Có các thủ tục điều tra nào có thể diễn ra sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp?

08/12/2022 02:58 - 1 lượt xem

Theo quy định của EU, sau khi biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức (thuế hoặc cam kết về giá) được áp dụng, Ủy ban châu Âu có thể tiến hành các thủ tục điều tra sau đây:

 

-    Rà soát giữa kỳ: Điều tra để thay đổi mức thuế hoặc chấm dứt thuế cho phù hợp với thay đổi trong quá trình điều tra nếu có yêu cầu của bên liên quan;
-    Rà soát cuối kỳ (còn gọi là rà soát hoàng hôn);
-    Điều tra chống lẩn tránh thuế;
-    Điều tra chống vô hiệu hóa thuế (còn gọi là điều tra lại reinvestigation);
-    Điều tra đối với nhà xuất khẩu mới.

 

Từ góc độ tính chất và mục tiêu áp dụng, có thể chia các thủ tục này thành 2 nhóm:

 

-    Nhóm thủ tục thông thường: Là các thủ tục được tiến hành bình thường trong hầu như tất cả các vụ việc, bao gồm thủ tục rà soát giữa kỳ, cuối kỳ và điều tra đối với nhà xuất khẩu mới;
-    Nhóm thủ tục mang tính “trừng phạt”: Là các thủ tục được tiến hành nhằm trừng phạt các hành vi làm mất hiệu lực của lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, bao gồm thủ tục điều tra chống vô hiệu hóa thuế và thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế.

 

Từ góc độ đối tượng áp dụng, có thể chia các thủ tục này thành 02 nhóm:

 

-    Nhóm thủ tục áp dụng với các nhà sản xuất xuất khẩu bị đơn: Thủ tục rà soát giữa kỳ, cuối kỳ và điều tra chống vô hiệu hóa thuế;
-    Nhóm thủ tục áp dụng với các nhà sản xuất xuất khẩu không phải bị đơn trong vụ kiện: Thủ tục điều tra đối với nhà xuất khẩu mới (áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước xuất khẩu bị điều tra nhưng chưa từng xuất khẩu sang EU trong giai đoạn điều tra), thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế (áp dụng với các nhà sản xuất xuất khẩu một nước thứ ba là địa chỉ “trung chuyển” để lẩn tránh thuế.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Với các thủ tục điều tra sau áp thuế, một vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp trên thực tế bị kéo rất dài sau ngày áp thuế (đặc biệt, thủ tục rà soát cuối kỳ có thể là điều kiện để việc áp thuế kéo dài thêm một đợt mới). Chính các thủ tục này là lý do khiến vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp trở thành những “cuộc chiến dai dẳng”.

 

Vì vậy các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến chuyện này để tiếp tục có sự đầu tư nguồn lực cho các hoạt động sau khi bị áp thuế để hy vọng những kết quả thuận lợi cho mình. Trên thực tế, EU không phải là thị trường quá “hung hăng” trong việc sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (mặc dù khối này nằm trong top các khu vực sử dụng nhiều các công cụ này, nhưng cần lưu ý rằng EU không phải chỉ bao gồm 1 nước mà hiện tại là 26 nước, vì vậy số lượng lớn như vậy là có thể hiểu được). Vì vậy nếu doanh nghiệp bền chí và có chiến lược đúng đắn thì việc thoát khỏi một vụ việc sau khi bị áp thuế một thời gian không phải là khả năng quá xa vời.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm