Giá thông thường tính theo Giá bán nội địa tại thị trường nước xuất khẩu?

08/12/2022 02:19 - 7 lượt xem

Đây là cách tính toán chuẩn, được ưu tiên áp dụng để xác định Giá Thông thường trong các vụ điều tra chống bán phá giá (hiểu theo nghĩa chỉ khi không áp dụng được cách tính này mới áp dụng các cách 2, 3).

 

Để áp dụng cách tính này, các điều kiện sau phải được thỏa mãn đầy đủ:

 

i. Có sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu

 

Trong khá nhiều các trường hợp, sản phẩm bị điều tra tại EU là loại sản phẩm chỉ dành cho xuất khẩu, không bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu, và vì vậy không thể tính giá thông thường theo cách này.

 

ii. Lượng sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu phải đủ lớn (đủ tính đại diện).

 

Lượng sản phẩm tương tự tiêu thụ tại thị trường nước xuất khẩu được xem là “đủ lớn” để đảm bảo tính đại diện nếu không ít hơn 5% lượng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào EU (hoặc có thể ít hơn nếu Ủy ban châu Âu cho rằng như vậy đã đủ tính đại diện).

 

Chú ý rằng yêu cầu 5% này phải được đảm bảo đồng thời ở tất cả các mẫu sản phẩm và ở từng mẫu sản phẩm cụ thể (sản phẩm bị điều tra thường bao gồm nhiều mẫu khác nhau).

 

Hộp - Ví dụ về việc xác định lượng sản phẩm “đủ lớn”

 

Công ty X sản xuất sản phẩm giầy A với các mẫu A1 và A2 để bán tại thị trường nội địa và xuất khẩu (trong đó có EU) theo số lượng như sau:

 

 

Mẫu A1 (đôi)

Mẫu A2 (đôi)

Tổng số

Lượng bán tại thị trường nội địa

20

80

100

Lượng xuất khẩu đi EU

690

10

700

Lượng xuất khẩu sang các thị trường khác

190

10

200

Tổng số

900

100

1000

 

Sản phẩm A xuất khẩu đi EU bị kiện chống bán phá giá. Trong trường hợp này, để xác định xem số lượng sản phẩm của Công ty X bán tại thị trường nội địa có đủ tính đại diện không (yêu cầu 5%), cơ quan điều tra sẽ xem xét như sau:

 

- Xét theo tổng số sản phẩm A ở cả hai loại: tỷ lệ sản phẩm A bán nội địa so với lượng sản phẩm A bán sang EU = 100/700 = 14,3%: Như vậy là đạt mức 5%

 

- Xét theo từng mẫu giầy:

 

Mẫu A1: 20/690 = 2.9% : không đạt yêu cầu 5%

 

Mẫu A2: 80/10 = 800%: đạt yêu cầu 5%

 

Với kết quả này, khi tính toán Giá Thông thường, cơ quan điều tra sẽ bỏ qua không tính phần giá trị liên quan đến giá bán tại thị trường nội địa của mẫu A1.

 

iii. Sản phẩm tương tự được bán trong điều kiện thương mại thông thường tại thị trường nước xuất khẩu (đảm bảo cho phép việc so sánh giá một cách hợp lý).

 

Pháp luật EU nêu 3 trường hợp có thể được xem là không bán hàng trong điều kiện thương mại thông thường (đi kèm theo những điều kiện khác):

 

- Bán dưới giá thành:

 

Có các quy tắc tính giá thông thường khác nhau cho trường hợp có lô hàng bán dưới giá thành phụ thuộc vào tỷ trọng của lô hàng đó trong tổng số lượng hàng bán được xem xét.

 

- Bán hàng giữa các chủ thể có quan hệ phụ thuộc

 

Thông thường giá của các lô hàng mà doanh nghiệp bán cho đơn vị có quan hệ phụ thuộc sẽ không được tính đến khi tính giá thông thường và sẽ được thay thế bằng giá bán sản phẩm từ đơn vị phụ thuộc đó cho người mua độc lập đầu tiên. Tuy nhiên Ủy ban châu Âu vẫn có thể sử dụng giá bán cho đơn vị phụ thuộc nếu thấy rằng giá đó hợp lý và tương đương với giá bán cho người mua độc lập.

 

- Bán hàng giữa các chủ thể có thỏa thuận bù trừ

 

Không có định nghĩa thế nào là “thỏa thuận bù trừ” và trên thực tế Ủy ban châu Âu ít khi đưa ra vấn đề này.

 

Hộp - Khi nào việc bán hàng dưới giá thành bị xem là “không trong điều kiện thương mại bình thường”?

 

Việc bán hàng dưới giá thành sản xuất có thể bị coi là không được thực hiện trong “điều kiện thương mại bình thường” nếu:

 

- Được bán với khối lượng lớn trong giai đoạn điều tra

 

Trên thực tế Ủy ban châu Âu thường bỏ qua những giao dịch dưới giá thành nếu chúng chiếm một khối lượng khoảng 20% trở lên của tổng lượng bán);

 

- Được bán với giá không cho phép thu hồi chi phí phân bổ trong điều kiện thương mại bình thường trong giai đoạn điều tra.

 

Trong những trường hợp bán hàng dưới giá thành ngoài điều kiện thương mại bình thường này, giá thông thường sẽ được tính theo giá thông thường của các giao dịch được thực hiện “trong điều kiện thương mại bình thường” còn lại trừ phi các giao dịch này quá nhỏ (chiếm dưới 10% tổng lượng hàng bán).

 

Như vậy, việc tính toán giá thông thường trong trường hợp có giao dịch dưới giá thành được thực hiện như sau:

 

- Nếu số lượng sản phẩm bán có lãi là > 80%: Giá thông thường là bình quân gia quyền giá thông thường của tất cả các lô hàng

 

- Nếu số lượng sản phẩm bán có lãi là ≤80% nhưng ≥ 10%: Giá thông thường là bình quân gia quyền giá thông thường của các lô hàng bán có lãi

 

- Nếu số lượng sản phẩm bán có lãi < 10%: Giá thông thường xác định theo cách “tính toán”

 

Hộp - Khi nào các chủ thể tham gia mua bán được xem là “có quan hệ phụ thuộc”

 

Pháp luật EU về chống bán phá giá không định nghĩa thế nào là “có quan hệ phụ thuộc” nhưng có dẫn chiếu tới Điều 143 Quy định 2454/93 của Ủy ban châu Âu thực thi Quyết định 2913/92 của Hội đồng châu Âu về Bộ luật Hải quan EU theo đó các chủ thể chỉ được xem là “có quan hệ phụ thuộc” khi:

 

-    Khi họ là cán bộ hoặc quản lý của chủ thể kia
-    Khi họ là đối tác kinh doanh chính thức về mặt pháp lý
-    Khi họ là người lao động hoặc người sử dụng lao động
-    Khi có bất kỳ người nào trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu, kiểm soát hoặc chiếm từ 5% trở lên vốn/cổ phần được phép bỏ phiếu của cả hai đơn vị;
-    Khi một trong hai trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia
-    Khi cả hai cùng bị kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một bên thứ ba;
-    Khi cả hai cùng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát một bên thứ ba; hoặc
-    Khi họ là thành viên trong cùng một gia đình.

 

Trên thực tế các cơ quan của EU giải thích thuật ngữ này khá rộng. Ví dụ Bảng câu hỏi điều tra cho nhà xuất khẩu có nêu một công ty sẽ được coi là có quan hệ phụ thuộc với nhà xuất khẩu nếu nó có hơn 1% cổ phần/vốn của nhà xuất khẩu hoặc nếu nhà xuất khẩu nắm từ 5% vốn của công ty đó.

Như vậy, những trường hợp không thể sử dụng giá bán nội địa của sản phẩm tương tự tại thị trường nước xuất khẩu để tính giá thông thường bao gồm:

 

-    Không có sản phẩm tương tự hoặc có nhưng không nhiều sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Không có sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra được bán trong “điều kiện thương mại bình thường; hoặc
-    Không thể so sánh một cách hợp lý giữa giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa với giá xuất khẩu sang EU của sản phẩm bị điều tra

Trường hợp này xảy ra khi giá bán của sản phẩm tương tự thấp “một cách bất thường” mặc dù không thấp hơn giá thành sản xuất, kết hợp với hiện tượng thương mại hàng đổi hàng hoặc có thỏa thuận phi thương mại. Trên thực tế ít xảy ra trường hợp này.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Giá thông thường tính theo giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu của sản phẩm tương tự phải là:

 

-    Giá chưa có thuế;
-    Giá chưa tính đến các khoản giảm giá, chiết khấu nếu những loại giảm trừ này “gắn trực tiếp đến việc bán hàng liên quan”; các khoản chiết khấu không thực hiện ngay cũng phải trừ khỏi giá nếu đây là khoản chiết khấu theo thông lệ hoặc phải thực hiện theo cam kết như là một điều kiện bán hàng.
-    Trường hợp việc bán hàng được thực hiện bởi một công ty con của nhà xuất khẩu thì giá thông thường là giá bán mà công ty con đó thực hiện với người mua độc lập đầu tiên (chứ không phải là giá bán từ nhà sản xuất cho công ty con đó). Quy định này thường sẽ khiến giá thông thường bị đội lên nhưng EC vẫn duy trì thông lệ tính toán này với lý do nhà sản xuất xuất khẩu và công ty con dù là hai thực thể pháp lý độc lập nhưng lại là “một đơn vị kinh tế duy nhất”. Do bị phản đối quá nhiều, EC đã bổ sung thêm quy tắc về điều chỉnh giá liên quan đến khác biệt về cấp độ thương mại (được xem xét trong Câu hỏi đáp về so sánh giá thông thường và giá xuất khẩu dưới đây).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm