Chính sách Thương mại Hoa Kỳ dưới thời Obama - Những phân tích đối với Việt Nam

04/12/2008 12:00 - 3012 lượt xem

Ngày 24/11/2008, với sự hỗ trợ của Công ty luật Miller & Chevalier, Ban Pháp chế đã tổ chức Tọa đàm “Những yếu tố mới trong chính sách thương mại Hoa Kỳ và các tác động đối với Việt Nam” với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Công thương, Liên đoàn lao động Việt Nam và các hiệp hội dệt may, da giầy, gỗ lâm sản, thủy sản, trường, viện nghiên cứu.

Tại buổi Tọa đàm, luật sư Jon Huenemann, nguyên Trưởng Chương trình GSP thuộc USTR và luật sư Jay Eizenstat, nguyên cán bộ cao cấp của USTR đã nêu những dự báo giá trị về chính sách thương mại Hoa Kỳ dưới thời Obama, phân tích và đưa ra những khuyến nghị rất thực tiễn cho Việt Nam. Sau đây là tổng hợp những ý kiến dự báo và khuyến nghị của 02 luật sư này mà VCCI có thể tham khảo trong các hoạt động tham mưu chính sách với Đảng và Nhà nước.

I. Những dự báo về những thay đổi trong chính sách thương mại Hoa Kỳ dưới thời Obama

Những yếu tố có thể khiến chính sách thương mại Hoa Kỳ trong tương lai bị thắt chặt theo hướng bảo vệ thương mại nội địa nhiều hơn:

- Hoa Kỳ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng chưa từng có tiền lệ. Cuộc khủng hoảng này gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế nói chung và hệ quả là các ngành sản xuất của Hoa Kỳ cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều ngành (bao gồm cả các doanh nghiệp và người lao động trong ngành) đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này;

- Các lực lượng bảo hộ nội địa và dân túy đang có ảnh hưởng lớn đến Nghị viện Hoa Kỳ;

- Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác trong giai đoạn hội nhập thời gian qua đã khiến Hoa Kỳ bất lợi khi khủng hoảng xảy ra, vì vậy có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ sẽ cân nhắc lại chính sách thương mại của mình.

Bên cạnh đó, lại có những yếu tố khác cho thấy Hoa Kỳ sẽ vẫn phải thúc đẩy chính sách thương mại rộng mở trong thời gian tới:

- Mặc dù là ứng viên đảng Dân chủ với truyền thống tương đối “bảo hộ” trong chính sách thương mại, Tổng thống mới đắc cử Obama tỏ ra là người tương đối độc lập trong vấn đề này và về cơ bản không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền mới sẽ không tiếp tục chính sách thương mại rộng mở; hơn nữa kinh tế Hoa Kỳ có những điểm cố hữu bất di bất dịch mà sự thay đổi các đời Tổng thống hầu như không tác động được nhiều;

- Mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước đã phát triển mạnh mẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau càng ngày càng chặt chẽ, vì vậy khả năng “thoái lui” trong chính sách thương mại hầu như khó có thể xảy ra;

- Hoa Kỳ phải giữ vị trí tiên phong trong việc tìm giải pháp cho nền khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một giải pháp như vậy chắc chắn không thể không tính đến lợi ích của các nước khác và thương mại quốc tế nói chung;

- Chính sách thương mại Hoa Kỳ thời gian qua chưa quan tâm đúng mức đến tầng lớp trung lưu trong xã hội và do đó sẽ cần thay đổi để tính đến tầng lớp này chứ không chỉ là các nhóm lợi ích có khả năng gây áp lực mạnh;

- Khủng hoảng kinh tế buộc chính quyền mới của Hoa Kỳ phải có những thay đổi trong chính sách thương mại, góp phần vực dậy nền kinh tế.

Từ những yếu tố nêu trên, rất khó để dự đoán một cách chắc chắn về những thay đổi cụ thể trong chính sách thương mại Hoa Kỳ trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khả năng dưới đây là tương đối rõ ràng:

- Chính sách thương mại vẫn sẽ tiếp tục là chìa khóa của nền kinh tế; sẽ không có hiệp định thương mại nào với Hoa Kỳ là hoàn toàn bất lợi hay có lợi;

- Việc thực thi các chính sách thương mại, các hiệp định và các quy tắc thương mại sẽ được chú trọng nhiều hơn;

- Chương trình GSP sẽ được tiếp tục (có thể là với một số điều chỉnh nhất định);

- Đàm phán các FTA sẽ được hoàn tất;

- Có thể có những sáng kiến mới về chính sách thương mại.

II. Chính sách Thương mại Hoa Kỳ dưới thời Obama– Những phân tích đối với Việt Nam

1. Về việc cho hưởng GSP

Nếu được hưởng GSP khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, hàng hóa Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu, đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng, từ đó có thể tạo được vị thế cân bằng với các nước đang phát triển khác khi tiến vào thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, danh sách các mặt hàng được hưởng GSP được Hoa Kỳ xem xét lại hàng năm, với việc Quốc hội mới lên nắm chính quyền chắc chắn sẽ có những cân nhắc lại. Vì vậy Việt Nam cần tranh cơ hội này để xin được hưởng GSP, rất có nhiều khả năng Việt Nam sẽ thành công.

Giai đoạn này được coi là thuận lợi cả về mặt thời điểm và chiến lược để đàm phán với Mỹ về vấn đề này.

Để được hưởng GSP, nước xuất khẩu phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí mà Hoa Kỳ đề ra. Cơ quan có thẩm quyền trong việc này sẽ xem xét rất chặt chẽ và bám sát các tiêu chí quy định này. Vì vậy các nỗ lực cần tập trung vào việc chứng minh Việt Nam thỏa mãn tất cả các tiêu chí thông qua việc trình bày bằng văn bản và thảo luận, đối thoại trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ (USTR, Chính phủ, Nghị viện) và với các bên liên quan (ví dụ Nghiệp đoàn lao động, các tổ chức về sở hữu trí tuệ…) bởi trong quá trình quyết định cơ quan có thẩm quyền sẽ tham vấn và lắng nghe ý kiến từ tất cả các bên.

Đặc biệt, Việt Nam cần đặc biệt chú trong đến hai tiêu chí đặc biệt quan trọng là (i) lao động và (ii) quyền sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề lao động, Việt Nam cần chứng minh đã có những chuyển biến, những tiến bộ cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn. Chẳng hạn Việt Nam cần chỉ cho Hoa Kỳ thấy những sửa đổi/bổ sung trong cả chính sách và các pháp luật về lao động nhằm đáp ứng với tình hình mới, tạo điều thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho người lao động đồng thời cũng phải chỉ ra rõ ràng những chính sách và pháp luật đó được thực thi cụ thể trong thực tiễn như thế nào. Nói một cách khác, cần chứng minh các tiêu chí bằng dẫn chứng về sự tiến triển trong quy định và trên thực tế chứ không chỉ là nêu thực trạng vấn đề.

Ngoài ra, Việt Nam cần chứng minh đã tham gia ký kết các công ước và tuân thủ đầy đủ các cam kết với Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Đối với ILO, Việt Nam đã có cam kết về một số vấn đề cốt lõi nhưng không phải là tất cả, không muốn nói là không nhiều. Mặc dù vậy, đây cũng là một hướng đi đúng và Việt nam cần chủ động đề cập đến trong những cuộc nói chuyện với Hoa Kỳ để thuyết phục họ tin vào những tiến bộ của Việt Nam trong việc tham gia các công ước của ILO và thực tế cũng đã có những chuyển động tích cực. Bên cạnh đó, Tổ chức công đoàn của Hoa Kỳ cũng đưa ra các tiêu chí/yêu cầu riêng của họ mà thậm chí còn cao hơn tiêu chí/yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Do đó, điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động có những cuộc đối thoại với Chính phủ Hoa Kỳ và Tổ chức công đoàn nước này về các vấn đề trên.

Về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi đàm phán gia nhập WTO và cho đến nay đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Việt Nam cần chủ động đề cập đến và đưa vấn đề này vào các cuộc nói chuyện, thảo luận, đàm phán với Hoa Kỳ để cho họ thấy những tiến bộ của mình trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xóa bỏ những nghi hoặc, tạo lòng tin và đạt được kết quả trong những vấn đề còn tranh cãi.

2. Về việc tham gia vào Thỏa thuận Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu với nhiều quốc gia năng động và có tốc độ tăng trưởng GDP cao. Vì vậy, Hoa Kỳ rất quan tâm đến khu vực này và muốn tham gia vào Thỏa thuận Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một Hiệp định được ký kết ban đầu vào cuối năm 2005 giữa 4 quốc gia Brunei, Chile, New Zealand và Singapore nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Đến tháng 3-2008, các quốc gia tham gia Hiệp định này bắt đầu mở rộng đàm phán ra các lĩnh vực dịch vụ tài chính và đầu tư và Hoa Kỳ cũng bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán này.

Tuy nhiên, liệu trong thời gian tới Hoa Kỳ có tiếp tục tham gia đàm phán TPP và có quyết định tham gia toàn bộ Hiệp định hay không thì vẫn chưa rõ vì việc này phụ thuộc vào chính sách thương mại của Chính quyền cũng như Nghị viện mới. Hiện Chính quyền Obama chưa thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề này.

TPP là một công cụ “tiêu chuẩn cao” thúc đẩy cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên đồng thời giúp tăng cường thương mại, đầu tư và tăng trưởng, phát triển kinh tế khu vực. Tham gia vào TPP sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia nhất là các quốc gia tham gia ngay từ đầu. Vì vậy Việt Nam nên nhanh chóng xem xét việc tham gia vào Hiệp định khu vực này. Có thể thấy ngay một lợi ích của việc gia nhập TPP đó là hiện một số mặt hang quan trọng (ví dụ hàng dệt may) không có trong danh sách được hưởng GSP nhưng rất có thể sẽ được đưa vào danh sách được hưởng thuế ưu đãi của TPP.

VCCI nên chủ động đưa ra tiếng nói của mình ủng hộ việc Việt nam gia nhập TPP. Việc gia nhập này có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ bởi điều này cũng mang lại lợi ích thương mại cho Hoa Kỳ. Hơn nữa Hoa Kỳ cũng quan tâm đến những tiềm năng để phát triển kinh tế, có nguồn nhân công rẻ và sẵn có của Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay Hoa Kỳ đang tìm kiếm đối trọng với Trung Quốc để giảm sức mạnh của nước này cả về mặt kinh tế và chính trị hiện đang tăng nhanh và “đe doạ” Hoa Kỳ. Một số yếu tố khác cũng có thể kể đến là yếu tố lịch sử, văn hoá và du lịch…

3. Xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ dười thời Chính quyền Obama

Với chính quyền của Tổng thống mới, chính sách thương mại với các nước của Hoa Kỳ chắn chắn sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, cho đến hiện tại không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Obama sẽ có những thay đổi đột biến trong chính sách thương mại với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới bởi đây là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên phía Việt Nam cũng cần cảnh giác với những chính sách chặt chẽ hơn từ phía Hoa Kỳ bởi trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ hiện nay, Chính phủ sẽ phải đối mặt với sức ép lớn từ phía các nhà sản xuất nội địa yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo hộ nền sản xuất nội địa.

Kinh tế suy thoái là cái cớ để giới chủ công nghiệp và các tổ chức nghiệp đoàn của các ngành công nghiệp Hoa Kỳ gây sức ép lên Chính phủ yêu cầu áp dụng các biện pháp hạn chế/ngăn chặn/trừng phạt hàng nhập khẩu vi phạm luật thương mại Hoa Kỳ. Mục tiêu của họ là nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi bị tác động của hàng hóa nước ngoài. Nếu sức ép này đủ lớn thì rất có thể trong thời gian tới Hoa Kỳ sẽ tăng cường bảo hộ thương mại.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng sẽ phải cân nhắc đến cả lợi ích của người tiêu dùng nội địa bởi trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay thì người tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ (thường là các mặt hàng nhập khẩu từ các nước nhiều tài nguyên và nhân công rẻ như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam…).

Do đó, việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng giá rẻ sẽ gây thiệt hại lớn đến người tiêu dùng và chắc chắn sẽ bị phản đối mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng, các hiệp hội người tiêu dùng và cả các nhà nhập khẩu.Do đó, rất khó để dự đoán chính xác là trong thời gian tới hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có bị ảnh hưởng lớn hay không nhưng theo dự đoán của nhiều người thì sẽ không có nhiều biến động, thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Về một số ngành cụ thể

(i) Dệt may

Trong số các đối tác thương mại, Trung Quốc là mối quan ngại lớn nhất đối với Hoa Kỳ bởi tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của quốc gia này cả về kinh tế và chính trị trên trường quốc tế. Trung Quốc cũng là quốc gia đứng đầu trong số các quốc gia xuất khẩu may mặc vào Hoa Kỳ (chiếm 31 tỷ USD tương đương với 31% thị phần trong năm 2007). Do vậy, Trung Quốc mới là mục tiêu tấn công chính của ngành sản xuất dệt may nội địa của Hoa Kỳ chứ không phải Việt Nam. Nhưng Việt Nam có thể bị “liên đới”.

Đặc biệt ngày 1/1/2009 tới đây chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may của Trung Quốc vào Hoa Kỳ sẽ hết hiệu lực, hàng dệt may Trung Quốc vì thế có thể sẽ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới. Đây thực sự là mối lo lớn đối với ngành sản xuất mặt hàng này của Hoa Kỳ và họ phải tìm các biện pháp để đối phó. Một trong những động thái quan trọng gần đây là ngành dệt may Hoa Kỳ đã yêu cầu Chính phủ mở rộng chương trình giám sát hàng dệt may sang cả Trung Quốc. Việc này rất có thể sẽ mở đường cho một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng dệt may nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Điều này có ảnh hưởng bất lợi đối với Việt Nam ở hai khía cạnh:

- Nguy cơ lớn là Cơ chế giám sát hàng dệt may mà Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam trong 2 năm qua và về nguyên tắc sẽ kết thúc vào 31/12/2008 có thể bị gia hạn. Mặc dù kết quả của Cơ chế giám sát trong hai năm qua đều cho thấy không có bằng chứng hàng dệt may Việt Nam bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ lại có lập luận ngược lại rằng kết quả này có được là nhờ có Cơ chế giám sát này (chứng tỏ Cơ chế này có hiệu quả), và vì vậy duy trì Cơ chế này mà ngành sản xuất nội địa mới không bị thiệt hại, chứng tỏ chương trình giám sát đã đem lại hiệu quả tốt và nên tiếp tục duy trì;

- Nếu Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may Trung Quốc thì Việt Nam cũng có thể bị “liên đới” (bị đưa vào danh sách bị đơn vụ kiện cùng với Trung Quốc và các nước khác).

(ii) Đồ gỗ, bao bì nhựa

Gần đây có nhiều tin đồn Hoa Kỳ sẽ kiện chống bán phá giá mặt hàng đồ gỗ và bao bì nhựa của Việt Nam. Tuy nhiên, đơn kiện sẽ chỉ được chấp nhận nếu đáp ứng được điều kiện về tỉ lệ các nhà sản xuất ủng hộ. Trong khi đó tình hình khủng hoảng tài chính hiện nay không nhất thiết là một động lực cho việc kiện này.

Liên quan đến đồ gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ, có vẻ như thị trường Hoa Kỳ đang khó khăn hơn với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với sự ra đời của Luật Lacey (với một loạt các yêu cầu kỹ thuật phức tạp). Tuy nhiên Luật này chưa có hiệu lực và phản hồi từ nhiều quốc gia cho thấy việc thực thi Luật này rất tốn kém do liên quan đến quá nhiều mặt hàng, vì vậy có khả năng sắp tới Hoa Kỳ sẽ xem xét để thu hẹp phạm vi các mặt hàng bị kiểm soát theo Luật Lacey này.

 

(Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Quảng cáo sản phẩm