Bảo hộ ngược

09/05/2009 12:00 - 3686 lượt xem

Xử lý mối quan hệ đánh đổi giữa hai xu hướng tự do hóa thương mại và bảo hộ thương mại để duy trì sản xuất trong nước khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu. Liệu sự phấn khích với hội nhập có làm cho nhiều chính sách bảo hộ bị quên đi?

Trung tuần tháng 12 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận được một giấy mời đặc biệt tới dự khai mạc cuộc tuần hành lớn mang tên “Tự hào Việt Nam - thành viên WTO” ở TPHCM mà các nhà tổ chức dự kiến có hàng chục ngàn người tham gia.

Thời điểm đó, hầu hết các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân không ngại ngần bày tỏ sự phấn khích kiểu như vậy khi cho rằng, việc trở thành thành viên WTO chứng tỏ thế giới đã công nhận thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, và điều này sẽ mang lại sự đổi đời thật sự.

TPHCM không phải là duy nhất. Hà Nội và một số địa phương khác cũng tổ chức các cuộc tuần hành như vậy với quy mô hoành tráng tương tự, điều mà hầu hết các nước trên thế giới không làm khi họ trở thành thành viên tổ chức thương mại này. Nhưng ông Tuyển đã từ chối tham gia cuộc tuần hành đó. “Tôi không đi để tỏ ý phản đối thái độ phấn khích như vậy”, ông nhớ lại.

Tuy nhiên, thái độ của ông Tuyển lúc đó đã bị át đi bởi sự hân hoan thái quá. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: “Có thời điểm ta kỳ vọng quá lớn vào WTO, không chỉ trong xã hội, mà ngay trong chủ trương. Chúng ta muốn phát triển thật nhanh, và cho rằng có thể phát triển thật nhanh… Điều này đã đưa đến những hậu quả như thế nào, các đồng chí biết rồi. Đây là một thiếu sót quá lớn, từ đó đi đến quyết sách không đúng”. Sự hân hoan đó còn thể hiện qua cách mà các nhà làm chính sách sốt sắng đưa các cam kết WTO vào các văn bản pháp luật của Việt nam sớm hơn so với yêu cầu.

Việc mở cửa sớm thị trường nội địa cho các nhà bán lẻ, hay các ngân hàng, hãng bảo hiểm nước ngoài là một minh chứng không phải bàn cãi. Một ví dụ khác là việc cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan đối với nhiều sản phẩm, nguyên liệu. Tinh thần chung của các nhà làm luật của Bộ Thương mại lúc đó, rồi Bộ Công Thương sau này cho rằng, cách làm này sẽ “tạo điều kiện” cho nhiều mặt hàng chất lượng cao với mức giá hợp lý đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước. Chỉ tính từ đầu năm 2007 cho đến nay, Việt Nam đã tiến hành 3 đợt cắt giảm thuế mới với khoảng 1.800 dòng thuế, một mức thực hiện cam kết WTO quá cao! Thế nhưng, Bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Công Thương lại cho rằng: “Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Câu hỏi đặt ra là, liệu việc cắt giảm một lượng lớn các dòng thuế như vậy, đưa nền kinh tế này liên thông hơn với một thế giới khủng hoảng, cùng với việc chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại ở rất nhiều quốc gia có là lựa chọn khôn ngoan? Trả lời cầu hỏi này là điều không đơn giản, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện đang dựa chủ yếu vào xuất khẩu.

Nhưng có nhiều người đang hưởng lợi lớn từ chính sách có phần “dễ dãi” với hàng hóa nước ngoài. Trần Thanh Nga, một lái buôn sống ở Hà Nội và quê gốc ở Cao Bằng hàng tháng lại qua biên giới đi sâu vào các tỉnh công nghiệp sầm uất miền Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Thẩm Quyến đánh hàng về Việt Nam. Các kiện hàng cô đưa về nước đủ chủng loại, từ đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ con, quần áo may sẵn đến phích điện, quạt máy, đồng hồ, đầu video, những mặt hàng sau đó được phân phối tại những cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội. Đương nhiên là cô kiếm lời to. Ví dụ, một bộ quần áo trẻ em mùa đông mua ở Thẩm Quyến có giá chỉ khoảng 60 ngàn đồng thường được bán với giá 200 ngàn đồng ở Việt Nam. “Anh xem, trong nhà người Việt Nam bình thường có bao nhiêu đồ là hàng Trung Quốc? Thế thì công việc của em còn tốt nữa”, Nga hồ hởi nói.

Tuy vậy, Nga thừa nhận cô chỉ là một đường dây nhỏ so với rất nhiều những đường dây quy mô khác được tổ chức chặt chẽ, hợp pháp hay bất hợp pháp, đang ngày đêm vận chuyển hàng tiêu dùng từ Trung Quốc về Việt Nam. Thật khó để nêu tên những đường dây này, nhưng cũng thật dễ để thấy ảnh hưởng của chúng: từ các kệ hàng trong siêu thị, trong các cửa hiệu trên phố cho đến những xạp hàng ở nông thôn luôn đầy ắp hàng tiêu dùng nhập khẩu xa xỉ hay bình dân.

Hồi đầu năm nay, Việt trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Đinh Văn Ân đến thăm tỉnh Quảng Tây. Ông cảm thấy lo lắng với những gì mình chứng kiến. Báo cáo thống kê của chính quyền tỉnh này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu từ Quảng Tây sang Việt Nam tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ trong hai tháng đầu năm nay. Đây là điều không bình thường trong bối cảnh giá trị xuất khẩu, và cả nhập khẩu của riêng Quảng Tây đều giảm gần 30% do khủng hoảng kinh tế thế giới. Về tổng thể, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày nay đã lên tới 13 – 14 tỷ USD/năm. Ông Ân kể rằng, ông đã viết một báo cáo lưu ý Chính phủ về hiện tượng này trong bối cảnh nhiều chính sách kích cầu được đưa ra nhằm kích thích tiêu dùng, sản xuất trong nước.

Liệu tình hình có quá đi không, nhất là khi nhập siêu của Việt Nam đã trở nên trầm trọng, với 17,5 tỷ USD trong năm qua? Đại sứ Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle, người luôn cổ vũ Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ cũng phải gợi ý rằng, Chính phủ nên xem xét các biện pháp tự vệ thương mại trong khuôn khổ WTO. Trong một cuộc họp về WTO lần đầu tiên tổ chức cho các viên chức của 4 văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch nước, ông lưu ý: “Các quy định của WTO liên quan đến các biện pháp tự vệ thương mại trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh bất lợi của tình hình kinh tế thế giới … dù Việt Nam luôn kiên quyết và công khai phản đối chủ nghĩa bảo hộ”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú bảo vệ quan điểm, việc cắt giảm thuế quan khi gia nhập WTO không phải là yếu tố chủ yếu dẫn đến tình trạng nhập siêu nghiêm trọng ở Việt Nam. Những sản phẩm nhập khẩu tăng rất mạnh trong vòng hai năm qua như ô tô, linh kiện ô tô, thép thành phẩm, máy móc thiết bị, đồ điện tử , máy tính, linh kiện, thức ăn gia súc lại không bị giảm thuế nhập khẩu nhiều.

Nhưng ông Tú không thể phủ nhận tình trạng nhập siêu quá cao trong hai năm qua. Tuy nhiên, ông Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ khó có thể tăng thuế nhập khẩu, hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế định lượng như trước, hoặc thực hiện một số cơ chế tự vệ của chính WTO để kìm hãm sự gia tăng quá mức của hàng nhập khẩu. “Vấn đề là trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài thì các biện pháp trên có thể sẽ được hiểu sai lệch theo hướng tiêu cực, tác động đến cộng đồng kinh doanh quốc tế”, ông Tú lý giải.

Rõ ràng, xử lý mối quan hệ đánh đổi giữa hai xu hướng tự do hóa và bảo hộ thương mại để duy trì sản xuất trong nước là câu hỏi không dễ đối với các nhà hoạch định chính sách. Nhưng đến nay đã xuất hiện những quan điểm trong xã hội rằng, sự phấn kích quá lớn với hội nhập đã làm cho nhiều cơ quan Nhà nước quên đi chính sách bảo hộ. Ông Vũ Khoan cảm thán: “Chúng ta mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại, nhưng cũng phải bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo hộ thị trường bằng chính các công cụ WTO chứ. WTO cho phép làm vậy, nhưng chúng ta không có hành động gì”.

Tư Giang

Nguồn: Báo Doanh nhân số 26 - VCCI

Quảng cáo sản phẩm