Cam kết về giá trong điều tra chống bán phá giá?

08/12/2022 03:10 - 75 lượt xem

Cam kết về giá trong điều tra chống bán phá giá của EU được hiểu là thoả thuận tự nguyện giữa Ủy ban châu Âu và một nhà xuất khẩu bất kỳ theo đó nhà xuất khẩu cam kết sửa đổi giá của mình hoặc dừng việc xuất khẩu với giá bị coi là phá giá sang EU. Cam kết về giá không phải là hình thức miễn không áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp mà là một loại biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp (thay vì biện pháp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp thì sử dụng biện pháp cam kết về giá).


Các điều kiện đối với cam kết về giá


Theo quy định, cam kết về giá phải đáp ứng các điều kiện sau đây:


-    Về kết quả điều tra: Cam kết về giá chỉ được thực hiện khi đã có kết luận sơ bộ khẳng định có việc bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại (giống điều kiện để áp dụng biện pháp tạm thời);

-    Về thời gian: Đề xuất cam kết giá của doanh nghiệp phải được đưa ra trước khi kết thúc thời hạn để các bên trình bày bình luận đối với văn bản công khai các tình tiết sẽ được Ủy ban châu Âu sử dụng để đưa ra đề nghị áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định chấm dứt vụ việc hoặc chấm dứt điều tra;
  
-    Về nội dung:
  
Nội dung của cam kết đủ để loại bỏ thiệt hại do việc bán phá giá/trợ cấp gây ra (theo ý kiến của Ủy ban châu Âu), bao gồm:


+ Tăng giá xuất khẩu (thường căn cứ vào giá tối thiểu để loại bỏ thiệt hại)


+ Hạn chế số lượng nhập khẩu vào EU (tuy nhiên, cam kết về hạn chế số lượng phải gắn với cam kết tăng giá xuất khẩu, không được phép chỉ cam kết hạn chế số lượng nhập khẩu);


Cam kết về giá chỉ có thể được chấp nhận nếu cam kết đó có thể thực hiện được (khả thi) và thỏa đáng (hiệu quả, đủ để loại bỏ thiệt hại và ở mức độ tương đương với biện pháp thuế nếu áp dụng).


Các hệ quả của cam kết về giá:


Sau khi cam kết về giá được chấp nhận, cuộc điều tra sẽ kết thúc nếu Ủy ban về công cụ phòng vệ thương mại (Trade Defence Instruments Committee) không có phản đối gì khi được Ủy ban châu Âu tham vấn về việc này. Trường hợp Ủy ban về công cụ phòng vệ thương mại có ý kiến khác (ý kiến phản đối việc chấm dứt điều tra) thì Ủy ban châu Âu sẽ phải trình lên Hội đồng châu Âu một bản báo cáo về kết quả tham vấn cùng với bản đề nghị chấm dứt cuộc điều tra. Nếu Hội đồng châu Âu không có quyết định khác thông qua việc bỏ phiếu đa số trong vòng một tháng thì cuộc điều tra coi như chấm dứt.


Thông thường, nếu cam kết về giá được chấp nhận thì việc điều tra về thiệt hại và biên độ phá giá thông thường phải được hoàn tất. Nếu kết luận của các điều tra này là phủ định thì cam kết tự động hết hiệu lực trừ khi kết luận phủ định trong các cuộc điều tra phần lớn là hệ quả của việc thực hiện cam kết về giá nói trên (trong trường hợp này cam kết về giá sẽ tiếp tục được thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý sau đó). Nếu các kết luận này là khẳng định thì cam kết vẫn tiếp tục có hiệu lực (tuân thủ các qui định về việc rà soát lại hoặc "rà soát hoàng hôn" giống như trường hợp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức).


Nghĩa vụ của nhà xuất khẩu sau khi có cam kết về giá


Nhà xuất khẩu có nghĩa vụ thực hiện đúng những nội dung đã thoả thuận trong cam kết về giá. Việc thực hiện nghĩa vụ này kéo dài đến khi cam kết này hết hiệu lực (tự động hết hiệu lực do có kết luận phủ định về việc bán phá giá/trợ cấp hay thiệt hại hoặc hết hiệu lực theo kết quả của các cuộc rà soát lại).


Để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết của nhà xuất khẩu liên quan, Ủy ban châu Âu sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu này cung cấp định kỳ thông tin liên quan đến việc thực thi cam kết và cho phép xác minh những thông tin nhất định. Việc không thực hiện nghĩa vụ thông báo này có thể được xem như một hình thức vi phạm cam kết.


Hệ quả việc vi phạm hoặc rút lại cam kết


-    Trường hợp có lý do để nghi ngờ rằng cam kết đang bị vi phạm; hoặc khi nhà xuất khẩu rút lại cam kết hay vi phạm cam kết và việc điều tra chưa kết thúc: Ủy ban châu ÂU có thể ra quyết định áp đặt thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp tạm thời.
   
-    Trường hợp vi phạm hoặc rút lại cam kết và cuộc điều tra đã kết thúc (và đã có kết luận cuối cùng khẳng định về việc bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại): Ủy ban châu Âu áp đặt thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức đối với hàng hoá liên quan của chủ thể khi hàng hoá này nhập khẩu vào EU.
 

Thực tế áp dụng các biện pháp cam kết về giá ở EU


Về hình thức biện pháp cam kết về giá là tương đối hấp dẫn đối với doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn bởi hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ không bị đánh thuế, lợi ích từ việc tăng giá theo cam kết sẽ thuộc về doanh nghiệp.


Tuy nhiên trên thực tế, cam kết về giá rất ít khi được chấp nhận ở EU (cũng như ở nhiều nước khác) bởi không phải dễ tìm ra mức vừa thỏa mãn các yêu cầu “thỏa đáng” và khả thi của phía Ủy ban châu Âu vừa đảm bảo được khả năng cạnh tranh của hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu. Giá tăng lên đến mức đủ loại bỏ thiệt hại thì đồng thời cũng dễ làm triệt tiêu luôn khả năng tiếp cận thị trường.


Trên thực tế, tính riêng lĩnh vực chống bán phá giá, cho đến nay mới chỉ có một số doanh nghiệp từ hơn chục quốc gia được chấp nhận cam kết về giá, ví dụ như:


-    Khuôn đúc (Trung Quốc)
-    Cumarin (Ấn Độ)
-    Bảng điện  (Nga, Hoa Kỳ) 
-    Magiê thỏi (Trung Quốc)
-    Sợi tổng hợp Polyeste (Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập)
-    PET chips (Australia, Ấn Độ, Indonesia)  
-    Muối Kali Clorit (Russia, Belarus) 
-    Ống đúc và săm (Romania, Russia) – đang bị đình chỉ
-    Cacbon silic (Nga)  
-    Silic kim loại (Nga)
-    Dây thép cuộn (Nga, Nam Phi, Thai Lan) 
-    Axít Sulphanilic (Ấn Độ)
-    Cá hồi (Quần đảo Faeroe) 
-    Urê Ammoni Nitrat (Angeria)
...

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm