Phòng vệ thương mại - Công cụ tháo gỡ khó khăn và bảo vệ sản xuất trong nước

05/07/2021 12:00 - 1439 lượt xem

Việc Việt Nam tham gia ngày càng mạnh mẽ vào các hiệp định thương mại (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu rộng nền kinh tế toàn cầu.

Thực hiện cam kết theo các FTA, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại quan trọng. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực. Bài viết đề cập đến việc áp dụng các biện phápphòng vệ thương mại (PVTM), công cụ để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.

1. Đặt vấn đề

PVTM là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này được áp dụng trong điều kiện thương mại công bằng, là “van” an toàn trong một khoảng thời gian nhất định khi hàng hóa nhập khẩu đang cạnh tranh chính đáng với hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp này, nước áp dụng có thể sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ nước bị áp dụng. Do đó, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được WTO, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép các thành viên sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế, các ngành sản xuất trong quá trình tự do hóa thương mại. Việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo thống kê, đến nay, tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó 15 FTA đang thực thivà triển khai).Thời gian qua, pháp luật về PVTM ra đời và đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu.

Cụ thể, năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 về chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Kèm theo đó, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan cũng ban hành các Nghị định và Thông tư chi tiết hướng dẫn thi hành các điều trong các pháp lệnh nêu trên. Vì vậy, việc tìm hiểu và áp dụng các biện pháp PVTM như là công cụ để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước là cần thiết.

2. Các xu hướng bảo hộ thương mại

Theo Tổ chức Cảnh báo thương mại toàn cầu (Global Trade Alert - GTA), kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử… Xu hướng bảo hộ trở nên rõ ràng hơn so với những năm sau đó. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, GTA đã ghi nhận 539 biện pháp bảo hộ, nhiều hơn so với 407 biện pháp bảo hộ trong cùng kỳ năm 2014 và 183 biện pháp được triển khai trong 10 tháng đầu năm 2012.

Tại châu Âu, xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện rõ nét nhất khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý (Brexit) vào năm 2016, tạo ra các điều kiện, cơ hội để nước Anh đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.

Tại Mỹ, ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trênhết”. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bảo hộ thương mại đã lên đến đỉnh điểm tính đến thời điểm hiện nay là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra khi Quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2018. Trung Quốc sau đó cũng đã áp dụng các biện pháp đáp trả.

Trung Quốc vốn được đánh giá là hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng đang theo đuổi chính sách giảm nhập khẩu từ các nước bằng các biện pháp bảo hộ những mặt hàng, sản phẩm sản xuất ở trong nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu nước này ra thị trường thế giới.

Báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ trung tuần tháng 10/2015 đến trung tuần tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, trung bình mỗi tháng áp dụng 21 biện pháp, nhiều hơn so với mức trung bình 17 biện pháp/tháng trong giai đoạn 7 tháng trước đó, trong đó chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá. Đây cũng là mức trung bình tháng cao nhất kể từ năm 2011, thời điểm ghi nhận những biện pháp hạn chế thương mại đạt kỷ lục.

Tại Việt Nam, cụ thể, kể từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 16 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 10 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 6 vụ việc điều tra tự vệ. Trên cơ sở tiến hành điều tra một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng 13 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu. Các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp thuộc các nhóm hàng sắt thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm. Đây hầu hết là những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Thực tế cho thấy, các biện pháp PVTM đã đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển.

Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng, góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

3. Biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA

Theo thống kê, đến nay, tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong các FTA kể trên, CPTPP và EVFTA được coi là FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực phi thương mại. Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép, áp dụng một số biện PVTM trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.

Hiện nay, các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới đều đã có điều khoản về PVTM. Hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ rào cản đối với thương mại và các thành viên tham gia FTA đều kỳ vọng sẽ hạn chế, hoặc không áp dụng các biện pháp PVTM trong nội khối. Tuy nhiên, việc loại bỏ rào cản thuế quan trong FTA đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp PVTM, vì các ngành sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tìm kiếm sự bảo vệ khii cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Về PVTM, các FTA thế hệ mới có nhiều điểm kế thừa và phát huy, nội dung quy định chặt chẽ hơn so với các FTA trước đó. Chẳng hạn như: CPTPP khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định về biện pháp tự vệ của WTO, tuy nhiên, bổ sung thêm một quy trình tự vệ mới bên cạnh quy trình tự vệ theo WTO. Theo đó, các nước có thể duy trì 2 nhóm biện pháp tự vệ, bao gồm: tự vệ toàn cầu (tự vệ theo WTO như trước nay vẫn áp dụng) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP).

Thông thường, PVTM bao gồm 3 biện pháp cơ bản, như: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Trong khi đó, biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.

Về biện pháp tự vệ toàn cầu, chương PVTM trong Hiệp định CPTPP bổ sung thêm quy định mang tính WTO+, đó là khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu, một nước thành viên có thể loại trừ hàng hóa nhập khẩu từ một nước thành viên CPTPP khác trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó không phải là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng.

Với cam kết CPTPP, một nước CPTPP khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ các sản phẩm có xuất xứ mà áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc nằm trong danh mục cắt giảm thuế của nước đó, nếu việc nhập khẩu các hàng hoá này không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước đó. Nói cách khác, khi một nước CPTPP áp dụng một biện pháp tự vệ toàn cầu, có thể loại trừ không áp dụng đối với các hàng hoá có xuất xứ từ một nước CPTPP khác.

4. Giải pháp PVTM trong thời gian tới

Các biện pháp PVTM hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích áp dụng là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu. Khi tham gia các FTA, việc hiểu rõ các quy định cũng như vận dụng các biện pháp PVTM là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia một loạtFTA, sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến PVTM trong các FTA mà Việt Nam cần chú ý. Để ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM, bảo đảm quyền, lợi ích trong hoạt động thương mại quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như sau:

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước:

Tiếp tục triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”. Đồng thời, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa theo hướng bổ sung điều chỉnh các quy định cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ;

Hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin về hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và biện pháp để đáp ứng quy tắc xuất xứ;

Đào tạo về PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là hiệp hội, ngành hàng trong nước đồng thời cung cấp thông tin PVTM cho các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước;

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động xử lý lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.

Đối với các doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp cần làm quen và có chiến lược ứng phó phù hợp;

- Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu;

- Cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng. Thận trọng trong việc tăng công suất, đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu khi chỉ phụ thuộc vào thị trường duy nhất. Không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp;

- Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

- Cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến PVTM trong tương lai có thể xảy ra. Tích cực tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp và liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành.

Thời gian vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động như cảnh báo sớm; trao đổi thường xuyên với các hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; đồng thời tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; gửi thư tham vấn đưa ra quan điểm ngoại giao và phân tích kỹ thuật về số liệu trước cơ quan điều tra của nước ngoài đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của WTO. Ngoài ra, Cục đã tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo phổ biến kiến thức về PVTM cho các DN trên khắp cả nước, nhất là các địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai,…

5. Kết luận

Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những ưu đãi về giảm thuế, các đối tác trong hiệp định FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ PVTM trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác trong hiệp định FTA điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành. Do đó, cần chủ động ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM là giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi các vụ kiện và đảm bảo giữ vững thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
 
Quảng cáo sản phẩm