WTO ban hành báo cáo của Ban hội thẩm về tuân thủ trong vụ việc giải quyết tranh chấp DS414

10/08/2015 12:00 - 7697 lượt xem

Ngày 31 tháng 7 năm 2015, WTO đã ban hành báo cáo của Ban Hội thẩm về tuân thủ (compliance panel) trong vụ việc giải quyết tranh chấp DS414 (Hoa Kỳ khiếu kiện Trung Quốc liên quan tới thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) mà Trung Quốc áp dụng đối với sản phẩm thép từ cuộn dẹt dạng tấm nhập khẩu từ Hoa Kỳ). Vụ việc này Việt Nam đã tham gia đăng ký làm bên thứ ba.

Một số thông tin chung về diễn biến vụ việc DS414

Ngày 15 tháng 9 năm 2010, Hoa Kỳ đã gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc liên quan đến thuế AD và CVD mà Trung Quốc áp dụng với thép từ cuộn dẹt dạng tấm (“GOES”) nhập khẩu từ Hoa Kỳ (vụ việc DS414). Sau khi tham vấn không thành công, Hoa Kỳ đã tiếp tục gửi yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm lên Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB).

Ngày 15 tháng 6 năm 2012, Ban Hội thẩm đã ra báo cáo cuối cùng, theo đó, Ban Hội thẩm phần lớn ủng hộ các cáo buộc của Hoa Kỳ và kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm một số quy định của Hiệp định Chống bán phá giá (ADA) và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) của WTO đối với những vấn đề sau:

(i) Liên quan đến việc khởi xướng điều tra trợ cấp đối với 1 số vụ việc: Trung Quốc đã vi phạm Điều 11.3 SCM do Trung Quốc đã khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với 11 chương trình của Hoa Kỳ mà không có đầy đủ bằng chứng làm cơ sở cho quyết định khởi xướng của mình (Điều 11.3 quy định cơ quan điều tra phải đánh giá sự chính xác và đầy đủ của các bằng chứng cung cấp trong đơn kiện nhằm xác định liệu có đủ cơ sở để khởi xướng điều tra hay không);

(ii) Liên quan đến các bản tóm tắt công khai: Trung Quốc đã vi phạm Điều 12.4.1 SCM và 6.5.1 ADA do Bản tóm tắt công khai các thông tin mật mà Trung Quốc yêu cầu nguyên đơn cung cấp không đảm bảo cho phép người đọc hiểu một cách đúng mức về nội dung thông tin đã cung cấp;

(iii) Liên quan đến việc sử dụng thông tin sẵn có: Cách mà Trung Quốc sử dụng các thông tin sẵn có (facts available) khi tính toán biên độ trợ cấp cho 02 bị đơn bắt buộc của Hoa Kỳ không phù hợp với Điều 12.7 SCM; Trung Quốc cũng vi phạm Điều 6.8 ADA và Điều 12.7 SCM do đã viện dẫn không hợp lý các thông tin sẵn có khi tính toán biên độ phá giá và trợ cấp cho các nhà xuất khẩu chưa biết (unknown exporters) của Hoa Kỳ; ngoài ra Trung Quốc vi phạm Điều 6.9, 12.2 và 12.2.2 của ADA và Điều 12.8, 22.3 và 22.5 SCM do không công bố các dữ kiện quan trọng (essential facts) hoặc không cung cấp đầy đủ chi tiết các kết luận dẫn đến việc áp dụng thông tin sẵn có cho các nhà xuất khẩu chưa biết trong báo cáo của mình;

(iv) Liên quan đến phân tích của cơ quan điều tra về ảnh hưởng của giá cả: Trung Quốc đã vi phạm Điều 3.1, 3.2 ADA và Điều 15.1, 15.2 SCM do Trung Quốc đã đưa ra kết luận về việc hàng nhập khẩu bị điều tra gây ra ảnh hưởng đáng kể về giá không dựa trên sự đánh giá khách quan và các bằng chứng xác thực. Ban Hội thẩm cho rằng cơ quan điều tra phải xem xét mối quan hệ giữa hàng nhập khẩu bị điều tra và giá của các sản phẩm tương tự trong nước để hiểu liệu khối lượng và/hoặc giá của hàng nhập khẩu bị điều tra có giải thích được hiện tượng kìm giá/ép giá đáng kể của giá trong nước hay không;

(v) Liên quan đến phân tích của cơ quan điều tra về mối quan hệ nhân quả: Trung Quốc đã vi phạm Điều 3.1, 3.5 ADA và Điều 15.1, 15.5 SCM do kết luận và sự phân tích về mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa của Trung Quốc không dựa trên sự phân tích khách quan và bằng chứng xác thực;

(vi) Trung Quốc đã vi phạm Điều 6.9, 12.2 ADA và Điều 12.8, 22.5 SCM do thiếu sót trong Bản công bố các dữ liệu trọng yếu của Trung Quốc liên quan tới vấn đề phân tích ảnh hưởng giá và mối quan hệ nhân quả.

Ban Hội thẩm chỉ bác bỏ 1 cáo buộc của  Hoa Kỳ liên quan đến việc Hoa Kỳ cho rằng  Trung Quốc vi phạm Điều 22.3 Hiệp định  SCM do đã không giải thích đầy đủ vì sao việc loại trừ các nhà sản xuất nước ngoài khỏi quy trình đấu thầu theo quy định về đấu thầu chính phủ của Hoa Kỳ lại dẫn đến kết luận rằng giá cả không phản ánh giá thị trường.

Do đó, Ban Hội thẩm đã khuyến cáo Trung Quốc sửa đổi lại quyết định áp thuế cho phù hợp với các quy định của WTO.

Ngày 20/7/2012, Trung Quốc đã kháng cáo các kết luận của Ban Hội thẩm liên quan đến vấn đề phân tích ảnh hưởng giá và mối quan hệ nhân quả (vấn đề iv và vi) lên Cơ quan Phúc thẩm. Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm vẫn giữ nguyên kết luận như Ban Hội thẩm.

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm đã được thông qua tại cuộc họp DSB ngày 16/11/2012.

Hai bên sau đó đã thông qua cơ chế trọng tài theo Điều 21.3(c) Thỏa thuận về trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp (DSU) để xác định thời gian hợp lý để thực thi phán quyết của DSB là 8 tháng 15 ngày kể từ ngày DSB thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm (tức là tới ngày 31 tháng 7 năm 2013).

Ngày 31 tháng 7 năm 2013, Trung Quốc đã ban hành Quyết định sửa đổi lại quyết định áp thuế AD và CVD với thép từ cuộn dẹt dạng tấm. Theo đó, sau khi sửa đổi, tính toán lại cho phù hợp theo các phán quyết của DSB, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp thuế với sản phẩm trên nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Kết luận của Ban Hội thẩm về tuân thủ theo Điều 21.5 DSU

Ngày 13 tháng 2 năm 2014, Hoa Kỳ đã yêu cầu thành lập Ban hội thẩm về tuân thủ theo quy định tại Điều 21.5 DSU, do Hoa Kỳ cáo buộc Quyết định sửa đổi lại của Trung Quốc đã vi phạm các quy định trọng yếu và các quy định về mặt quy trình thủ tục của Hiệp định ADA và SCM, và Trung Quốc đã không tuân thủ đầy đủ các phán quyết của DSB.

Ngày 31 tháng 7 năm 2015, Ban Hội thẩm tuân thủ đã ban hành báo cáo cuối cùng. Theo đó, với 4 vấn đề cáo buộc chính của Hoa Kỳ, Ban Hội thẩm tuân thủ đã kết luận như sau:

(i) Liên quan tới cáo buộc của Hoa Kỳ về việc trong Quyết định sửa đổi lại Trung Quốc đã không đánh giá một cách hợp lý về tác động của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra đối với ngành sản xuất nội địa và đánh giá tất cả các yếu tố kinh tế có liên quan thể hiện tình trạng của ngành sản xuất nội địa: Ban Hội thẩm tuân thủ kết luận rằng do cáo buộc này không được Hoa Kỳ đưa ra trong vụ việc giải quyết tranh chấp ban đầu, và Trung Quốc cũng không có sửa đổi gì so với quyết định áp thuế cũ, cho nên Ban Hội thẩm sẽ không ra phán quyết về vấn đề này.

(ii) Liên quan tới cáo buộc của Hoa Kỳ về hiệu ứng giá của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra: Ban Hội thẩm tuân thủ đã ủng hộ cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã vi phạm Điều 3.1, 3.2 ADA và Điều 15.1, 15.2 SCM do không phân tích đầy đủ hợp lý các chứng cứ để đưa tới kết luận sự gia tăng lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra và hệ quả là sự sụt giảm thị phần của ngành sản xuất nội địa có ảnh hưởng gây kìm hãm và ngăn không cho giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa tăng lên.

(iii) Liên quan đến cáo buộc của Hoa Kỳ về mối quan hệ nhân quả: Ban Hội thẩm tuân thủ ủng hộ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc đã vi phạm Điều 3.1, 3.5 ADA và Điều 15.1, 15.5 SCM, do trong quyết định sửa đổi lại, Trung Quốc đã đưa ra kết luận về mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bị điều tra và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa không dựa trên “phân tích khách quan” và “bằng chứng xác thực”. Trung Quốc cũng không có sự phân tích hợp lý về các yếu tố khác có thể gây ra thiệt hại như việc mở rộng sản xuất và ảnh hưởng của hàng nhập khẩu không bị điều tra tới ngành sản xuất nội địa.

(iv) Liên quan đến cáo buộc của Hoa Kỳ về việc công bố thông tin: Ban Hội thẩm tuân thủ đã ủng hộ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc vi phạm Điều 6.9 ADA và Điều 12.8 SCM do Trung Quốc đã không nỗ lực cung cấp bản công bố công khai các dữ liệu trọng yếu liên quan đến giá bán hàng hóa tương tự tại thị trường nội địa làm cơ sở để xem xét vấn đề định giá song song và các dữ liệu trọng yếu liên quan đến các khó khăn khi bán hàng mà ngành sản xuất nội địa gặp phải.

Do đó, Ban Hội thẩm về tuân thủ đã kết luận rằng Trung Quốc đã không tuân thủ đầy đủ các phán quyết của DSB nhằm điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với nghĩa vụ của Trung Quốc theo Hiệp định ADA và SCM, và các phán quyết của DSB vẫn còn có hiệu lực.

Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước ngày càng có xu hướng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như là một công cụ hữu hiệu thay thế các công cụ thuế quan truyền thống trong việc bảo hộ ngành sản xuất nội địa. Đi kèm với đó là sự gia tăng của các vụ việc giải quyết tranh chấp (GQTC) tại WTO liên quan đến các biện pháp PVTM.

Việt Nam hiện nay cũng đang ngày càng tích cực hơn trong việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM (2 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống bán phá giá). Việc tham gia tích cực vào các vụ việc GQTC với tư cách bên thứ ba (như trong vụ việc DS414) giúp Việt Nam tích lũy thêm kiến thức sâu hơn về quy định pháp luật PVTM của WTO, và của các nước khác, đồng thời cũng giúp Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình tham gia các vụ việc giải quyết tranh chấp trong tương lai.
 
Nguồn: Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài-
Cục Quản lý Cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm