Chống bán phá giá trong thương mại quốc tế
01/03/2007 12:00
I. LUẬT LỆ CỦA WTO VỀ BÁN PHÁ GIÁ VÀ BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ
Hiện tượng bán phá giá có nguồn gốc khá sớm trong thực tiễn thương mại quốc tế. Mặc dù còn có những quan điểm khác nhau, song pháp luật các nước đều coi đây là một trong những hành vi thương mại không lành mạnh. Một số nước đã có những đạo luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế từ rất sớm [1]. Trên bình diện quan hệ thương mại đa biên, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1947 là văn kiện pháp lý đầu tiên quy định về vấn đề này (Điều VI). Năm 1967, các Bên ký kết của GATT đã thỏa thuận “Hiệp định về thực hiện điều VI của GATT”, thường được gọi là Bộ luật chống bán phá giá. Trong vòng đàm phán Tokyo, Hiệp định này được sửa đổi, bổ sung vào năm 1979.
Các quy định hiện hành của WTO về bán phá giá và chống bán phá giá có thể được nhìn nhận qua các vấn đề: Các hành vi bán phá giá bị lên án, các biện pháp chống bán phá giá có thể được áp dụng và thủ tục áp dụng các biện pháp này.
Khái quát nhất, một sản phẩm được coi là bán phá giá khi giá xuất khẩu của sản phẩm đó thấp hơn giá thông thường của sản phẩm tương tự bán trong nước. Về bản chất, bán phá giá trong thương mại quốc tế là hành vi phân biệt giá cả: đối với cùng một sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự, nhưng giá xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu thụ nội địa. Khác với hiện tượng trợ cấp nhà nước, bán phá giá là hành vi có tính chất doanh nghiệp. Bản thân GATT cũng như các hiệp định của WTO sau này, bao gồm cả Hiệp định ADP là những điều ước quốc tế giữa các quốc gia, do vậy không điều chỉnh trực tiếp các hành vi thương mại tư nhân này. Tuy nhiên, xuất phát từ ý tưởng cho rằng bán phá giá là một trong những hành vi thương mại không công bằng, bóp méo hoạt động thương mại bình thường, GATT cũng như WTO đều cho phép các quốc gia áp dụng những biện pháp mang tính “phòng vệ” để ngăn chặn và hạn chế hậu quả hiện tượng này, nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, việc bán phá giá không phải không đem lại những lợi ích nhất định: dưới góc độ của nước xuất khẩu, bán phá giá tạo điều kiện cho nhà sản xuất có điều kiện phát huy tối đa năng lực sản xuất, khả năng tăng lợi nhuận và thâm nhập thị trường mới; dưới góc độ của nước nhập khẩu, người tiêu dùng có điều kiện hưởng lợi về giá cả. Có lẽ đó chính là một trong những lý do mà không phải bất cứ hành vi bán phá giá nào cũng bị lên án, theo quy định của cả GATT trước đây và WTO hiện nay [3].
Điều VI. 1 của GATT coi bán phá giá là việc “sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm”[2]. Cụ thể hơn, điều 2.1 của Hiệp định ADP định nghĩa: “một sản phẩm bị coi là bán phá giá... nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường”.
Trong trường hợp việc bán sản phẩm trong thị trường nội địa của nước xuất khẩu không diễn ra theo các điều kiện thương mại thông thường (như việc bán hàng thấp hơn giá thành sản xuất do được trợ cấp bởi chính phủ) hoặc sản phẩm đó không được bán tại nước xuất khẩu hay được bán với số lượng không đáng kể, biên độ chênh lệch giá có thể được xác định bằng việc so sánh giá xuất khẩu với giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự khi xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc với giá cấu thành. Giá cấu thành được tính trên cơ sở giá thành sản xuất tại nước xuất khẩu cộng thêm một khoản hợp lý cho chi phí quản lý, bán hàng và lợi nhuận (điều 2.2 Hiệp định ADP).
Khái niệm tổn hại được hiểu là thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất trong nước hoặc ảnh hưởng vật chất làm chậm quá trình hình thành một ngành sản xuất như vậy (điều 3 Hiệp định ADP). Điều 3 của Hiệp định ADP còn quy định rằng việc xác định hàng nhập khẩu bán phá giá có đang làm tổn hại đến ngành sản xuất nội địa hay không phải được thực hiện trên cơ sở mọi “yếu tố kinh tế liên quan tác động đến tình trạng của ngành sản xuất”. Những yếu tố đó gồm: sự giảm sút thực tế và tiềm tàng về sản lượng, doanh số, thị phần, lợi nhuận, năng xuất, tỷ xuất đầu tư hoặc sử dụng công xuất; sự tác động lên giá nội địa; tác động thực tế và tiềm tàng về chu chuyển tiền, tồn kho; việc làm; tiền lương; tăng trưởng và năng lực huy động vốn đầu tư [7, tr.196]. Mặt khác, những thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất trong nước phải là hệ quả trực tiếp của việc bán phá giá. Nói cách khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và những thiệt hại vật chất mà ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước phải gánh chịu. Khái niệm ngành sản xuất trong nước dùng để chỉ tập hợp chung các nhà sản xuất trong nước sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc để chỉ những nhà sản xuất có tổng sản phẩm chiếm phần lớn tổng sản xuất trong nước của sản phẩm đó, trừ một số ngoại lệ cụ thể (điều 4 Hiệp định ADP).
Xuất phát từ quan điểm cho rằng hành vi bán phá giá, ở một mức độ nghiêm trọng nhất định là hành vi thương mại không công bằng, luật lệ của GATT trước đây và WTO hiện nay đều cho phép các quốc gia áp dụng biện pháp có tính trả đũa, tự vệ thương mại. Trong các biện pháp hạn chế thương mại như áp dụng hạn ngạch, hạn chế số lượng, tăng thuế, các biện pháp hạn chế có tính kỹ thuật, phi thuế quan khác, để chống lại hành vi bán phá giá, các quốc gia chỉ có quyền áp dụng biện pháp tăng thuế nhập khẩu. Nói cách khác, quốc gia bị thiệt hại chỉ có thể áp dụng thuế bổ sung (thuế chống bán phá giá) đối với hàng hóa nhập khẩu bị xác định là bán phá giá. Các biện pháp hạn chế số lượng hay các biện pháp hạn chế phi thuế quan khác không được coi là hợp pháp. Quyền áp dụng thuế bán phá giá của quốc gia bị thiệt hại thực chất là quyền có tính ngoại lệ đối với hai nguyên tắc trong thương mại đa biên: Thứ nhất, đó là ngoại lệ đối với nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (MFN). Thuế chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với hàng hóa cụ thể của quốc gia xuất khẩu cụ thể, đã bị xác định là đối tượng của hành vi bán phá giá;
Thứ hai, áp dụng thuế bán phá giá cũng là ngoại lệ đối với nguyên tắc tôn trọng các cam kết về cắt giảm thuế. Quốc gia bị thiệt hại không có nghĩa vụ tôn trọng giữ nguyên mức thuế đã cam kết đối với các hàng hóa nhập khẩu là đối tượng của hành vi bán phá giá bị cấm.[4]
Hiệp định GATT 1947 không có các quy định về thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Hiệp định mặc nhiên thừa nhận quyền tự do của các quốc gia trong việc xây dựng các thủ tục để xác định hiện tượng bán phá giá và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình. Tình trạng này là nguyên nhân chủ yếu để nhiều nước lợi dụng áp dụng pháp luật chống bán phá giá như là công cụ thực hiện chính sách bảo hộ thái quá thị trường nội địa. Hiệp định ADP đã tiến một bước dài so với GATT 1947 về điểm này. Bên cạnh việc đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn để xác định hành vi bán phá giá, có thể nói Hiệp định ADP đã có bước tiến dài trong việc hài hòa hóa hoạt động tố tụng của các quốc gia từ việc điều tra xác định bán phá giá, đến việc áp dụng và kiểm soát các biện pháp chống bán phá giá [3, tr.634].
Trong quá trình điều tra, nếu đã có kết luận ban đầu về việc bán phá giá và thiệt hại do việc bán phá giá mang lại, nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp tạm thời. Các biện pháp tạm thời bao gồm áp đặt thuế chống phá giá tạm thời hoặc yêu cầu đảm bảo bằng tiền mặt tương đương với mức thuế chống bán phá giá dự tính. Các biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn các tổn hại diễn ra trong quá trình điều tra. Các biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng sớm nhất là 60 ngày kể từ khi cuộc điều tra chống bán phá giá bắt đầu và tồn tại không quá 4 tháng. Trong trường hợp đặc biệt, biện pháp tạm thời có thể được kéo dài đến 9 tháng (điều 7 Hiệp định ADP).
Theo quy định của Hiệp định ADP, cũng như thực tiễn của tất cả các nước, hoạt động điều tra, áp dụng các biện pháp tạm thời và thuế chống bán phá giá thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp. Để đảm bảo tính công bằng của các hoạt động này, bên cạnh việc quy định vấn đề chống bán phá giá có thể trở thành đối tượng của tranh chấp thương mại theo thủ tục của WTO nói chung, Hiệp định ADP còn quy định tại điều 13 về rà soát tư pháp. Theo quy định của Điều này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng các hoạt động về đánh giá hành vi bán phá giá, áp dụng các biện pháp chống phá giá phải được kiểm soát bởi các cơ quan tư pháp, hoạt động độc lập với các cơ quan đã đưa ra quyết định trong lĩnh vực chống bán phá giá. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá cũng được đảm bảo bởi nhiều các quy định thủ tục khác: theo quy định tại Điều 10 của Hiệp định ADP, thuế chống bán phá giá không có giá trị hồi tố; thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không vượt quá 5 năm, trừ trường hợp mở cuộc điều tra mới (điều 11.3 Hiệp định ADP).
Việc mở cửa nền kinh tế, tham gia ngày càng tích cực vào thị trường khu vực và quốc tế đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều vấn đề của thương mại quốc tế, trong đó có vấn đề bán phá giá. Việt Nam vừa có nguy cơ là đối tượng của hành vi bán phá giá của các nước xuất khẩu khác, đồng thời cũng có nguy cơ bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu ra nước ngoài.
Mặt khác, với những ưu thế về lực lượng lao động trẻ, đông về số lượng, rẻ về giá thành, trong bối cảnh thực hiện chính sách tăng cường xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam đang và sẽ là đối tượng chịu sự áp đặt các biện pháp chống bán phá giá của nhiều thị trường khác. Trong bối cảnh các rào cản thương mại có tính chất số lượng, thuế quan ngày càng bị ngăn cấm, cắt giảm, các nước có xu hướng tăng cường bảo hộ thị trường nội địa của mình thông qua các biện pháp kỹ thuật, phi thuế quan. Một trong những biện pháp đó là hiện tượng lạm dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ sản phẩm trong nước. Theo số liệu thống kê, những nước đạt kỷ lục về sử dụng biện pháp thuế chống phá giá lại chính là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Cộng đồng châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Ca-na-đa [7,tr.203], [4, tr.353-369]. Gần đây nhất, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã không ngừng bị áp dụng các thủ tục và biện pháp chống phá giá tại thị trường EU, Mỹ như mặt hàng cá da trơn đông lạnh, tôm đông lạnh, bật lửa gaz, giầy dép...[6].
Thứ nhất, chúng ta cần sớm ban hành văn bản ở cấp độ luật về vấn đề chống bán phá giá trong thương mại quốc tế. Cho đến hiện nay, Việt Nam còn rất thiếu các văn bản pháp luật quy định về các biện pháp có tính tự vệ thương mại, chống lại các hành vi thương mại thiếu lành mạnh, không công bằng nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Gần đây nhất, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam [10]. Pháp lệnh này quy định về các biện pháp tự vệ và thủ tục áp dụng các biện pháp đó trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước (điều 1). Như vậy, đối tượng áp dụng của Pháp lệnh không phải là tình trạng nhập khẩu hàng hóa quá mức, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước do hành vi cạnh tranh không công bằng về giá của nhà xuất khẩu nước ngoài (hiện tượng bán phá giá), cũng không phải là hiện tượng cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nước ngoài do được chính phủ nước xuất khẩu trợ giá (hiện tượng trợ cấp chính phủ).
Như vậy, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một văn bản pháp lý quy định cụ thể về vấn đề điều tra chống bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá hàng nước ngoài vào Việt Nam. Trong thời gian gần, việc ban hành một Pháp lệnh về vấn đề này là rất cấp bách. Đáp ứng các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định của pháp lệnh này có mục đích cao nhất là bảo vệ thị trường nội địa, nhưng cũng cần tính tới các chuẩn mực và thông lệ của WTO, mà cụ thể là của Hiệp định ADP. Đồng thời, việc ban hành pháp lệnh về chống bán phá giá hàng nhập khẩu cũng cần tính đến sự đồng bộ, thống nhất với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam nói chung như các quy định về thuế, về quản lý giá, cạnh tranh, về tự vệ trong thương mại và chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu...
Thứ ba, để đồng thời chống lại hiện tượng bán phá giá tại thị trường Việt Nam và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nước ngoài thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Xuất phát từ hiện trạng kinh nghiệm và vốn kiến thức kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc tuyên truyền pháp luật Việt Nam về thương mại quốc tế, về các quy định và thực tiễn của các thiết chế kinh tế thương mại quốc tế, cũng như các quy định pháp luật nội địa của các thị trường nước ngoài quan trọng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình. Đồng thời, trong hoạt động chống bán phá giá, việc tổ chức các nhà sản xuất, xuất khẩu thành các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Sự liên kết, thống nhất giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu theo ngành, nghề sẽ tạo thành tiếng nói chung có giá trị pháp lý để bảo vệ quyền lợi của chính họ.
Là một trong những biện pháp có tính chất tự vệ trong thương mại quốc tế, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia được GATT trước đây và WTO hiện nay thừa nhận. Mục đích cao nhất của thuế chống bán phá giá là nhằm hạn chế và loại bỏ những thiệt hại do hành vi bán phá giá của hàng hóa nước ngoài, nhằm giữ vững thế cân bằng trong cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp nước nhập khẩu lạm dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Hiệp định ADP của WTO đã có những quy định chi tiết hóa các điều kiện, thủ tục về điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá trong thương mại quốc tế.
Các tin khác
- Tổng quan tình hình phòng vệ thương mại Việt Nam năm 2023 (20/05/2024)
- Tổng quan tình hình phòng vệ thương mại Việt Nam năm 2022 (20/05/2024)
- Nghiên cứu một số nội dung chính trong quy định của Nam Phi về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (14/12/2022)
- Tổng quan tình hình phòng vệ thương mại Việt Nam năm 2021 (18/05/2022)
- Phòng vệ thương mại - Công cụ tháo gỡ khó khăn và bảo vệ sản xuất trong nước (05/07/2021)