Mỹ khơi mào căng thẳng thương mại toàn cầu

26/02/2019 12:00 - 12520 lượt xem

Có lẽ đã rất lâu rồi, ít nhất là kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập từ cách đây hơn 3 thập kỷ, thậm chí kể từ khi Hiệp định thương mại mậu dịch tự do (GATT) năm 1947 đến nay, thương mại toàn cầu mới lại rơi vào tình huống nước sôi lửa bỏng như hiện nay mà không phải vì một cuộc khủng hoảng kinh tế hay tài chính nào.

Tình trạng này bắt đầu từ thời điểm Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm 2017, với quyết tâm thực hiện các lời hứa trong quá trình tranh cử của mình, trong đó có câu chuyên về việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Trumps mới chỉ “đụng” tới các Hiệp định thương mại mà ông cho là đã hoặc sẽ là nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ. Rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thảo luận lại Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn (KORUS)… là những gì ông đã làm.

Năm 2018, chính sách của ông Trump chuyển sang bước can thiệp trực tiếp vào dòng chảy thương mại hàng hóa, mà cụ thể là dựng lên các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ với nhiều lý do khác nhau.


Thuế nhôm thép và hơn thế: Mỹ “đối đầu” thế giới 

Ngày 8/3/2018, Mỹ chính thức thông qua lệnh áp thuế nhập khẩu 25% và 10% lần lượt với một số sản phẩm thép và nhôm, có hiệu lực sau 15 ngày vì lý do “an ninh quốc phòng” (theo Mục 232 - Bộ luật Tổng hợp Mỹ) . Theo văn bản này, lệnh áp thuế sẽ thực hiện đối với các sản phẩm nhôm thép liên quan nhập khẩu từ bất kỳ nước nào, ngoại trừ các nước đồng minh của Mỹ (mà danh sách ban đầu là 05 nước, để ngỏ khả năng đàm phán). Nhưng sau đó, từ 1/6/2018, Mỹ quyết định áp thuế lên nhôm thép của các nền kinh tế vốn được xem là đồng minh như EU, Canada, Mexico. 

Hành động này của Mỹ ngay lập tức đã tạo ra phản ứng rất quyết liệt từ các nước, đặc biệt là các nguồn cung nhôm thép lớn cho thị trường Mỹ. Lúc đầu, khi lệnh áp thuế còn đang cân nhắc một vài đối tác đồng minh, nhiều nước đã ngay lập tức ngồi vào bàn thương lượng với Mỹ, với hy vọng nước này ghi nhận “mối quan hệ đồng minh” mà loại trừ mình ra khỏi danh sách bị áp thuế. Nhưng ngày 1/6, với quyết định của Mỹ áp thuế chĩa vào cả các đồng minh tiềm năng nhất, các nước đã không còn bình tĩnh mà thương lượng nữa.

Canada, EU, Nga và Nhật Bản đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phân tích rằng việc Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp tăng thuế sẽ khiến mức thuế hàng năm với các mặt hàng xuất khẩu tăng lên đáng kể. Qua đó, các quốc gia này yêu cầu quyền áp đặt những trả đũa ở mức chi phí tương đương với những mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Về phần mình, Ấn Độ cũng đệ đơn kiện và liệt kê một loạt vi phạm quy định của WTO mà Mỹ phạm phải với quyết định áp thuế nhôm thép nhập khẩu, ví dụ như vi phạm nguyên tắc cấm bảo hộ của WTO và gây phương hại tới lợi ích của Ấn Độ.

Ngoài việc khiếu nại lên WTO, các đồng minh lớn của Mỹ cũng lập tức đưa ra những biện pháp đáp trả cụ thể để thể hiện lập trường không khoan nhượng của mình trước chính sách “tấn công mạnh mẽ” mà chính quyền Mỹ đã thực thi.

Cụ thể, ngày 22/6/2018, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ có tổng trị giá 2,8 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD) từ tháng 7 nhằm đáp trả việc Mỹ đánh thuế vào nhôm và thép nhập khẩu.

Ngày 5/6, Bộ Kinh tế Mexico thông báo nước này sẽ áp mức thuế quan 15-25% đối với các sản phẩm thép và một số mặt hàng nông nghiệp của Mỹ; bao gồm thuế 20% đối với thịt lợn, táo và khoai tây nhập khẩu từ Mỹ, cũng như thuế 20-25% đối với một số mặt hàng phomai và rượu ngô. Mexico tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp trên cho đến khi được chính quyền Mỹ miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm và thép.

Về phần mình, Canada cũng lập tức đáp trả bằng quyết định áp thuế mới lên hàng loạt mặt hàng của Mỹ (bao gồm các mặt hàng thịt bò, cà phê, bánh kẹo cũng như cả thép và nhôm) với tổng giá trị lên tới 12,6 tỷ USD. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Tương tự Mexico, Thủ tướng Canada cũng cho biết những biện pháp đối phó này sẽ chỉ áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ và sẽ giữ nguyên cho đến khi Mỹ loại bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đối với Canada.

Rất nhiều nước khác cũng lập tức bằng các phát ngôn, tuyên bố hoặc hành động khác nhau thể hiện sự phản đối quyết liệt trước lệnh áp thuế này của Mỹ.

Trước những phản ứng này, Mỹ dường như chưa có ý định lùi bước. Ví dụ, trước lệnh áp thuế của EU, ông Trump lập tức đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ khu vực này, cũng với lập luận về “an ninh quốc phòng” mặc dù ông này không ngần ngại nhấn mạnh lý do thực sự là để đáp trả ngược và để “đạt được công bằng về thuế quan giữa hai Bên”. Tất nhiên EU cũng không ngại đưa ra những đe dọa tiếp theo.

Nguy cơ bất động nhôm thép mở rộng thành chiến tranh ô tô hay thậm chí còn rộng hơn nữa trên toàn cầu dường như không còn quá xa. Và nếu điều này thực sự xảy ra, thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ bị đảo lộn, đầu tư, tài chính và toàn bộ kinh tế chắc chắn cũng sẽ bị xáo trộn theo.

Có lẽ ngoài người chủ động xướng lên vấn đề là Mỹ, thế giới không ai thực sự muốn nhìn thấy cuộc chiến này lan rộng hay kéo dài. Bởi vậy mặc dù không thể không phản ứng cứng rắn, các nước vẫn luôn sẵn sàng thương lượng cùng Mỹ, dù có thể chưa nhìn thấy tương lai thật rõ ràng của những thảo luận này.

Bằng chứng mới nhất là cuối tháng 7, sau những căng thẳng qua lại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và đại diện thương mại EU đã sang Mỹ để thảo luận cùng ông Trump về cách thức giải quyết cái được gọi là “khủng hoảng thuế quan” giữa hai Bên. Về phía Canada hay Mexico, hai nước này đã bắt đầu trở lại bàn đàm phán NAFTA, với hy vọng câu chuyện thuế quan sẽ được giải quyết thông qua Hiệp định này.

Chưa ai biết cuộc chiến thương mại này sẽ đi tới đâu. Và vì vậy, thế giới đang căng thẳng theo dõi từng động thái, và tất nhiên buộc phải ở thế sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, kể cả là khả năng xấu nhất.

Mỹ và Trung Quốc - Cuộc chiến thương mại bắt đầu khai hỏa

Ngay sau sắc lệnh thuế lên nhôm và thép, ngày 22/3, với lý do Trung Quốc “đánh cắp” và làm thiệt hại quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, Ông Trump đã vận dụng quyền dành cho Tổng thống tại Mục 337-Bộ luật Tổng hợp Mỹ) để ký quyết định áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 50 tỷ USD đối với gần 1.300 mặt hàng nhập khẩu, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của quốc gia này vào Mỹ. Tuy nhiên, khác với lệnh áp thuế với nhôm thép, quyết định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc này chưa xác định rõ loại mặt hàng, cũng chưa xác định thời hạn có hiệu lực. Một ngày sau, Chính phủ Mỹ gửi khiếu nại Trung Quốc lên WTO, cáo buộc Trung Quốc "dường như đang phá vỡ các quy tắc của WTO" khi phủ nhận các quyền sáng chế cơ bản của những người nắm giữ bằng sáng chế nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ.

Để đáp trả lại, ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc ra quyết định sẽ tăng thuế cho 128 sản phẩm của Mỹ ở mức 15% đối với 120 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm trái cây và các sản phẩm liên quan, và mức 25% đối với 8 mặt hàng gồm thịt lợn và các sản phẩm liên quan. Đây đều là các sản phẩm mà Trung Quốc đang nhập khẩu với số lượng rất lớn từ các bang Mỹ vốn hậu thuẫn cho ông Trump cho bầu cử. Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi việc tăng thuế trả đũa này ngay khi lệnh áp thuế của Mỹ có hiệu lực. Bên cạnh đó, ngày 10/4, Trung Quốc cũng đệ đơn kiện Mỹ lên WTO về việc tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm của nước này.

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ quyết định bổ sung áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 100 tỷ USD, gấp đôi gói áp thuế đầu tiên, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho là đã "ăn cắp" công nghệ của Mỹ, nếu Trung Quốc thực sự áp dụng các mức thuế nói trên.

Trước tình hình căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, đại diện thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã lên kế hoạch gặp gỡ vào hai tháng 4 và 5/2018 để kỳ vọng đạt được thỏa thuận phù hợp và có lợi cho cả hai bên. Vào giữa tháng 5/2018, các cuộc đàm phán đã đạt được kết quả tương đối khả quan khi Trung Quốc đồng ý tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ. Để đáp lại, Mỹ cũng nới lỏng hạn chế với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE sau khi doanh nghiệp này lâm vào cảnh khó khăn vì lệnh cấm mua các linh kiện quan trọng từ Mỹ. Hai bên cùng tuyên bố nhất trí không áp thuế lẫn nhau và cam đoan không đẩy căng thẳng đi xa thành một cuộc chiến thương mại. 

Tuy nhiên, thảo luận giữa hai Bên dường như không vượt qua được những mâu thuẫn gai góc nhất, bao gồm (i) chính sách công nghiệp của Trung Quốc; (ii) mức độ mở cửa thị trường còn hạn chế của Trung Quốc; và (iii) thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc 375 tỷ USD. Thảo luận giữa hai Bên lại rơi vào bế tắc.

Căng thẳng thương mại giữa hai Bên đột ngột bị đẩy lên cao trào vào ngày 29/5, khi Nhà Trắng đột ngột tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu cũng như siết chặt quy định đầu tư từ công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ có gói đáp trả tương xứng khi đánh thuế 25% với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỉ USD, đồng thời tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào đã đạt được giữa hai bên trong vấn đề thương mại đều không còn hiệu lực. 

Tất cả những “đòn gió” tung ra rồi đáp trả giữa hai Bên này chỉ chính thức trở thành hiện thực khi ngày 6/7, Mỹ thực thi việc áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hoá nhập từ Trung Quốc (trong gói 50 tỷ dự kiến), tập trung vào các mặt hàng động cơ, máy xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông. 

Trung Quốc đáp trả ngay bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 mặt hàng của Mỹ - từ ôtô tới nông phẩm, thủy sản, cũng trị giá 34 tỷ USD. Sau đó có tin Trung Quốc đã gửi yêu cầu tham vấn theo quy trình kiện trong WTO với Mỹ.

Trước mắt, lệnh áp thuế của hai Bên được cho là chưa tạo ra ảnh hưởng đáng kể với thương mại Mỹ - Trung Quốc, do quy mô các mặt hàng bị ảnh hưởng chưa lớn. Chẳng hạn, từ phía Mỹ, kể cả khi nước này áp dụng thuế đối với toàn bộ 1.300 mặt hàng trong gói trị giá 50 tỷ USD thì cũng mới thu thêm 12.5 tỷ USD, chỉ tương đương khoảng 2% quy mô thương mại hai chiều Mỹ - Trung Quốc. 

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia và giới kinh doanh quốc tế lo ngại là nguy cơ leo thang của cuộc chiến này, với những đe dọa qua lại của Mỹ và Trung Quốc, từ đánh thuế 200 tỷ USD đến 500 tỷ USD.

Nếu chỉ nhìn từ góc độ số liệu thương mại, thì Mỹ có thể là bên có cơ “chơi được đến cùng” khi nước này nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 500 tỷ USD (năm 2017) trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu từ Mỹ xấp xỉ 150 tỷ USD. Nói cách khác, Trung Quốc không có dư địa để trả đũa Mỹ vượt quá 150 tỷ USD này.

Mặc dù vậy, thương mại quốc tế ngày nay không còn đơn thuần chỉ là những con số kim ngạch xuất khẩu – nhập khẩu thẳng đuột nữa, nó là những mạng lưới kết nối lợi ích rất dày đặc, phức tạp, mà ở đó khó có thể nhận diện ai chỉ thắng và ai chỉ thua. Trong “cuộc chiến thương mại” này chẳng hạn, doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu bị ảnh hưởng, hẳn là thế. Nhưng số doanh nghiệp Mỹ và các nước khác đang sản xuất ở Trung Quốc xuất khẩu đi Mỹ những sản phẩm liên quan thậm chí chiếm tỷ lệ lớn hơn. Đó là chưa kể tới việc phần lớn các sản phẩm bị đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp Mỹ. Cứ như vậy, đến cuối cùng, doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nhiều nước khác sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Còn nữa, Trung Quốc có thể không có nhiều dư địa dùng lá bài tăng thuế với Mỹ, dù vậy, nước này vẫn còn không ít những con đường khác để trả đũa Mỹ. Chẳng hạn, khi mà một phần lớn nhà đầu tư Mỹ đang làm ăn và phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, nước này có nhiều cách để làm khó họ. Hoặc khi công cụ kiểm soát tỷ giá đồng nhân dân tệ vẫn luôn nằm trong tay Trung Quốc, nước này hoàn toàn có thể ghìm giá đồng tiền này ở mức thấp, khiến hàng hóa Trung Quốc có giá thấp hơn, đủ bù cho mức tăng giá vì tăng thuế. 

Vậy là cuộc chiến thương mại vốn dọa dẫm lâu nay đã chính thức bắt đầu, dù mới ở diện hẹp. Cuộc chiến đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Quốc, và cả Mỹ, tất nhiên. Nhưng nếu leo thang và kéo dài, kinh tế toàn cầu và mọi nền kinh tế cụ thể đều có thể sẽ chịu tác động ở những mức độ khác nhau. Vẫn hy vọng rằng hai Bên có thể kiềm chế để cuộc chiến không leo thang tới mức không thể kiểm soát.

Hy vọng này không phải là không có, khi Trung Quốc một mặt ra quyết định trả đũa Mỹ, mặt khác cũng chuyển hướng thuyết phục, đề nghị các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc và các doanh nghiệp Mỹ ở chính Mỹ có lợi ích với Trung Quốc lên tiếng ngăn chặn cuộc chiến từ phía Mỹ, để bảo toàn lợi ích của chính họ. Có thể thấy, bản thân Trung Quốc không mong muốn cuộc chiến này, càng không mong nó sẽ leo thang. 

Vấn đề còn lại là ở tính toán và sức chịu đựng của cả hai Bên, đặc biệt là ông Trump, trong ván bài này.

Doanh nghiệp Việt Nam trong dòng xoáy cuộc chiến thương mại toàn cầu

Những biện pháp bảo hộ-trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu trở thành hiện thực có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong lâu dài.

Ví dụ với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ở chiều tích cực, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc dự kiến áp thuế cao với nhau không phải là thế mạnh của Việt Nam, không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường bị bỏ ngỏ từ các lệnh áp thuế. Căng thẳng về đầu tư Mỹ-Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ.

Ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc, thị trường nội địa và cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn (đặc biệt rủi ro khi kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017).

Với cuộc chiến nhôm thép, thương mại Việt Nam với thế giới may mắn chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ ở các thị trường. Số liệu xuất nhập khẩu không bị biến động lớn, thậm chí tăng nhẹ so với 2017 (theo số liệu của Tổng cục hải quan thì xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 113.93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2017; nhập khẩu đạt 111.36 tỷ USD, tăng 10.2% so với cùng kỳ; thặng dư thương mại ở mức 2.57 tỷ USD).

Tuy nhiên, đã xuất hiện những quan ngại nhất định. Tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua các tháng, Đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung) giảm. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Mỹ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. EU áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng, đối với hải sản Việt Nam. 

Trong lâu dài, nếu cuộc chiến này lan rộng, khó ai có thể biết được điều gì. Khi xuất phát từ các nền kinh tế lớn, với diện mặt hàng đa dạng, những biện pháp này sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó có thể là những thị trường đột nhiên bị bỏ trống, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng đó cũng có thể là luồng thương mại dịch chuyển sang các thị trường thay thế, khiến cạnh tranh phức tạp hơn, ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam. Cũng như vậy, sự chuyển dịch của dòng đầu tư có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam. Nguồn cung, cầu trên thế giới có thể diễn biến phức tạp. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán cũng thiếu ổn định. 

Điểm sáng và yếu tố mới tích cực trong bối cảnh này là việc Việt Nam đã ký CPTPP, hoàn tất rà soát pháp lý EVFTA, triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO . Cùng với 10 FTA khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định, đây sẽ là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. 

Do đó, với các doanh nghiệp Việt Nam, có lẽ việc có thể làm, và cũng rất cần thiết phải làm lúc này nên tập trung vào hai hướng. Một là quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường, từ các quyết định cấp vĩ mô của các Chính phủ (ví dụ các lệnh áp thuế với những mặt hàng cụ thể), các diễn biến ở thị trường quan trọng như tài chính, thị trường mua bán hàng hóa tương lai, đến các quyết định trực tiếp của các đối tác hiện tại và tiềm năng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận dụng cơ hội hoặc tránh thiệt hại ở mức có thể. Hai là tận dụng triệt để những FTA đang hoặc sẽ có hiệu lực. Đây là những con đường ưu tiên, ổn định và rất hiệu quả cho doanh nghiệp trong tiếp cận các thị trường.
Thu Trang
Tháng 8/2018.
Quảng cáo sản phẩm