Kết luận cuối cùng về vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp được thực hiện như thế nào?

08/12/2022 03:16 - 1 lượt xem

Sau khi kết thúc việc điều tra lần cuối về phá giá/trợ cấp và thiệt hại (giai đoạn điều tra cuối cùng) cũng như tiến hành xem xét các lợi ích Cộng đồng (ảnh hưởng của quyết định áp thuế, nếu có, đối với các nước thành viên, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, các đơn vị sử dụng và các đơn vị khác), các cán bộ điều tra sẽ tiến hành tập hợp, tóm tắt tài liệu và báo cáo về kết quả điều tra cho Ủy ban châu Âu.


Việc ra kết luận cuối cùng của cuộc điều tra (đồng thời là quyết định áp thuế, nếu có) được thực hiện theo một quy trình tương đối phức tạp, bao gồm:


Bước 1: Ủy ban châu Âu lấy ý kiến tư vấn của Ủy ban về công cụ phòng vệ thương mại đối với kết luận cuối cùng cũng như việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp;


Bước 2: Ủy ban châu Âu lập đề xuất chính thức về kết quả điều tra và biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp liên quan:


-    Nếu kết luận của Ủy ban châu Âu là không áp thuế: Vụ điều tra chấm dứt luôn, kết luận của Ủy ban châu Âu đồng thời là quyết định chấm dứt điều tra chính thức;
 
-    Nếu kết luận của Ủy ban là có đủ điều kiện áp thuế và đề xuất áp thuế: Quy trình tiếp tục theo Bước 3
  
Bước 3: Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp


-    Nếu trong vòng 1 tháng kể từ ngày Ủy ban châu Âu gửi đề xuất áp thuế đến cho Hội đồng châu Âu mà Hội đồng châu Âu không phản đối đề xuất này (bằng đa số phiếu quá bán) thì đề xuất trở thành quyết định áp thuế chính thức;
 
-    Nếu trong vòng 1 tháng kể từ ngày Ủy ban châu Âu gửi đề xuất áp thuế đến cho Hội đồng châu Âu mà đa số quá bán (14/27) nước thành viên EU phản đối thì đề xuất không có hiệu lực và quyết định cuối cùng sẽ là không áp thuế (việc bỏ phiếu của Hội đồng châu Âu thường được thực hiện trong khuôn khổ một phiên họp toàn thể nào đó của Hội đồng được tiến hành trong tháng liền sau thời điểm nhận đề xuất của Ủy ban).
 
Lưu ý đối với doanh nghiệp


Về nguyên tắc, quá trình ra kết luận sơ bộ và quyết định áp thuế là công việc nội bộ của các cơ quan có thẩm quyền, không có hoạt động can thiệp nào từ các bên liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là giai đoạn quan trọng cho các hoạt động vận động hành lang với các nước thành viên EU. Quyết định bỏ phiếu chống hay thuận đối với đề xuất áp thuế của Ủy ban châu Âu nằm trong tay các thành viên EU và quyết định bỏ phiếu này hoàn toàn không phụ thuộc vào kết quả điều tra. Vì vậy, dù tất cả các điều kiện để áp thuế đã được chứng minh là đủ, các doanh nghiệp nếu vận động tốt và thuyết phục được 14/27 nước thành viên EU bỏ phiếu chống đối với đề xuất áp thuế của Ủy ban châu Âu thì vẫn có thể có cơ hội thoát khỏi biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm