Báo cáo của Ban hội thẩm về vụ kiện tôm của Thái Lan

24/06/2014 12:00 - 3604 lượt xem

Lời mở đầu

Đơn kiện của Thái Lan

Ngày 24 tháng 4 năm 2006, Thái Lan đã yêu cầu tham vấn với phía Hoa Kỳ căn cứ Điều 4 Biên bản ghi nhớ về Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp (gọi tắt là “DSU”), Điều XXII:1 Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (gọi tắt là “GATT 1994”) và các Điều 17.2, 17.3, và 17.4 Hiệp định về việc Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (gọi tắt là “Hiệp định chống bán phá giá”) về những vấn đề cụ thể liên quan đến các biện pháp mà phía Hoa Kỳ áp dụng lên mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan. Thái Lan và Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc tham vấn nhưng đều thất bại trong việc giải quyết tranh chấp.

Ngày 15 tháng 9 năm 2006, Thái Lan đã yêu cầu thành lập một Ban hội thẩm chiểu theo Điều XXIII Hiệp định GATT 1994, Điều 4 và 6 của DSU, và Điều 17 của Hiệp định chống bán phá giá.

Trong cuộc họp ngày 26 tháng 10 năm 2006, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) đã thành lập một Ban hội thẩm theo yêu cầu của Thái Lan trong văn bản số WT/DS343/7, tuân theo Điều 6 của DSU.

Nhiệm vụ của Ban hội thẩm này gồm:

“Điều tra, theo những điều khoản liên quan trong những hiệp định được nhắc đến trong văn bản số WT/DS343/7, vấn đề mà Thái Lan đề nghị DBS giải quyết như đã đề cập đến trong văn bản trên, và các kết quả điều tra đó sẽ hỗ trợ DSB trong việc đưa ra khuyến nghị hoặc đưa ra các phán quyết như đã quy định trong những hiệp định trên.”

Trong cuộc họp ngày 21 tháng 11 năm 2006, DSB cũng đã thành lập một Ban hội thẩm theo yêu cầu của Ấn Độ trong văn bản số WT/DS345/6 mà về căn bản cũng giải quyết vấn đề tương tự như của Thái Lan.

Ngày 19 tháng 1 năm 2007, Thái Lan đã yêu cầu Tổng Giám đốc WTO quyết định thành phần Ban hội thẩm, chiểu theo Điều 8.7 của DSU, như sau:

“Nếu không có thoả thuận về thành viên Ban hội thẩm trong vòng 20 ngày kể từ sau ngày thành lập thì theo yêu cầu của một trong các bên, Tổng Giám đốc, sau khi tham vấn với Chủ tịch DSB và Chủ tịch những Hội đồng hoặc Uỷ ban có liên quan, sẽ quyết định thành phần của Ban hội thẩm thông qua việc chỉ định những người được cho là phù hợp nhất. Việc chỉ định này tuân thủ tất cả các quy tắc hay thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung có liên quan trong những hiệp định đã ký. Chủ tịch DSB sẽ thông báo danh sách thành viên Ban hội thẩm không quá 10 ngày sau khi nhận được yêu cầu.”

Thái Lan cũng đã yêu cầu Tổng Giám đốc lựa chọn cùng những người này làm thành viên Ban hội thẩm trong cả hai vụ tranh chấp DS343 và DS345, theo Điều 9.3 của DSU, như sau:

“Nếu có nhiều hơn một Ban hội thẩm được thành lập để điều tra các đơn kiện liên quan đến cùng một vấn đề thì trong khả năng lớn nhất có thể, những người này sẽ làm thành viên ở các Ban hội thẩm khác nhau và thời gian để Ban hội thẩm giải quyết từng vụ tranh chấp sẽ được sắp xếp hợp lý.”

Ngày 26 tháng 1 năm 2007, Tổng Giám đốc đã chỉ định Ban hội thẩm gồm có:

Chủ tịch: Ông Michael Cartland

Thành viên: Bà Enie Neri de Ross

Ông Graham Sampson

Brazil, Chilê, Trung Quốc, Cộng đồng Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexicô và Việt Nam đã bảo lưu quyền tham gia vào quá trình giải quyết của Ban hội thẩm với tư cách là bên thứ ba.

Ban hội thẩm đã tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên với các bên vào ngày 6 và 7 tháng 6 năm 2007. Phiên họp với các bên thứ 3 đã diễn ra ngày 7 tháng 6 năm 2007. Cuộc họp chính thức thứ hai với các bên đã được tổ chức vào ngày 24 và 25 tháng 7 năm 2007.

Ngày 4 tháng 9 năm 2007, Ban hội thẩm đã phát hành phần mô tả trong Báo cáo của Ban hội thẩm. Báo cáo tạm thời được phát hành cho các bên vào ngày 9 tháng 10 năm 2007 và Báo cáo cuối cùng được phát hành vào ngày 13 tháng 11 năm 2007.

Kết luận và khuyến nghị

“Với những kết quả trên, chúng tôi tán thành khiếu kiện của Thái Lan rằng việc áp dụng EBR đối với mặt hàng tôm từ Thái Lan là không phù hợp với Điều 18.1 của Hiệp định chống bán phá giá, và các ghi chú. Chúng tôi bác bỏ lập luận của phía Hoa Kỳ rằng việc áp dụng EBR là tuân theo Điều XX(d) Hiệp định GATT 1994.

Chúng tôi cũng tán thành khiếu kiện của Thái Lan về việc Hoa Kỳ đã có hành động vi phạm Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá với việc sử dụng phương pháp “quy về không” để tính biên độ bán phá giá.

Từ những kết quả trên, chúng tôi từ chối đưa ra kết luận về khiếu kiện của Thái Lan về việc áp dụng EBR đối với mặt hàng tôm từ Thái Lan là không phù hợp với Điều I, II:1(a), câu thứ nhất và thứ hai Điều II: 1(b), X:3(a) và XI:1 trong Hiệp định GATT 1994.

Theo Điều 3.8 DSU, trong những trường hợp có sự vi phạm nghĩa vụ trong hiệp định đã ký thì hành động này tạm thời được coi là tạo ra một trường hợp làm mất hoặc suy giảm quyền lợi như trong hiệp định đó. Theo đó, chúng tôi đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ đã hành động không phù hợp với các điều khoản của Hiệp định chống bán phá giá và GATT 1994, do đó nước này đã làm mất hoặc suy giảm lợi ích của Thái Lan.

Điều 19.1 của DSU liên quan đến khuyến nghị mà Ban hội thẩm đưa ra trong trường hợp Ban hội thẩm xác định một biện pháp không phù hợp với một hiệp định đã ký:

“[i]t khuyến nghị rằng Thành viên liên quan cần điều chỉnh biện pháp cho phù hợp với hiệp định đó.” (bỏ qua chú thích)

Do đó, chúng tôi khuyến nghị Hoa Kỳ cần điều chỉnh biện pháp của mình cho phù hợp với những nghĩa vụ của nước này trong Hiệp định chống bán phá giá và GATT 1994.
 

Quảng cáo sản phẩm