Giá thông thường tính toán?

08/12/2022 02:12 - 3 lượt xem

Theo quy định của EU, trong các trường hợp không đáp ứng các điều kiện để tính giá thông thường theo cách chuẩn (giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu) thì cơ quan điều tra có quyền lựa chọn xác định giá thông thường theo cách 2 (giá thông thường “tính toán”) hoặc là cách 3 (giá xuất khẩu sản phẩm).

 

Trên thực tế do tương đối nhiều trường hợp không thỏa mãn điều kiện để tính theo cách chuẩn và cách 3 lại rất ít khi được sử dụng nên giá thông thường “tính toán” lại là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất.

 

Theo cách tính này, giá thông thường được xác định bằng công thức sau:

  

Giá Thông thường = Chi phí sản xuất

 

+ Chi phí hành chính, chi phí bán hàng và chi phí chung

 

+ Lợi nhuận hợp lý

 

Chi phí  sản xuất

 

Chi phí sản xuất = Chi phí nguyên vật liệu + Chi phí lao động + Chi phí vận hành

 

Giá thông thường tính toán là cách được sử dụng để thay thế giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu, vì vậy các thành tố của “giá thông thường tính toán” được xác định theo chi phí của sản phẩm tương tự được sản xuất để bán tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, trường hợp chi phí sản xuất dành cho sản phẩm xuất khẩu khác quá xa so với chi phí sản xuất của sản phẩm bán nội địa thì cơ quan điều tra có thể sử dụng chi phí sản xuất của sản phẩm xuất khẩu để thay thế.

 

Nguồn thông tin/dữ liệu để xác định chi phí sản xuất sẽ được lấy từ các dữ liệu về chi phí (sổ sách kế toán, chứng từ tài chính) của doanh nghiệp bị đơn liên quan.

  

Riêng đối vớ i chi phí nguyên vật liệu

 

Về nguyên tắc cơ quan điều tra sẽ sử dụng số liệu về chi phí dành cho nguyên vật liệu mà doanh nghiệp đã chi trong thực tế. Tuy nhiên, cũng có thể có cách xử lý khác:

  

-    Nếu nguyên vật liệu được mua trong điều kiện thương mại không bình thường thì cơ quan điều tra sẽ điều chỉnh chi phí nguyên liệu tăng lên cho phù hợp với tình hình thị trường.
-    Nếu cơ quan điều tra thấy rằng chi phí nguyên vật liệu ghi chép trong sổ sách của doanh nghiệp không phản ánh đúng trị giá thị trường thì cơ quan này có thể điều chỉnh hoặc xác định lại chi phí nguyên liệu theo chi phí của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu khác của nước xuất khẩu. Trường hợp họ không có nguồn thông tin tin cậy về chi phí cho nguyên vật liệu của các nhà sản xuất xuất khẩu khác của nước xuất khẩu thì họ có thể sẽ lấy thông tin từ các thị trường khác.

 

Hộp - Điều chỉnh đối với chi phí sản xuất

 

Có những chi phí liên quan đến sản xuất nhưng không được thể hiện rõ ràng như chi phí nguyên vật liệu hay lao động (ví dụ khấu hao máy móc, đầu tư ban đầu cho dây chuyền..) mà chung cho nhiều loại sản phẩm, nhiều đợt sản xuất.

 

Đối với những trường hợp này, chi phí sản xuất sẽ được điều chỉnh để tính đến các loại chi phí này thông qua việc phân bổ chi phí hợp lý cho nhóm sản phẩm liên quan, kể cả những điều chỉnh chi phí đối với những hạng mục chi phí chưa xuất hiện nhưng có hoặc sẽ mang lại lợi ích nhất định cho hoạt động sản xuất.

 

Đối với những chi phí trong giai đoạn khởi sự sản xuất (khi cần thiết phải có những khoản đầu tư bổ sung, khả năng sử dụng thấp...), chi phí bình quân cho giai đoạn khởi sự sẽ được tính theo chi phí thực hiện vào cuối giai đoạn này.

 

Chi phí hành chính, chi phí chung và chi phí bán hàng

 

Chi phí hành chính, chi phí chung và chi phí bán hàng (còn gọi là SG&A) là các chi phí phát sinh liên quan đến việc sản xuất và bán sản phẩm tại thị trường nội địa nước xuất khẩu (chứ không phải các chi phí gắn với việc sản xuất và bán hàng xuất khẩu).

 

i. Trường hợp lấy chính chi phí SG&A của chính doanh nghiệp liên quan

 

SG&A sẽ được tính từ chính SG&A của doanh nghiệp liên quan nếu:

 

-    Nhà sản xuất đó có sản phẩm tương tự bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Nhà sản xuất đó có số liệu SG&A thực tế liên quan đến việc sản xuất và bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Tổng lượng bán sản phẩm tương tự đó tại thị trường nội địa đủ lớn (5%)

 

ii. Trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện để tính SG&A theo SG&A của chính doanh nghiệp xuất khẩu liên quan thì chi phí SG&A sẽ được tính theo một trong các cách sau:

 

-    Theo số liệu SG&A của các nhà xuất khẩu khác cùng nước xuất khẩu và cùng sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm đó;
-    Theo số liệu SG&A cho sản phẩm trong cùng một nhóm phân loại hàng của các nhà xuất khẩu liên quan, hoặc
-    Dựa trên bất cứ cơ sở hợp lý nào khác

 

Trên thực tế, trong những trường hợp như vậy, EU thường dùng SG&A của các sản phẩm liên quan khác của chính doanh nghiệp đó.

 

Lưu ý là do các chi phí SG&A thường được thực hiện chung cho nhiều sản phẩm của doanh nghiệp cùng lúc nên việc tính SG&A cho riêng các sản phẩm tương tự bán tại thị trường nội địa phải được tính toán trên cơ sở phân bổ SG&A cho từng nhóm sản phẩm (nếu doanh nghiệp sản xuất cùng lúc nhiều sản phẩm), sau đó là phân bổ SG&A giữa sản phẩm bán nội địa và sản phẩm xuất khẩu (nếu sản phẩm liên quan vừa được bán tại thị trường nội địa vừa được xuất khẩu). Việc phân bổ thường thực hiện theo tỷ lệ doanh thu trên từng sản phẩm. Tuy nhiên cơ quan điều tra sẵn sàng chấp nhận một phương pháp phân bổ khác nếu doanh nghiệp đã sử dụng phương pháp đó trong hệ thống kế toán của mình trong một thời gian dài trước đó.

 

Lợi nhuận hợp lý

 

Lợi nhuận hợp lý sẽ được xác định bằng lợi nhuận của nhà xuất khẩu liên quan nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

 

-    Nhà sản xuất có bán sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra tại thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Có số liệu thực tế về lợi nhuận của việc sản xuất và bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu;
-    Số lượng bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu đủ lớn (5%);
-    Có ít nhất 10% lượng hàng tương tự bán trong nước có sinh lợi nhuận.

 

Trường hợp không thỏa mãn đủ các điều kiện trên thì lợi nhuận hợp lý sẽ được xác định theo một trong các cách sau:

 

-    Theo số liệu lợi nhuận của các nhà xuất khẩu khác của nước xuất khẩu cùng sản xuất loại sản phẩm tương tự đó, hoặc
-    Theo số liệu lợi nhuận của các nhà xuất khẩu liên quan cùng sản xuất sản phẩm trong cùng một nhóm phân loại hàng, hoặc
-    Dựa trên bất cứ cơ sở hợp lý nào khác.

 

Cần lưu ý rằng lợi nhuận chỉ được tính theo trung bình lợi nhuận của các giao dịch có sinh lời (không tính các khoản lợi nhuận âm của các giao dịch bán lỗ vốn) – cách tính này vì thế khiến kết quả tính Giá thông thường tính toán bị tăng lên đáng kể.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Theo quy định của EU (cũng tương tự như quy định của rất nhiều thị trường khác), để được sử dụng trong tính toán giá, các trị giá chi phí phải được xác định dựa trên các ghi chép kế toán-tài chính của doanh nghiệp với điều kiện là sổ sách kế toán của các đơn vị này tuân thủ các nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận tại nước xuất khẩu và phản ánh một cách hợp lý các chi phí liên quan đến việc sản xuất và bán hàng là đối tượng điều tra. Nói cách khác, chỉ những chi phí được ghi chép đúng tiêu chuẩn mới được hy vọng sử dụng.

 

Nếu các chi phí liên quan không được ghi chép một cách hợp lý trong sổ sách của nhà sản xuất, xuất khẩu thì các chi phí này có thể được điều chỉnh hoặc xác định trên cơ sở các chi phí của các nhà sản xuất, xuất khẩu khác của cùng nước xuất khẩu đó đáp ứng các điều kiện về sổ sách chứng từ. Trường hợp không có hoặc không thể sử dụng được những thông tin này thì các chi phí sẽ được xác định theo một cách thức hợp lý, bao gồm cả việc sử dụng thông tin của các thị trường khác có tính đại diện và đáp ứng điều kiện nói trên. Những lựa chọn này hầu hết đều bất lợi cho doanh nghiệp (do các chi phí thay thế hiếm khi nào phản ánh đúng chi phí thực của doanh nghiệp).

 

Trường hợp doanh nghiệp của nền kinh tế phi thị trường (như Việt Nam), các chi phí thực của doanh nghiệp sẽ không được sử dụng mà có thể bị thay thế bằng các trị giá chi phí lấy từ nước thay thế. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp này việc duy trì sổ sách theo đúng tiêu chuẩn vẫn rất quan trọng bởi các định mức sản xuất (trên cơ sở đó tính chi phí) vẫn dựa trên sổ sách và ghi chép của doanh nghiệp.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm