Pháp luật CBPG Hoa Kỳ gây phương hại đến cạnh tranh

25/11/2006 12:00 - 2002 lượt xem

Nhân câu chuyện về vụ kiện chống bán phá giá đối với siêu máy tính Nhật Bản tại Hoa Kỳ, tác giả đã đưa ra những nhận định về hệ thống pháp luật chống bán phá giá của nước này.

Tác giả : Christopher M. Dumler, nhà kinh tế học tại Washington DC chuyên về thương mại trong lĩnh vực công nghệ cao

Nguồn : Nghiên cứu số 32 ngày 14/10/1997 của Viện Nghiên cứu CATO

Vụ việc khởi nguồn từ việc một công ty Hoa Kỳ có vốn đầu tư từ Nhật Bản HNSX đã vượt qua 2 đối thủ khác thắng gói thầu trị giá 35 triệu đô-la cung cấp siêu máy tính tạo mô hình thời tiết cho Đại học Nghiên cứu Khí quyển Colorado. 2 tháng sau, một trong hai kẻ bại trận (Cray) đã nộp đơn yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HNSX với lý do công ty mẹ Nhật Bản của HNSX (NEC) đã bán phá giá đến 1/5 giá thành siêu máy tính thời tiết vào thị trường Hoa Kỳ khiến Cray thua thầu. Và như hầu hết các vụ kiện khác, Bộ Thương mại rồi Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ lần lượt kết luận các công ty Nhật Bản bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Hoa Kỳ. Mức thuế trừng phạt được xác định là từ 173-454% đối với tất cả các sản phẩm siêu máy tính nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Nhật Bản, một mức thuế quá đủ để loại bỏ sản phẩm này khỏi thị trường Hoa Kỳ.

Từ vụ việc này, tác giả cho rằng pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ và việc thực thi pháp luật này chỉ là trò gian lận :

- Bộ Thương mại hỗ trợ các nguyên đơn trong việc chuẩn bị đơn kiện ; chấp nhận khởi xướng vụ kiện bất kỳ khi nào có đơn kiện ; tính toán giá thông thường theo các cách thức « biến hoá » miễn là ra kết quả có hiện tượng bán phá giá (đặc biệt trong việc điều chỉnh các loại giá, so sánh giá, biện pháp zeroing, các bảng hỏi siêu phức tạp bằng tiếng Anh với thời hạn trả lời siêu ngắn…)

- Việc sử dụng « thông tin tốt nhất có được » (thông tin sẵn có) thực chất là sử dụng « thông tin bất lợi nhất » đối với bị đơn nước ngoài ;

- Nguyên tắc « nghi can được xem là vô tội cho đến khi có chứng cứ chứng minh phạm tội » trên thực tế đã bị thay thế bởi nguyên tắc « nghi can bị xem là có tội cho đến khi chứng minh được mình vô tội »

- Uỷ ban Thương mại Quốc tế đã « nhào nặn » nên thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước chỉ dựa trên suy đoán về khả năng gây thiệt hại như là một hệ quả tất yếu từ việc « có bán phá giá » mà Bộ Thương mại đã kết luận.

Từ các phân tích trên, tác giả cho rằng vụ việc này là một minh chứng cho thấy hệ thống pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ không lành mạnh (thay vì một sự cạnh tranh không lành mạnh). Thị trường siêu máy tính, người tiêu dùng và các nhà sản xuất nước ngoài sẽ phải chịu hệ quả khôn lường từ quyết định chống bán phá giá này.

Quảng cáo sản phẩm