Điều tra thực địa?

08/12/2022 03:28 - 6 lượt xem

Điều tra thực địa là hoạt động điều tra tại trụ sở và/hoặc nhà máy của các bên liên quan nhằm xác minh tính chính xác, đầy đủ và căn cứ của các thông tin mà các bên liên quan đã cung cấp cho Ủy ban châu Âu trong bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra. Nói cách khác, trong điều tra thực địa, các cán bộ điều tra sẽ ráp nối các thông tin mà họ nhận được với số liệu trong sổ sách kế toán thực tế của doanh nghiệp xem đó có đúng là thông tin/số liệu thực không (hay là số liệu có lợi cho doanh nghiệp, được dựng lên/tạo ra phục vụ cho việc điều tra).

 

Thời gian điều tra thực địa

 

Việc điều tra được tiến hành sau khi cán bộ điều tra đã xử lý sơ bộ các thông tin từ bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra của các doanh nghiệp, xác định các vấn đề cần xác minh và hoàn thành các công việc chuẩn bị cho việc điều tra thực địa. Đây là một công việc có khối lượng tương đối lớn, vì vậy thường điều tra thực địa chỉ được bắt đầu khoảng 3-4 tháng sau khi khởi xướng điều tra.

 

Hộp - Quy trình chuẩn bị điều tra thực địa của cán bộ điều tra

 

Chuẩn bị trong nội bộ

 

•    Lên danh sách các vấn đề cần thẩm tra (chủ yếu là các nội dung cơ bản phục vụ việc tính toán biên độ phá giá);
•    Đánh giá hệ thống IT của doanh nghiệp sẽ tiến hành xác minh;
•    Liệt kê các câu hỏi sẽ hỏi;
•    Phân bổ công việc (mỗi cán bộ phụ trách xác minh một mảng)
•    Quyết định trình tự điều tra thực địa
•    Chuẩn bị hồ sơ + tài liệu để đem đến nơi thẩm tra
•    Chọn mẫu (không phải tất cả các thông tin về một vấn đề đều sẽ được xác minh mà chỉ chọn một số).

 

Chuẩn bị thực tế

 

•    Địa điểm công ty/địa điểm lưu trữ hồ sơ ghi chép của công ty (hồ sơ kế toán/doanh thu/sản xuất)
•    Thỏa thuận ngày thẩm tra
•    Phối hợp kiểm tra nhiều nơi
•    Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu
•    Phiên dịch
•    Gửi Công văn thông báo nội dung thẩm tra (bao gồm các tài liệu cần chuẩn bị)

 

Trình tự điều tra thực địa

 

Việc điều tra thực địa sẽ được thực hiện đối với cả các doanh nghiệp nội địa EU (chủ yếu để xác định mức độ thiệt hại) và các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài theo trình tự sau:

 

- Bước 1: Điều tra xác minh tại EU (điều tra thực địa tại các nhà máy/trụ sở của các nhà nhập khẩu và các nhà sản xuất nội địa sản xuất sản phẩm tương tự của EU);

 

- Bước 2: Điều tra xác minh tại nước xuất khẩu bị điều tra (điều tra thực địa tại trụ sở/nhà máy của các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài bị điều tra).

 

Các hoạt động điều tra thực địa

 

i. Thông báo trước khi điều tra

 

Theo quy định, trước khi tiến hành điều tra thực địa, cơ quan điều tra sẽ phải thông báo cho doanh nghiệp bị đơn về việc điều tra thực địa và phải được doanh nghiệp này đồng ý cho phép điều tra.

 

Tuy nhiên vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp “phải” đồng ý cho phép điều tra thực địa và “phải” hợp tác tốt (bằng cách cung cấp đầy đủ các tài liệu mà cán bộ điều tra yêu cầu nhanh nhất có thể). Lý do là nếu không đồng ý cho điều tra hoặc gây khó khăn cho quá trình điều tra, cán bộ điều tra có thể suy đoán là không hợp tác hay cố ý giấu diếm và sẽ áp dụng thông tin sẵn có bất lợi cho doanh nghiệp;

 

ii. Trong quá trình điều tra

 

Thời gian điều tra thực địa thường là khoảng 2-4 ngày/doanh nghiệp (hoặc nhóm doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có các đơn vị phụ thuộc khác). Mặc dù cán bộ điều tra sẽ chỉ điều tra một phần các thông tin (không phải điều tra hết) nhưng khoảng thời gian 2-4 ngày vẫn là rất ngắn để xác minh được hết các vấn đề này. Vì vậy việc chuẩn bị trước để cuộc điều tra được tiến hành suôn sẻ, nhanh chóng và thuận lợi là rất quan trọng.

 

Ngay khi bắt đầu điều tra, cán bộ điều tra sẽ hỏi doanh nghiệp xem có cần thay đổi thông tin gì trong bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra hay không. Và doanh nghiệp nên tranh thủ cơ hội này để “điều chỉnh” những thông tin trong bản trả lời của mình, nếu có (tuy nhiên, cũng không thể điều chỉnh lớn).

 

Sau đó trên cơ sở các vấn đề cần xác minh đã thông báo cho doanh nghiệp, cán bộ điều tra sẽ tiến hành đặt câu hỏi, xem xét và yêu cầu cung cấp các tài liệu cụ thể. Để có kết quả tốt nhất, doanh nghiệp cần hợp tác với cán bộ điều tra, cung cấp các tài liệu, chứng từ mà cán bộ điều tra yêu cầu theo cách thức nhanh nhất có thể. Ngoài ra, cán bộ điều tra có thể yêu cầu thẩm tra (hỏi trực tiếp) nhân viên hoặc người lao động của doanh nghiệp (chứ không phải luật sư). Vì vậy doanh nghiệp cần bố trí kịp thời để các nhân viên/người lao động này có thể nhanh chóng có mặt, được chuẩn bị tốt và trả lời câu hỏi của cán bộ điều tra.

 

Hộp - Các loại giấy tờ, chứng từ mà cán bộ điều tra có thể yêu cầu xuất trình

 

•    Báo cáo tài chính kế toán (Bảng cân đối kế toán, phiếu tài khoản…)
•    Các tài liệu công ty (sổ cái, ghi chép hàng ngày, hồ sơ sản xuất, hồ sơ hàng tồn kho, bảng lương, sổ sách ghi tài sản…báo cáo tài chính, biên bản các cuộc họp Hội đồng quản trị)
•    Thông tin quản lý (báo cáo của Giám đốc, hệ thống kế toán chi phí, khác)
•    Đồ thị kế toán 
•    Tài liệu giao dịch

 

Nếu cán bộ điều tra được cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết và các tài liệu này khớp với những gì doanh nghiệp đã cung cấp trong Bảng câu hỏi điều tra, tức là nếu doanh nghiệp thuyết phục được cán bộ điều tra rằng các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp là chính xác và đáng tin cậy thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để nhận được kết quả điều tra có lợi (mức thuế thấp).

 

Ngược lại, nếu cuộc điều tra diễn ra lộn xộn, với nhiều thông tin không thể kiểm chứng hoặc việc cung cấp tài liệu chậm trễ, không hợp tác, cán bộ điều tra có thể quyết định sử dụng “thông tin sẵn có bất lợi” (những thông tin mà họ có thể tìm thấy từ các nguồn khác sẵn có, thường là từ đơn kiện của nguyên đơn, vì vậy thường bất lợi cho doanh nghiệp) để thay thế cho những thông tin doanh nghiệp cung cấp mà họ cho rằng không thể xác minh được.

 

Hộp - Phương pháp điều tra thực địa của cán bộ điều tra

 

(i) Phương pháp tiếp cận

 

Kiểm tra không định hướng:

 

Cán bộ điều tra sẽ tiến hành xem xét tính hợp lý của thông tin mà doanh nghiệp cung cấp; nếu phát hiện có bất hợp lý thì sẽ tiến hành điều tra tiếp về nội dung đó.

 

Kiểm tra định hướng:

 

Cán bộ điều tra tiến hành kiểm tra xem thông tin doanh nghiệp khai báo có phải là nói quá (khai báo cao hơn mức thực tế) hay nói giảm/nói tránh (khai báo thấp hơn, hoặc không khai báo) không (phương pháp này thường áp dụng đối với các thông tin là số liệu)

 

- Kiểm tra nói quá:

 

Đối tượng: Thường sử dụng để xác minh các thông tin doanh nghiệp khai báo về giá xuất khẩu, phân bổ chi phí giá nội địa…

 

Phương pháp: Bắt đầu bằng số liệu mà doanh nghiệp cung cấp trong bản trả lời Bảng câu hỏi (thường các số liệu lớn bất thường sẽ bị chọn xác minh), cán bộ điều tra sẽ truy về sổ sách chứng từ xem có khớp không;

 

- Kiểm tra nói giảm, nói tránh:

 

Đối tượng: Thường sử dụng để xác minh các thông tin doanh nghiệp khai báo về giá nội địa, chi phí phân bổ cho giá xuất khẩu, chi phí phân bổ cho sản xuất…

 

Phương pháp: Cán bộ điều tra sẽ bắt đầu từ sổ sách chứng từ nội bộ của doanh nghiệp để kiểm tra ngược lên bản trả lời Bảng câu hỏi của doanh nghiệp xem bản trả lời có cố ý bỏ qua số liệu nào không, có ghi giảm số liệu nào không.

 

(ii) Phương pháp kiểm tra

 

Đối với từng giao dịch được lựa chọn điều tra, việc xác minh thường được cán bộ điều tra tiến hành như sau:

 

-    Truy nguồn chứng từ, tài liệu: tìm kiếm tất cả các tài liệu liên quan đến giao dịch
-    Xác minh tất cả các chứng từ theo hệ thống xuyên suốt của giao dịch: ví dụ kiểm tra đơn đặt hàng/hợp đồng, vận đơn, tài liệu hải quan, hóa đơn, sổ cái bán hàng, các số liệu kế toán, sổ cái chung, ghi chép hàng ngày, thanh toán (biên nhận tiền mặt, tài khoản ngân hàng)
-    Kiểm tra các giao dịch liên quan: các giao dịch khác có liên quan đến giao dịch đang bị xác minh cũng có thể sẽ bị xem xét.

 

Kết quả của cuộc điều tra

 

Kết thúc điều tra thực địa, Cán bộ điều tra sẽ không đưa ra kết luận ngay mà sẽ tiến hành thêm một số công việc nữa khi đã trở về như:

 

  1. Tóm tắt vấn đề chính yếu
  2. Kiểm tra chéo các chứng cứ thu thập được
  3. Liệt kê các tài liệu yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm hoặc các hoạt động khác cần thực hiện tiếp theo đối với từng doanh nghiệp sau chuyến điều tra xác minh (chỉ khi thật cần thiết);
  4. Yêu cầu doanh nghiệp bổ sung tài liệu hoặc làm rõ các vấn đề, nếu có và xử lý thông tin phản hồi từ doanh nghiệp;
  5. Tiến hành rà soát lại tổng thể các vấn đề điều tra.

 

Sau khi thực hiện tất cả các hoạt động nêu trên, cán bộ điều tra sẽ lập Báo cáo kết quả điều tra xác minh, Ủy ban châu Âu sẽ quyết định thông tin nào doanh nghiệp cung cấp có thể được sử dụng, thông tin nào sẽ bị thay thế bằng thông tin sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá cho doanh nghiệp. Nói cách khác, sau khi điều tra thực địa, cơ quan điều tra sẽ quyết định sẽ sử dụng thông tin nào để tính toán theo một trong các hướng:

 

-    Chấp nhận toàn bộ các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp: Đây là kết quả điều tra thực địa có lợi nhất cho doanh nghiệp; hoặc
-    Bác bỏ một phần các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp (và thay thế bằng thông tin sẵn có bất lợi); hoặc
-    Bác bỏ toàn bộ các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp (và sử dụng hoàn toàn các thông tin sẵn có bất lợi): Đây là kết quả điều tra thực địa bất lợi nhất cho doanh nghiệp.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Điều tra thực địa có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả vụ việc đối với từng doanh nghiệp (bởi thông qua điều tra thực địa, cơ quan điều tra sẽ quyết định sẽ sử dụng những thông tin nào mà doanh nghiệp cung cấp cho họ để tính toán biên độ phá giá).

 

Trong khi đó các cuộc điều tra thực địa lại rất gấp gáp, với thời gian điều tra ngắn, thông tin cần thẩm tra lại nhiều nên kết quả điều tra phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị các tài liệu cần thiết (theo Công văn thông báo nội dung điều tra đã được Ủy ban châu Âu gửi trước đó), sắp xếp có hệ thống, có thể xuất trình trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến cơ sở vật chất phục vụ hoạt động điều tra.

 

Ngoài ra, lưu ý rằng thành công của cuộc điều tra thực địa đối với doanh nghiệp là ở chỗ doanh nghiệp có giành được sự tin cậy của cán bộ điều tra hay không. Vì thế, thái độ trung thực là đặc biệt cần thiết.

 

Hộp - Doanh nghiệp nên chuẩn bị như thế nào cho điều tra thực địa?

 

Việc chuẩn bị cho điều tra xác minh cần bắt đầu ngay khi doanh nghiệp được lựa chọn vào Nhóm Mẫu, theo từng bước sau đây:

 

Bước 1: Tính đến khả năng bị điều tra ngay khi trả lời Bảng câu hỏi điều tra. Nói cách khác, doanh nghiệp cần tính đến việc chứng cứ nào sẽ được sử dụng để chứng minh thông tin khi bị điều tra xác minh để lựa chọn thông tin trả lời và phải lưu giữ và sắp xếp thông tin tương ứng. Làm được việc này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khối lượng công việc khổng lồ trong giai đoạn điều tra xác minh sau đó;

 

Bước 2: Phân tích kỹ lưỡng Công văn thông báo các nội dung điều tra xác minh. Bản Công văn này (dù rất ngắn gọn và không đầy đủ) có thể cung cấp cho doanh nghiệp ít nhiều thông tin về những giao dịch hay vấn đề sẽ bị điều tra xác minh để từ đó doanh nghiệp có thể sơ bộ chuẩn bị (với sự tư vấn của luật sư);

 

Bước 3: Chuẩn bị các tài liệu, chứng từ dự đoán là sẽ bị cán bộ điều tra yêu cầu (dựa trên phân tích Công văn thông báo các vấn đề sẽ điều tra thực địa và tư vấn của luật sư), đặc biệt là các chứng từ sổ sách kế toán;

 

Việc doanh nghiệp chậm trễ, mất nhiều thời gian vào việc nghĩ xem tài liệu mà cán bộ điều tra cần đang nằm ở đâu và làm thế nào để tìm ra có thể khiến cán bộ điều tra suy đoán rằng doanh nghiệp không muốn hợp tác hoặc không thể đưa ra chứng cứ chứng minh.

 

Việc sắp xếp trước các tài liệu cần thiết sẽ rất hữu ích bởi tài liệu được lưu trữ lại theo một hệ thống linh hoạt, dễ hiểu và phù hợp với mục tiêu điều tra và do đó:

 

+ Có thể xuất trình ngay khi được yêu cầu;

 

+ Có thể phát hiện các vấn đề tồn tại cần xử lý;

 

+ Chuẩn bị lập luận giải thích thích hợp với các trường hợp cần thiết.

 

Bước 4: Chuẩn bị các vấn đề logistics phục vụ hoạt động điều tra xác minh. Đây là những việc rất nhỏ nhưng lại có thể giúp việc điều tra tiến hành thuận lợi, suôn sẻ, tiết kiệm thời gian và không gây ấn tượng xấu cho cán bộ điều tra. Ví dụ, chuẩn bị sẵn một máy photocopy chỉ phục vụ cho việc photo các chứng từ mà cán bộ điều tra yêu cầu, tập trung các giấy tờ chứng từ cần thiết về một nơi nếu có thể, chuẩn bị các phòng làm việc đủ rộng để chứa các chứng từ cần thiết, có phòng riêng cho cán bộ điều tra làm việc, có phòng riêng để cán bộ doanh nghiệp và luật sư hội ý khi cần thiết…

 

Hộp- Bảy điều “cấm kỵ” trong điều tra thực địa

 

(i)    Đừng bao giờ trả lời gian dối: Cần phân biệt giữa một câu trả lời hạn chế (chỉ trả lời được một phần câu hỏi nhưng vẫn có giá trị) và câu trả lời gian dối (sẽ hủy hoại niềm tin của cán bộ điều tra vào doanh nghiệp);


(ii)    Đừng bao giờ xuất trình một tài liệu giả hoặc đã được “chế biến lại”: Nếu việc này bị phát hiện (mà khả năng này là rất lớn bởi cán bộ điều tra có đủ kinh nghiệm ở rất nhiều cuộc điều tra khác), cán bộ điều tra sẽ mất lòng tin và doanh nghiệp không còn nhiều hy vọng qua được cuộc xác minh;


(iii)    Đừng bao giờ xuất trình một tài liệu chưa được xem xét cẩn thận: Mọi tài liệu trước khi xuất trình phải được kiểm tra kỹ lưỡng (một tiêu đề trên tài liệu không phù hợp, một ghi chú lơ đãng bên rìa… có thể gây hại cho doanh nghiệp). Doanh nghiệp cần kiểm tra không phải để làm lại hay điều chỉnh tài liệu mà để chuẩn bị trước những lập luận hoặc giải thích liên quan;


(iv)    Đừng bao giờ cho phép nhân viên doanh nghiệp phát ngôn với cán bộ điều tra mà không có sự chuẩn bị;


(v)    Đừng bao giờ tự nguyện đưa các thông tin có thể có hại đến sự tin cậy của cán bộ điều tra đối với doanh nghiệp (ví dụ các thông tin về những khoản chi không chính thức, về những rắc rối liên quan đến tòa án… - những thông tin này nếu không được hỏi thì doanh nghiệp không nên tự tiết lộ cho cán bộ điều tra, ngay cả dưới hình thức nói đùa);


(vi)    Đừng bao giờ trả lời ước đoán: Nếu không biết câu trả lời cho một câu hỏi nào đó, tốt nhất là không trả lời, bởi những câu trả lời không chắc chắc, ước đoán có thể gây hại (ít nhất là ở lòng tin của cán bộ điều tra). Nếu nhân viên của doanh nghiệp không chắc về một câu trả lời nào đó, tốt nhất họ nên tham khảo ý kiến của luật sư trước;


(vii)    Đừng bao giờ từ chối cung cấp một tài liệu bất kỳ cho cán bộ điều tra: Việc từ chối cung cấp tài liệu (kể cả những tài liệu không quan trọng) sẽ khiến nguy cơ bị xem là không hợp tác và bị dùng “thông tin sẵn có” gia tăng. Nếu không thể hoặc không muốn cung cấp tài liệu được yêu cầu, doanh nghiệp có thể đề xuất cung cấp một tài liệu thay thế. Nếu doanh nghiệp cố ý lờ đi, cũng có thể gặp may nếu sau đó cán bộ điều tra quên mất tài liệu đó, nhưng nếu họ nhắc lại về tài liệu đó thì doanh nghiệp không có

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm