Thổ Nhĩ Kỳ - Thị trường xuất khẩu đồng hành cùng rào cản phòng vệ thương mại

09/11/2015 12:00 - 22818 lượt xem

Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một thị trường xuất khẩu nhiều quan ngại của Việt Nam khi nước này liên tiếp tiến hành nhiều vụ kiện chống bán phá giá và tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này khiến cho việc xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ của một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện tại và trong tương lai gặp khó khăn. Hơn nữa, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xu hướng lạm dụng công cụ này, đây có thể sẽ là nguy cơ đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam tại thị trường này. Do đó việc tìm hiểu về kiện phòng vệ thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể là rất cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam đang hoặc sẽ xuất khẩu sang thị trường này.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng quan về tính hình sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của chính phủ nước này, và những tóm lược cơ bản về thủ tục, quy đình điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp; cũng như những lời khuyên hữu ích cho các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong quá trình đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại thị trường này.
I. Tình hình kiện phòng vệ thương mại mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam
Tính đến hết tháng 6/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra 15 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 10 vụ điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 5 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Các vụ kiện phòng vệ thương mại này không chỉ hướng tới các sản phẩm thuộc nhóm Việt Nam có thế mạnh (dệt may, giày) hay các sản phẩm có sức cạnh tranh trung bình (gỗ dán), mà thậm chí cả những sản phẩm Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và các thị trường khác nói chung với số lượng và giá trị hạn chế (đá granite, điện thoại di động, dây curoa, ống thép, bộ đồ ăn gốm sứ…).
Bảng thống kê các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành với hàng xuất khẩu Việt Nam tính đến 30/06/2015
Sản phẩm Tên tiếng Anh Thời gian khởi kiện Biện pháp cuối cùng Ghi chú
Điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Gỗ dán Plywood 27/05/2015 Chưa có Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Sợi Polyester Polyester Texturized Yarn 15/05/2015 Chưa có  
Đá Granite Granites 12/12/2014 Chưa có Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Ống thép hàn không gỉ cán nguội Welded Stainless Steel Tubes, Pipes & Profiles 12/12/2014 Chưa có Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Sợi xơ Staple
 
Yarn of man-made or synthetic or artificial staple fibers 18/10/2012 %19,48 - %26,25 có hiệu lực 5 năm
từ 04.08.2014
 
Máy điều hòa Wall type split air conditioners and their indoor / outdoor units 25/07/2009 25% có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 04.11.2011 Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Vải bạt nhựa Tarpaulin made of polyethylene 11/01/2008 1.16 USD/kg  
Bật lửa ga Certain pocket lighters and fully equipped plastic gas tank  
 
13/05/2007
Không áp thuế do không có bằng chứng lẩn tránh thuế Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá
Dây curoa (V-belts) 13/05/2006 4,55 US$/kg gia hạn 5 năm kể từ ngày 15.03.2013  
Lốp xe đạp, xe máy Bicycle tyres and tubes; Motorcycle tyres and tubes 27/09/2004 29%- 49% Đang tiến hành rà soát cuối kỳ
Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ
Bộ đồ ăn, đồ dùng nhà bếp bằng sứ, gốm ceramic tableware, kitchenware, other household articles and toilet articles, other than of porcelain 25/04/2015 Chưa có  
Điện thoại di động Portable Phones 5/12/2014 Chưa có  
Vải dệt Woven fabrics 13/1/2011 Đã hết hiệu lực  
Quần áo Apparel 13/1/2011 Đã hết hiệu lực  
Giày Footwear 5/1/2006 Đã hết hiệu lực  
 
Tính hết tháng 6/2015, trong số 137 biện pháp thuế chống bán phá giá đang có hiệu lực, có 7 biện pháp thuế chống bán phá giá (chiếm 5.11%) áp dụng với 7 mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam.


Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Trên bình diện chung, thống kê các vụ điều tra phòng vệ thương mại mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đối với Việt Nam đứng thứ hai sau Hoa Kỳ với 15 vụ việc. Nhìn tương quan giữa quy mô thị trường và tần suất sử dụng biện pháp phòng vệ thì có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ được xếp vào diện thị trường “rủi ro” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về phòng vệ thương mại.
II. Thủ tục, quy trình điều tra chống bán phá giá tại Thổ Nhĩ Kỳ
  1. Cơ sở pháp luật
Pháp luật về điều tra chống bán phá giá ở Thổ Nhĩ Kỳ được quy định trong các văn bản sau:
•           Pháp luật về Ngăn chặn Cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu (Luật số 3577, được sửa đổi bởi Luật 4412 có hiệu lực từ 27/05/1999);
•           Nghị định về Ngăn chặn Cạnh tranh không lành mạnh từ Hàng nhập khẩu (Nghị định số 99-13482);
•           Quy định về Ngăn chặn Cạnh tranh không lành mạnh từ Hàng nhập khẩu (Quy định 23861-ngày 30/10/1999, được sửa đổi bởi Quy định 25698 ngày 12/01/2005 và sửa đổi lần hai bởi Quy định 26061 ngày 26/01/2006.   
  1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định của pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ, quá trình điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá tại Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện hoàn toàn bởi Tổng vụ Nhập khẩu (Directorate General of Imports), sau đó với tư vấn của Ủy ban Đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ nhập khẩu (the Board of Evaluation of Unfair Competition in Imports), Tổng vụ Nhập khẩu sẽ đệ trình đề xuất lên Bộ trưởng Bộ Kinh tế để đưa ra quyết định cuối cùng. Cụ thể:
  • Tổng vụ Nhập khẩu (Directorate General of Imports - DG) thuộc Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận các nhiệm vụ:
  • Tiến hành xem xét sơ bộ đơn kiện
  • Đưa ra kiến nghị đề xuất lên Ủy ban về việc liệu có khởi xướng vụ việc điều tra hay không:
  • Tổ chức, tiến hành điều tra (bao gồm cả điều tra về hành vi phá giá và trợ cấp và điều tra về thiệt hại)
  • Kiến nghị tới Ủy ban về quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp
  • Ủy ban Đánh giá các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ nhập khẩu (the Board of Evaluation of Unfair Competition in Importation:
  • Thành phần: đứng đầu là Lãnh đạo của Tổng vụ Nhập khẩu và đại diện các cơ quan bộ ngành bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Công Thương, Cục Kế hoạch Quốc gia, Cục Hải quan,đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp, Phòng Nông nghiệp và trưởng các đơn vị trong Tổng vụ Nhập khẩu;
  • Nhiệm vụ:
    • Quyết định khởi xướng hoặc chấm dứt điều tra;
    • Đệ trình quyết định áp dụng biện pháp tạm thời lên Bộ trưởng;
    • Đánh giá kết quả điều tra và đệ trình quyết định áp dụng biện pháp chính thức lên Bộ trưởng;
    • Đề xuất biện pháp cam kết giá, quyết định chấp thuận cam kết giá và thực hiện các biện pháp liên quan nếu cam kết giá bị vi phạm.
  • Bộ trưởng Bộ Kinh tế: chịu trách nhiệm ban hành các quyết định:
  • Quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, biện pháp chính thức;
  • Quyết định tính hồi tố của biện pháp thuế;
 
  1. Thủ tục và thời hạn điều tra:
Thủ tục điều tra:
Quá trình điều tra chống bán phá giá tại Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành theo các bước điều tra cơ bản sau:
Bước 1: Đơn khởi kiện của ngành sản xuất nội địa Thổ Nhĩ Kỳ gửi lên Tổng vụ Nhập khẩu (Pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ: cho phép Tổng vụ Nhập khẩu tự khởi xướng điều tra trong trường hợp cần thiết):
Bước 2: Khởi xướng điều tra: Tổng vụ Nhập khẩu phải xem xét đơn kiện và trong vòng 45 ngày kể từ ngày có đơn kiện đầy đủ, đề xuất có khởi xướng điều tra
Bước 3: Tiến hành điều tra phá giá và thiệt hại: Đây là một quá trình điều tra phức tạp và nhiều giai đoạn (giai đoạn sơ bộ và giai đoạn cuối cùng), các thời hạn mà doanh nghiệp phải tuân thủ cũng tập trung ở các thủ tục điều tra này, bao gồm:
  • Thời hạn nộp bản trả lời Bảng câu hỏi: trả lời trong 30 ngày (có thể được gia hạn trên cơ sở yêu cầu chính đáng) kể từ ngày nhận được bảng hỏi (tức là 1 tuần sau khi gửi);
  • Thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp tạm thời (nếu có): ít nhất 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra. Biện pháp tạm thời được áp dụng trong thời gian tối đa 120 ngày (có thể được gia hạn nhưng tối đa không quá 6 tháng);
Bước 4: Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức: sau 1 – 1,5 năm kể từ ngày khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ phải công bố liệu có áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức hay không. Thời hạn hiệu lực của mỗi lệnh áp thuế chống bán phá giá: 5 năm.
Bước 5: Các giai đoạn sau điều tra như: rà soát giữa kỳ, rà soát cuối kỳ, rà soát đối với các nhà xuất khẩu mới
Điều kiện áp thuế chống bán phá giá:
Biện pháp thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng khi có đầy đủ 03 yếu tố sau:
-         Có việc bán phá giá (biên độ phá giá lớn hơn 2%);
-         Có thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa Thổ Nhĩ Kỳ;
-         Có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại
Nguyên tắc áp thuế:
Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng nguyên tắc thuế thấp hơn. Cụ thể, mức thuế có thể thấp hơn biên phá giá đã đủ để loại bỏ thiệt hại do việc nhập khẩu bán phá giá gây ra.
Điều kiện chấm dứt điều tra:
-         Không có bán phá giá hoặc không có thiệt hại; hoặc biên phá giá, lượng NK không đáng kể;
-         Đơn kiện không hợp lệ, vô ích/ không có ý nghĩa;
-         Đơn kiện bị rút lại.
 
III. Lưu ý đối với doanh nghiệp
Thực tế các vụ kiện chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cho thấy đây là thị trường đặc biệt rủi ro về chống bán phá giá, nhất là đối với doanh nghiệp Việt Nam bởi một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
  • Quy chế nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam trong các điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng hóa Việt Nam đứng trước nguy cơ cao bị kiện và bị áp thuế cao
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, Việt Nam chấp nhận quy chế nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường nước ngoài đến hết ngày 31/12/2018. Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng điều này trong pháp luật của mình bằng cách sử dụng phương pháp tính toán giá xây dựng trong quá trình điều tra chống bán phá giá với hàng Việt Nam. Trên thực tế, không giống như quy định của nhiều nước nhập khẩu khác như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, trong các vụ kiện chống bán phá giá tại Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan Điều tra nước này không sử dụng dữ liệu từ một nước thay thế trong tính toán biên độ phá giá mà sử dụng một phương pháp giá xây dựng. Tuy nhiên, việc tính toán sử dụng phương pháp này lại không sát với tình hình thực tế dẫn đến biên độ phá giá bị đội lên lên nhiều, khiến kết quả về biên độ phá giá bị ảnh hưởng tương ứng.
Đây được xem là một bất lợi cho các Doanh nghiệp Việt Nam khi vướng phải các vụ kiện phòng vệ thương mại tại thị trường này. Việc chưa được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường thường làm thổi phổng biên độ phá giá, nên kết quả vụ kiện chống bán phá giá thường là mức thuế suất cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Và đây dường như cũng là một trong số các “động cơ” khiến các doanh nghiệp nội địa Thổ Nhĩ Kỳ “lạm dụng” công cụ kiện này để đối phó với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
  • Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có tần suất sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên nhất trên thế giới. Tính từ năm 1995 đến 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng 202 vụ kiện phòng vệ thương mại (180 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp, 21 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ). Tỷ lệ các vụ kiện chống bán phá giá có áp dụng biện pháp thuế cuối cùng cũng tương đối cao, lên tới 90.56% (163/180) các vụ kiện khởi xướng điều tra có sử dụng biện pháp thuế cuối cùng.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia dẫn đầu về kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, một loại vụ việc điều tra chống gian lận, nhưng kết quả điều tra cuối cùng lại là biện pháp thuế chống bán phá giá áp dụng cho toàn bộ các nhà sản xuất, xuất khẩu của nước bị kiện. Tóm lại, nguy cơ bị kiện và nguy cơ thiệt hại mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể phải gánh chịu trong các vụ kiện chống bán phá giá nói riêng và phòng vệ thương mại nói chung ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn. Vì vậy, để có thể xuất khẩu sang thị trường này một cách bền vững và hạn chế tối đa rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại tại đây, các doanh nghiệp cần lưu ý ít nhất một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tranh chấp phòng vệ thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ đã và sẽ là một thực tế mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt
Điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước ngoài về mặt nguyên tắc là một công cụ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại từ nước ngoài. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, các biện pháp này đã bị lạm dụng (theo nhiều cách khác nhau) và trở thành công cụ bảo hộ trá hình cho sản xuất trong nước trước các sản phẩm đến từ nước ngoài có sức cạnh tranh cao hơn.
Việc hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa Việt Nam nói riêng bị kiện phòng vệ thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ là điều bình thường trong thông lệ thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ và hoàn toàn không phải là biểu hiện của những khúc mắc trong bối cảnh kinh tế đặc biệt nào của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó cũng không phải là dấu hiệu của một sự căng thẳng mang tính thời điểm nào trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước này. Vì vậy, các vụ việc này cần được doanh nghiệp nhìn nhận như những rủi ro thường xuyên trong thương mại ở thị trường này để có biện pháp xử lý mang tính kỹ thuật phù hợp. Cũng vì lý do này, doanh nghiệp khó có thể trông chờ vào các biện pháp tác động ngoại giao để xử lý vụ việc của mình hay hy vọng vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần khi Thổ Nhĩ Kỳ không còn sử dụng biện pháp này.
Để kinh doanh bền vững và thành công với/tại thị trường này, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhận thức và nguồn lực (nhân lực, vật lực) để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Thứ hai, nguy cơ kiện phòng vệ thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện đối với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
Về nguyên tắc, kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp xảy ra khi có cáo buộc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá hoặc trợ cấp) gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Mặc dù vậy, nguy cơ bị kiện chống bán phá giá phụ thuộc vào một số yếu tố khác đôi khi khác xa những nguyên tắc nói trên. Ví dụ: từ khó khăn của ngành sản xuất nội địa Thổ Nhĩ Kỳ hoặc sự gia tăng cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Với những lý do này, một sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có thể bị kiện chống bán phá giá mà không phụ thuộc vào việc sản phẩm đó có xuất khẩu nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ hay không, có thực sự bán giá thấp hơn tại thị trường xuất khẩu hay không.
Qua quan sát tình hình thực tế, những nhóm sản phẩm của Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được xem là nằm trong nhóm “nguy cơ cao” với kiện phòng vệ thương mại:
-         Những sản phẩm có sự tăng trưởng về khối/số lượng (tính theo tỷ lệ tăng trưởng) trong xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ;
-         Những sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm mà các nước láng giềng của Việt Nam (đặc biệt là Trung Quốc) đã/đang là đối tượng của các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ; hoặc
-         Những sản phẩm trong những lĩnh vực mà sản xuất nội địa tại Thổ Nhĩ Kỳ đang có những khó khăn đáng kể và ngành sản xuất nội địa đang phải vật lộn tìm các cách thức khác nhau để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Do đó, khi xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm liên quan tại thị trường ngày cũng như động thái của ngành sản xuất nội địa để xác định sản phẩm của mình có thuộc nhóm có “nguy cơ” cao hay không vào từng thời điểm và có biện pháp phòng tránh, đối phó thích hợp và kịp thời.
Thứ ba, đối phó với kiện phòng vệ thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ cần tập trung vào các yếu tố kỹ thuật thay vì những tranh cãi chính trị hay đạo đức
Mặc dù các biện pháp phòng vệ thương mại là một công cụ có thể bị lạm dụng và có thể là một “con bài” mà các nhóm lợi ích thương mại sử dụng để gây sức ép lên các cơ quan chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, về mặt nguyên tắc, phòng vệ thương mại vẫn là một biện pháp mang tính kỹ thuật, phải được sử dụng trong khuôn khổ các quy định chặt chẽ mà dù muốn hay không tất cả các bên liên quan (kể cả các cơ quan có thẩm quyền trong điều tra và áp dụng các biện pháp này cũng như nguyên đơn, bị đơn và các bên thứ ba khác) phải tuân thủ. Do đó, việc chuẩn bị tốt các bước kỹ thuật để kháng kiện trong mọi trường hợp vẫn luôn là cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể giảm thiểu thiệt hại trong các vụ việc này.
Qua những vụ việc mà Việt Nam đã phải đối mặt, có thể thấy những vấn đề kỹ thuật sau đây là điều mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm:

- Không thể không sử dụng dịch vụ của luật sư/đơn vị tư vấn nếu thực sự muốn kháng kiện hiệu quả: Do hệ thống pháp luật và thông lệ điều tra phòng vệ thương mại rất phức tạp, không thật minh bạch, nhiều “bẫy thủ tục”, với những thời hạn đặc biệt ngắn cho những công việc có khối lượng đồ sộ, một doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài rất khó để có thể tự mình tham kiện một cách hiệu quả, đặc biệt trong những trường hợp được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc. Trên thực tế, hầu như tất cả các doanh nghiệp nước ngoài (kể cả các doanh nghiệp từ các nước có trình độ pháp lý phát triển như EU, Nhật Bản…) thực sự muốn kháng kiện thành công đều phải thuê luật sư tư vấn chuyên nghiệp để thực hiện việc này;

- Những đòi hỏi về thời hạn hay thủ tục cần phải được tuân thủ chặt chẽ: Đã có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp đã đánh mất các lợi ích của mình trong vụ việc phòng vệ thương mại không phải vì lý do thực chất (các tính toán biên độ) mà vì lý do mang tính thủ tục (mất quyền tự chứng minh do không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục);

- Tính trung thực, chính xác của các thông tin cung cấp trong quá trình kháng kiện là rất quan trọng: đòi hỏi mọi thông tin đều phải được chứng minh tính chính xác bởi những bằng chứng xác thực (hóa dơn, chứng từ…) và có những thủ tục cụ thể để thực hiện việc xác minh này. Hơn nữa các cán bộ điều tra Thổ Nhĩ Kỳ là những người có rất nhiều kinh nghiệm điều tra và không dễ bị “qua mắt”. Và nếu đã bị phát hiện là thiếu trung thực trong một tiểu tiết nào đó, toàn bộ những nỗ lực kháng kiện của doanh nghiệp sẽ bị xem xét lại. Vì vậy, việc đảm bảo trung thực có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả kháng kiện;

- Trong mỗi vụ việc, tùy vào chiến lược kinh doanh của mình trong tương lai (có tiếp tục xuất khẩu sản phẩm liên quan sang Thổ Nhĩ Kỳ không? Có kế hoạch phát triển quy mô sản xuất sản phẩm liên quan không?...) mà doanh nghiệp quyết định mức độ tham gia của mình vào vụ kiện phù hợp. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp xác định thị trường Thổ Nhĩ Kỳ (đối với sản phẩm liên quan) là không thể bỏ được và doanh nghiệp có lợi ích lâu dài tại đây thì việc tham kiện là cần thiết. Trường hợp ngược lại, doanh nghiệp có thể không cần tham gia vào quá trình tốn kém này.
 
Qua thời gian, nhiều doanh nghiệp đã đúc kết rằng hội nhập là một quá trình “vừa học vừa làm”, trong đó những thành công và cả những vấp váp trong quá trình kinh doanh với các đối tác nước ngoài, trên các thị trường nước ngoài để góp phần tạo nên kinh nghiệm để doanh nghiệp có thể kinh doanh tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Hy vọng rằng những gì mà các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, tự vệ tại Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ mang lại kinh nghiệm quý giá cho chính họ mà còn là bài học hữu ích cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khác đang và sẽ xuất khẩu sang thị trường này./
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Quảng cáo sản phẩm