Các quy định thương mại tuỳ tiện

18/05/2007 12:00 - 1557 lượt xem

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nga, Scott Cheshier và Jago Penrose (UNDP)
Tên nghiên cứu: Tài liệu đối thoại chính sách của UNDP "Các quyđịnh thương mại tuỳ tiện: Chống bán phá giá và Quy chế nền kinh tế phithị trường áp đặt cho Việt Nam", 11/2006.
 
Bán phá giá được định nghĩa là việc đặt giá xuất khẩu thấp hơn so với giá trong nước, vì vậy gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp của nước nhập khẩu. Bất cứ phương pháp điều tra nào làm tăng giá nội địa đều làm tăng khả năng dẫn đến phán quyết cuối cùng khẳng định có bán phá giá. Khi các rào cản thuế quan và phi thuế quan đang được giảm để tuân thủ với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì các vụ chống bán phá giá (AD) được sử dụng nhiều hơn nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.
 
Các phương pháp điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có đặc điểm là sử dụng các định nghĩa mơ hồ và tối nghĩa. Những phương pháp này không có các hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng trong thực tế, ví dụ làm thế nào để xác định rằng việc bán phá giá đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp trong nước. Các phương pháp tính toán có nhiều khiếm khuyết và thậm chí không phù hợp với các quy định của WTO. Kết quả là giá cả nội địa của nước xuất khẩu bị tính quá cao, dẫn tới kết luận khẳng định bán phá giá và biên độ phá giá cao. Ngoài ra, sự tuỳ tiện là một đặc điểm liên quan đến cơ cấu xét xử theo các quy định chống bán phá giá. Bởi vì các vụ kiện chống bán phá giá được xử trong các toà án trong nước, sự tuỳ tiện này khiến cho động cơ chính trị thay vì các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng tới các kết quả về chống bán phá giá.
 
Những biện pháp này áp dụng đối với tất cả các nước. Các nền kinh tế phi thị trường (NME) phải đối mặt với gánh nặng bổ sung thông qua việc sử dụng cách tiếp cận nước thay thế. Phương pháp này bắt nguồn từ các cuộc thương lượng về cách làm thế nào để xác định giá cả trong nước ở những nước mà nhà nước độc quyền thương mại vào những năm thuộc thập niên 1960 và chúng được duy trì trong các quy định của WTO. Cách tiếp cận này cho phép bên khởi kiện lựa chọn một nền kinh tế thị trường để thay thế cho nền kinh tế phi thị trường. Giá cả ở nước thay thế được sử dụng để đại diện cho giá trong nước của nền kinh tế phi thị trường. Sự tuỳ tiện trong quá trình lựa chọn và việc so sánh các sản phẩm không giống nhau giữa các nước là điều phổ biến. Thường xảy ra sự lạm dụng trong việc tính toán giá trị thông thường. Tình trạng định giá quá cao đối với các yếu tố sản xuất gần như diễn ra ở khắp mọi nơi, nhất là đối với chi phí lao động bởi vì phương pháp này không đếm xỉa gì tới sự khác biệt giữa các nước. Việc không tính đến những khác biệt giữa các nước để không tính đến nguyên nhân chính yếu vì sao hàng xuất khẩu của các nước nghèo lại rẻ hơn và vì vậy làm sai lệch các kết quả phát hiện. Hơn nữa, việc Hoa Kỳ sử dụng những thông tin bất lợi có sẵn đối với các nhà sản xuất của NME cho phép Hoa Kỳ sử dụng những số liệu không đáng tin cậy để tính ra giá trị thông thường. Phương pháp nước thay thế cho phép các bên khởi kiện thao túng các con tính, dựng ra kết luận khẳng định bán phá giá và phóng đại biên độ phá giá.
 
Thừa nhận những cải cách theo hướng thị trường ở các nước NME, Hoa Kỳ và EU đưa ra các quy trình bổ sung đối với một số nước NME. Các doanh nghiệp thuộc những ngành đang bị điều tra có thể nỗ lực để chứng minh họ đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ đặc biệt căn cứ theo những minh chứng về việc tồn tại những điều kiện thị trường đối với doanh nghiệp và thường là với cả ngành công nghiệp. Những cách tiếp cận bổ sung này là một sự cải thiện so với phương pháp thuần tuý dùng nước thay thế bởi vì chúng cho phép sử dụng giá cả thực tế trong nước và các mức thuế quan riêng cho các doanh nghiệp đạt chuẩn. Tuy nhiên, dù sao thì những doanh nghiệp này vẫn phải chịu những khiếm khuyết cố hữu của các phương pháp điều tra chống bán phá giá thông thường. Các doanh nghiệp thường bị từ chối ban cho những đối xử này vì các tiêu chí để xét doanh nghiệp có đạt chuẩn để được hưởng đối xử đặc biệt không thường mơ hồ và tạo điều kiện cho sự áp dụng tuỳ tiện.
 
Các tiêu chí để phân loại các nền kinh tế NME cũng mơ hồ và tuỳ thuộc vào phán quyết tùy tiện của cơ quan xét xử. EU đơn giản đưa ra một danh sách được cập nhật định kỳ nhưng không có tiêu chí lựa chọn nào được công bố. Hoa Kỳ có một điều khoản cho phép cơ quan có thẩm quyền của nước này đưa ra quyết định căn cứ vào những yếu tố khác được xem là phù hợp. Những yếu tố này không được định nghĩa. Mức độ tuỳ tiện khiến cho việc phân loại dựa trên các cân nhắc chính trị chứ không phải là những điều kiện hiện hữu. Không rõ là khi nào một nước có thể và đáng phải được thay đổi quy chế nền kinh tế. Khả năng dựng ra bất cứ kết quả nào được mong muốn thông qua việc sử dụng phương pháp nước thay thế khiến cho điều này trở thành một vấn đề lớn đối với các nước NME.
 
Các nghiên cứu trường hợp điều tra chống phá giá ở Việt Nam liên quan tới cá da trơn, tôm, xe đạp và giày dép chỉ ra mức độ tuỳ tiện được áp dụng bởi cả Hoa Kỳ lẫn EU. Tất cả mọi phương pháp bóp méo đã được sử dụng để dẫn đến những kết quả hai nước này mong muốn. Hoa Kỳ từ chối không tuân thủ theo các cam kết WTO của mình và biện hộ bằng cách nói rằng các phán quyết của WTO không có hiệu lực ràng buộc đối với họ. Quy chế NME là nguyên nhân thường xuyên dẫn tới phán quyết cuối cùng khẳng định bán phá giá với mức thuế chống bán phá giá quá cao. Nó tạo thêm phạm vi để Hoa Kỳ và EU gây ảnh hưởng tới kết quả điều tra thông qua việc sử dụng phương pháp nước thay thế. Vụ tôm cho thấy Việt Nam có thể phản bác một số khía cạnh của phương pháp tính toán và giảm được mức thuế chống bán phá giá cuối cùng. Nhưng dù Việt Nam có thể giảm bớt mức độ thiệt hại của những điều tra chống bán phá giá, quy chế NME sẽ tiếp tục dẫn tới phán quyết cuối cùng khẳng định bán phá giá và phóng đại biên độ bán phá giá.
 
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (DSM) sẽ không tạo ra một cơ hội cho Việt Nam để bác lại các quyết định chống bán phá giá mang tính phân biệt đối xử đối với Việt Nam. Luật Chống bán phá giá quốc gia phần lớn là tuân thủ với Hiệp định Chống bán phá giá của WTO. Vấn đề là WTO xác nhận tính hợp lệ của cách dùng nước thay thế. Vậy nên không thể thách thức chính cơ chế đã tạo ra những kết quả thiên lệch. Lợi ích của việc Việt Nam gia nhập WTO không phải là ở chỗ được tiếp cận cơ chế giải quyết tranh chấp. Lợi ích là ở chỗ xác định một hạn định đối với quy chế NME trong thoả thuận gia nhập của Việt Nam. Việc ngày hết hạn này được thương lượng thể hiện ý nghĩa chính trị thay vì ý nghĩa kỹ thuật của việc quyết định quy cho NME. Chừng nào quy chế NME chưa được dỡ bỏ, Việt Nam sẽ vẫn dễ phải chịu những cáo buộc tuỳ tiện về chống bán phá giá.
Quảng cáo sản phẩm