Xóa bỏ phương pháp tính thuế chống bán phá giá đối với nền kinh tế phi thị trường giúp giảm thuế cho một số công ty Trung Quốc

27/10/2008 12:00 - 2087 lượt xem

Tóm tắt kết quả nghiên cứu:


Phương pháp đặc biệt do DOC áp dụng để tính toán thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc và các nền kinh tế phi thị trường khác có hai điểm khác biệt chính so với phương pháp thông thường (áp dụng với các nền kinh tế thị trường). Thứ nhất, do giá cả ở các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường không phản ánh giá trị công bằng của hàng hoá, DOC sẽ sử dụng thông tin về giá cả ở một nước thứ ba thay thế (ví dụ như Ấn Độ) để xác định giá trị của các hàng hoá xuất khẩu từ quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, từ đó, làm căn cứ cho việc tính toán thuế chống bán phá giá, thay vì chỉ hoàn toàn dựa vào thông tin từ nước xuất khẩu. Thứ hai, DOC yêu cầu các công ty thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường phải chứng minh rằng hoạt động xuất khẩu của họ không thuộc sự quản lý của chính phủ để có thể được xem xét áp dụng mức thuế riêng chứ không phải tất cả các công ty đều được hưởng mức thuế riêng như trong trường hợp nước xuất khẩu có nền kinh tế thị trường. Các công ty thuộc những nền kinh tế phi thị trường nếu không đáp ứng tiêu chí này, hoặc không hợp tác trong quá trình điều tra do DOC tiến hành sẽ phải chịu mức thuế chung.


Trong vòng 25 năm qua, Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Trong đó có  có 25 vụ kiện mà Bộ thương mại nước này đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm từ cả Trung Quốc và ít nhất một quốc gia có nền kinh tế thị trường khác. Mức thuế suất áp dụng trong những trường hợp này rất khác nhau Tuy nhiên, tính trung bình thuế suất đối với Trung Quốc cao hơn 20% so với mức thuế đối với các nền kinh tế thị trường. Sự khác biệt này chủ yếu do các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc không đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng đã phải chịu mức thuế chung tương đối cao. Mức thuế chung trung bình là 98%, cao hơn tới 60% so với mức thuế trung bình áp dụng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu từ quốc gia có nền kinh tế thị trường không đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng. Trong khi đó, khi DOC tính toán mức thuế riêng cho các công ty Trung Quốc, các mức thuế này không khác biệt đáng kể so với mức thuế riêng áp dụng đối với các công ty từ nền kinh tế thị trường.


DOC là cơ quan có thẩm quyền để công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường hay công nhận một ngành của Trung Quốc có “ định hướng thị trường” với điều kiện là Trung Quốc hay toàn ngành hay một ngành nào đó của Trung Quốc đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Khi đã công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường thì DOC sẽ chấm dứt hoàn toàn hoặc một phần phương pháp tính thuế cho nền kinh tế phi thị trường đối với Trung Quốc Điều này sẽ giúp: (i) dỡ bỏ mức thuế chung đối với Trung Quốc và (ii) chấm dứt việc sử dụng thông tin từ nước thứ ba thay thế để tính toán thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Sự thay đổi này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng khác nhau. Việc xoá bỏ mức thuế chung sẽ có thể làm giảm thuế suất đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu không đủ điều kiện để hưởng mức thuế riêng. Trong khi đó, các mức thuế riêng sẽ phân hoá thành hai nhóm, theo đó các công ty không hợp tác trong các vụ điều tra của DOC sẽ phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều so với các công ty tham gia điều tra. Việc sử dụng thông tin giá cả từ Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng khác nhau tuỳ từng ngành và do đó, thuế suất chống bán phá giá đối với Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục có những khác biệt trong cùng một vụ kiện hoặc giữa các vụ kiện khác nhau. Tuy nhiên, có vẻ như tầm quan trọng của mức thuế chung áp dụng đối với nền kinh tế phi thị trường đang giảm dần khi ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc được hưởng mức thuế riêng, mặc dù hiện nay vẫn chưa có đủ dữ liệu cho phép định lượng hoá tác động thương mại của những thay đổi này. Điều này cũng cho thấy ý nghĩa thương mại của phương pháp tính thuế cho nền kinh tế phi thị trường hiện đang áp dụng đối với Trung Quốc cũng sẽ giảm dần theo thời gian.


DOC đã có góp ý bằng văn bản đối với bản thảo của báo cáo này được trình bày trong Phụ lục IV. Nhìn chung, DOC thống nhất với kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Bên cạnh đó, DOC, Bộ Nội vụ và Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cũng đã có những góp ý kỹ thuật, chúng tôi đã ghi nhận và điều chỉnh một số nội dung của báo cáo cho chính xác và rõ ràng hơn.


Kiến thức cơ bản


Bán phá giá là một hình thức phân biệt về giá trên thị trường quốc tế khi một công ty nước ngoài bán hàng hoá sang một thị trường xuất khẩu (ví dụ như Mỹ) với giá thấp hơn giá bán của mặt hàng đó tại thị trường trong nước hay các thị trường xuất khẩu khác.


Khi xảy ra hành vi bán phá giá và các hàng hoá nhập khẩu gây thiệt hại đáng kể hay đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ thì luật pháp Mỹ cho phép áp thuế chống bán phá giá để bù đắp những thiệt hại đó.
Bất kỳ ngành sản xuất trong nước nào bị thiệt hại đáng kể hoặc có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể từ việc bán phá giá của các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể đệ đơn kiện yêu cầu áp thuế chống bán phá giá. Họ phải nộp đơn kiện đồng thời lên DOC và ITC. Nếu DOC xác định được Bên nguyên đơn đã đáp ứng một số yêu cầu nhất định , ITC sẽ tiến hành xem xét liệu ngành công nghiệp trong nước có bị thiệt hại đáng kể hoặc có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể do việc bán phá giá hay không. Sau đó, DOC sẽ tiến hành một cuộc điều tra để xác định mức thuế chống bán phá giá, nếu cần thiết.

Quảng cáo sản phẩm