Biên độ thiệt hại (injury margin) được xác định như thế nào?

08/12/2022 11:30 - 101 lượt xem

Trong áp thuế chống bán phá giá, EU quy định mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ phá giá, tuy nhiên thuế này nên thấp hơn biên độ phá giá nếu điều này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất của EU (phương pháp “thuế chống bán phá giá thấp hơn” (“lesser duty”)).

 

Theo nguyên tắc này, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng sẽ bằng với biên độ nào thấp hơn trong hai biên độ: biên độ phá giá (antidumping margin) và biên độ thiệt hại (injury margin).

 

Để phục vụ nguyên tắc này, EU quy định về tính biên độ biên độ thiệt hại bên cạnh việc tính biên độ phá giá. Những nước áp thuế chống bán phá giá theo phương pháp mức thuế bằng mức biên độ phá giá (ví dụ Hoa Kỳ) sẽ không có bước tính biên độ thiệt hại này.

 

Biên độ thiệt hại là tỷ lệ phần trăm của hiệu số giữa giá nhập khẩu (px) và “giá không gây thiệt hại” (pt) trên giá nhập khẩu (giá CIF), cụ thể:

 

Biên độ thiệt hại = (pt-px)/Giá CIF nhập khẩu x 100%

 

Ví dụ:

 

Giá nhập khẩu (px) = 10 €

 

Giá không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của EU (pt) = 16€

 

Giá CIF = 8 €

 

Biên độ thiệt hại sẽ là: (pt-px)/Giá CIF = (16-10)/8 x 100% =  75%

 

Xác định Giá nhập khẩu:

 

Phương pháp tính Giá nhập khẩu trong công thức này tương tự phương pháp tính Giá nhập khẩu trong công thức tính Biên độ giảm giá.

 

Lưu ý rằng giá nhập khẩu được tính riêng cho từng nhà xuất khẩu và là giá tính theo từng chủng loại hàng mà doanh nghiệp đó xuất khẩu. Tuy nhiên, trường hợp nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường và các nhà xuất khẩu không được tính thuế suất riêng thì giá nhập khẩu này được tính chung cho tất cả các nhà xuất khẩu.

 

Xác định Giá không gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của EU

 

Giá không gây thiệt hại được xác định theo công thức 1:

 

Giá không gây thiệt hại (non-injury price) =  Chi phí sản xuất (COP) + Chi phí quản lý chung (SG&A) + Lợi nhuận thông thường (Normal Profit)

 

Trong đó:

 

- Chi phí sản xuất và chi phí quản lý chung là chi phí thực tế của ngành sản xuất nội địa EU

- Lợi nhuận thông thường là lợi nhuận mà ngành sản xuất EU được suy đoán là có thể có được nếu không có hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá

 

Trường hợp các nhân tố trong công thức tính trên khó xác định được thì giá không gây thiệt hại có thể được xác định theo công thức 2 sau đây:

 

Giá không gây thiệt hại (Non-injury Price) = Giá bán thực của sản phẩm tương tự của ngành sản xuất nội địa (Sale Price) + Thiệt hại (Loss) + Lợi nhuận thông thường (Normal Profit) – Lợi nhuận thực tế thấp (Low Profit), nếu có

 

Lưu ý rằng là giá không gây thiệt hại được tính chung cho toàn ngành sản xuất của EU.

 

So sánh Giá nhập khẩu và Giá không gây thiệt hại

 

Sau khi xác định được giá nhập khẩu và giá không gây thiệt hại, cơ quan điều tra sẽ đưa hai giá này vào so sánh.

 

Khi so sánh hai loại giá này, nếu có khác biệt về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá thì cơ quan điều tra có thể điều chỉnh vào hai loại giá.

 

Tính biên độ thiệt hại

 

Biên độ thiệt hại được xác định theo công thức nói trên cho từng nhà xuất khẩu nước ngoài nếu họ đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng.

 

Trường hợp không đủ điều kiện hưởng thuế suất riêng (nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường và nhà xuất khẩu không đáp ứng điều kiện để được chấp nhận quy chế đối xử riêng biệt) thì biên độ thiệt hại được xác định chung cho tất cả các nhà xuất khẩu.

 

Hộp - Ý nghĩa của biên độ thiệt hại

 

Theo nguyên tắc thuế thấp hơn (lesser duty), nếu biên độ thiệt hại thấp hơn biên độ phá giá thì thuế suất chống bán phá giá cho nhà xuất khẩu liên quan sẽ bằng biên độ thiệt hại. Ngược lại, nếu biên độ phá giá thấp hơn biên độ thiệt hại thì thuế suất chống bán phá giá sẽ bằng biên độ phá giá.

 

Vì vậy, biên độ thiệt hại nếu thấp hơn biên độ phá giá sẽ rất có lợi cho nhà xuất khẩu nước ngoài là bị đơn trong vụ điều tra chống bán phá giá. Trường hợp biên độ thiệt hại cao hơn biên độ phá giá thì nhà xuất khẩu nước ngoài cũng sẽ chỉ bị áp dụng mức thuế ở mức của biên độ phá giá mà thôi. Vì vậy, biên độ thiệt hại được xem là một cứu cánh của nhà xuất khẩu liên quan, đặc biệt khi biên độ phá giá bị xác định ở mức cao.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Do có nguyên tắc “thuế thấp hơn” (lesser duty), nhà xuất khẩu bị đơn nước ngoài trong vụ kiện chống bán phá giá tại EU nếu bị áp thuế sẽ được hưởng mức thuế suất bằng với mức thấp hơn trong hai biên độ: biên độ phá giá và biên độ thiệt hại.

 

Chính vì vậy, khác với những trường hợp không áp dụng nguyên tắc này (ví dụ Hoa Kỳ) nơi doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc tính toán biên độ phá giá (làm sao để có biên độ phá giá thấp nhất có thể), ở EU, doanh nghiệp còn cần quan tâm đến việc chứng minh biên độ thiệt hại thấp nhất có thể. Nếu làm được việc này, cơ hội đạt được mức thuế suất thấp (nếu bị áp thuế) hoặc thoát khỏi vụ kiện hoàn toàn (không bị áp thuế) đối với doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi\

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm