Tổng quan tình hình phòng vệ thương mại Việt Nam năm 2023

20/05/2024 03:32 - 289 lượt xem

1. Các vụ việc do Việt Nam điều tra, áp dụng với hàng hóa nhập khẩu trong năm 2023
Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV). Đây là các công cụ được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các FTA nhìn chung cũng thừa nhận các công cụ chính sách này. Nguyên tắc chung của các biện pháp PVTM là các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp mà không vi phạm cam kết trong WTO hoặc cam kết trong các FTA nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

 

Để đi đến quyết định áp dụng một biện pháp PVTM, các hiệp định của WTO quy định nước nhập khẩu phải tiến hành một quy trình điều tra, đánh giá trên cơ sở thu thập thông tin từ các bên liên quan, trong đó có thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu. Quy trình điều tra này có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Nếu các đánh giá cho thấy các điều kiện áp dụng biện pháp PVTM được đáp ứng, nước nhập khẩu mới có thể đưa ra quyết định áp dụng biện pháp PVTM. Tại Việt Nam, quy trình điều tra này được cụ thể hóa trong Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp lý liên quan.

 

Đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 27 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 18 vụ việc CBPG, 01 vụ việc CTC, 06 vụ việc TV và 02 vụ việc CLT.

 

Trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý 05 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG với 02 vụ việc, đối với 03 hồ sơ còn lại, Bộ Công Thương đang tiếp tục đề nghị ngành sản xuất trong nước hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã hoàn thành rà soát với 07 vụ việc và triển khai điều tra, rà soát với 04 vụ việc rà soát các biện pháp PVTM đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 04 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 04 vụ việc rà soát hàng năm và 03 vụ việc rà soát cuối kỳ.

 

1.1. Áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp
1.1.1. Các vụ việc khởi xướng điều tra mới

Khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia: Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ của bên yêu cầu, ngày 05/7/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1704/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực. Vụ việc đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 7/2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).


Khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc: Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ của bên yêu cầu, ngày 25/9/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2494/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc. Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 9 năm 2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).

 

1.1.2. Các vụ việc rà soát
a. Rà soát nhà xuất khẩu mới

- Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép phủ màu từ Trung Quốc:

 

Vụ việc điều tra CBPG đối với một số sản phẩm thép phủ màu xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc được áp dụng từ năm 2019. Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu rà soát nhà xuất khẩu mới, Bộ Công Thương đã tiến hành khởi xướng và điều tra theo quy định pháp luật. Ngày 18/01/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 84/QĐ-BCT về kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc.

 

- 02 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG, CTC đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan. Biện pháp CBPG, CTC đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar được áp dụng từ năm 2022

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu rà soát nhà xuất khẩu mới nộp vào tháng 9/2022 từ nhà xuất khẩu Campuchia, Bộ Công Thương đã tiến hành khởi xướng và điều tra theo quy định pháp luật. Ngày 28/3/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 783/QĐ-BCT về kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc. Tháng 6/2023, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu rà soát nhà xuất khẩu mới từ một nhà sản xuất xuất khẩu khác của Campuchia. Trên cơ sở thẩm định hồ sơ theo quy định, ngày 11/12/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3180/QĐ-BCT về rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 3/2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).

 

- Vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc CBPG đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen (màng BOPP) nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia:


Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen được áp dụng từ tháng 7/2020. Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu rà soát nhà xuất khẩu mới, Bộ Công Thương đã tiến hành khởi xướng và điều tra theo quy định pháp luật. Ngày 02/6/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1317/QĐ- BCT về kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc CBPG với sản phẩm màng BOPP từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

 

b. Rà soát hàng năm
Rà soát việc áp dụng biện pháp CBPG/CTC đối với sản phẩm đường mía từ Thái Lan: Biện pháp CBPG và CTC chính thức được áp dụng theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 với mức thuế tổng cộng là 47,64%.


Trên cơ sở đề nghị rà soát của nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan, ngày 31/8/2022, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để xem xét việc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG và CTC đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Sau khi kết thúc điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 03/8/2023 về kết quả rà soát vụ việc.

 

- Rà soát việc áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm sợi từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc: Biện pháp CBPG được chính thức áp dụng theo Quyết định số 2302/QĐ-BCT ngày 13/10/2021 của Bộ Công Thương với mức thuế trong khoảng từ 3,36% đến 54,9%, tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.


Trên cơ sở đề nghị rà soát lại mức thuế CBPG của các bên liên quan trong vụ việc, ngày 30/12/2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để xem xét việc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG đang được áp dụng theo quy định pháp luật. Sau khi kết thúc điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2866/QĐ-BCT ngày 01/11/2023 về kết quả rà soát vụ việc.

 

- Rà soát việc áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm bột ngọt từ Indonesia và Trung Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen được áp dụng từ tháng 7/2020. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 640/QĐ-BCT ngày 06/4/2022 về kết quả rà soát lần thứ nhất.


Trên cơ sở đề nghị của bên liên quan, ngày 19/6/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1466/QĐ-BCT rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp. Ngày 22/01/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-BCT về kết quả rà soát của vụ việc.

 

- Rà soát việc áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép hình chữ H từ Trung Quốc:
Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu được áp dụng từ tháng 9/2017. Vụ việc đã được tiến hành 01 lần rà soát theo đề nghị của bên liên quan năm 2020 và 01 lần rà soát cuối kỳ năm 2022 theo quy định. Hiện tại biện pháp đang được áp dụng theo Quyết định số 1640/QĐ-BCT ngày 19/8/2022 về kết quả rà soát cuối kỳ của vụ việc với mức thuế từ 22,09% đến 33,51%, tùy theo từng nhà sản xuất, xuất khẩu.

 

Trên cơ sở thẩm định hồ sơ đề nghị rà soát của nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3133/QĐ-BCT ngày 03/12/2023 tiến hành rà soát vụ việc. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 6/2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).

 

c. Rà soát cuối kỳ
- Rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm nhôm thanh định hình từ Trung Quốc:


Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh định hình nhập khẩu được áp dụng từ năm 2019 theo Quyết định số 2942/QĐ-BCT ngày 28/9/2019. Vụ việc đã được tiến hành 02 lần rà soát theo đề nghị của bên liên quan và biện pháp CPBG hiện tại đang được áp dụng theo Quyết định số 74/QĐ-BCT ngày 16/01/2023 về kết quả rà soát lần thứ hai của vụ việc với mức thuế trong khoảng từ 2,85% đến 35,58%, tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

 

Trên cơ sở hồ sơ của bên yêu cầu và quy định về việc rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2537/QĐ-BCT ngày 03/10/2023 về việc khởi xướng rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG để đánh giá có cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp CBPG hay không và mức độ áp dụng trong trường hợp tiếp tục duy trì biện pháp. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 7/2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).

 

- Rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm thép không gỉ cán nguội từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Lãnh thổ Đài Loan:


Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu được áp dụng từ năm 2014 theo Quyết định số 7896/QĐ-BCT ngày 05/9/2014. Mức thuế CBPG hiện tại đang được áp dụng theo Quyết định số 3162/QĐ-BCT ngày 21/10/2019 từ 10,91% đến 37,29%, tùy từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

 

Trên cơ sở hồ sơ của bên yêu cầu và quy định về việc rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2752/QĐ-BCT ngày 23/10/2023 về việc khởi xướng rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 7/2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).

 

- Rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm thép phủ màu:
Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu được áp dụng từ năm 2019 theo Quyết định số 3198/QĐ-BCT ngày 24/10/2019. Vụ việc đã được tiến hành 01 lần rà soát theo đề nghị của bên liên quan và 02 lần rà soát nhà xuất khẩu mới.

 

Trên cơ sở hồ sơ của bên yêu cầu và quy định về việc rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2751/QĐ-BCT ngày 23/10/2023 về việc khởi xướng rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG để đánh giá có cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp CBPG hay không và mức độ áp dụng trong trường hợp tiếp tục duy trì biện pháp. Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra và theo quy định sẽ kết thúc điều tra vào tháng 7/2024 (trừ trường hợp được gia hạn theo quy định).

 

1.2. Áp dụng biện pháp tự vệ
Trong năm 2023, Việt Nam đã tiến hành điều tra rà soát cuối kỳ 01 vụ việc tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.

 

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7/2016 và đã được gia hạn một lần kéo dài đến tháng 3/2023. Sau quá trình rà soát, thu thập thông tin và đánh giá tác động toàn diện của vụ việc, ngày 21/3/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-BCT về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm thép dài nhập khẩu được gia hạn mức thuế tự vệ 6,3% từ ngày 22/3/2023 đến 21/3/2024; 6,2% từ ngày 22/3/2024 đến 21/3/2025 và 6,1% từ ngày 22/3/2015 đến 21/3/2026 và 0% từ ngày 22/3/2026.

 

Bên cạnh biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ năm 2016, ngày 13/5/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quy định số 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với Quyết định số 691/QĐ-BCT gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép dài nhập khẩu, căn cứ Kết luận rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp CLT biện pháp PVTM đối với sản phẩn thép cuộn và thép dây với mức thuế tương ứng như trong Quyết định số 691/QĐ-BCT và mức thuế sẽ 0% từ ngày 22/3/2026.

 

2. Các vụ việc do nước ngoài điều tra, áp dụng với hàng hóa xuất khẩu trong năm 2023
Tính đến hết năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến PVTM. Riêng trong năm 2023, đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.

 

Trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM tại nhiều thị trường, khu vực khác nhau, cụ thể:

 

2.1. Thị trường Hoa Kỳ
Đến hết năm 2023, Hoa Kỳ đã điều tra 59 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trong năm 2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 07 vụ việc, trong đó có 04 vụ điều tra CBPG, 01 vụ việc điều tra CTC và 02 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM. Các mặt hàng bị điều tra đa dạng gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm... Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng, như rà soát hành chính thuế CTC với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam). Cụ thể:

 

(1) Hoa Kỳ điều tra CLT với thép dây không gỉ dạng tròn do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc
Ngày 01/02/2022, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CLT thuế CBPG với thép dây không gỉ dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 26/5/2023, Hoa Kỳ đăng công báo kết luận cuối cùng, theo đó, kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế.

 

(2) Vụ việc Hoa Kỳ điều tra CLT với pin năng lượng mặt trời do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc
Ngày 01/4/2022, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CLT thuế CBPG, CTC với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 23/8/2023, Hoa Kỳ đăng công báo kết luận cuối cùng, theo đó, 01 doanh nghiệp được kết luận không lẩn tránh. Các doanh nghiệp còn lại bị cho rằng có lẩn tránh thuế đang áp dụng với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc nhằm được miễn áp dụng biện pháp (trừ các doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra). Hiện tại, Hoa Kỳ đang áp dụng cơ chế miễn thuế với pin năng lượng nhập khẩu từ Việt Nam tới tháng 6/2024 do thiếu hụt nguồn cung trong nước.

 

(3) Vụ việc Hoa Kỳ điều tra CLT với một số sản phẩm ống thép do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ
Ngày 04/8/2022, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CLT thuế CBPG, CTC với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 09/8/2023, Hoa Kỳ đăng công báo kết luận cuối cùng, theo đó, kết luận các sản phẩm ống thép hàn các-bon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế đang áp dụng với Đài Loan - Trung Quốc do không sử dụng HRS có nguồn gốc từ Đài Loan - Trung Quốc.

 

Đối với các sản phẩm ống thép còn lại, ngày 09/11/2023, Hoa Kỳ đã đăng công báo kết luận cuối cùng, theo đó, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc (đối với một số mã hàng), Hàn Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng HRS có nguồn gốc từ các quốc gia cáo buộc trên nhằm được miễn áp dụng biện pháp (trừ doanh nghiệp không hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ trong quá trình điều tra).

 

(4) Hoa Kỳ rà soát hành chính lần thứ nhất và lần thứ hai thuế CTC với lốp xe ô tô
Ngày 06/9/2022, Hoa Kỳ thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ nhất thuế CTC theo đề nghị của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ngày 26/9/2023, Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng, theo đó, xác định doanh nghiệp nộp đề nghị không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc. Đối với 01 chương trình bị cáo buộc còn lại, tính toán mức thuế trợ cấp đối với doanh nghiệp là 1,34% trong giai đoạn 10/11-31/12/2020 và 0% trong giai đoạn 01/01- 31/12/2021. Như vậy, mức thuế cuối cùng giảm đáng kể so với mức thuế hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp này là 6,46%.

 

Ngày 11/9/2023, Hoa Kỳ đã thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ hai thuế CTC theo đề nghị của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 8/12/2023, Hoa Kỳ đã thông báo hủy bỏ cuộc rà soát do các doanh nghiệp rút đề nghị.

 

(5) Hoa Kỳ điều tra CBPG với bìa kẹp hồ sơ
Ngày 11/8/2022, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CBPG với bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 10/5/2023, Hoa Kỳ đăng công báo kết luận cuối cùng, theo đó, sử dụng chi phí của một nước thứ ba làm giá trị thay thế (do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường), dẫn đến mức thuế cuối cùng trong khoảng 97,52% - 233,93%.

 

(6) Hoa Kỳ điều tra CBPG với máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas
Ngày 25/01/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CBPG đối với máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 25/10/2023, Hoa Kỳ đăng công báo kết luận cuối cùng, theo đó, áp mức thuế lên đến 225,65% do không có doanh nghiệp nào tham gia hợp tác cung cấp thông tin trong vụ việc.

 

(7) Hoa Kỳ điều tra CLT với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc:
Ngày 17/6/2020, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế CBPG, CTC với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 20/7/2023, Hoa Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng, theo đó, kết luận sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc Trung Quốc thì bị coi là lẩn tránh thuế CBPG và CTC đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh. Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam được tham gia cơ chế tự xác nhận để được miễn áp dụng biện pháp (trừ các doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ trong quá trình điều tra).

 

(8) Hoa Kỳ điều tra CLT với thép không gỉ dạng tấm và dải do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc
Ngày 15/5/2020, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CLT thuế CBPG, CTC với thép không gỉ dạng tấm và dải được nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 29/3/2023, Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc, theo đó, cho rằng sản phẩm thép không gỉ dạng tấm và dải nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có sử dụng nguyên liệu là HRC không gỉ Trung Quốc thì bị coi là lẩn tránh thuế CBPG và CTC đang áp dụng với thép không gỉ dạng tấm và dải nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam được tham gia cơ chế tự xác nhận để được miễn áp dụng biện pháp (trừ các doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ trong quá trình điều tra).

 

(9) Hoa Kỳ điều tra CLT với ghim dập do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM với Trung Quốc
Ngày 21/12/2022, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CLT thuế CBPG, CTC với ghim dập nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 24/8/2023, Hoa Kỳ đã đăng công báo kết luận sơ bộ, theo đó, xác định việc nhập khẩu một số sản phẩm ghim dập từ Việt Nam vào Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu “wire band” Trung Quốc bị coi là lẩn tránh thuế CBPG và CTC đang áp dụng với ghim dập nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam được tham gia cơ chế tự xác nhận để được miễn áp dụng biện pháp (trừ các doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ trong quá trình điều tra).

 

(10) Hoa Kỳ điều tra CBPG với giá để đồ bằng thép
Ngày 15/5/2023, Hoa Kỳ đã thông báo khởi xướng điều tra CBPG với giá để đồ bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 22/11/2023, Hoa Kỳ đã thông báo kết luận sơ bộ, theo đó, sử dụng chi phí của một nước thứ ba làm giá trị thay thế (do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường), dẫn đến mức thuế cuối cùng vào khoảng 118,66% - 224,94%. Kết luận cuối cùng của vụ việc dự kiến được ban hành vào tháng 4/2024.

 

(11) Hoa Kỳ điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và CLT với tủ gỗ do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc
Ngày 24/5 và ngày 10/6/2022, Hoa Kỳ lần lượt đăng công báo khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra CLT thuế CBPG, CTC đối với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 28/9/2023, Hoa Kỳ đã thông báo kết luận hậu sơ bộ điều tra phạm vi sản phẩm, theo đó, xác định 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam thuộc phạm vi của lệnh áp thuế CBPG và CTC đang áp dụng với Trung Quốc. Kết luận cuối cùng của vụ việc dự kiến được ban hành vào tháng 5/2024.

 

(12) Hoa Kỳ điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và CLT với dây cáp nhôm do cáo buộc lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc:
Ngày 19/10/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra CLT thuế CBPG, CTC với dây cáp nhôm nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và dự kiến có kết luận cuối cùng vào tháng 10/2024.

 

(13) Hoa Kỳ điều tra CBPG với túi giấy nhập
Ngày 27/6/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CBPG với túi giấy nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 03/01/2024, Hoa Kỳ đã đăng công báo kết luận sơ bộ, theo đó, sử dụng chi phí của một nước thứ ba làm giá trị thay thế (do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường), dẫn đến mức thuế cuối cùng vào khoảng 51,25% - 92,34%.

 

(14) Hoa Kỳ điều tra xem xét phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo bằng thép do cáo buộc thuộc phạm vi lệnh áp thuế PVTM đang áp dụng với Trung Quốc
Ngày 07/8/2023, Hoa Kỳ đã thông báo khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra và dự kiến có kết luận cuối cùng vào tháng 6/2024.

 

(15) Hoa Kỳ điều tra CBPG với nhôm đùn ép
Ngày 31/10/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CBPG với nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và dự kiến có kết luận cuối cùng vào tháng 10/2024.

 

(16) Hoa Kỳ điều tra CTC với tôm nước ấm đông lạnh
Ngày 21/11/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng điều tra CTC với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và dự kiến có kết luận cuối cùng vào tháng 5/2024.

 

(17) Hoa Kỳ rà soát hành chính lần thứ nhất thuế CBPG với mật ong
Ngày 03/8/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ nhất thuế CTC theo đề nghị của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình rà soát và dự kiến có kết luận cuối cùng vào tháng 6/2024. Trong khuôn khổ vụ việc này, ngày 08/9/2023, Bộ Công Thương đã nộp hồ sơ đề nghị Hoa Kỳ khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong tất cả các vụ việc PVTM sau này. Ngày 30/10/2023, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng rà soát hoàn cảnh. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình rà soát và dự kiến có kết luận cuối cùng vào tháng 7/2024.

 

(18) Hoa Kỳ rà soát hành chính lần thứ 19 thuế CBPG với cá tra-basa
Ngày 11/10/2022, Hoa Kỳ đăng công báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ 19 thuế CTC theo đề nghị của ngành sản xuất trong nước. Ngày 31/8/2023, Hoa Kỳ đăng công báo kết luận sơ bộ, theo đó, các doanh nghiệp của Việt Nam có mức thuế sơ bộ từ $0,00/ kg - $0,14/kg, giảm đáng kể so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (từ $0,00/ kg - $2,39/kg).

 

Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục xử lý vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về thuế CBPG của Hoa Kỳ đối với cá tra-basa Việt Nam (DS536) để hỗ trợ doanh nghiệp.

 

2.2. Thị trường Canada
Theo thống kê của WTO, đến hết tháng 6/2023, Canada đã điều tra tổng cộng 364 vụ việc PVTM và đã áp dụng biện pháp với 232 vụ việc. Trong đó, Canada đã điều tra 18 vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Hiện nay, Canada đang áp dụng thuế với 07 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: ống thép hàn cacbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm. Trong năm 2023, Canada không điều tra mới mà chỉ tiến hành rà soát đối với một số sản phẩm đang thuộc diện áp dụng biện pháp PVTM. Cụ thể:

 

(1) Canada điều tra lại với thép tấm chống ăn mòn
Ngày 16/01/2023, Canada đã tiến hành điều tra lại (rà soát hành chính) giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với thép chống ăn mòn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam và rà soát thuế CTC đối với thép chống ăn mòn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 17/7/2023, Canada ra thông báo về kết luận điều tra lại, theo đó, về cơ bản giữ nguyên mức thuế CBPG cũ và bổ sung thêm doanh nghiệp được hưởng mức thuế riêng.

 

(2) Canada rà soát thuế CBPG và CTC với khớp nối ống bằng đồng
Ngày 17/01/2023, Canada khởi xướng rà soát cuối kỳ để xem xét việc tiếp tục áp dụng thuế CBPG và CTC với khớp nối ống bằng đồng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 15/6/2023, Canada kết luận rằng, cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp nêu trên.

 

(3) Vụ việc Canada rà soát cuối kỳ thuế CBPG và CTC đối với thép cuộn cán nguội
Ngày 15/11/2023, Canada thông báo khởi xướng vụ việc rà soát cuối kỳ thuế CBPG và CTC với thép cuộn cán nguội có nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Vụ việc đang trong quá trình điều tra và dự kiến đưa ra kết luận trước ngày 12/4/2024.

 

2.3. Thị trường Mexico
Mexico là thị trường tiềm năng của nước ta nhờ các cam kết ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP. Theo thống kê của WTO, đến hết tháng 6/2023, Mexico đã khởi xướng điều tra 186 vụ việc PVTM, trong đó có 159 vụ việc áp dụng các biện pháp. Kể từ sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Mexico đã điều tra 03 vụ việc CBPG với Việt Nam, gồm: thép mạ (khởi xướng năm 2021), thép cuộn cán nguội (khởi xướng năm 2022) và dây hàn (khởi xướng năm 2023). Cụ thể:

 

(1) Vụ việc Mexico điều tra CBPG với thép mạ
Ngày 31/8/2021, Mexico khởi xướng điều tra CBPG với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 14/9/2022, Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc, theo đó, biên độ phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu thép mạ Việt Nam từ 0% - 12,34%. Ngày 24/02/2023, Mexico ban hành kết luận cuối cùng, theo đó, biên độ phá giá giảm xuống còn từ 0% - 10,84%. Mexico cũng đánh giá không tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt trong ngành thép Việt Nam và sử dụng giá trị do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để tính toán biên độ.

 

(2) Mexico điều tra CBPG với thép cuộn cán nguội
Ngày 28/7/2022, Mexico khởi xướng điều tra CBPG với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 14/9/2023, Mexico ban hành kết luận sơ bộ, theo đó, căn cứ cáo buộc “tình hình thị trường đặc biệt” với ngành sản xuất thép cuộn cán nguội Việt Nam, Mexico sử dụng một số giá trị thay thế để tính toán biên độ phá giá từ 12,77%-81,06%. Ngày 28/12/2023, UPCI ban hành kết luận cuối cùng, theo đó, điều chỉnh biên độ phá giá xuống từ 11,64% - 79,24%.

 

(3) Mexico điều tra CBPG với dây hàn
Ngày 10/10/2023, UPCI khởi xướng điều tra CBPG với dây hàn nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và dự kiến có kết luận vào nửa đầu năm 2025.

 

2.4. Thị trường châu Âu
Liên minh châu Âu (EU)

Trong năm 2023, EU điều tra 01 vụ việc CLT thuế CBPG và CTC mới với thép không gỉ cán nguội và tiếp tục rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép. Cụ thể:

 

(1) EU điều tra CLT thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam
Ngày 14/8/2023, Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc EU khởi xướng hai vụ việc điều tra CLT thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội của Việt Nam, Đài Loan - Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vụ việc này, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã tham gia hợp tác đầy đủ. Bộ Công Thương cũng phối hợp cung cấp các thông tin, dữ liệu đúng hạn theo yêu cầu của EU. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

(2) EU rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép
Ngày 02/6/2023, Ủy ban Tự vệ WTO thông báo về việc EU tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ thêm một năm (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024). Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch chung với các nước khác theo từng quý đối với một số sản phẩm thép xuất khẩu sang EU . Sau đó, EU có thể tiến hành rà soát để tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ thêm tối đa là 02 năm hoặc chấm dứt biện pháp.

 

Vương quốc Anh (UK)

Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6/2023, UK đã điều tra tổng cộng 4 vụ việc PVTM và áp dụng biện pháp đối với 2 vụ việc. Hiện nay UK chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ liên quan tới một số sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam. Tháng 3/2022, UK tiến hành rà soát hạn ngạch biện pháp tự vệ đang áp dụng. Tháng 6/2022, UK ban hành báo cáo kết luận cuối cùng, theo đó Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan riêng theo từng quý và áp dụng hạn ngạch thuế quan còn dư đối với một số sản phẩm thép từ 01/7/2022 đến 30/6/2024 . Tháng 9/2023, UK tiến hành rà soát cuối kỳ xem xét gia hạn biện pháp. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

 

2.5. Thị trường Ấn Độ
Theo thống kê của WTO, đến hết tháng 6/2023, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 1.226 vụ việc PVTM và áp dụng biện pháp với 823 vụ việc. Đối với Việt Nam, Ấn Độ đã điều tra 31 vụ việc PVTM. Năm 2023, Ấn Độ tiếp tục tiến hành các vụ việc điều tra CBPG mới với ống thép hàn không gỉ và các vụ việc rà soát biện pháp PVTM đối với ống thép hàn không gỉ, ống đồng, hạt nhựa PVC.

 

(1) Ấn Độ điều tra CBPG với ống thép hàn không gỉ
Ngày 30/9/2023, Tổng vụ Phòng vệ Thương mại (DGTR) thông báo khởi xướng điều tra CBPG đối với ống thép hàn không gỉ nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

(2) Ấn Độ rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CTC với ống thép hàn không gỉ
Ngày 30/9/2023, DGTR thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CTC đối với ống thép hàn không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Trong vụ việc này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan nộp bản trả lời câu hỏi của Chính phủ đúng thời hạn quy định. Vụ việc đang trong quá trình rà soát.

 

(3) Ấn Độ rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc CTC với ống đồng
Ngày 30/9/2022, theo đề nghị của công ty LS Metal Vina - nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ tiến hành điều tra rà soát nhà xuất khẩu mới. Tuy nhiên do công ty LS Metal Vina xin rút đề nghị rà soát, Ấn Độ đã có thông báo chấm dứt vụ việc.

 

(4) Ấn Độ điều tra tự vệ với hạt nhựa PVC
Ngày 16/9/2022, Ấn Độ khởi xướng điều tra vụ việc. Ngày 15/5/2023, Ấn Độ ban hành kết luận cuối cùng, theo đó áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch. Việt Nam thuộc danh sách các nước đang phát triển được loại trừ khỏi biện pháp do có lượng nhập khẩu không đáng kể.

 

2.6. Thị trường Đông Nam Á
Trong ASEAN, 04 quốc gia sử dụng các biện pháp PVTM với Việt Nam, bao gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

 

Malaysia

Malaysia đã điều tra 10 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ năm 2021, Malaysia không khởi xướng điều tra vụ việc mới với Việt Nam. Malaysia hiện đang áp dụng biện pháp PVTM với 07 sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là các sản phẩm thép.

 

Indonesia

Theo số liệu thống kê của WTO, tính tới hết tháng 6/2023, Indonesia đã điều tra tổng cộng 182 vụ việc PVTM và áp dụng biện pháp với 95 vụ việc. Indonesia đã điều tra 14 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2023, Indonesia đã khởi xướng điều tra 02 vụ việc tự vệ với vải dệt từ bông và sợi làm từ bông nhập khẩu và 01 vụ việc CBPG với polypropylene copolymer, đồng thời rà soát biện pháp PVTM với màng BOPP, thảm và mặt hàng dệt trải sàn của Việt Nam. Cụ thể:

 

(1) Indonesia điều tra CBPG với polypropylene copolymer
Ngày 15/8/2023, Indonesia khởi xướng điều tra CBPG đối với polypropylene copolymer. Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra.

 

(2) Indonesia điều tra tự vệ với vải dệt từ bông và sợi làm từ bông
Ngày 27/10/2023, Indonesia khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với vải dệt từ bông và sợi làm từ bông. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

(3) Indonesia rà soát cuối kỳ lần thứ 2 thuế CBPG với màng BOPP
Ngày 29/3/2023, Indonesia đã khởi xướng vụ việc rà soát cuối kỳ lần thứ 2 về thuế CBPG với màng BOPP nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc đang trong quá trình rà soát.

 

(4) Indonesia rà soát cuối kỳ thuế tự vệ với thảm và các loại hàng dệt trải sàn nhập khẩu
Ngày 18/8/2023, Indonesia đã khởi xướng rà soát cuối kỳ thuế tự vệ với thảm và các loại hàng dệt trải sàn nhập khẩu. Ngày 04/9/2023, Ủy ban Tự vệ thuộc WTO thông báo về việc Indonesia rà soát danh sách các nước đang phát triển được loại trừ khỏi biện pháp do có lượng nhập khẩu không đáng kể. Theo đó, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan được loại khỏi danh sách, trong khi đó, Hàn Quốc được bổ sung vào danh sách này.

 

(5) Indonesia rà soát gia hạn biện pháp tự vệ với giấy cuộn thuốc lá
Ngày 23/5/2023, Indonesia đã khởi xướng rà soát gia hạn biện pháp tự vệ với giấy cuộn thuốc lá. Ngày 04/9/2023, Ủy ban Tự vệ của WTO thông báo việc Indonesia gia hạn thuế tự vệ tới 29/11/2026, giảm dần từ 3.923.900 Rp/tấn xuống 3.847.800 Rp/tấn.

 

Philippines

Theo số liệu của WTO, đến hết tháng 6/2023, Philippines đã điều tra tổng cộng 42 vụ việc PVTM và áp dụng biện pháp với 24 vụ việc. Philippines đã tiến hành điều tra 14 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngày 17/4/2023, Philippines thông báo điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng vỏ bình ga bằng thép nhập khẩu. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

Thái Lan

Theo số liệu của WTO, đến hết tháng 6/2023, Thái Lan đã điều tra tổng cộng 105 vụ việc PVTM và áp dụng biện pháp với 66 vụ việc. Thái Lan đã tiến hành điều tra 08 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 06 vụ việc CBPG và 02 vụ việc tự vệ. Năm 2023, Thái Lan đã ban hành kết luận cuối cùng trong 02 vụ việc rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CBPG với thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam, cụ thể:

 

(1) Thái Lan rà soát thuế CBPG với thép phủ màu
Đối với sản phẩm thép phủ màu, sau quá trình rà soát, Thái Lan quyết định gia hạn biện pháp CBPG đối với sản phẩm này trong thời hạn 05 năm.

 

(2) Thái Lan rà soát thuế CBPG với thép mạ hợp kim nhôm kẽm
Đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm, sau quá trình rà soát, Thái Lan quyết định chấm dứt lệnh áp thuế CBPG đối với sản phẩm này.

 

2.7. Thị trường Đông Bắc Á
Trong các thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Á, duy nhất thị trường Hàn Quốc có phát sinh biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, Hàn Quốc đã điều tra và áp dụng 04 biện pháp CBPG với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2023, Hàn Quốc không điều tra mới mà chỉ rà soát xem xét gia hạn áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm Ferro-Silico-Manganese nhập khẩu từ Việt Nam và Ấn Độ. Hiện nay, biện pháp đã được gia hạn áp dụng từ 21/7/2023 đến 20/7/2028.

 

2.8. Thị trường Australia
Theo thống kê của WTO, đến hết tháng 6/2023, Australia đã điều tra tổng cộng 423 vụ việc và áp dụng 195 biện pháp PVTM. Australia đã điều tra 18 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trong năm 2023, Australia đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra CBPG với amoni nitrat. Theo đó, Australia quyết định không áp thuế CBPG với sản phẩm nêu trên. Trong vụ việc này, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã hợp tác đầy đủ, cung cấp các thông tin dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra, góp phần quan trọng vào kết quả tích cực của vụ việc.

 

2.9. Thị trường Tây Nam Á
Trong các thị trường Tây Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia sử dụng công cụ PVTM tương đối thường xuyên. Theo thống kê của WTO, đến hết năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra tổng cộng 244 vụ việc PVTM và áp dụng biện pháp với 211 vụ việc. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra 26 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một số vụ việc PVTM đang diễn ra liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sau:

 

(1) Thổ Nhĩ Kỳ điều tra CLT thuế CBPG với pin năng lượng mặt trời do cáo buộc lẩn tránh thuế CBPG đang áp dụng với Trung Quốc
Ngày 29/11/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra CLT thuế CBPG đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, với cáo buộc lẩn tránh thuế CBPG đang áp dụng với Trung Quốc. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

(2) Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ thuế CBPG với dây hàn
Ngày 10/10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CBPG với dây hàn có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện vụ việc đang trong quá trình rà soát.

 

2.10. Thị trường Châu Phi
Thị trường châu Phi ít điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê cho thấy, có 02 nước là Ai Cập và Ma-rốc từng điều tra áp dụng biện pháp PVTM liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Ai Cập

Theo thống kê của WTO, tính đến hết năm 2023, Ai Cập đã điều tra 01 vụ việc tự vệ với nhôm thô và 01 vụ việc CBPG với đèn huỳnh quang của Việt Nam. Từ năm 2021, Ai Cập không điều tra, rà soát vụ việc PVTM liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Ma-rốc

Ma-rốc điều tra 01 vụ việc tự vệ đối với săm lốp liên quan tới Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 03/7/2023, Ma-rốc đã chấm dứt vụ việc.

 

3. Tình hình xuất nhập khẩu của một số mặt hàng có nguy c bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2023 (công tác cảnh báo sớm)
Trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” và Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về CLT biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” nhằm đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài tiến hành điều tra PVTM. Trên cơ sở những dự báo này, các ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian chuẩn bị và chủ động hơn trong việc hợp tác với các cơ quan điều tra PVTM của nước ngoài, từ đó, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, hạn chế và giảm đáng kể những tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM mà nước ngoài áp dụng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Trong năm 2023, hệ thống cảnh báo sớm do Bộ Công Thương vận hành đã thường xuyên theo dõi biến động xuất nhập khẩu của gần 200 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, từ đó, đưa ra những cảnh báo cụ thể về nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM, giúp các ngành sản xuất trong nước có thời gian rà soát lại hoạt động của mình để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi các nguy cơ thực sự diễn ra. Các mặt hàng hiện đang nằm trong danh sách cảnh báo bao gồm:

 

3.1. Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2019. Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 326 triệu USD, giảm 50% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 25,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Sau nhiều lần gia hạn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7/2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.

 

DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

 

3.2. Tủ bếp và tủ nhà tắm (Wooden cabinets and vanities) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4/2020. Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 02/2020 với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%.

 

Kim ngạch xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 2,7 tỷ USD năm 2021. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm 22,1% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 33,4% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Hoa Kỳ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp PVTM và có lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Theo kế hoạch, tháng 10/2023, DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 01/2024, sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.

 

3.3. Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 11/2020. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 3 tỷ USD năm 2021. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 2,4 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam.

 

3.4. Đá nhân tạo bằng thạch anh (Quartz surface products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2019. Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo bằng thạch anh của Trung Quốc từ tháng 5/2019 với mức thuế CBPG từ 265,81% đến 336,69%, mức thuế CTC từ 45,32% đến 190,99%.

 

Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo bằng thạch anh của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD. Từ thời điểm tháng 6/2019, sau khi biện pháp CBPG và CTC chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng rất mạnh. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 308 triệu USD, giảm 3,5% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 21,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sang Hoa Kỳ trước khi bị áp dụng biện pháp CBPG còn thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra CBPG, CTC hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

 

Hoa Kỳ quy định các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lắp ghép sử dụng mặt đá thạch anh có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ như tủ bếp, tủ nhà tắm,… cần khai báo riêng phần giá trị của đá thạch anh và nộp thuế CBPG và CTC tính trên cơ sở phần giá trị này. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có sử dụng mặt đá thạch anh cần lưu ý với các đối tác nhập khẩu để khai báo chính xác khi nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan Hoa Kỳ, tránh bị xem là hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ.

 

3.5. Gạch men (ceramic tile) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2020. Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4/2020.

 

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạch men của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhanh, từ 269 nghìn USD năm 2018 lên tới 25 triệu USD năm 2022. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 45,7 triệu USD, tăng 79,9% so với năm 2022. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng kim ngạch của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 2,3%.

 

Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế CBPG và CTC. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

 

3.6. Xe đạp điện (Electric bicycles) xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 02/2019. Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế CBPG và CTC và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.

 

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 173 triệu USD, giảm 0,3% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,4% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của EU.

 

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 50,8 triệu USD, giảm 25,5% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Trong thời gian qua, thông qua việc đưa mặt hàng này vào danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát và ngăn chặn một số trường hợp doanh nghiệp kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện.

 

3.7. Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8/2021. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12/2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế CBPG thấp nhất là 33,87%, thuế CTC thấp nhất là 20,56%).

 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ bắt đầu tăng từ tháng 11/2020. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 81,6 triệu USD, tăng 22% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7,7% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng lên. Do đó, cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ đối với mặt hàng này để ngăn chặn các hành vi gian lận có thể xảy ra nhằm hưởng lợi từ chênh lệch thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

 

3.8. Pin năng lượng mặt trời (Solar panels) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9/2021. Kể từ tháng 02/2018, mặt hàng này đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 04 năm. Tháng 02/2022, Hoa Kỳ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 04 năm.

 

Hoa Kỳ cũng đang duy trì biện pháp CBPG và CTC với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012, với mức thuế CBPG là 15,85-238,95% và mức thuế CTC là 11,97-15,24%.

 

Kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ tháng 6/2019. Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 26,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Tháng 3/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra CLT thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tháng 8/2023, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của vụ việc, trong đó xác định (1) tế bào quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc hoặc (2) mô-đun quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc và nhiều hơn 2 trong số các nguyên liệu sau được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm: dung dịch bạc, khung nhôm, kính, tấm nền, tấm EVA, các hộp nối là đối tượng của biện pháp CLT. DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không thuộc các trường hợp trên để được loại trừ khỏi biện pháp CLT. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý thực hiện việc tự xác nhận một cách trung thực và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

 

3.9. Thép các-bon chống ăn mòn (CORE) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 3/2022. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan- Trung Quốc.

 

Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, trong năm 2021, lượng nhập khẩu thép CORE từ Việt Nam tăng đột biến, đạt khoảng 335.000 tấn, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thép CORE của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 191 triệu USD, giảm 63,7% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 6,9% tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Sản phẩm thép CORE đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra CLT. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà DOC đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nguội (CRS) hoặc thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan-Trung Quốc là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp CLT. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng CRS và HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế CBPG để làm nguyên liệu sản xuất thép CORE và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

 

3.10. Ống thép hộp và ống thép tròn (Pipe and Tube) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2022. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG và CTC đối với ống thép hộp và ống thép tròn nhập khẩu từ nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ.

 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 khoảng 40 triệu USD. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 40% lên khoảng 57 triệu USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 96,2 triệu USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 4,7% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Sản phẩm ống thép đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra CLT. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm ống thép sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Ấn Độ là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp CLT. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế CBPG để làm nguyên liệu sản xuất ống thép và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

 

3.11. Cáp thép dự ứng lực (Prestressed concrete steel wire strand) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG và CTC đối với cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó có các thị trường đáng chú ý như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang tăng nhanh. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 35,6 triệu USD, tăng 64% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 28,6% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Đây là mặt hàng có rủi ro cao bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra PVTM nếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng tăng nhanh. Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất cáp thép dự ứng lực xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì sẽ dễ trở thành đối tượng của việc điều tra CLT.

 

3.12. Máy giặt dân dụng cỡ lớn (Large residential washers) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG đối với máy giặt dân dụng cỡ lớn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico. Đồng thời, sau 5 năm, biện pháp tự vệ mà Hoa Kỳ áp dụng đối với nhập khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn đã hết hạn vào tháng 02/2023.

 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng do biện pháp tự vệ hết hạn áp dụng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 281 triệu USD, tăng 383,8%. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 20,7% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Đây là mặt hàng có rủi ro cao bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra PVTM nếu kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng tăng nhanh.

 

3.13. Thép hình cán nóng (Hot rolled structural steel sections) xuất khẩu sang Australia
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023. Australia đã áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm thép hình cán nóng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Thái Lan kể từ năm 2013.

 

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thép hình cán nóng của Việt Nam sang Australia đạt gần 16 triệu USD, tăng 42% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Australia.

 

Đây là mặt hàng có rủi ro bị Australia tiến hành điều tra PVTM nếu xuất khẩu sang Australia tiếp tục xu hướng tăng nhanh.

 

3.14. Dây và cáp nhôm (Aluminum wire and cable) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm dây và cáp nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2019. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dây và cáp nhôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77 triệu USD, tăng 9,3% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra PVTM hoặc điều tra CLT. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

 

3.15. Nhôm thanh định hình (Aluminum extrusions) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG với các sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2011. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhôm thanh định hình của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 213 triệu USD, giảm 40% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 4,8% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất nhôm thanh định hình của Hoa Kỳ, cuối tháng 10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm nhôm thanh định hình nhập khẩu từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Vụ việc đang trong quá trình điều tra. Bên cạnh việc tiếp tục tham gia vụ việc điều tra này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ các quốc gia liên quan để sản xuất sản phẩm này để tránh bị đánh chồng thuế CLT.

 

3.16. Mặt bích bằng thép không gỉ (Stainless steel flanges) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm mặt bích bằng thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2018. Năm 2023, xuất khẩu mặt bích bằng thép không gỉ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 21,3 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2022. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,8% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Đây là mặt hàng rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra PVTM hoặc điều tra CLT. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm này.

 

3.17. Lốp xe tải và xe khách (Truck and bus tires) xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm lốp xe tải và xe khách nhập khẩu từ Thái Lan vào đầu tháng 11/2023 và dự kiến đến tháng 8/2024 sẽ có kết luận về việc áp thuế đối với sản phẩm của Thái Lan. Thái Lan đang là nước xuất khẩu lốp xe tải và xe khách nhiều nhất sang Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2023 là 1 tỷ USD, chiếm 31% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Một sản phẩm tương tự của Việt Nam là lốp xe con và xe tải hạng nhẹ cũng đã bị Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp PVTM từ tháng 5 năm 2021. Năm 2023, xuất khẩu lốp xe tải và xe khách của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 289 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Trong trường hợp sản phẩm của Thái Lan bị Hoa Kỳ áp dụng thuế CBPG, có khả năng các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ chuyển sang các nguồn cung cấp khác, trong đó có nguồn cung cấp từ Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe tải và xe khách sang Hoa Kỳ cần lưu ý để có sự chuẩn bị và phương án kinh doanh phù hợp, tránh trở thành đối tượng điều tra tiếp theo nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng quá nhanh.

 

3.18. Một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Mexico
Giai đoạn trước năm 2021, chưa có các vụ việc PVTM phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, mỗi năm, Mexico đã tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với một sản phẩm thép của Việt Nam, lần lượt là thép mạ (2021), thép cán nguội (2022) và dây hàn (2023). Trong thời gian tới, một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Mexico có nguy cơ là đối tượng của điều tra PVTM tiếp theo của Mexico, cụ thể:

 

- Thép cán nóng (hot rolled sheet): xuất khẩu thép cán nóng của Việt Nam sang Mexico năm 2023 đạt 87 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mexico. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ tư tại thị trường Mexico, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mexico đang áp dụng biện pháp CBPG với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Pháp, Nga và U-crai-na.


- Thép dự ứng lực (Prestressed products): xuất khẩu thép dự ứng lực của Việt Nam sang Mexico năm 2023 đạt 10,4 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mexico. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ năm tại thị trường Mexico, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Indonesia. Mexico đang áp dụng biện pháp CBPG với thép dự ứng lực nhập khẩu từ Trung Quốc, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Nguồn: Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, Bộ Công Thương

Quảng cáo sản phẩm