1 nghiên cứu thực tế về việc khởi xướng điều tra và phán quyết CPPG của US

05/08/2008 12:00 - 1411 lượt xem

Tác giả:

Mustapha Sadni-Jallab - Uỷ ban kinh tế Liên hợp quốc về Châu Phi – GATE
Rene Sandretto
- Trường đại họcLyon 2-GATE
Robert M.Feinberg - Trường đại học Mỹ

3/2005

 

Lời mở đầu

Bài báo này nghiên cứu mối quan hệ giữa các thủ tục chống bán phá giá và những nhân tố kinh tế vĩ mô ở Mỹ và EU. Trong khi những nghiên cứu gần đây xem xét tác động của tăng trưởng kinh tế trong nước và tỷ giá hối đoái lên những đơn kiện chống bán phá giá thì bài báo này mở rộng các nghiên cứu đó bằng việc sử dụng những số liệu hàng quý và mở rộng các dấu hiệu kinh tế vĩ mô bao gồm cả tỉ lệ thâm nhập nhập khẩu. Một đóng góp khác của bài báo là điều tra đầy đủ hơn các tác động của hiện tượng kinh tế vĩ mô đến các phán quyết chống bán phá giá của những cơ quan có thẩm quyền liên quan. Chúng tôi sử dụng những số liệu vụ việc cụ thể ở Mỹ và EU để nghiên cứu tác động của các nhân tố kinh tế vĩ mô và nhân tố ngành đến thành công của các vụ kiện. Về ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế vĩ mô đến hành động đệ đơn kiện chống bán phá giá (và thắng kiện) ở cả Mỹ và EU thì chống bán phá giá chỉ nhằm bảo hộ nhập khẩu chứ không phải là để bảo đảm cạnh tranh thương mại bình đẳng. Điều này cho thấy cần phải cải cách các quy định của WTO về quản lý thi hành các luật lệ thương mại quốc tế.

Giới thiệu: Chống bán phá giá và các nhân tố kinh tế vĩ mô

Việc tiến hành các biện pháp chống bán phá giá ở cả Mỹ và EU phụ thuộc vào yêu cầu cho từng trường hợp cụ thể để xác định hành vi bán phá giá (hay bán thấp hơn “giá trị thực tế”) và thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước. Điều này cho thấy có vẻ như không cần xem xét đến các điều kiện kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong thực tế thì những điều kiện này lại có liên quan. Nếu như nền kinh tế trong nước phát triển thì nhu cầu cho hầu hết các sản phẩm đều tăng. Nhà xuất khẩu khi đó chỉ cần tăng giá xuất khẩu, cet. par., để giảm khả năng bị kiện bán phá giá. Ngược lại, trong tình trạng suy thoái thì nhà xuất khẩu lại giảm giá để giữ vững thị phần do đó làm tăng khả năng bị kiện bán phá giá.

Tương tự như vậy, việc nâng giá đồng nội tệ sẽ giảm khả năng bán phá giá và do đó giảm khả năng bị kiện chống bán phá giá (vì nhà xuất khẩu sẽ được lãi từ việc giảm giá đồng nội tệ hơn so với việc giảm giá xuất khẩu). Việc phá giá tiền tệ sẽ làm tăng khả năng bán phá giá vì nhà xuất khẩu sẽ giảm mức lợi nhuận ở nước ngoài để tránh việc phải tăng giá dẫn đến giảm cạnh tranh trên những thị trường này.

Tất nhiên là những nhà sản xuất trong nước muốn đệ đơn kiện cũng hiểu rằng họ phải chứng minh được mức thiệt hại mà họ phải chịu từ việc bán phá giá. Nhưng họ dự đoán được những cơ hội của mình khi thuyết phục được cơ quan pháp luật rằng những tổn thất mà họ phải chịu từ việc bán phá giá lớn hơn từ sự yếu kém của ngành sản xuất trong nước. Cũng như vậy, càng nhập khẩu nhiều thì càng dễ chứng minh tổn thất. Cả hai trường hợp trên đều có thể xảy ra khi đồng nội tệ tăng giá.

Những ảnh hưởng của chu kỳ kinh doanh lên phán quyết chống bán phá giá rất rõ ràng. Việc mở rộng, cet. par., sẽ giảm đơn kiện. Tương tự, tăng nhập khẩu sẽ làm tăng số lượng đơn kiện. Nhưng, ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái ít rõ ràng hơn. Nâng giá đồng bản tệ sẽ khiến giảm khả năng bán phá giá khó hơn nhưng mức độ rủi ro lại cao hơn. Tất nhiên là bất kỳ ảnh hưởng nào của các nhân tố kinh tế vĩ mô đều phụ thuộc vào quyết định của những cơ quan chính phủ, liệu họ có coi đó là những nhân tố liên quan đến vụ kiện hay không (hay chỉ đơn thuần là một nhân tố tình huống cụ thể).

Có rất ít bằng chứng thực tế về vấn đề này trước đây. Feinberg (1989) đã tìm ra những chứng cứ của mối quan hệ tiêu cực giữa những đơn kiện chống bán phá giá và đối kháng chống lại 4 quốc gia mục tiêu và tỷ lệ hối đoái thực quốc gia . Ngược lại, Knetter và Prusa (2003) lại thấy mối quan hệ tích cực trong những số liệu gần đây (và chỉ số liệu về chống bán phá giá). Một cách giải thích cho sự khác biệt này là hơn 20 năm qua chỉ có 3% của những đơn kiện chống bán phá giá bị Bộ Thương Mại Mỹ từ chối. Chỉ cần người đệ đơn kiện chỉ ra được dấu hiệu bán phá giá và tập trung thuyết phục ITC về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, vai trò của tỷ giá hối đoái trong việc đưa ra phán quyết sẽ trở thành những ảnh hưởng tích cực của sự nâng giá đồng đôla.

Knetter và Prusa (2003) tìm ra chứng cứ thuyết phục dựa trên những hồ sơ mục tiêu cụ thể hàng năm ở 4 khu vực: Úc,Canada, EU và Mỹ về cả những ảnh hưởng tích cực của việc nâng giá tiền tệ và ảnh hưởng tiêu cực của tăng trưởng GDP. Họ thử hạn chế phân tích của mình trong một mẫu gồm một số quốc gia mục tiêu và trong khoảng thời gian mà Feinberg (1989) đã sử dụng. Kết quả là họ đã tìm thấy ảnh hưởng tiêu cực (dù không quan trọng) và kết luận những kết quả ban đầu đó là đặc trưng cho mẫu và thời gian đã chọn. Trong nghiên cứu của Feinberg (2004) các kết quả của Knetter và Prusa được lặp lại - chỉ ở Mỹ - khi xem xét những số liệu hàng quý, và những thay đổi để thích nghi với các hiện tượng kinh tế vĩ mô được giải thích bởi những người đệ đơn kiện tìm hiểu về việc thực thi chống bán phá giá của Mỹ từ trước đến nay. Irwin (2005) lại quay ngược thời gian nhiều hơn những nghiên cứu khác nhằm giải thích nguyên nhân của các vụ kiện chống bán phá giá nhưng lại tiếp tục tìm thấy dấu hiệu của các tác nhân kinh tế vĩ mô.

Tất nhiên là những người đệ đơn được khuyến khích bởi viễn cảnh là sẽ giành thắng lợi. Bắt đầu với Finger et al. (1982), các nhà kinh tế học đã kiểm chứng thực tế tác động của các nhân tố chính trị và kinh tế đến phán quyết chống bán phá giá của Mỹ. Những nghiên cứu gần đây hơn bao gồm Moore (1992), De Vault (1993) và Hansen và Prusa (1997). Các nghiên cứu về EU có Tharakan, Waelbroeck (1991), Eymann và Schknecht (1993). Mặc dù các kết quả của từng nghiên cứu đưa ra có đôi chút khác biệt nhưng kết luận chung vẫn là các phán quyết này chịu tác động bởi các nhân tố kinh tế vĩ mô, bảo hộ giá thuê nhân công và nguồn vốn đồng thời cũng chịu tác động của các nhân tố chính trị nhưng không phải là chủ đạo. Sau khi xem xét các phán quyết, Feinberg (2004) đã điều tra 473 vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ diễn ra từ năm 1981 đến 1998, và tìm ra những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định có lợi cho nhưng người đệ đơn kiện bao gồm cả các nhân kin tế vĩ mô và nhân tố ngành.

Quảng cáo sản phẩm