cho vụ việc này. Về vấn đề này, trong so sánh với VCCI, VASEP “may mắn” có cơ hội hơn một chút trong việc theo dõi vụ việc này, điều này tuy nhiên có lẽ lại chủ yếu xuất phát từ lý do luật sư được Chính phủ thuê trong vụ việc cũng đồng thời là luật sư tư vấn trong vụ tôm tại Hoa Kỳ hiện tại của VASEP và các doanh nghiệp.

Nếu được tham gia, các Hiệp hội có thể có những tư vấn để các luật sư và các cơ quan liên quan có thêm những thông tin pháp lý và thực tiễn từ góc độ của họ. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta nói “trí tuệ trong nhân gian”, việc huy động kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của các hiệp hội/doanh nghiệp trong các vấn đề này không bao giờ là thừa. Hơn nữa, việc cho phép các Hiệp hội tham gia và tiếp cận thông tin vụ kiện sẽ mang đến cho họ những kinh nghiệm quý báu, từ đó có thể làm tốt hơn nữa trong những vụ kiện WTO khác trong tương lai. “Vừa học vừa làm” từ lâu đã được biết tới như một phương pháp xây dựng và nâng cao năng lực tiết kiệm và hiệu quả.

Dù còn nhiều điều băn khoăn, “trận mở màn” của Việt Nam trong WTO vậy cũng được xem là một câu chuyện đẹp, ít nhất vì một kết thúc có hậu. Và với những người đã dũng cảm đứng lên phất ngọn cờ hồng, chỉ điều này thôi đã là một niềm vui lớn, khích lệ họ trong chặng đường tiếp theo. Chi mong rằng các cơ quan Nhà nước cũng có cùng niềm khích lệ và cởi mở như vậy…

Tóm tắt những nét chính của vụ kiện DS404
Nguyên đơn: Việt Nam
Bị đơn: Hoa Kỳ
Các bên thứ ba: Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ
Bắt đầu tham vấn: 01/02/2010
Ngày công bố Báo cáo của Ban hội thẩm: 11/7/2011
Kết quả chủ yếu:
Báo cáo của Ban Hội thẩm đã:
- Ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam về phương pháp "quy về 0" mà Hoa Kỳ áp dụng trong các điều tra rà soát hành chính: Ban Hội thẩm kết luận phương pháp này của Hoa Kỳ (áp dụng trong các rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam) là vi phạm Điều 2.4 và 9.3 Hiệp định về chống bán phá giá của WTO. Kết luận này phù hợp với kết luận trong nhiều tranh chấp trước đây của WTO về vấn đề tương tự;
- Bác khiếu kiện của Việt Nam về việc Hoa Kỳ hạn chế số lượng bị đơn bắt buộc: Đây là khiếu kiện duy nhất trong vụ việc mà Việt Nam chưa thắng (lý do là khiếu kiện này chỉ mang tính nguyên tắc, trong thực tế điều tra vụ tôm, không có doanh nghiệp nào trong diện liên quan);
- Ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam về việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế suất không phù hợp cho các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn: Do Hoa Kỳ đã sử dụng phương pháp "Quy về 0" trong tính toán mức thuế suất được sử dụng để áp cho các bị đơn bắt buộc, mà phương pháp quy về 0 đã bị xác định là vi phạm nên mức thuế suất dựa trên phương pháp này cũng bị xem là vi phạm. Đây là một "chiến thắng gián tiếp" của Việt Nam trong đó dù Ban Hội thẩm chưa đề cập trực tiếp đến vấn đề của Việt Nam nhưng đưa ra kết luận ủng hộ Việt Nam vì một lý do gián tiếp khác;
- Ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam về phương pháp tính mức thuế suất toàn quốc của Hoa Kỳ: Ban Hội thẩm kết luận phương pháp này của Hoa Kỳ vi phạm Điều 9.4 Hiệp định về chống bán phá giá. Đây là lần đầu tiên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO có kết luận về vấn đề này, vì vậy đây được xem là một thắng lợi rất đáng kể của Việt Nam, có ý nghĩa với rất nhiều vụ việc sau này, nếu có, ở Hoa Kỳ của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Khuyến nghị của Ban Hội thẩm:
Từ các phán quyết về từng vấn đề nêu trên, Ban Hội thẩm kết luận Hoa Kỳ có các hành vi vi phạm các điều khoản của Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định GATT 1994 và điều này đã gây tổn hại tới quyền lợi của Việt Nam theo các Hiệp định này. Vì vậy, Ban Hội thẩm khuyến nghị Hoa Kỳ điều chỉnh các biện pháp liên quan cho phù hợp các Hiệp định nêu trên (theo Điều 19.1 DSU).

Báo cáo này đã không bị Hoa Kỳ kháng nghị và được DSB thông qua ngày 1/9/2011.

 

Quảng cáo sản phẩm