Tổng quan tình hình phòng vệ thương mại Việt Nam năm 2022

20/05/2024 03:14 - 289 lượt xem

1. Các vụ việc do Việt Nam điều tra, áp dụng với hàng hóa nhập khẩu trong năm 2022


Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV). Đây là các công cụ chính sách có tính chất hạn chế thương mại được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực được ký kết trên thế giới nhìn chung cũng thừa nhận các công cụ chính sách này. Nguyên tắc chung của các biện pháp PVTM là các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp mà không vi phạm cam kết trong WTO hoặc cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

 

Để đi đến quyết định áp dụng một biện pháp PVTM, các hiệp định của WTO quy định nước nhập khẩu phải tiến hành một quy trình điều tra, đánh giá trên cơ sở thu thập thông tin từ các bên liên quan, trong đó có thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu. Quy trình điều tra này có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Nếu các đánh giá cho thấy các điều kiện áp dụng biện pháp PVTM được đáp ứng, nước nhập khẩu mới có thể đưa ra quyết định áp dụng biện pháp PVTM. Tại Việt Nam, quy trình điều tra này được cụ thể hóa trong Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp lý liên quan.

 

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 16 vụ việc CBPG, 01 vụ việc CTC, 06 vụ việc TV và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM (CLT). Riêng trong năm 2022, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, rà soát và ra quyết định liên quan đến 06 vụ việc, trong đó có 05 vụ việc Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng hoặc tiếp tục áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục thực hiện rà soát 07 biện pháp PVTM để cân nhắc điều chỉnh mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật.

 

1.1. Áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp
a. Các vụ việc đã hoàn thành điều tra, rà soát
- Rà soát cuối kỳ biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép mạ nhập khẩu được áp dụng từ tháng 4 năm 2017. Ngày 4 tháng 6 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát cuối kỳ để đánh giá có cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp CBPG hay không và mức độ áp dụng trong trường hợp tiếp tục duy trì biện pháp.


Kết quả điều tra cho thấy, sau 5 năm áp dụng biện pháp CBPG, ngành sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại đáng kể và trước mắt hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng không có khả năng tái diễn thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đồng thời không có cơ sở để khẳng định hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục tái diễn hành vi bán phá giá nếu chấm dứt biện pháp CBPG. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 12 tháng 5 năm 2022, Bộ Công Thương đã quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

 

- Rà soát cuối kỳ biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu được áp dụng từ tháng 9 năm 2017. Ngày 13 tháng 10 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát cuối kỳ để đánh giá có cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp CBPG hay không và mức độ áp dụng trong trường hợp tiếp tục duy trì biện pháp.


Kết quả rà soát cho thấy, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục tái diễn hành vi bán phá giá nếu chấm dứt biện pháp CBPG và mặc dù ngành sản xuất trong nước đã bắt đầu khôi phục so với thời điểm năm 2015 khi bắt đầu trong giai đoạn hình thành nhưng có khả năng sẽ tiếp tục bị thiệt hại đáng kể nếu chấm dứt biện pháp CBPG.

 

Biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép hình H có xuất xứ từ Trung Quốc đã có tác động tích cực trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Về cơ bản tại thời điểm năm 2015, ngành sản xuất trong nước mới chỉ bắt đầu được hình thành thì đến nay Việt Nam đã có ngành sản xuất trong nước và có khả năng cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu. Công suất của ngành sản xuất trong nước cũng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Căn cứ kết quả rà soát, ngày 19 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định gia hạn biện pháp CBPG thêm 05 năm với mức thuế CBPG được áp dụng từ 22,09% đến 33,51%.

 

- Rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen được áp dụng từ tháng 7 năm 2020. Trên cơ sở yêu cầu của các bên liên quan, ngày 21 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để xem xét việc điều chỉnh mức độ và phạm vi của biện pháp CBPG đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Căn cứ kết quả rà soát, ngày 15 tháng 7 năm 2022 Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về kết quả rà soát lần thứ nhất với mức thuế CBPG trong khoảng từ 9,45% đến 23,42%, tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.


- Rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu được áp dụng từ tháng 7 năm 2020. Trên cơ sở yêu cầu của các bên liên quan, ngày 24 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để xem xét việc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Căn cứ kết quả rà soát, ngày 6 tháng 4 năm 2022 Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về kết quả rà soát lần thứ nhất với mức thuế CBPG áp dụng trong khoảng từ 3.445.645 đồng/tấn đến 6.385.289 đồng/tấn tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.


- Điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar: Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 21 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 01 tháng 8 năm 2022 Bộ Công Thương ban hành quyết định 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sử dụng nguyên liệu đường từ Thái Lan với mức thuế CBPG là 42,99% và thuế CTC là 4,65%.
Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm vật liệu hàn nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia: Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 18 tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 15 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế CBPG chính thức trong khoảng từ 11,43% đến 36,56% tùy theo từng nhà sản xuất, xuất khẩu.

 

- Rà soát lần thứ hai biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu được áp dụng từ tháng 9 năm 2019. Trên cơ sở yêu cầu của các bên liên quan, ngày 10 tháng 6 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ hai để xem xét việc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Căn cứ kết quả rà soát, ngày 16 tháng 01 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành quyết định về kết quả rà soát lần thứ hai với mức thuế CBPG áp dụng trong khoảng từ 2,85% đến 35,58% tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.


- Rà soát nhà xuất khẩu mới đối với công ty Boxing Hengrui New Material của Trung Quốc trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu được áp dụng từ tháng 10 năm 2019 với mức thuế CBPG hiện tại được áp dụng trong khoảng từ 2,56% đến 34,27%, tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.


Trên cơ sở yêu cầu của công ty Boxing Hengrui New Material, ngày 31 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc theo quy định pháp luật. Căn cứ kết quả rà soát, ngày 18 tháng 01 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành quyết định về kết quả rà soát với mức thuế CBPG áp dụng đối với công ty Boxing Hengrui New Material là 3,88%.

 

b. Các vụ việc đang tiếp tục điều tra, rà soát
- Rà soát nhà xuất khẩu mới của Thái Lan trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia: Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới vào ngày 14 tháng 11 năm 2022 trên cơ sở đề nghị của nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan. Hiện tại, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra và thời hạn điều tra dự kiến kết thúc vào tháng 02 năm 2023.


- Rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia: biện pháp CBPG được chính thức áp dụng theo Quyết định số 2302/QĐ-BCT ngày 13 tháng 10 năm 2021 của Bộ Công Thương với mức thuế trong khoảng từ 3,36% đến 54,9% tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.


Trên cơ sở đề nghị rà soát lại mức thuế CBPG của các bên liên quan trong vụ việc, ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để xem xét việc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra. Thời hạn điều tra rà soát theo quy định là 06 tháng (có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng).

 

- Rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan: biện pháp CBPG và CTC chính thức được áp dụng theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 với mức thuế tổng cộng là 47,64%.
Trên cơ sở đề nghị rà soát của nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan, ngày 31 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để xem xét việc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG và CTC đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

- Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp CLT biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar: ngày 19 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc trên cơ sở đề nghị rà soát của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra.


- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm bàn, ghế nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia: Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 1 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bàn ghế nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra và dự kiến ban hành quyết định trong tháng 2 năm 2023.


1.2. Áp dụng biện pháp tự vệ
Trong năm 2022, Việt Nam đã và đang tiến hành điều tra rà soát cuối kỳ 02 vụ việc, bao gồm rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu và rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu.

 

- Biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng chính thức từ tháng 3 năm 2018 và đã được gia hạn một lần. Sau khi gia hạn, thời hạn áp dụng biện pháp kéo dài đến tháng 9 năm 2022 nếu không tiếp tục gia hạn. Trước khi biện pháp tự vệ hết hiệu lực, căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và yêu cầu rà soát của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, xem xét việc gia hạn biện pháp hoặc không gia hạn biện pháp theo quy định của pháp luật.

 

Sau khi tiến hành rà soát, cơ quan điều tra đánh giá không còn tồn tại hiện tượng chênh lệch giá, kìm giá, ép giá giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu là hợp lý và bổ sung nguồn cung đang thiếu của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, ngành sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại nghiêm trọng sau 05 năm áp dụng biện pháp tự vệ.

 

Dựa trên cơ sở rà soát và căn cứ theo đúng các quy định của pháp luật, ngày 14 tháng 9 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT về việc không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

 

- Biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7 năm 2016 của Bộ Công Thương và đã được gia hạn một lần. Sau khi gia hạn, thời hạn áp dụng biện pháp kéo dài đến tháng 3 năm 2023 nếu không tiếp tục gia hạn.

 

Căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và yêu cầu rà soát của ngành sản xuất trong nước, ngày 04 tháng 11 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2323/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan để tiến hành rà soát, thu thập thông tin nhằm đánh giá tác động toàn diện của vụ việc và đưa ra kết luận cuối cùng về việc xem xét gia hạn biện pháp hoặc không gia hạn biện pháp theo đúng các quy định của pháp luật.

 

2. Các vụ việc do nước ngoài điều tra, áp dụng với hàng hóa xuất khẩu trong năm 2022
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Tính đến hết tháng 12 năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 226 vụ việc điều tra liên quan đến PVTM. Riêng trong năm 2022, có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.

 

Việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM cần tuân thủ các quy định cụ thể tại các hiệp định về PVTM của WTO. Do đó, Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình vụ việc để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc PVTM cụ thể; tham gia cung cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực PVTM.

 

Các hoạt động nêu trên đã đem lại một số kết quả tích cực. Việt Nam đã xử lý thành công nhiều vụ việc điều tra PVTM nước ngoài thông qua việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp cho doanh nghiệp, Chính phủ không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu, chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với nước thứ ba. Nhờ những kết quả như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM, được dỡ bỏ lệnh áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

2.1. Thị trường Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 1.177 vụ việc và áp dụng 832 biện pháp PVTM. Tính đến hết tháng 12 năm 2022, Hoa Kỳ đã điều tra 53 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM (11 vụ). Các mặt hàng bị điều tra gồm các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, thép dây,... Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp (CTC) với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với cá tra, basa.

 

Nhờ có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, một số vụ việc đã đạt được kết quả tích cực như:

 

(i) Vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với pin năng lượng mặt trời: Khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam không bị áp thuế hoặc có thể sử dụng cơ chế tự xác nhận để được miễn áp thuế5. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác có thể tham gia cơ chế miễn thuế theo Tuyên bố ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Tổng thống Joe Biden6 với thời hạn lên đến 24 tháng;


(ii) Vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gì: Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế;


(iii) Vụ việc rà soát hành chính thuế CBPG tôm nước ấm đông lạnh: Hoa Kỳ đã hủy bỏ đợt rà soát POR14 và POR15. Mức thuế cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam được duy trì một cách tích cực: 02 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ đều ở mức 0%.


(iv) Vụ việc rà soát hành chính thuế CBPG cá tra - basa: Khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam không bị áp thuế CBPG, trong đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang.

 

2.2. Thị trường Canada
Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, Canada đã điều tra tổng cộng 362 vụ việc và áp thuế PVTM 230 vụ việc. Canada đã khởi xướng điều tra 18 vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Hiện nay, Canada đang áp dụng thuế với 07 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: ống thép hàn cacbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm. Từ năm 2021 đến nay, Canada chưa khởi xướng điều tra mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trong năm 2022, Canada tiến hành rà soát hành chính đối với sản phẩm thép ống dẫn dầu (OCTG) của Việt Nam. Theo đó, mức thuế CBPG áp dụng cho tất cả các nhà xuất khẩu OCTG của Việt Nam là 37,4%. Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 06 tháng 9 năm 2022.

 

2.3. Thị trường Mexico
Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, Mexico đã điều tra tổng cộng 188 vụ việc và áp dụng 155 biện pháp PVTM. Mexico đã điều tra 02 vụ việc CBPG với mặt hàng thép mạ (2021) và thép cán nguội (2022) của Việt Nam. Vụ việc với thép mạ đã ra kết luận sơ bộ vào tháng 9 năm 2022. Theo đó, mức thuế sơ bộ với các doanh nghiệp Việt Nam từ 0% - 12,34%.

 

2.4. Thị trường châu Âu
(i) Liên minh châu Âu (EU)

Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, EU đã điều tra tổng cộng 644 vụ việc và áp dụng 408 biện pháp PVTM. Đối với Việt Nam, hiện nay EU chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ có liên quan tới sản phẩm thép.

 

Trong năm 2022, EU không điều tra, áp dụng biện pháp mới nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đối với biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép, tháng 12 năm 2021, EU thông báo rà soát định kỳ hàng năm biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này. Tháng 5 năm 2022, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ra quyết định cuối cùng của vụ việc rà soát. Theo đó, Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch chung với các nước khác theo từng quý đối với một số sản phẩm thép xuất khẩu sang EU tới 30 tháng 6 năm 20248.

 

(ii) Vương quốc Anh
Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, Vương quốc Anh đã điều tra tổng cộng 04 vụ việc PVTM và áp dụng 01 biện pháp PVTM (biện pháp tự vệ thời kỳ chuyển tiếp với sản phẩm thép).

 

Theo Thỏa thuận rút khỏi EU, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Vương quốc Anh không còn là thành viên của EU và việc áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép được tiến hành độc lập giữa EU và Vương quốc Anh. Sau sự kiện này, cả Vương quốc Anh và EU đều tiến hành rà soát và cập nhật lại các biện pháp PVTM đang được áp dụng.

 

Đối với Việt Nam, hiện nay Vương quốc Anh chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép. Tháng 3 năm 2022, Cơ quan PVTM Vương quốc Anh khởi xướng điều tra rà soát biện pháp tự vệ với sản phẩm thép. Tháng 6 năm 2022, Cơ quan PVTM Vương quốc Anh ban hành báo cáo kết luận cuối cùng, theo đó, Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan riêng theo từng quý và áp dụng hạn ngạch thuế quan còn dư đối với một số sản phẩm thép từ 1/7/2022 đến 30/6/20248.

 

2.5. Thị trường Ấn Độ
Theo thống kê của WTO, Ấn Độ là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 1.188 vụ việc và áp dụng 810 biện pháp PVTM. Đối với Việt Nam, Ấn Độ đã điều tra 30 vụ việc PVTM.

 

Trong năm 2022, Ấn Độ khởi xướng điều tra 01 vụ việc CBPG (tấm trải sàn vinyl), 01 vụ việc điều tra rà soát nhà xuất khẩu mới (trong vụ việc Ấn Độ áp thuế CTC đối với ống đồng) đối với Việt Nam và 01 vụ việc tự vệ (hạt nhựa PPC). Hiện nay có 04 vụ việc đang trong quá trình điều tra (CBPG tấm trải sàn vinyl, CBPG pin năng lượng mặt trời, rà soát nhà xuất khẩu mới ống đồng, tự vệ hạt nhựa PPC), 10 biện pháp PVTM đang được áp dụng (4 biện pháp CTC với sản phẩm dây đồng, ván sợi gỗ, ống thép, ống đồng và 6 biện pháp CBPG đối với đĩa CD-R, sợi định hướng toàn phần, bộ đồ ăn và dụng cụ làm bếp, pin khô AA, khuôn in kỹ thuật số, sợi nylon filament), 17 vụ việc đã hết hạn áp thuế hoặc được chấm dứt điều tra/ áp thuế (gồm 13 biện pháp CBPG đối với sợi kéo giãn toàn phần, đĩa DVD, máy chế biến nhựa, gỗ MDF, thước dây, sợi spandex, thép mạ hợp kim nhôm kẽm và sợi polyester spun yarn, gỗ MDF từ 6mm trở lên, sợi stapble nhân tạo, chất phụ gia chlorine chloride, thép cuộn không gỉ cán phẳng, đèn huỳnh quang và 04 biện pháp tự vệ đối với thép cuộn/tấm cán nóng, sợi đàn hồi thô và thép không gỉ cán nguội, bột năng).

 

2.6. Thị trường ASEAN
Trong số các quốc gia thành viên của ASEAN, 04 quốc gia có sử dụng các biện pháp PVTM là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Thái Lan và Malaysia chủ yếu sử dụng biện pháp CBPG, Indonesia sử dụng cả biện pháp CBPG và TV trong khi Philippines chủ yếu sử dụng biện pháp TV.

 

Theo số liệu thống kê của WTO, tính tới hết tháng 6 năm 2022, Malaysia đã điều tra tổng cộng 115 vụ việc và áp dụng 70 biện pháp PVTM. Malaysia đã tiến hành điều tra 10 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ năm 2021, Malaysia chưa khởi xướng điều tra vụ việc PVTM mới với Việt Nam. Hiện nay, Malaysia đang áp dụng biện pháp PVTM với 07 sản phẩm của Việt Nam, đều là các sản phẩm thép gồm thép mạ, thép cuộn cán nguội, thép mạ hợp kim nhôm kẽm,...

 

Trong năm 2022, Malaysia tiến hành rà soát thuế CBPG đối với 02 sản phẩm thép cuộn cán nguội/thép không hợp kim có chiều rộng lớn hơn 1300mm và thép cuộn cán nguội hợp kim/không hợp kim có độ dày từ 0,2 đến 2,6mm và chiều rộng từ 700 mm đến 1.300 mm của Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê của WTO, tính tới hết tháng 6 năm 2022, Indonesia đã điều tra tổng cộng 182 vụ việc và áp dụng 95 biện pháp PVTM. Indonesia đã tiến hành điều tra 11 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ năm 2021, Indonesia chưa khởi xướng điều tra vụ việc PVTM mới với Việt Nam.

 

Trong năm 2022, Indonesia đã tiến hành rà soát cuối kỳ nhằm gia hạn biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm sợi và vải nhập khẩu vào Indonesia. Căn cứ kết quả rà soát, Indonesia đã quyết định tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm sợi và vải nhập khẩu thêm 03 năm đến năm 2025.

 

Theo số liệu thống kê của WTO, tính tới hết tháng 6 năm 2022, Philippines đã điều tra tổng cộng 115 vụ việc và áp dụng 22 biện pháp PVTM. Philippines đã tiến hành điều tra 13 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Đối với vụ việc điều tra CBPG đối với xi măng của Việt Nam, ngày 16 tháng 12 năm 2022, Philippines đã ban hành Lệnh áp thuế, trong đó xác định thuế CBPG đối với từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia điều tra từ 1,43 USD/MT tới 16,42 USD/MT. Ngoài ra, Philippines đã quyết định chấm dứt thuế tự đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê của WTO, tính tới hết tháng 6 năm 2022, Thái Lan đã điều tra tổng cộng 105 vụ việc và áp dụng 66 biện pháp PVTM. Thái Lan đã tiến hành điều tra 08 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 06 vụ việc CBPG và 02 vụ việc tự vệ. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm: thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn; ống và ống dẫn bằng thép hàn, ống thép không gỉ; tôn phủ màu; tôn lạnh và thép các-bon cán nguội dạng cuộn hoặc không cuộn.

 

Trong năm 2022, Thái Lan tiến hành rà soát cuối kỳ 02 vụ việc CBPG, bao gồm vụ việc thép mạ hợp kim nhôm kẽm, thép phủ màu và vụ việc ống thép không gỉ.

 

2.7. Thị trường Australia
Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2022, Australia đã điều tra tổng cộng 423 vụ việc và áp dụng 194 biện pháp PVTM, trong đó có 18 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trong năm 2022, Australia đã thông báo chính thức chấm dứt lệnh áp thuế CBPG đối với sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Australia khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm amoni nitrat nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện nay cơ quan điều tra Australia đang tiến hành điều tra vụ việc và thu thập thông tin từ các bên, dự kiến ban hành kết luận sơ bộ vào tháng 3 năm 2023.

 

2.8. Thị trường Đông Bắc Á
Các thị trường khu vực Đông Bắc Á có xu hướng ít điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, không phát sinh vụ việc điều tra mới liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tại thị trường Hàn Quốc, tháng 6 năm 2022, Cơ quan điều tra đã quyết định áp thuế CBPG ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế CBPG từ 9,98% đến 14,78%. Tuy vậy, các thị trường này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro khi thường xuyên rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu. Không loại trừ khả năng trong tương lai gần, các thị trường này có thể khởi động các vụ kiện PVTM mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam/

 

3. Tăng cường đấu tranh chống các hành vi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thưng mại
Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, diễn ra theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau. Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại thể hiện rõ nét nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giới. Không chỉ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu. Khi một quốc gia bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp của quốc gia này có xu hướng tìm kiếm các cách thức khác để có thể tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đang áp dụng biện pháp PVTM, từ đó có thể phát sinh các hành vi lẩn tránh thuế PVTM như gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba hoặc dịch chuyển đầu tư. Mặt khác, để bảo đảm hiệu quả của các biện pháp PVTM, các quốc gia áp dụng biện pháp cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu để phát hiện các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM. Trong trường hợp phát hiện hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, nước áp dụng biện pháp có xu hướng tiến hành các cuộc điều tra lẩn tránh để mở rộng phạm vi áp dụng đến hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi lẩn tránh xảy ra, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Các vụ việc mà Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa của Trung Quốc nghi ngờ chuyển tải qua nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, để lẩn tránh các mức thuế cao do Hoa Kỳ áp dụng là ví dụ điển hình.

 

Mặc dù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như sự thiếu kiến thức về pháp luật PVTM nói chung cũng như pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM nói riêng của các doanh nghiệp Việt Nam, thiếu thông tin về các vụ việc PVTM đang áp dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt... Bên cạnh đó, có thể có một số doanh nghiệp cá biệt lợi dụng chính sách đầu tư, chính sách thuận lợi hóa thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.

 

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững; đồng thời tránh việc các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài.

 

Do đó, ngày 04 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

 

Thực hiện các chủ trương nói trên, thời gian qua, các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

 

Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7 năm 2019 tới hết tháng 12 năm 2022, đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, tủ gỗ, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, ghế bọc đệm, pin năng lượng mặt trời, ống thép… Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Đồng thời, các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.

 

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan điều tra nước ngoài làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM; đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM. Các nỗ lực của Việt Nam đã được một số đối tác ghi nhận và đánh giá cao.

Nguồn: Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, Bộ Công Thương

Quảng cáo sản phẩm