Điều chỉnh khi so sánh Giá Thông thường và Giá Xuất khẩu?

08/12/2022 01:59 - 10 lượt xem

Sau khi xác định được giá thông thường và giá xuất khẩu, bước tính toán tiếp theo mà cơ quan điều tra sẽ thực hiện là so sánh (hay nói cách khác là tính hiệu số) giữa giá thông thường và giá xuất khẩu.

 

Việc so sánh này phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau: 

 

-    Công bằng
-    Cùng cấp độ thương mại
-    Càng gần thời điểm càng tốt
-    Chú ý đến những khác biệt ảnh hưởng đến giá và so sánh giá
 

Ý tưởng xuyên suốt các nguyên tắc này là việc so sánh Giá Thông thường và Giá xuất khẩu phải được thực hiện khi các loại Giá này ở trạng thái “có thể so sánh được”. Vì vậy nếu có khác biệt về hàng hóa hoặc giao dịch liên quan đến các loại giá này (ví dụ khác biệt về số lượng, về cấp độ thương mại, về các loại phí, thuế đánh vào lô hàng, về khoảng cách vận chuyển… và do đó giá trị lô hàng cũng khác biệt theo) thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều chỉnh (cộng hoặc trừ một/một số giá trị nào đó vào loại Giá liên quan để tính đến các khác biệt).

 

Hộp - Các loại khác biệt có thể được điều chỉnh trước khi so sánh giá Thông thường và giá Xuất khẩu

 

-    Khác biệt về đặc tính vật lý (giữa hàng hóa bị điều tra và hàng hóa được lựa chọn tính giá Thông thường)
-    Khác biệt về thuế, phí nhập khẩu và các loại thuế gián thu khác;
-    Khác biệt về chi phí liên quan đến việc bán hàng (vận chuyển, bảo hiểm, bốc dỡ, đóng gói, hoa hồng)
-    Các loại giảm giá, chiết khấu căn cứ vào số lượng;
-    Khác biệt về cấp độ thương mại; và
-    Khác biệt về chi phí tín dụng liên quan đến các điều khoản thanh toán khác nhau.
​​​​​​

Các khác biệt về đặc tính vật lý

 

Khi xác định giá Thông thường, cơ quan điều tra sẽ tính toán theo giá của sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra, còn giá của sản phẩm bị điều tra thì được dùng để tính Giá Xuất khẩu). Tuy nhiên, khái niệm sản phẩm tương tự không đồng nghĩa với việc sản phẩm đó hoàn toàn giống với sản phẩm bị điều tra mà có thể chỉ là gần giống.

 

Như vậy hai loại sản phẩm được dùng để xác định giá Thông thường và Giá Xuất khẩu có thể có sự khác biệt nhất định về đặc tính vật lý (ví dụ chúng chỉ là cùng loại sản phẩm nhưng khác mẫu mã, hình thức…). Và vì vậy giá Thông thường xác định theo sản phẩm tương tự và giá Xuất khẩu xác định theo sản phẩm bị điều tra có thể sẽ được điều chỉnh để tính đến các khác biệt này.

 

Cụ thể, giá Xuất khẩu hoặc giá Thông thường (tùy trường hợp) sẽ được trừ đi một khoản tương ứng với trị giá của điểm khác biệt vật lý giữa 2 sản phẩm. Trị giá chênh lệch do khác biệt giữa các sản phẩm có thể được tính dựa trên một trong các phương pháp sau (theo thứ tự ưu tiên giảm dần):

 

-    Khác biệt trong giá thị trường giữa các sản phẩm có khác biệt về đặc tính vật lý tương tự của chính nhà xuất khẩu liên quan trên thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Khác biệt trong giá thị trường giữa các sản phẩm có khác biệt về đặc tính vật lý tương tự của các nhà xuất khẩu khác trên thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Mức chênh lệch về tổng chi phí sản xuất cùng SG&A và lợi nhuận giữa hai sản phẩm.

 

Thuế, phí nhập khẩu và thuế gián thu

 

Nguyên tắc của điều chỉnh liên quan đến vấn đề này là các khoản thuế nhập khẩu hoặc thuế gián thu đánh vào sản phẩm bán trên thị trường nội địa nước nhập khẩu hoặc đánh vào nguyên liệu của sản phẩm (mà thông thường sẽ được miễn hoặc được hoàn khi sản phẩm xuất khẩu) sẽ được trừ khỏi Giá Thông thường.

 

Cụ thể, Ủy ban châu Âu chấp thuận điều chỉnh những yếu tố này nếu 2 điều kiện sau được thỏa mãn:

 

-    Sản phẩm (và các nguyên liệu vật lý) khi bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu đã phải chịu các khoản thuế nhập khẩu và thuế gián thu này.
-    Những khoản phí nhập khẩu hay thuế gián thu đó được miễn hoặc hoàn lại khi sản phẩm được xuất khẩu sang EC

 

Nói cách khác, nếu chỉ dựa trên số tiền được hoàn lại khi xuất khẩu sản phẩm liên quan là chưa đủ, nhà xuất khẩu phải chứng minh được rằng các chi phí này thực tế đã được thanh toán cho sản phẩm nội địa

 

Hộp - Ví dụ về cơ chế điều chỉnh để tính đến khác biệt về thuế, phí

 

Bước 1: Xác định tổng giá trị thuế/phí phải trả nếu sản phẩm xuất khẩu được bán tại thị trường nội địa (vd: 100)

 

Bước 2: Xác định bất kỳ loại thuế/phí nào được tính trong chi phí nếu sản phẩm được xuất khẩu (vd: 2)

 

Bước 3: Thuế được trả lại hoặc không thu sẽ là (100 -2) = 98

 

Bước 4: Xác định giá trị thuế/phí mà sản phẩm tương tự được bán tại thị trường nội địa phải chịu (vd: 50)

 

Bước 5: Xác định giá trị thuế được hoàn lại hoặc không phải nộp đối với các sản phẩm xuất khẩu = 98 (B3) chia cho 100 (B1) = 98%

 

Bước 6: Mức phân bổ điều chỉnh : 98% (B5) của 50 (B4) = 49.

 

Các chi phí liên quan đến bán hàng

 

Các chi phí liên quan đến bán hàng có thể bao gồm các chi phí cho việc:

 

-    Vận chuyển, bảo hiểm, bốc dỡ, chi phí liên quan;
-    Đóng gói;
-    Bảo hành, bảo đảm, hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ sau bán hàng khác;
-    Hoa hồng;
-    Chuyển đổi ngoại tệ;
-    Các nhân tố khác có ảnh hưởng đến việc so sánh giá

Tuy nhiên, không phải tất cả các chi phí này sẽ được tính đến và được điều chỉnh trong tất cả các vụ việc.

 

Ví dụ, đối với chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bảo hiểm, để được điều chỉnh vào giá, các chi phí này phải đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau:

 

-    Khoản chi phải liên quan trực tiếp đến việc bán hàng (cụ thể, nó phải là chi phí phát sinh khi thực hiện một vụ bán hàng cụ thể)
-    Chi phí đó phải phát sinh sau khi việc bán hàng đã thực hiện (ví dụ chi phí vận chuyển từ kho hàng của nhà sản xuất đến kho của người mua thì được phép điều chỉnh, nhưng chi phí vận chuyển từ nhà máy đến kho trung tâm của người sản xuất thì không thể được điều chỉnh); và
-    Chi phí đó đã bao hàm trong giá được thanh toán (và do đó có ảnh hưởng trực tiếp đến giá)

 

Đối với chi phí đóng gói, việc điều chỉnh có thể được thực hiện nếu:

 

-    Chi phí đóng gói sản phẩm xuất khẩu sang EC khác với chi phí đóng gói sản phẩm bán tại thị trường nội địa; và
-    Chi phí muốn điều chỉnh liên quan trực tiếp đến việc đóng gói sản phẩm (lao động và các nguyên vật liệu trực tiếp, không bao gồm chi phí quản lý chung) – tuy nhiên, nếu việc đóng gói do một công ty bên ngoài đảm nhận thì tổng chi phí phải trả cho việc đóng gói có thể được khấu trừ.

 

Đối với các chi phí sau bán hàng, việc điều chỉnh có thể được thực hiện nếu đó là:

 

-    Các chi phí được quy định trong luật hoặc được chi tiết hóa trong hợp đồng mua bán; và
-    Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc cung cấp bảo hiểm, bảo hành, hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ (chi phí lao động và các nguyên vật liệu trực tiếp, không tính phí quản lý chung) – tuy nhiên, nếu các dịch vụ do một công ty bên ngoài đảm nhiệm thì tổng chi phí có thể được khấu trừ

 

Đối với các chi phí cho các khoản hoa hồng, việc điều chỉnh có thể thực hiện nếu đó là:

 

-    Các khoản hoa hồng do nhà sản xuất trả cho thương nhân hoặc các đại lý làm trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng (Tuy nhiên không có khấu trừ cho các đại lý được nhận phí hàng tháng không liên quan trực tiếp tới các giao dịch cụ thể về sản phẩm được xem xét); và
-    Chi phí hoa hồng được tính trực tiếp vào một giao dịch cụ thể

 

Về khác biệt do tiền tệ khác nhau, về nguyên tắc, các tính toán biên độ phá giá của EC thường sử dụng tiền tệ của nước xuất khẩu làm chuẩn. Khi đó, giá xuất khẩu thường được chuyển đổi ra đồng tiền của nước xuất khẩu, sử dụng tỷ giá hối đoái của ngày giao dịch (ngày trên hóa đơn). Trong thực tiễn, EC thường sử dụng tỷ giá hối đoái trung bình của tháng mà hóa đơn được phát hành, trừ một số ngoại lệ:

 

-    Khi có “hàng rào” ngoại tệ trên các thị trường tương lai liên quan trực tiếp tới giao dịch xuất khẩu có liên quan, thì có thể sử dụng tỷ giá hối đoái của hợp đồng tương lai;
-    Sự biến động của tỷ giá hối đoái giai đoạn điều tra

 

Các khoản chiết khấu, giảm giá và khác biệt về số lượng

 

Các khoản chiết khấu, giảm giá có liên quan trực tiếp đến các giao dịch bán hàng nội địa được sử dụng để tính Giá thông thường có thể được điều chỉnh.

 

Một vài điểm cần chú ý:

 

-    Các khoản chiết khấu, giảm giá được chấp thuận điều chỉnh nếu chúng là thông lệ ổn định, có thể lượng hóa được và trực tiếp liên quan đến giao dịch bán hàng liên quan;
-    Các chiết khấu sau (ví dụ chiết khấu cuối năm hoặc chiết khấu theo khối lượng) chỉ được điều chỉnh nếu khoản chiết khấu đó được thực hiện theo một thông lệ ổn định và theo chính sách/hợp đồng chiết khấu được ghi nhận bằng chứng từ rõ ràng.
-    Khác với Hiệp định ADA của WTO, pháp luật EU không cho phép điều chỉnh trong trường hợp khác biệt về giá dựa theo số lượng (ví dụ giá thấp cho lô hàng với số lượng lớn, giá cao cho lô hàng có số lượng ít).

 

Tín dụng

 

Các khác biệt suy đoán về chi phí tín dụng xuất phát từ những khác biệt trong phương thức thanh toán khi xuất khẩu và bán nội địa có thể được điều chỉnh vào giá Xuất khẩu hoặc giá Thông thường.

 

Tuy nhiên theo quy định của EU, những điều chỉnh này chỉ được thực hiện nếu khoản tín dụng này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định giá giao dịch, được thỏa thuận vào thời điểm bán hàng và được nêu rõ trong hóa đơn, lệnh đặt hàng hoặc hợp đồng. Điều này có nghĩa là các chi phí tín dụng thực tế, dù cao hơn chi phí tín dụng cho phương thức thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng, cũng sẽ không được tính đến khi điều chỉnh.

 

Khác biệt về cấp độ thương mại

 

Điều chỉnh đối với giá để tính đến các khác biệt về cấp độ thương mại là một quy định của WTO và pháp luật EU đã được sửa đổi để ghi nhận quy định này (trước đây EU không cho phép điều chỉnh đối với loại khác biệt này).

 

Cụ thể, giá trước khi đem so sánh có thể được điều chỉnh để tính đến các khác biệt trong cấp độ thương mại nếu chứng minh được rằng giá Xuất khẩu và giá Thông thường được thực hiện ở các cấp độ thương mại khác nhau (ví dụ nếu giá Thông thường là giá bán cho cơ sở bán lẻ nội địa trong khi giá Xuất khẩu lại là giá xuất xưởng bán buôn cho nhà nhập khẩu).

 

Tuy nhiên trên thực tế, EU tỏ ra rất miễn cưỡng khi phải áp dụng quy định này và do đó có những quy định ngặt nghèo về điều kiện cho phép điều chỉnh và đặt trách nhiệm chứng minh nặng nề lên vai các nhà xuất khẩu. Vì vậy rất hiếm có vụ việc nào mà các nhà xuất khẩu thành công trong việc xin điều chỉnh giá do khác biệt về cấp độ thương mại.

 

Nghĩa vụ chứng minh của nhà xuất khẩu về khác biệt trong cấp độ thương mại:

 

Để các loại giá thông thường và giá xuất khẩu được điều chỉnh nhằm tính đến những khác biệt về cấp độ thương mại, nhà xuất khẩu phải chứng minh rằng có sự khác biệt giữa bán hàng tại thị trường nước xuất khẩu và xuất hàng sang EU trên hai phương diện:

 

-    Về chức năng: Những khác biệt về chức năng được thể hiện qua khác biệt về trách nhiệm bảo đảm và bảo hành, các chi phí phân phối, quảng cáo, các dịch vụ sau mua hàng…;
-    Về giá: Có sự chênh lệch về giá giữa việc bán các sản phẩm tương tự theo các cấp độ thương mại khác nhau.

 

Khác

 

Về nguyên tắc, nhà xuất khẩu có thể yêu cầu tiến hành điều chỉnh đối với các nhân tố khác ngoài các nhân tố được liệt kê nói trên nếu chứng minh được là các nhân tố này ảnh hưởng tới giá và so sánh giá.

 

Hộp - Tóm tắt các điều chỉnh có thể được thực hiện khi so sánh Giá Thông thường và Giá xuất khẩu

 

Loại khác biệt

Giá xuất khẩu

Giá Thông thường

Đặc tính vật lý

Không

Các chi phí nhập khẩu và thuế gián thu

Không

Các khoản chiết khấu, giảm giá và chất lượng

Cấp độ thương mại

Không

Các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bảo hiểm, giám sát bán hàng và phụ phí liên quan

Chi phí đóng gói

Tín dụng

Các chi phí sau bán hàng

Tiền hoa hồng

Chi phí chuyển đổi tiền tệ

Các yếu tố khác

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm