Khiếu kiện tại Tòa án sơ thẩm châu Âu?

08/12/2022 02:36 - 10 lượt xem

Theo quy định của EU, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền ban hành trong vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp có thể bị kiện ra Toà sơ thẩm Châu Âu. Toà này có thẩm quyền chuyên biệt trong việc xét xử các khiếu kiện có liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp.

 

Về đối tượng có thể bị khiếu kiện

 

Về mặt nguyên tắc, tất cả các quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa ra trong quá trình điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp và các hệ quả phát sinh từ các quyết định này đều có thể khiếu kiện ra Tòa án châu Âu.

 

Trên thực tế, đa phần các khiếu kiện liên quan đến các vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp là:

  •  

-    Yêu cầu hủy bỏ quyết định áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức của Hội đồng châu Âu;
-    Yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Về chủ thể có quyền khiếu kiện

 

Bất kỳ chủ thể nào trong số các các chủ thể có quyền và/hoặc nghĩa vụ liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp đều có thể khiếu kiện. Có thể chia các chủ thể này thành 02 nhóm sau:

 

i. Nhóm các cơ quan có thẩm quyền trong vụ điều tra

-    Một quốc gia thành viên
-    Hội đồng Châu Âu
-    Ủy ban Châu Âu 

 

ii. Bất kỳ cá nhân, pháp nhân có thể chứng minh có liên quan trực tiếp, cụ thể với:

-    Nguyên đơn (nhà sản xuất nội địa EU) (không nhất thiết phải đủ tính đại diện như khi yêu cầu khởi xướng điều tra)
-    Nhà xuất khẩu nước ngoài
-    Các nhà nhập khẩu liên quan/không liên quan
-    Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng 
-    Đơn vị sử dụng sản phẩm bị điều tra

 

Về thủ tục

 

Thời hạn để các bên liên quan kiện quyết định của cơ quan châu Âu có thẩm quyền ra Toà sơ thẩm châu Âu là 2 tháng kể từ khi quyết định liên quan được thông báo cho bên đó hoặc kể từ khi quyết định được công khai.

 

Toà sơ thẩm châu Âu chỉ xem xét những vấn đề pháp lý của quyết định bị kiện mà không xem xét lại những vấn đề thực tế (tình tiết thực tế) theo các thủ tục được qui định trong Qui tắc tố tụng của toà này (bao gồm hai giai đoạn tố tụng: tố tụng viết và tố tụng miệng).

 

Về kết quả

 

Bản án (quyết định giải quyết vụ việc) của Toà sơ thẩm có thể là giữ nguyên hoặc huỷ bỏ quyết định bị kiện của cơ quan có thẩm quyền trong điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (chứ không thay đổi hay điều chỉnh nội dung quyết định liên quan).

 

Bên liên quan nếu không hài lòng với bản án sơ thẩm của Toà sơ thẩm châu Âu có thể kháng nghị bản án này lên Toà án châu Âu. Quyết định (bản án) của Toà châu Âu là chung thẩm (không thể khiếu kiện tiếp lên bất kỳ tòa án nào).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm