Phán quyết chống bán phá giá dưạ trên “những bằng chứng sẵn có” của Mỹ

21/02/2008 12:00 - 1557 lượt xem

Tác giả: Michael O. Moore* và George
Đại học Washington, Washington, DC 20052, Mỹ

Khái quát chung

Nghiên cứu này phân tích việc Mỹ thực thi một trong những cải cách về chống bán phá giá đã được thống nhất trong vòng đàm phán Uruguay. Cụ thể, bằng chứng đưa ra nhất quán với quan điểm cho rằng các nhà quản lý đã hầu như không cải thiện được việc áp dụng phương pháp “bằng chứng sẵn có”. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến biên độ chống bán phá giá của những sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ cao như hiện nay. Kết quả cho thấy Mỹ chỉ thực hiện chiếu lệ chứ không hề tuân thủ tinh thần của một cải cách quan trọng về chống bán phá giá đã đạt được tại vòng đàm phán Uruguay.

Giới thiệu

Cải cách thủ tục chống bán phá giá là một trong những vấn đề khó khăn nhất tại vòng đàm phán Uruguay (UR) về thương mại đa bên. Hoa Kỳ đã tham gia đàm phán một cách rất miễn cưỡng về vấn đề này. Tuy nhiên, các bên tham gia đàm phán đều rất nỗ lực để đi đến “Thoả thuận chung về việc thực thi Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994” hay còn gọi là “Hiệp định chống bán phá giá” ( ADA). ADA bao gồm những mô tả chi tiết về những thủ tục chống bán phá giá được phép và những cải cách quan trọng.

Nghiên cứu này chỉ tập trung vào vấn đề thực thi ADA của Mỹ. Cụ thể, tôi sẽ phân tích việc Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) đã thực thi những hạn chế mới đối với việc sử dụng những cáo buộc từ phía nguyên đơn trong nước khi xem xét mức thuế chống bán phá giá như thế nào, ví dụ như những thủ tục về “bằng chứng sẵn có” (Fact available - FA). Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tiền thân của nó là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), những thông tin như vậy chỉ được sử dụng khi thông tin mà các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp cho các cơ quan điều tra chống bán phá giá là không đáng tin cậy. Trong những trường hợp đó, cơ quan có thẩm quyền phải dựa trên nguồn thông tin thứ hai. DOC thường sử dụng những thông tin từ các doanh nghiệp trong nước về chi phí và doanh số hàng bán của doanh nghiệp nước ngoài. Thông thường biên độ bán phá giá được tính dựa trên những số liệu này cao hơn nhiều so với biên độ được tính dựa trên những số liệu nhà xuất khẩu cung cấp. Biên độ bán phá giá cao ngất ngưởng này sẽ kéo theo khả năng đổ vỡ thương mại giữa hai nước do thuế chống bán phá giá.

Tài liệu kinh tế về các thủ tục dựa trên những bằng chứng sẵn có tương đối ít mặc dù nó có ý nghĩa về mặt thực tế đối với việc quản lý các luật lệ chống phá giá. Một vài tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phương pháp bằng chứng sẵn có trong những vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ trong giai đoạn tiền WTO. Baldwin vàMoore (1991), Murray (1991) và Palmeter (1991) tập trung vào việc sử dụng FA để tăng mức thuế chống bán phá giá một cách có hệ thống như thế nào. Baldwin và Moore ước tính rằng các vụ kiện trong giai đoạn từ năm 1980 đến 1990 liên quan đến FA có biên độ bán phá giá cao hơn 38% so với biên độ được tính dựa vào những thông tin của người xuất khẩu.

Nghiên cứu gần đây tiếp tục đề cập đến tầm quan trọng của FA trong một khung thời gian dài hơn. Blonigen (2005) đã nghiên cứu những phương pháp tuỳ ý khác nhau mà DOC có thể sử dụng và kết quả là biên độ bán phá giá tăng liên tục trong suốt những năm từ 1980 đến 2000. Ông đã chỉ ra rằng việc tăng cường sử dụng FA là một yếu tố quan trọng khiến biên độ bán phá giá tăng cao. Cụ thể là ông đã tìm thấy một mô hình kinh tế lượng mà việc sử dụng FA đã làm tăng biên độ chống bán phá giá lên 63%. Nói cách khác, những doanh nghiệp không muốn hợp tác hầu hết sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá rất cao.

Nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc sử dụng biện pháp kỹ thuật FA của DOC và mở rộng những số liệu của Blonigen nhằm xem xét thêm cả những vụ gần đây. Số liệu nghiên cứu dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn cận cảnh về những câu hỏi cụ thể sau: Có phải việc sử dụng FA đã khác hẳn sau năm 1994, cụ thể là sau những cải cách được thông qua tại vòng đàm phán Uruguay? Nếu vậy thì liệu những doanh nghiệp nước ngoài sẽ ít phải đối mặt với biên độ FA thời kỳ hậu cải cách? Có sự khác biệt nào trong việc sử dụng FA dựa trên ngành liên quan hay nước của công ty bị buộc tội chống bán phá giá không? Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về việc liệu các cơ quan Mỹ có tuân theo những cam kết đã nêu trong vòng đàm phán Uruguay hay không?

Quảng cáo sản phẩm