Quy chế phi thị trường và kiện chống bán phá giá

29/03/2007 12:00 - 4574 lượt xem

Lưu Hương Ly, Đại học Luật Hà Nội

Ngày 7/11/2006, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong tất cả các điều khoản gia nhập WTO, có một cam kết ít được bàn luận nhưng lại có vị trí rất quan trọng, đó là việc Việt Nam chấp nhận bị coi là một nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm, kể từ khi gia nhập (không muộn hơn 2019). Vậy “nền kinh tế phi thị trường” nghĩa là gì và việc chúng ta cam kết như vậy sẽ có những tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong các cuộc điều tra chống bán phá giá? Bước đầu, xin được làm rõ vấn đề trên.
Nền kinh tế phi thị trường – hay còn được gọi là nền kinh tế kế hoạch tập trung – là tên gọi được dùng đến cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 cho nền kinh tế các nước Trung và Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác, trong đó, các hoạt động kinh tế được dựa trên kế hoạch hàng năm thông thường do một cơ quan giống như uỷ ban kế hoạch nhà nước soạn thảo. Đa số các nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung nay đã chuyển thành nền kinh tế thị trường hoặc đang trong quá trình hướng tới mục tiêu đó.

Hiện nay, trong WTO chỉ có hai thành viên cam kết về dịa vị nền kinh tế phi thị trường là Việt Nam và Trung Quốc. Trong Báo cáo về việc gia nhập WTO có đoạn: “Một số thành viên ghi nhận Việt Nam đã liên tục đẩy mạng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Những thành viên này cũng ghi nhận rằng, sẽ gặp những khó khăn đặc thù trong việc xác định chi phí và giá cả hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam trong các cuộc điều tra chống bán phá giá hay áp dụng các biện pháp đối kháng. Những thành viên này cho rằng, trong trường hợp đó nước nhập khẩu có thể nhận định rằng việc sử dụng chi phí và giá cả tại Việt Nam có thể không hợp lý” (Đoạn 254 Báo cáo về việc gia nhập WTO của Ban công tác).

Như vậy, địa vị nền kinh tế phi thị trường sẽ chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam trong hai lĩnh vực là chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng. Trong trường hợp một thành viên của WTO nhận định rằng, việc sử dụng chi phí và giá cả tại Việt Nam là không hợp lý thì Việt Nam sẽ phải chấp nhận các quy chế riêng cho một nền kinh tế phi thị trường khi áp dụng Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO.

Khi so sánh với Trung Quốc thì có thể thấy rằng, cam kết của chúng ta ít bất lợi hơn rất nhiều. Khi gia nhập WTO, Trung Quốc cam kết chấp nhận việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 15 năm kể từ khi gia nhập và chấp nhận không chỉ các điều khoản liên quan đến chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng, mà còn có thể bị áp dụng cơ chế tự vệ và giám sát đặc biệt.

Địa vị nền kinh tế thị trường sẽ tác động tới doanh nghiệp Việt Nam trong hai lĩnh vực là chống bán phá giá và trợ cấp. Tuy vậy, chúng tôi chỉ tập trung vào việc phân tích ảnh hưởng của địa vị nền kinh tế phi thị trường đến các doanh nghiệp Việt Nam trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, vì đây là biện pháp được sử dụng một cách tràn lan và tuỳ tiện, nhằm đối phó với việc hàng hoá sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng hoá nhập từ nước ngoài.

Trong Điều khoản bổ sung thứ hai vào đoạn 1.2 của Điều VI GATT 1947 (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại) có quy định: “Thừa nhận rằng trong trường hợp nhập khẩu từ một nước mà thương mại hoàn toàn mang tính chất độc quyền hoặc hầu như độc quyền hoặc toàn bộ giá trong nước do nhà nước định đoạt, việc xác định tính so sánh của giá cả nhằm mục đích nêu tại khoản 1 có thể có những trường hợp đặc biệt và trong những trường hợp đó, các bên ký kết là bên nhập khẩu có thể thấy cần tính đến khả năng rằng việc so sánh chính xác với giá cả trong nước của nước đó không phải lúc nào cũng thích đáng”.

Dựa vào điều khoản này, một số thành viên của WTO đã không chấp nhận giá hay chi phí sản xuất của hàng hoá tại các nền kinh tế phi thị trường như là một cơ sở thích hợp cho việc tính toán giá trị thông thường với lập luận giá và chi phí này được điều chỉnh bởi Chính phủ và do đó, không theo quy luật của thị trường. Cơ quan điều tra sẽ sử dụng giá và chi phí sản xuất của hàng hoá tại một nước thứ ba hay một nước thay thế nào đó để làm cơ sở tính toán cho giá thông thường. Như vậy, doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế phi thị trường sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử so với doanh nghiệp thuộc các nước có nền kinh tế thị trường.

Tuy vậy, cho đến thời điểm này, WTO vẫn chưa hề có quy định gì về việc xác định thế nào là một nền kinh tế phi thị trường, mà vấn đề này sẽ do pháp luật của mỗi quốc gia thành viên tự xác định. Ví dụ, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ thì Cục Nhập khẩu của Bộ Thương mại (DOC) là cơ quan có thẩm quyền xác định các nước có nền kinh tế phi thị trường. Theo Đạo luật Thuế quan năm 1930 của Hoa Kỳ, việc một nước có bị coi là nền kinh tế phi thị trường hay không sẽ được DOC quyết định dựa trên các tiêu chí sau:

- Mức độ chuyển đổi của đồng nội tệ;
- Mức độ theo đó mức lương được xác định thông qua đàm phán tự do giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động;
- Mức độ theo đó việc liên doanh hoặc các dự án đầu tư nước ngoài được phép thực hiện;
- Mức độ kiểm soát các phương tiện sản xuất của Chính phủ;
- Mức độ kiểm soát việc phân bổ các nguồn lực, quyết định giá cả và sản lượng của Chính phủ;
- Các tiêu chí khác do DOC đưa ra
(DOC không hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn này, một số người cho rằng theo ngôn ngữ chính trị, tiêu chuẩn này chỉ các vấn đề mập mờ khác, ví dụ như vấn đề nhân quyền chẳng hạn).
Quảng cáo sản phẩm