Trợ cấp nước ngoài và vấn đề dư thừa năng lực sản xuất

21/02/2008 12:00 - 1631 lượt xem

Tác giả: Bruce A. BlonigenWesley W. Wilson- Đại học Oregon
5/ 2007

TÓM TẮT:

Ngành công nghiệp thép của nước Mỹ vẫn luôn cho rằng chính việc trợ cấp của nước ngoài và dư thừa năng lực sản xuất đã dẫn đến sự thất bại trong dài hạn của mình, tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào được tiến hành để kiểm chứng giả thuyết nói trên.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi xem xét trợ cấp của nước ngoài theo mô hình dựa trên lý thuyết về bán phá giá theo chu kỳ của Staiger và Wolak (1992) và minh họa bằng các ví dụ kiểm chứng được về dư thừa năng lực sản xuất có tính chu kỳ và tính cơ cấu, có nguồn gốc từ trợ cấp nước ngoài. Chúng tôi sử dụng những số liệu cụ thể ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ quốc gia về xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ từ năm 1979 đến 2002 để đánh giá ảnh hưởng của vấn đề dư thừa năng lực sản xuất. Kết quả đã cho thấy những bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của dư thừa năng lực sản xuất theo chu kỳ và dư thừa năng lực sản xuất do cơ cấu đối với hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp và khó có thể là nhân tố chính quyết định số phận của các doanh nghiệp sản xuất thép của Mỹ trong những thập kỷ vừa qua.

Giới thiệu

Trong nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp thép của Mỹ vẫn cho rằng chính những chính sách gây bóp méo thị trường của các chính phủ nước ngoài đã dẫn đến sự sụp đổ của ngành này trong dài hạn. Lập luận chính của họ, như đã được trình bày trong Howell (1988) và các tài liệu khác, đó là trợ cấp của chính phủ nước ngoài đã giúp các nhà sản xuất nước đó dư thừa năng lực sản xuất. Các hàng rào thương mại mang tính bảo hộ cao ở nước ngoài cũng cho phép các nhà sản xuất của những nước này bán với giá cao tại thị trường trong nước và bán phá giá các sản phẩm dư thừa sang thị trường Mỹ. Trước tình trạng này, một phản ứng hết sức dễ hiểu của chính phủ Mỹ đó là ban hành các luật về thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và các biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành công nghiệp của nước này khỏi những hành vi như vậy. (Mastel, 1999)

Hầu hết các nhà kinh tế học đều đã bỏ qua ảnh hưởng của vấn đề trợ cấp nước ngoài và dư thừa năng lực sản xuất và thay vào đó, chỉ ra các nguyên nhân khác dẫn đến việc giảm nhân công kéo dài trong ngành công nghiệp thép của Mỹ . Ví dụ như tác giả Oster (1982) cho rằng nguyên nhân là do ngành công nghiệp thép của Mỹ chậm áp dụng các công nghệ mới. Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều nhà máy cán thép nhỏ sử dụng nguyên liệu kim loại vụn cho quy trình sản xuất thép với chi phí thấp hơn nhiều nhưng đồng thời chất lượng cũng thấp hơn. Tuy nhiên, Crandall (1996), Moore (1996), và Tornell (1996) lập luận rằng sự xuất hiện của các nhà máy cán thép nhỏ này chỉ có thể giải thích cho việc số lượng các nhà máy sản xuất thép lớn ở Mỹ có xu hướng giảm chứ không giải thích được tác động đối với việc nhập khẩu. Thay vào đó, Tornell (1996) đã đưa ra mô hình và bằng chứng cho thấy những công đoàn lao động mạnh có thể điều chỉnh các khoản thuê tới mức các công ty thép của Mỹ sẽ ngừng đầu tư theo thời gian.

Và cuối cùng, các nhà kinh tế học đã đưa ra lời giải thích mang tính chất chính trị quen thuộc trong lịch sử bảo hộ ngành công nghiệp thép. Lenway et al. (1996) và Morck et al. (2001) đã tìm thấy chứng bằng chứng cho thấy các công ty vận động hành lang để được bảo hộ thường là những công ty lớn, làm ăn kém hiệu quả, ít sáng tạo và đổi mới, trả lương cao hơn và thường tìm kiếm sự bảo hộ chống lại các công ty không vận động hành lang. Do đó, có thể kết luận bảo hộ thương mại không phải nhằm ngăn chặn cạnh tranh không bình đẳng mà là kết quả của các hành vi vận động hành lang của các công ty làm ăn kém hiệu quả và không có khả năng cạnh tranh.

Nghiên cứu này không nhằm phản bác lại những lập luận của ngành công nghiệp thép mà chủ yếu xem xét những tác động của dư thừa năng lực sản xuất và các số liệu có cho thấy những tác động này sẽ xảy ra hay không; nếu có, liệu yếu tố này có tác động đáng kể đối với ngành công nghiệp thép của Mỹ hay không. Để giải quyết được vấn đề này, chúng tôi thấy cần phân biệt giữa vấn đề dư thừa năng lực sản xuất mang tính chất chu kỳ và mang tính chất cơ cấu. Mô hình về dư thừa năng lực sản xuất theo chu kỳ do Staiger và Wolak (1992) xây dựng, theo đó một nhà độc quyền nước ngoài không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước vốn được bảo hộ mà còn có thể xuất khẩu sang một thị trường cạnh tranh khác. Nhà độc quyền nước ngoài được giả định có hai loại chi phí: chi phí sản xuất và chi phí năng suất. Giá xuất khẩu vì vậy sẽ cao hơn chi phí sản xuất (ngắn hạn) nhưng thấp hơn chi phí sản xuất dài hạn cộng với chi phí về năng suất. Các quyết định về năng suất được đưa ra trước các quyết định về sản xuất và giả định thị trường trong nước của những công ty nước ngoài ít khi gặp phải những cú sốc về cầu. Điều này dẫn đến dư thừa năng lực sản xuất trong ngắn hạn (hay có tính chu kỳ) trong những thời điểm nhu cầu thị trường thấp và hàng hoá sẽ được bán tháo ở các thị trường nước ngoài. Đây cũng chính là lời giải thích cho việc bán phá giá theo chu kỳ của những công ty nước ngoài.

Vấn đề trợ cấp nước ngoài không được mô hình hoá trong hệ thống của Staiger và Wolak, do đó không phải là một nhân tố cần xem xét khi đánh giá tác động của dư thừa năng lực sản xuất mang tính chất chu kỳ. Chúng tôi đã điều chỉnh mô hình này để xem xét tác động của trợ cấp nước ngoài và nhận thấy trợ cấp dẫn tới việc các công ty nước ngoài đầu tư tăng năng suất nhiều hơn so với khi không có trợ cấp. Điều này khiến khối lượng xuất khẩu của họ vào thị trường Mỹ cũng tăng lên. Chúng tôi gọi đây là ảnh hưởng của “dư thừa năng lực sản xuất có tính chất cơ cấu”. Chúng tôi cũng đã chứng minh được việc trợ cấp như vậy của chính phủ nước ngoài sẽ làm xấu thêm những tác động của dư thừa năng lực sản xuất có tính chất chu kỳ.

Theo chúng tôi được biết, có rất ít nghiên cứu sử dụng phương pháp kiểm tra thực nghiệm để kiểm chứng việc các hàng hoá xuất khẩu sẽ gia tăng trước các cú sốc tiêu cực về cầu trong nước (tác động của dư thừa năng lực sản xuất mang tính chất chu kỳ). Tương tự, chưa có bất cứ nghiên cứu chính thức nào về tác động của trợ cấp nước ngoài ( tác động của dư thừa năng lực sản xuất do cơ cấu) do khó lấy được đầy đủ số liệu về các chương trình trợ cấp của nước ngoài.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp thép của Mỹ cũng đã lưu hồ sơ của hàng trăm vụ điều tra áp thuế đối kháng để có thể xác định và lượng hoá được những ảnh hưởng của các chương trình trợ cấp nước ngoài đối với hàng loạt các sản phẩn thép có liên quan trong nhiều thập kỷ vừa qua. Trong quá trình điều tra áp thuế đối kháng, các cơ quan có liên quan của Mỹ đã thu thập các thông tin về trợ cấp của chính phủ nước ngoài trong từng vụ. Họ cũng ước tính giá trị của từng chương trình trợ cấp theo tỷ lệ phần trăm doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp và xác định xem chương trình trợ cấp nào có thể dẫn đến thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Đây là những số liệu duy nhất cho phép đánh giá trực tiếp tác động của các chương trình trợ cấp của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Chúng tôi đã kiểm chứng cả những tác động của dư thừa năng lực sản xuất có tính chất chu kỳ và dư thừa năng lực sản xuất có tính cơ cấu qua số liệu xuất khẩu của 32 mặt hàng thép từ 22 quốc gia sang thị trường Mỹ từ năm 1979 đến 2002. Các ước lượng thống kê của chúng tôi đã cung cấp những bằng chứng về tác động của dư thừa năng lực sản xuất mang tính chất chu kỳ đối với việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng như chứng minh được tác động của dư thừa năng lực sản xuất mang tính chất cơ cấu -trợ cấp nước ngoài làm tăng đáng kể khối lượng xuất khẩu sang Mỹ Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng các tác động của dư thừa năng lực sản xuất tương đối độc lập với việc xuất khẩu vào thị trường thép của Mỹ. Chúng tôi cũng chỉ tìm thấy những tác động như vậy trong các số liệu về các nước kém phát triển, cụ thể là các nước châu Mỹ La tinh như Argentina, Braxin và Venezuela mà mặt hàng thép của những nước này chỉ chiếm một thị phần nhỏ trên thị trường Mỹ. Do tác động của dư thừa năng lực sản xuất đối với thị trường thép của Mỹ chỉ ở phạm vi rất hẹp nên khó có thể coi đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những vấn đề khó khăn của các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ trong những thập kỷ vừa qua.

Nghiên cứu này được trình bày theo cấu trúc như sau: Trong phần sau ,chúng tôi sẽ trình bày mô hình Staiger và Wolak (1992) để minh hoạ tác động của dư thừa năng lực sản xuất theo chu kỳ đối với mặt hàng thép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Sau đó, chúng tôi mở rộng mô hình này để chỉ ra tác động của dư thừa năng lực sản xuất cơ cấu do trợ cấp nước ngoài. Phần 3 của nghiên cứu sẽ phân tích số liệu chi tiết về trợ cấp của nước ngoài thu thập được qua hàng trăm vụ điều tra áp thuế đối kháng do Mỹ tiến hành trong những thập kỷ qua, cũng như mối quan hệ giữa trợ cấp của nước ngoài với thị trường thép của nước Mỹ. Phần 4 và phần 5 lần lượt mô tả phương pháp thống kê đã sử dụng để xem xét giả thuyết về dư thừa năng lực sản xuất và trình bày kết quả nghiên cứu của chúng tôi.

Quảng cáo sản phẩm