Bảo hộ Chống bán phá giá: Ai được lợi?

01/04/2010 12:00 - 2357 lượt xem

Phân tích chi tiết về việc áp dụng Chống bán phá giá 
tại các quốc gia áp dụng thường xuyên nhất
Centad
Trung tâm Thương mại & Phát triển Ấn Độ
 
Aradhna Aggarwal
Trưởng phòng Kinh tế Kinh doanh
Đại học Delhi, Ấn Độ
 
Bản quyền © thuộc Centad, Tháng 11 năm 2007
 
Các nghiên cứu của Centad nhằm phổ biến những kết luận sơ bộ của nghiên cứu đang được tiến hành cả trong và ngoài Centad về những vấn đề xoay quanh thương mại và phát triển với mục đích trao đổi quan điểm và thúc đẩy các tranh luận. Quan điểm, phân tích và kết luận trong nghiên cứu này của riêng tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm của Centad. Độc giả được phép trích dẫn hoặc viện dẫn nghiên cứu nếu có sự công nhận thích đáng tới tác giả và Centad.
 
Centad xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Aditya Bhattacharjea (Giáo sư, Trường Kinh tế Delhi, Ấn Độ) vì những nhận xét quý báu của ông trong bản nghiên cứu trước. Tác giả tự chịu trách nhiệm cho những quan điểm được nêu ra trong nghiên cứu này và những sai sót hay thiếu sót vẫn còn tồn tại, nếu có.
 
Từ khoá: chống bán phá giá, WTO, cạnh tranh, tiền thuê, vận động hành lang
 
Thiết kế và In bởi
Công ty TNHH New Concept Information Systems
 
Lô 5, Khu Văn phòng, Sarita Vihar
New Delhi – 110 076
 
LỜI NÓI ĐẦU
 
Gần đây chống bán phá giá (CBPG) nổi lên là một trong những vấn đề thương mại gây nhiều tranh cãi nhất trong thương mại quốc tế. Mặc dù CBPG được coi là một công cụ bảo hộ thương mại được sử dụng bởi các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ từ hơn 100 năm trước nhưng việc áp dụng biện pháp này, bởi cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, đã tăng đáng kể từ sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập năm 1995. Thú vị là Hiệp định chống bán phá giá (ADA) của WTO chỉ xử phạt chứ không cấm bán phá giá. Tuy nhiên, khi có kết luận về việc gây thiệt hại đáng kể, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất nội địa, hoặc làm chậm sự hình thành của ngành sản xuất nội địa tại nước nhập khẩu thì Hiệp định chống bán phá giá cho phép các nước thành viên WTO áp dụng thuế CBPG để bù đắp lại lợi thế về giá mà nhà xuất khẩu được hưởng do bán phá giá. Do đó, từ quan điểm pháp lý thì CBPG là một biện pháp phòng vệ thương mại dành cho những ngành sản xuất bị thiệt hại bởi những hành vi thương mại không lành mạnh của người xuất khẩu. CBPG hoạt động như một bức tường thành chống lại hành vi cạnh tranh không công bằng của các nhà xuất khẩu nước ngoài. Tuy nhiên các nhà chỉ trích lập luận rằng hình thức hiện tại của CBPG không hề bảo vệ sự tự do cạnh tranh mà trên thực tế lại là bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Việc áp dụng rộng rãi và thường xuyên bị lạm dụng cho những mục đích bảo hộ đã buộc các nước thành viên WTO kêu gọi rà soát lại Hiệp định chống bán phá giá như là một phần của Chương trình hành động Doha khởi xướng từ năm 2001. Quá trình rà roát vẫn tiếp tục theo Nguyên tắc Đàm phán liên tục của Vòng đàm phán Doha. 
 
Nghiên cứu này điều tra ngành sản xuất và mô hình công ty của việc áp dụng CBPG tại 18 quốc gia áp dụng thường xuyên nhất. Trên cơ sở phân tích số liệu chặt chẽ, tác giả đi tới một kết luận đáng chú ý về việc làm thế nào mà chỉ ít quốc gia trên thế giới và một số hãng lớn và quyền lực trong những ngành công nghiệp tập trung lớn của những quốc gia này được hưởng lợi không tương xứng từ biện pháp CBPG. Ngược lại, phân đoạn thị trường lớn của lĩnh vực sản xuất hàng hoá do những nhà sản xuất vừa và nhỏ làm chủ lại không được hưởng lợi từ cái gọi là biện pháp phòng vệ thương mại. Từ đó, tác giả lật lại lập luận cho rằng CBPG là một ‘van an toàn’ thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại, bởi theo tác giả thì những người đang áp dụng công cụ này không cần đến và những người đáng lẽ cần nó nhất thì lại không được hưởng lợi gì. Tác giả lập luận rằng CBPG bóp méo thương mại và ảnh hưởng tới cạnh tranh không chỉ bằng việc tạo hàng rào bảo hộ và ngăn cản cạnh tranh từ hàng nhập mà còn bởi vì việc áp dụng nó liên quan đến mức độ tập trung theo nhiều hướng khác nhau. Do đó, thay vì chống độc quyền CBPG thực chất thúc đẩy chống cạnh tranh và các hành vi thương mại không lành mạnh, và thay vì bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh trong thương mại quốc tế thì nó lại bóp méo thương mại ở mức độ toàn cầu, quốc gia và ngành sản xuất.
 
Tôi hi vọng những kết luận đáng chú ý trong nghiên cứu rút ra từ việc phân tích số liệu chặt chẽ và có tính logic cao sẽ đưa ra được một cái nhìn đúng đắn về lợi và hại của CBPG với vai trò là một biện pháp phòng vệ thương mại. 
 
Giáo sư Samar Verma
Cố vấn chính sách cao cấp /Lãnh đạo nhóm Chính sách luật kinh tế
Oxfam GB
 
 
Quảng cáo sản phẩm