Tổng quan tình hình phòng vệ thương mại Việt Nam năm 2021

18/05/2022 02:21 - 4971 lượt xem

1. Các vụ việc do Việt Nam điều tra, áp dụng với hàng hóa nhập khẩu trong năm 2021

 

Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV). Đây là các công cụ chính sách thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các công cụ chính sách thương mại này cũng được thừa nhận trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực được các quốc gia trên thế giới ký kết. Theo đó, các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp mà không vi phạm các cam kết trong WTO hoặc trong các hiệp định thương mại tự do, nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

 

Để đi đến quyết định áp dụng một biện pháp PVTM, các hiệp định của WTO quy định nước nhập khẩu phải tiến hành một quy trình điều tra, phân tích trên cơ sở thu thập thông tin từ các bên liên quan, trong đó có thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu. Quy trình điều tra này có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Nếu các phân tích cho thấy các điều kiện áp dụng biện pháp PVTM được đáp ứng, nước nhập khẩu mới có thể đưa ra quyết định áp dụng biện pháp PVTM. Tại Việt Nam, quy trình điều tra này được cụ thể hóa trong Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp lý liên quan.

 

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 16 vụ việc CBPG, 01 vụ việc CTC, 06 vụ việc TV và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM (CLT). Riêng năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra đối với 06 vụ việc, trong đó có 05 vụ việc Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 03 vụ việc mới. Các vụ việc này dự kiến sẽ có kết quả điều tra trong năm 2022. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát 07 biện pháp PVTM đang có hiệu lực để cân nhắc điều chỉnh mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật.

 

1.1. Các vụ việc kết thúc điều tra


- Điều tra CBPG và CTC đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan: Bộ Công Thương bắt đầu điều tra từ tháng 9 năm 2020 sau khi thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG, CTC của đại diện ngành sản xuất trong nước. Kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, v.v. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019. Sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung - cầu, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 áp thuế CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%.


- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu có xuất xứ từ Malaysia: Bộ Công Thương bắt đầu điều tra từ tháng 8 năm 2020. Trước đó, sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị áp dụng thuế CBPG từ năm 2017. Trước năm 2017, Malaysia không sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thép hình chữ H sang Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam áp dụng thuế CBPG thép hình chữ H với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Malaysia sang Việt Nam đã tăng đột biến. Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu từ Malaysia đã bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội và tình hình cung - cầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-BCT ngày 18 tháng 8 năm 2021 áp thuế CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ Malaysia ở mức 10,64%.


- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc: Bộ Công Thương bắt đầu điều tra từ tháng 5 năm 2020. Kết quả điều tra cho thấy mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá của hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước chưa được thể hiện rõ ràng. Do vậy, căn cứ quy định của pháp luật về PVTM của Việt Nam và Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2274/QĐ-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2021 chấm dứt điều tra vụ việc và không áp dụng biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia: Bộ Công Thương bắt đầu điều tra từ tháng 4 năm 2020. Kết quả điều tra cho thấy, lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia gia tăng đáng kể. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, nhập khẩu sản phẩm sợi trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 258 nghìn tấn, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT ngày 13 tháng 10 năm 2021 áp thuế CBPG chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia với mức thuế trong khoảng từ 3,36% đến 54,9% tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.


- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc: Bộ Công Thương bắt đầu điều tra từ tháng 9 năm 2020. Kết quả điều tra chính thức cho thấy, lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc gia tăng đáng kể. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-BCT áp thuế CBPG chính thức đối với một số sản phẩm sorbitol nhập khẩu có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc.

 

1.2. Các vụ việc khởi xướng điều tra mới

 

- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm vật liệu hàn nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia: Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 18 tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành đánh giá, phân tích các thông tin do các bên liên quan cung cấp để đưa ra kết luận về vụ việc. Dự kiến kết luận của vụ việc sẽ được hoàn thành trong năm 2022.

 

- Điều tra CBPG đối với một số sản phẩm bàn, ghế nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia: Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 1 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sản phẩm bàn, ghế nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia. Hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin để tiến hành đánh giá, phân tích trước khi đưa ra kết luận về vụ việc. Dự kiến kết luận của vụ việc sẽ được hoàn thành trong năm 2022.

 

- Điều tra CLT đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar: Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 21 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp CLT đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Campchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin để tiến hành đánh giá, phân tích trước khi đưa ra kết luận về vụ việc. Dự kiến kết luận của vụ việc sẽ được hoàn thành trong năm 2022.


1.3. Các vụ việc rà soát


- Rà soát lần thứ nhất biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc: Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu được áp dụng từ tháng 9 năm 2019. Việc rà soát được Bộ Công Thương bắt đầu thực hiện từ tháng 11 năm 2020. Sau khi đánh giá, phân tích thông tin do các bên liên quan cung cấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1282/QĐ-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2021 với mức thuế CBPG được điều chỉnh trong khoảng từ 4,39% đến 35,58% tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.


- Rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu được áp dụng từ tháng 10 năm 2019. Việc rà soát được Bộ Công Thương bắt đầu thực hiện từ tháng 12 năm 2020. Sau khi đánh giá, phân tích thông tin do các bên liên quan cung cấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1283/QĐ-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2021 với mức thuế CBPG được điều chỉnh trong khoảng từ 2,56% đến 34,27% tùy theo từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.


- Rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen được áp dụng từ tháng 7 năm 2020. Trên cơ sở yêu cầu của các bên liên quan, ngày 21 tháng 9 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để cân nhắc điều chỉnh mức độ và phạm vi của biện pháp CBPG đang được áp dụng. Hiện tại vụ việc đang trong giai đoạn đánh giá, phân tích thông tin do các bên liên quan cung cấp và dự kiến sẽ có kết luận trong năm 2022.


- Rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu được áp dụng từ tháng 7 năm 2020. Trên cơ sở yêu cầu của các bên liên quan, ngày 24 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất để cân nhắc điều chỉnh mức độ của biện pháp CBPG đang được áp dụng. Hiện tại vụ việc đang trong giai đoạn đánh giá, phân tích thông tin do các bên liên quan cung cấp và dự kiến sẽ có kết luận trong năm 2022.


- Rà soát cuối kỳ biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép mạ nhập khẩu được áp dụng từ tháng 4 năm 2017. Theo quy định pháp luật, ngày 4 tháng 6 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát cuối kỳ để đánh giá có cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp CBPG hay không và mức độ áp dụng trong trường hợp tiếp tục duy trì biện pháp. Hiện tại vụ việc đang trong giai đoạn đánh giá, phân tích thông tin do các bên liên quan cung cấp và dự kiến sẽ có kết luận trong năm 2022.


- Rà soát cuối kỳ biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc: Biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu được áp dụng từ tháng 9 năm 2017. Theo quy định pháp luật, ngày 13 tháng 10 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rà soát cuối kỳ để đánh giá có cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp CBPG hay không và mức độ áp dụng trong trường hợp tiếp tục duy trì biện pháp. Hiện tại vụ việc đang trong giai đoạn tiếp nhận thông tin do các bên liên quan cung cấp và dự kiến sẽ có kết luận trong năm 2022.


- Rà soát cuối kỳ biện pháp TV đối với một số sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu: Biện pháp TV chính thức đối với một số sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu được áp dụng từ tháng 3 năm 2018. Theo quy định pháp luật, ngành sản xuất trong nước đã nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ vào ngày 19 tháng 11 năm 2021. Căn cứ đề nghị của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã khởi xướng việc rà soát và đang yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình rà soát. Dự kiến việc rà soát sẽ có kết luận trong năm 2022.


2. Các vụ việc do nước ngoài điều tra, áp dụng với hàng hóa xuất khẩu trong năm 2021


Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Tính đến hết tháng 12 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra. Riêng trong năm 2021 có 08 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục được điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.

 

Tuy các biện pháp PVTM là những biện pháp được WTO thừa nhận, việc sử dụng các biện pháp này cần phải thỏa mãn một số điều kiện được quy định trong các hiệp định liên quan. Vì vậy, mặc dù đối tượng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM là một nhóm doanh nghiệp cụ thể, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát sao để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc này, đảm bảo quá trình điều tra phải phù hợp với các cam kết quốc tế và hạn chế ở mức thấp nhất ảnh hưởng của biện pháp PVTM đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.


Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, kịch bản ứng phó; trực tiếp cung cấp thông tin để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác; can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài khi phát hiện hoạt động điều tra không phù hợp với các quy định của WTO; khiếu nại và đưa vụ việc ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp PVTM được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.


Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực. Năm 2021 ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,... Chẳng hạn như trong một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra CBPG đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế CBPG (như cá tra-basa, tôm, lốp xe). Trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra CTC đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Canada đều có kết luận chung là doanh nghiệp của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể. Australia đã chấm dứt nhiều vụ việc như vụ việc điều tra CBPG, CTC ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng... Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra CBPG đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh … Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.


2.1. Thị trường Hoa Kỳ


Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2021, Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 1.137 vụ việc và áp dụng 774 biện pháp PVTM. Hoa Kỳ đã điều tra 41 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


Một số biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được rà soát định kỳ và có được kết quả tích cực. Đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa, tháng 3 năm 2021, Hoa Kỳ đã ra kết luận cuối cùng của kỳ rà soát lần thứ 16, trong đó đã có tổng cộng 8 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được Hoa Kỳ kết luận là không bán phá giá. Tháng 3 năm 2022, Hoa Kỳ ra kết luận cuối cùng của kỳ rà soát hành chính lần thứ 17 và có thêm 01 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được kết luận không bán phá giá. Đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu, sau kỳ rà soát lần thứ 3, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cũng được kết luận là không bán phá giá. Đối với mặt hàng lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) được kết luận là không bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với mật ong, tháng 03 năm 2022, Hoa Kỳ đã ra kết luận cuối cùng của vụ việc với mức thuế giảm mạnh gần 7 lần so với mức thuế sơ bộ được ban hành vào tháng 11 năm 2021, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Ngoài ra, trong năm 2021, Hoa Kỳ cũng ra quyết định áp dụng/gia hạn biện pháp CBPG với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, như ống đồng, túi PE.


2.2. Thị trường Canada


Trong năm 2021, Canada không khởi xướng điều tra vụ việc PVTM mới nào đối với Việt Nam. Đối với vụ việc CBPG thép cốt bê tông, Canada đã ra quyết định cuối cùng cho vụ việc, theo đó, nước này (i) kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép cốt bê tông tại Việt Nam; (ii) quyết định áp thuế CBPG đối với thép cốt bê tông nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với vụ việc điều tra CBPG, CTC ghế bọc đệm, Canada đã ban hành kết luận cuối cùng. Trong số 8 doanh nghiệp tham gia hợp tác điều tra, chỉ một doanh nghiệp bị áp thuế chống trợ cấp 3,7%, các doanh nghiệp còn lại không bị áp loại thuế này. Mức thuế CTC dành cho các doanh nghiệp không hợp tác là 5,5%.


2.3. Thị trường Mexico


Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2021, Mexico đã điều tra tổng cộng 276 vụ việc và áp dụng 154 biện pháp PVTM. Mexico chưa áp dụng biện pháp PVTM nào với Việt Nam, tuy nhiên trong năm 2021 lần đầu tiên Mexico đã tiến hành điều tra CBPG đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Việc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào nửa cuối năm 2022.


2.4. Thị trường EU 


Đối với Việt Nam, hiện nay EU chỉ đang áp dụng biện pháp PVTM với duy nhất sản phẩm thép (biện pháp TV).


Trong năm 2021, EU không điều tra cũng như áp dụng biện pháp PVTM mới nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đối với biện pháp TV đối với sản phẩm thép, năm 2021, EU đã tiến hành rà soát cuối kỳ. Trên cơ sở đó, EU đã ra quyết định gia hạn biện pháp TV theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) thêm 03 năm. Theo đó, Việt Nam tiếp tục bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2 (thép tấm cán nguội); nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng); nhóm 9 (thép tấm không gỉ); nhóm 24 (ống thép đúc). Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%).


2.5. Thị trường Ấn Độ


Theo thống kê của WTO, Ấn Độ là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất trên thế giới. Đối với Việt Nam, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc PVTM. 


Trong năm 2021, Ấn Độ khởi xướng điều tra 01 vụ việc CBPG và đã nhiều lần ra quyết định không áp thuế với một số vụ việc điều tra CBPG. Có 02 vụ việc đang trong quá trình điều tra (01 vụ việc, CBPG, 01 vụ việc CTC), 01 vụ việc đã có kết luận cuối cùng và hiện đang chờ ban hành lệnh áp thuế, 9 vụ việc đang trong giai đoạn áp thuế (gồm 02 vụ CTC và 7 vụ CBPG), 16 vụ việc đã hết hạn áp thuế hoặc được chấm dứt điều tra/áp thuế (gồm 12 vụ việc CBPG và 04 vụ việc tự vệ).


2.6. Thị trường ASEAN 


Trong số các quốc gia thành viên của ASEAN, bốn quốc gia có sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Thái Lan và Malaysia chủ yếu sử dụng biện pháp chống bán phá giá, Indonesia sử dụng cả biện pháp CBPG và TV trong khi Philippines chủ yếu sử dụng biện pháp TV. 


Đối với Việt Nam, Thái Lan đã tiến hành 08 vụ việc PVTM. Trong năm 2021, Thái Lan không khởi xướng vụ việc mới nhưng ban hành 01 quyết định áp thuế CBPG đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng ở mức từ 24,38% đến 42,34%.


Đối với Việt Nam, Malaysia đã tiến hành 10 vụ việc PVTM. Trong năm 2021, Malaysia khởi xướng rà soát 01 vụ việc rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CBPG đối với thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim của Việt Nam; và ban hành 05 kết luận về vụ việc PVTM khác. Đối với sản phẩm thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thuế rà soát hành chính được áp dụng từ 7,42% tới 33,70%. Đối với sản phẩm tôn phủ màu của Việt Nam, mức thuế rà soát hành chính được áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam từ 0% tới 34,85%, trong đó một doanh nghiệp được kết luận là 0% (không bán phá giá). Đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chịu mức thuế CBPG từ 7,81 tới 23,84%. Đối với sản phẩm gạch ốp lát, Malaysia quyết định kết thúc vụ việc điều tra TV do không có sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra và mối quan hệ nhân quả với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Đối với sản phẩm polyethylene terephthalate, Malaysia quyết định chấm dứt điều tra CBPG do kết luận hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.


Đối với Việt Nam, Indonesia đã tiến hành 11 vụ việc PVTM. Trong năm 2021, Indonesia không khởi xướng vụ việc mới nhưng ban hành kết luận áp thuế đối với 04 vụ việc PVTM. Cụ thể, đối với sản phẩm tôn lạnh, Indonesia quyết định không áp dụng biện pháp CBPG đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (theo cáo buộc có thể lên đến 49,2%). Đối với sản phẩm may mặc, thuế TV được áp dụng giảm dần trong 03 năm, năm thứ nhất: cao nhất là 63.000 Rp/sản phẩm (khoảng 4,43 USD/sản phẩm) và thấp nhất là 19.260 Rp/sản phẩm (khoảng 1,36 USD/sản phẩm); năm thứ hai: cao nhất là 59.850 Rp/sản phẩm (khoảng 4,21 USD/sản phẩm) và thấp nhất là 18.297 Rp/sản phẩm (khoảng 1,29 USD/sản phẩm); năm thứ ba: cao nhất là 56.858 Rp/sản phẩm (khoảng 4 USD/sản phẩm) và thấp nhất là 17.382 Rp/sản phẩm (khoảng 1.22 USD/sản phẩm). Đối với giấy bọc thuốc lá, thuế TV được áp dụng giảm dần trong 02 năm, năm thứ nhất là: 4.000.000 Rp/tấn (tương đương khoảng 282 USD/tấn); mức thuế năm thứ hai là: 3.961.950 Rp/tấn (tương đương khoảng 279 USD/ tấn). Đối với gạch ốp lát, thuế TV được gia hạn thêm 03 năm, năm thứ nhất là 17%; năm thứ hai là 15% và năm thứ ba là 13%.


Đối với Việt Nam, Philippines đã tiến hành 13 vụ việc PVTM. Trong năm 2021, Philippines khởi xướng 01 vụ việc điều tra CBPG đối với xi-măng của Việt Nam và hiện đang trong quá trình điều tra. Philippines cũng dừng điều tra 04 vụ việc TV đối với một số sản phẩm thép mạ kẽm; thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu và xe ô tô nhập khẩu. 


2.7. Thị trường Australia 


Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2021, Australia đã điều tra tổng cộng 418 vụ việc, trong đó áp dụng 186 biện pháp PVTM. Australia đã điều tra 17 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


Trong năm 2021, Australia đã thông báo chính thức chấm dứt điều tra đối với 04 vụ việc PVTM của Việt Nam bao gồm ống thép chính xác, dây đai thép phủ màu, thép mạ hợp kim nhôm kẽm (chiều rộng dưới 600mm), ống đồng của Việt Nam do xác định không tồn tại hành vi bán phá giá, các doanh nghiệp của Việt Nam không nhận được trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức không đáng kể (đối với vụ việc ống thép chính xác, thép mạ hợp kim nhôm kẽm). Bên cạnh đó, đối với cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (particular market situation - PMS), dựa trên bằng chứng do Bộ Công Thương cung cấp, Cơ quan điều tra Australia đã kết luận Chính phủ Việt Nam không tác động vào thị trường để tạo ra lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay Australia đang tiến hàng rà soát cuối kỳ thuế CBPG đối với sản phẩm nhôm.


2.8. Thị trường Đông Bắc Á 


Các thị trường khu vực Đông Bắc Á có xu hướng ít điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2021, Đài Loan đã áp dụng biện pháp CBPG đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạch men của Việt Nam với mức thuế từ 0% đến 19,41%. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Hàn Quốc cũng đã tiến hành điều tra CBPG đối với mặt hàng ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam. Dự kiến vụ việc điều tra này sẽ có kết luận trong nửa đầu năm 2022.


3. Tăng cường đấu tranh chống các hành vi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại 

 

Xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại trên thế giới đã và đang là xu hướng tất yếu, phổ biến, phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện ở việc ngày càng nhiều nước tham gia vào WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương...

 

Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau, kể cả tại một số nền kinh tế lớn. Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại thể hiện rõ nét nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc chính thức nổ ra, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giới. Nhiều thành viên WTO khác cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu. Khi một nước bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp nước này có xu thế tìm cách tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang nước áp dụng biện pháp đó (thường là những thị trường xuất khẩu lớn, chủ đạo), từ đó nảy sinh các hành vi lẩn tránh thuế PVTM, đặc biệt là gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba, dịch chuyển đầu tư. Mặt khác, để bảo đảm hiệu quả của các biện pháp PVTM, các quốc gia áp dụng biện pháp cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu để phát hiện các hành vi gian lận nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM. Trong trường hợp phát hiện hành vi gian lận, nước áp dụng biện pháp PVTM có thể điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM để mở rộng áp dụng phạm vi áp dụng cho hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi gian lận xảy ra, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.

 

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững; đồng thời tránh việc các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài.

 

Do đó, ngày 04 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

 

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 824/QĐ-TTg và Nghị quyết 119/ NQ-CP, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tăng chế tài đối với các hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

 

Bộ Công Thương đã thường xuyên cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Thông qua công tác cảnh báo, các cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp khai báo xuất xứ không chính xác và có những biện pháp xử lý phù hợp.

 

Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực hợp tác về chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ với các cơ quan liên quan của nước ngoài và được các đối tác đánh giá cao.

 

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về PVTM đến các doanh nghiệp trong ngành nhằm ngăn chặn từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác. 

 

Nhờ các nỗ lực nói trên, những hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là những hành vi cá biệt, được phát hiện và xử lý kịp thời. Từ đó, uy tín của hàng hóa Việt Nam được đảm bảo, các kết quả xuất khẩu được giữ vững và tiếp tục phát triển.


Nguồn: Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, Bộ Công Thương

Quảng cáo sản phẩm