Điều tra chống lẩn tránh thuế (anti-circumvention review)?

08/12/2022 02:55 - 1 lượt xem

Pháp luật EU dự kiến những quy định để xử lý các trường hợp nhà xuất khẩu nước ngoài thực hiện một số chuyển đổi đối với hàng hoá để tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp. Điều này đã được WTO (Hiệp định về chống bán phá giá; Hiệp định về trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp) cho phép.

 

Cụ thể, EU qui định thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp không chỉ áp dụng cho đối tượng chịu thuế (là các sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ các nước liên quan) mà còn áp dụng với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ một nước ngoài Liên minh hoặc các bộ phận cấu thành của sản phẩm là đối tượng chịu thuế khi có hiện tượng cố ý thực hiện chuyển đổi để tránh thuế.

 

Cố ý lẩn tránh thuế (circumvention) là hiện tượng xảy ra khi có sự thay đổi trong phương thức kinh doanh thương mại giữa các nước xuất khẩu và EU (hình thành từ thực tiễn, qui trình hoặc việc sản xuất) mà:

 

-    Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là do việc áp đặt biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (các nguyên nhân hoặc lý do kinh tế khác đều không đủ để giải thích hiện tượng này);
-    Có chứng cứ chứng minh rằng hiệu quả của các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với giá cả và/hoặc số lượng sản phẩm tương tự bị suy giảm; và rằng có hiện tượng bán phá giá/chống trợ cấp của sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm gần giống.

 

Trên thực tế, việc lẩn tránh thuế thường được thực hiện theo các hình thức:

 

-    Lẩn tránh thuế bằng cách thay đổi nguồn gốc xuất xứ: ví dụ chuyển khẩu hàng hóa từ nước xuất khẩu bị áp thuế sang nước không bị áp thuế để lấy xuất xứ nước đó rồi nhập vào EU nhằm trốn thuế);
-    Lẩn tránh thuế qua thủ thuật tháo rời - lắp ráp: ví dụ nhập khẩu thiết bị rời từ nước xuất khẩu bị áp thuế vào EU rồi lắp ráp lại tại EU (tránh thuế bằng sản phẩm, vì thuế chỉ áp cho sản phẩm là đối tượng điều tra mà thôi);
-    Lẩn tránh thuế bằng cách thay đổi mã số hàng hóa: ví dụ thực hiện những cải tiến, thay đổi không đáng kể đối với sản phẩm để sản phẩm nhập khẩu vào EU theo một mã HS khác với loại là đối tượng bị áp thuế (tránh thuế bằng sản phẩm, vì thuế chỉ áp cho sản phẩm là đối tượng điều tra theo đúng mã HS và miêu tả mà thôi)

 

Khi nào việc lắp ráp sản phẩm tại EU bị xem là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp?

 

Việc lắp ráp sản phẩm tại Liên minh châu Âu hoặc tại một nước ngoài Liên minh có thể bị coi là một hành vi lẩn tránh thuế nếu:

 

-    Việc lắp ráp chỉ bắt đầu từ khi vụ điều tra được khởi xướng hoặc việc lắp ráp đã bắt đầu trước đó nhưng gia tăng mạnh kể từ thời điểm này và các bộ phận lắp ráp được nhập khẩu từ nước xuất khẩu đang bị điều tra; và
-    Các bộ phận lắp ráp chiếm từ 60% trở lên tổng giá trị các bộ phận cấu thành sản phẩm cuối cùng (tuy nhiên không thể coi là chuyển đổi nhằm trốn thuế đối với các trường hợp giá trị gia tăng tạo ra từ việc lắp ráp hoặc hoàn thiện cao hơn 25% chi phí sản xuất ra sản phẩm đó); và
-    Hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với giá và/hoặc số lượng sản phẩm tương tự được lắp ráp bị suy giảm hoặc có chứng cứ chứng minh việc bán phá giá/chống trợ cấp liên quan đến giá thông thường của sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm gần giống được xác định trước đó.

 

Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chỉ được áp dụng cho các trường hợp cố ý chuyển đổi để tránh thuế sau khi Ủy ban châu Âu tiến hành điều tra xác minh cụ thể và kết luận khẳng định có hiện tượng này trên thực tế.

 

Yêu cầu tiến hành điều tra

 

Các chủ thể có quyền lợi trong việc điều tra này (chủ yếu là nhà sản xuất nội địa của EU) có quyền yêu cầu Ủy ban châu Âu tiến hành điều tra với điều kiện là phải cung cấp đủ các bằng chứng chứng minh sự tồn tại hiện tượng cố ý chuyển đổi để tránh thuế.

 

Thủ tục điều tra

 

Ủy ban châu Âu là cơ quan có quyền bắt đầu việc điều tra về vấn đề này bằng một quyết định điều tra (sau khi đã tham vấn ý kiến của Ủy ban về công cụ phòng vệ thương mại) muộn nhất là 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và bằng chứng hợp lệ. Cơ quan này cũng là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra.

 

Khi có quyết định điều tra, Ủy ban châu Âu sẽ lệnh cho cơ quan hải quan ghi sổ các lô hàng nhập khẩu liên quan hoặc yêu cầu chủ hàng nộp tiền bảo đảm khi nhập khẩu các lô hàng này.

 

Thời hạn điều tra là 9 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Thủ tục và phương pháp điều tra tương tự như điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp thông thường.

 

Kết quả điều tra

 

Việc quyết định có áp thuế chống lẩn tránh thuế hay không đươc thực hiện theo thủ tục và với thẩm quyền như trường hợp áp dụng thuế trong vụ điều tra gốc.

 

-    Nếu quyết định cuối cùng là mở rộng phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp ra những sản phẩm tương tự xác định (xuất xứ từ nước xuất khẩu bị điều tra trong vụ kiện gốc hoặc từ nước xuất khẩu khác) hoặc các bộ phận nhất định của sản phẩm bị điều tra thì quyết định này sẽ có hiệu lực được tính từ ngày hải quan ghi sổ lô hàng nhập khẩu hoặc kể từ ngày chủ hàng phải nộp bảo đảm;


-    Đối với các trường hợp không bị qui kết là cố ý chuyển đổi để tránh thuế, sản phẩm nhập khẩu sẽ không bị coi là đối tượng bị ghi sổ hoặc phải nộp tiền bảo đảm nếu chủ hàng xuất trình giấy xác nhận hải quan rằng hàng hoá nhập khẩu này không thuộc dạng bị chuyển đổi để tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp. Giấy xác nhận được cấp này trên cơ sở đơn yêu cầu bằng văn bản của chủ hàng và được chấp thuận bằng quyết định của Ủy ban châu Âu sau khi cơ quan này đã tham vấn ý kiến của Ủy ban về công cụ phòng vệ thương mại. Giấy chứng nhận ghi rõ các điều kiện phải tuân thủ và thời hạn có hiệu lực và chỉ có hiệu lực khi các qui định này được tuân thủ.

 

Một vài ví dụ về kết quả điều tra chống lẩn tránh thuế

 

  • Vụ việc chống bán phá giá đối với sản phẩm thép dễ uốn của Braxin:

Sau điều tra lẩn tránh thuế đối với thép dễ uốn Achentina (do nghi ngờ có chuyển khẩu thép dễ uốn từ Braxin qua Achentina rồi mới xuất vào EU), thuế chống bán phá giá được áp dụng cả với thép dễ uốn nhập khẩu từ Braxin và Achentina (không phụ thuộc vào thực tế là thép nhập từ Achentina có xuất xứ từ Braxin hay không);

 

  • Vụ việc chống bán phá giá đối với oxit kẽm Trung Quốc:

Sau điều tra chống lẩn tránh thuế đối với một sản phẩm gần giống nhập khẩu từ Trung Quốc là oxit kẽm pha silic (do nghi ngờ rằng việc pha silic vào oxit kẽm chỉ nhằm chuyển đổi mã sản phẩm (Product Code Number – PCN) để tránh thuế chứ không phải là sản phẩm mới), thuế chống bán phá giá áp dụng cho oxit kẽm của Trung Quốc đã được mở rộng để áp dụng cả với sản phẩm oxit kẽm pha silic (mã PCN khác mã PCN của oxit kẽm) nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

  • Vụ việc chống bán phá giá đối với xe đạp Trung Quốc

Sau điều tra chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm linh kiện xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc (do có nghi ngờ rằng các nhà xuất khẩu xe đạp Trung Quốc đã cố ý nhập khẩu vào EU linh kiện xe thay vì nhập khẩu xe hoàn chỉnh), thuế chống bán phá giá áp dụng đối với xe đạp Trung Quốc đã được mở rộng để áp dụng đối với các linh kiện xe đạp có mã CN khác mã của xe đạp hoàn chỉnh (ví dụ khung xe đạp sơn hoặc không sơn, ghi-đông xe đạp sơn hoặc không sơn, bàn đạp, bánh răng, phanh tay…).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm