Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì để khắc phục quy chế nền kinh tế thị trường?

08/12/2022 01:38 - 6 lượt xem

Theo quy định hiện hành của EU, Việt Nam được xếp vào diện nền kinh tế phi thị trường (non-market economy – NME) nhưng đang có những thay đổi quan trọng đồng thời là thành viên WTO, do đó được hưởng qui chế đặc biệt theo đó trong một vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp:

 

(i)    Có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu cho hưởng quy chế nền kinh tế thị trường (market economy status claim) trong vụ việc liên quan: 

 

Điều kiện để được chấp thuận là nhà xuất khẩu phải chứng minh được rằng mình đang kinh doanh theo các điều kiện thị trường và hoàn toàn không chịu sự can thiệp của Nhà nước (theo 05 tiêu chí mà EU đề ra).

 

Nếu Ủy ban châu Âu chấp thuận yêu cầu này thì vụ việc sẽ được tiến hành đối với nhà xuất khẩu đó theo phương pháp như đối với trường hợp nước có nền kinh tế thị trường;

 

(ii)    Có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu cho từng doanh nghiệp hưởng quy chế đối xử riêng biệt (individual treatment claim): 

 

Điều kiện để được chấp thuận là nhà xuất khẩu phải chứng minh được rằng mình không chịu sự kiểm soát hay can thiệp của Nhà nước liên quan đến giá xuất khẩu.

 

Nếu Ủy ban châu Âu chấp thuận yêu cầu này thì nhà xuất khẩu liên quan sẽ được tính biên độ phá giá riêng.

 

Nếu nhà xuất khẩu Việt Nam không có yêu cầu cho hưởng quy chế đặc biệt hoặc có yêu cầu nhưng không được Ủy ban châu Âu chấp thuận thì cơ quan này sẽ áp dụng các phương pháp tính toán cho Việt Nam như đối với tất cả các trường hợp nền kinh tế phi thị trường khác (tức là tính giá thông thường theo các trị giá thay thế và tính biên độ phá giá chung cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu).

 

Thủ tục yêu cầu

 

Đơn yêu cầu được hưởng quy chế nền kinh tế thị trường và/hoặc hưởng quy chế đối xử riêng biệt phải được trình cho Ủy ban châu Âu trong vòng 21 ngày kể từ ngày khởi xướng vụ điều tra. Các bên cũng có 10 ngày để bình luận về nước thay thế dự kiến.

 

Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành xem xét nhanh yêu cầu này. Nếu thấy yêu cầu của nhà xuất khẩu liên quan đáp ứng được các tiêu chí thì Ủy ban có thể tiến hành điều tra thực địa để xác minh yêu cầu này. Trước khi ra quyết định cuối cùng, Ủy ban châu Âu sẽ thông báo cho các nhà xuất khẩu về quyết định dự kiến của mình để các nhà xuất khẩu bình luận (trong vòng 10 ngày).

 

Quyết định cuối cùng của Ủy ban về đơn yêu cầu cho hưởng quy chế nền kinh tế thị trường sẽ được ban hành muộn nhất là 3 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra.

 

Trong thời gian Ủy ban châu Âu xem xét yêu cầu này, các nhà xuất khẩu vẫn phải trả lời Bảng câu hỏi điều tra đầy đủ (trừ các mục liên quan đến các lô hàng sản phẩm tương tự bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu và các chi phí nội địa). Nếu sau đó nhà xuất khẩu được cho hưởng nền kinh tế thị trường thì nhà xuất khẩu đó sẽ được yêu cầu trả lời tiếp các phần còn lại của Bảng câu hỏi điều tra trong một thời hạn ấn định.

 

Hộp - Tiêu chí xem xét cho doanh nghiệp NME hưởng quy chế doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường

 

1.    Các quyết định quan trọng của doanh nghiệp (ví dụ quyết định liên quan đến giá, chi phí, các yếu tố đầu vào, bán hàng, đầu tư...) được ban hành trên cơ sở xem xét cung cầu thị trường và không có sự can thiệp của Nhà nước, đặc biệt các chi phí cho các yếu tố đầu vào cơ bản phải phản ánh đúng giá trị của chúng trên thị trường;


2.    Doanh nghiệp có hệ thống số liệu được kiểm toán độc lập theo các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế và áp dụng cho tất cả các mục đích;


3.    Các chi phí sản xuất và thực trạng tài chính của doanh nghiệp không chịu những ảnh hưởng đáng kể từ hệ thống kinh tế phi thị trường trước đó (đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến việc đánh giá tài sản thấp hơn giá trị thực của chúng, thanh toán qua bù trừ nợ, trao đổi hàng...);


4.    Doanh nghiệp là đối tượng áp dụng của luật phá sản và pháp luật về tài sản đảm bảo tính chắc chắn và ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp;


5.    Tỉ giá chuyển đổi ngoại tệ trong hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện theo tỉ giá thị trường.

 

Nhận xét chung:

 

Các tiêu chí để xem xét một doanh nghiệp có hoạt động theo cơ chế thị trường hay không về cơ bản gần giống với các tiêu chí để xem xét cả một nền kinh tế có phải là kinh tế thị trường hay không. Khác biệt ở chỗ đối với trường hợp của doanh nghiệp, các tiêu chí này chỉ xét từ góc độ riêng của doanh nghiệp, vì thế mức độ và phạm vi đánh giá cũng hạn chế hơn trường hợp xem xét cả nền kinh tế.

 

Hộp - Tiêu chí cho doanh nghiệp NME được hưởng quy chế đối xử riêng biệt

 

1.    Số lượng hàng, giá xuất khẩu, các điều kiện và nguyên tắc bán hàng được tự do thoả thuận;


2.    Phần lớn cổ phần thuộc sở hữu tư nhân (trong trường hợp nhà nước có đại diện trong Hội đồng quản trị hoặc chiếm giữ vị trí quản lý thì phải là thiểu số hoặc doanh nghiệp phải chứng minh được mình vẫn hoạt động độc lập, không chịu sự can thiệp của nhà nước);


3.    Tỉ giá chuyển đổi được thực hiện theo tỉ giá thị trường; 


4.    Sự can thiệp của nhà nước không ở mức có thể làm biến dạng biện pháp chống bán phá giá một khi các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan được áp dụng mức thuế đơn lẻ; và


5.    Trường hợp nhà xuất khẩu là công ty liên doanh hoặc có một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài thì nhà xuất khẩu đó phải được tự do chuyển vốn và lợi nhuận về nước.

 

Nhận xét chung: Tiêu chí để xem xét cho một doanh nghiệp hưởng mức thuế riêng tuy hạn chế và dễ thỏa mãn hơn tiêu chí để doanh nghiệp hưởng quy chế “hoạt động theo cơ chế thị trường” nhưng vẫn là khó chứng minh với nhiều doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng cách đặt tiêu chí này của EU cho doanh nghiệp đến từ NME là không phù hợp với WTO (do Hiệp định của WTO về chống bán phá giá quy định nguyên tắc chung là thuế phải được tính toán riêng cho từng doanh nghiệp và những trường hợp không thể tính toán riêng do có quá nhiều doanh nghiệp thì mới tính một mức thuế chung – như vậy việc tính mức thuế riêng không liên quan đến NME cũng không phụ thuộc vào điều kiện nội dung nào).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm