Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO

08/08/2008 12:00 - 39826 lượt xem

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Lời nói đầu

Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) chính thức ra đời kể từ ngày 1/1/1995 là kết quả của Vòng đàm phán Urugoay (1986-1995) với tiền thân là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1947). WTO được coi như một thành công đặc biệt trong sự phát triển thương mại và pháp lý cuỗi thế kỷ XX với một hệ thống đồ sộ các hiệp định, thoả thuận, danh mục nhượng bộ thuế quan điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ thương mại của các quốc gia thành viên.

Với các mục tiêu đầy tham vọng là thúc đẩy tiến trình tự do hoá thương mại trên toàn cầu, nâng cao mức sống của người dân các nước thành viên và giải quyết các bất đồng về lợi ích giữa các quốc gia trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa biên, sự vận hành của WTO đã và sẽ có tác động to lớn đối với tương lai lâu dài của kinh tế thế giới cũng như kinh tế của từng quốc gia. Theo tính toán, có tới trên 95% hoạt động thương mại trên thế giới hiện nay được điều chỉnh bởi các Hiệp định của Tổ chức này.

Để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các qui định trong Hiệp định, ngăn chặn các biện pháp thương mại vi phạm các Hiệp định, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu to lớn của WTO, một cơ chế giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ tổ chức này đã được thiết lập. Cơ chế này là sự hiện thực hoá xu thế pháp lý hoá quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ngày nay, dần dần thay thế các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính chính trị, ngoại giao trong lĩnh vực này.

Việt Nam hiện chưa là thành viên của WTO nên chưa thể sử dụng cơ chế này cho các tranh chấp thương mại có thể có với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong tương lai khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, cơ chế này sẽ là một cứu cánh quan trọng để bảo vệ các lợi ích thương mại của chúng ta trong quan hệ thương mại quốc tế. Hiện tại, việc xem xét cơ chế giải quyết tranh chấp này cùng với hệ thống án lệ đồ sộ của nó có ý nghĩa thực tiễn to lớn không chỉ trong việc hiểu chính xác các qui định của HĐTM mà còn góp phần bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong quá trình thực thi HĐTM bởi HĐTM được xây dựng chủ yếu dựa trên các quy tắc thương mại quốc tế đang có hiệu lực trong WTO.

Quảng cáo sản phẩm