Điều kiện và nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp?

08/12/2022 03:07 - 7 lượt xem

Điều kiện và nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp?


Điều kiện áp dụng:


Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chỉ có thể được áp đặt nếu có đủ các điều kiện sau:


(i)    Kết luận điều tra cuối cùng khẳng định:


-    Có hành vi bán phá giá trên mức “không đáng kể” (biên độ phá giá từ 2% trở lên) hoặc có hành vi trợ cấp trên mức “không đáng kể” (biên độ trợ cấp từ 1% trở lên);


-    Ngành sản xuất nội địa của EU phải chịu thiệt hại đáng kể; và


-    Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại nói trên.


(ii)    Lợi ích của Cộng đồng đòi hỏi cần áp đặt thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp


Nguyên tắc áp dụng:


-    Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp được đặc định hóa cho từng nhà nhập khẩu (về mức thuế, loại thuế, sản phẩm chịu thuế, xuất xứ sản phẩm, tên nhà xuất khẩu nước ngoài);


-    Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp phải được áp dụng theo mức phù hợp cho mỗi vụ việc, trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với hàng hoá nhập khẩu từ tất cả các nguồn khác nhau bị kết luận là có bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại. 


Ngoại lệ của nguyên tắc này là những cam kết về giá đang có hiệu lực: đối với những trường hợp này, thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp không được áp dụng cho những nhà xuất khẩu liên quan mặc dù các điều kiện khác đã thoả mãn đầy đủ (do cam kết về giá được xem là biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp thay thế cho thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp).


-    Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp có thể có giá trị hồi tố theo những điều kiện nhất định (tức là thuế này được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu vào EU vào thời điểm trước khi có quyết định áp đặt thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp).


-    Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp được thu riêng, độc lập với việc thu các loại thuế, phí hải quan khác áp dụng đối với hàng nhập khẩu nói chung. 


Trường hợp một sản phẩm cùng lúc bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp thì phần tương ứng với trợ cấp xuất khẩu sẽ được trừ đi khỏi biên độ phá giá và tổng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm đó không vượt quá biên độ thiệt hại. 


Các loại thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp


Biện pháp tạm thời và thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức có thể được thực hiện dưới các hình thức sau:


(i)    Thuế phần trăm trên trị giá hàng hóa (% của mức giá tại biên giới EU): Đây là hình thức thuế được áp dụng phổ biến nhất


Ví dụ giầy mũ da Việt Nam bị áp thuế 10%, đèn huỳnh quang 66,1%, chốt cài inox 7,7% giá xuất khẩu tại biên giới EU…


(ii)    Thuế tuyệt đối (một mức cố định) 


Ví dụ bật lửa ga bị áp thuế chống bán phá giá theo mức 0.09 euro/cái ở Ba Lan năm 2000 (hiện nước này đã là thành viên EU).


(iii)    Hình thức khác, dựa trên giá tối thiểu (phần chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá net tại biên giới EU)


(iv)    Kết hợp các loại trên

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm