Bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá?

09/12/2022 03:29 - 43 lượt xem

Theo quy định của WTO (mà EU tuân thủ), bán phá giá trong thương mại quốc tế là hiện tượng xảy ra khi một sản phẩm được xuất khẩu sang EU với giá thấp hơn mức giá bán tại thị trường nội địa của họ hoặc thấp hơn chi phí sản xuất.

 

Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản là nếu giá xuất khẩu (giá XK) của một mặt hàng thấp hơn giá nội địa (giá thông thường) của nó hoặc thấp hơn chi phí sản xuất thì sản phẩm đó được coi là bán phá giá tại thị trường nước nhập khẩu sản phẩm đó.

 

Ví dụ nếu công ty A bán thép cuộn nóng tại thị trường nước A với giá 1.000 euro/tấn nhưng do sản xuất dư thừa, công ty này quyết định bán phần thép cuộn nóng dư thừa này sang EU với giá 700 euro/tấn. Như vậy công ty A có thể bị xem là bán phá giá sang EU với biên độ phá giá bằng: (1000-700)/1000 = 30%

 

Ủy ban châu Âu sẽ thực hiện cuộc điều tra đối với trường hợp nghi vấn, nếu kết luận có hiện tượng bán phá giá đang diễn ra, EC có thể khắc phục mọi thiệt hại cho các công ty EU bằng cách áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

 

Biện pháp chống bán phá giá chủ yếu thể hiện dưới hình thức thuế chống bán phá giá. Đây là loại thuế bổ sung ngoài thuế nhập khẩu thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU là đối tượng của biện pháp chống bán phá giá. Mức thuế chống bán phá giá về nguyên tắc là bằng hoặc thấp hơn biên độ phá giá được xác định theo kết quả điều tra chống bán phá giá. Thuế này có thể cố định, thay đổi hoặc theo tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị. Thuế chống bán phá giá có thể kéo dài trong 6 tháng (biện pháp tạm thời) hoặc dài hạn tới 5 năm.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm