Khiếu kiện theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO?

08/12/2022 02:31 - 1 lượt xem

Ngoài việc khiếu kiện tại Tòa án châu Âu (theo thủ tục tư pháp nội bộ của EU) thì các vấn đề liên quan đến một vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp ở EU còn có thể được khiếu nại và xem xét theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO. Tuy nhiên, tính chất, các chủ thể cũng như kết quả của các thủ tục khiếu kiện này tương đối khác nhau.

 

Về chủ thể tham gia quá trình giải quyết tranh chấp

 

Chủ thể tham gia quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO là các nước thành viên của WTO. Nói cách khác chỉ các Chính phủ mới có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn của các vụ tranh chấp được giải quyết trong khuôn khổ WTO.

 

Vì vậy, mặc dù khởi nguồn của các tranh chấp liên quan đến chống bán phá giá/chống trợ cấp trong khuôn khổ WTO thường là những bất đồng về lợi ích giữa doanh nghiệp (nhà sản xuất nước ngoài và ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu), chỉ Chính phủ mới được quyền tham gia vào các thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (khởi kiện, bào chữa, trả lời, trình bày, khiếu nại...).

 

Tuy nhiên, vì quốc gia tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp thông qua đoàn đại diện của mình mà WTO lại không qui định về thành phần của đoàn đại diện này nên các quốc gia có thể cho phép đại diện của ngành sản xuất liên quan nước mình tham gia vào đoàn đại diện này.

 

Ngoài ra, ngành sản xuất liên quan còn có thể gián tiếp tham gia vào quá trình này thông qua việc trình bày các bản khai ngắn gọn nộp cho Ban hội thẩm trong quá trình giải quyết tranh chấp của Ban này.

 

Về đối tượng có thể bị khiếu kiện

 

Chỉ có thể yêu cầu tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO liên quan đến các biện pháp sau đây:

  •  

-    Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp; hoặc
-    Cam kết về giá; hoặc
-    Biện pháp tạm thời (với điều kiện là biện pháp này có ảnh hưởng đáng kể và quốc gia khiếu kiện thấy rằng biện pháp này không tuân thủ các qui định về điều kiện áp dụng biện pháp tạm thời).
-    Quy định của pháp luật quốc gia (được áp dụng trong vụ việc chống bán phá giá/chống trợ cấp cụ thể)

 

Về thủ tục

 

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO được tóm tắt trong bảng sau đây:

 

Hộp  – Các bước thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO

 

 

Thủ tục

Hoạt động

Bước 1

Tham vấn, thương lượng

Các nước thành viên có tranh chấp trực tiếp đàm phán, thương lượng với nhau

Bước 2

Thành lập Ban Hội thẩm

Nếu tham vấn thất bại, nước thành viên bị vi phạm có thể đề nghị Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) thành lập một Ban hội thẩm cho vụ tranh chấp (gồm 3-5 chuyên gia độc lập)

Bước 3

Ban Hội thẩm lập Báo cáo giải quyết tranh chấp gửi các bên

Ban Hội thẩm tiến hành phân tích, điều trần…để xây dựng Báo cáo giải quyết tranh chấp; Báo cáo được gửi đến các bên tranh chấp

Bước 4

Gửi Báo cáo của Ban Hội thẩm đến tất cả các thành viên WTO

Báo cáo của Ban Hội thẩm được gửi đến tất cả các thành viên WTO

Bước 5

Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB-với thành phần là đại diện của tất cả các thành viên WTO) thông qua Báo cáo giải quyết tranh chấp

Báo cáo của Ban Hội thẩm sẽ được DSB thông qua trong mọi trường hợp trừ khi tất cả các thành viên DSB phản đối

Bước 6

Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm (là cơ quan của WTO chịu trách nhiệm xem xét lại các Báo cáo của các Ban Hội thẩm trong trường hợp có kháng cáo)

Nước thành viên không đồng ý với quyết định giải quyết của DSB có thể kháng cáo ra Cơ quan Phúc thẩm

Bước 7

DSB thông qua báo cáo phúc thẩm

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm về các vấn đề bị kháng cáo sẽ được DSB thông qua trong mọi trường hợp trừ khi tất cả các thành viên DSB phản đối

Bước 8

Thực thi quyết định giải quyết tranh chấp

  1. Nước vi phạm tự nguyện thực hiện các Kiến nghị trong quyết định giải quyết tranh chấp (rút lại biện pháp vi phạm); hoặc
  2. Nếu (i) không được thực hiện thì Nước bị vi phạm yêu cầu được bồi thường hoặc Nước vi phạm tự đề nghị bồi thường;
  3. Nếu (i) và (ii) đều không được thực hiện thì Nước bị vi phạm có thể yêu cầu DSB cho phép áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách ngừng thực hiện các nghĩa vụ, cam kết (thường là nâng mức thuế suất đối với một số sản phẩm nhất định nhập từ nước vi phạm với trị giá tương đương với trị giá sản phẩm bị ảnh hưởng)

 

Về phạm vi xem xét, đánh giá

 

Ban Hội thẩm/Cơ quan Phúc thẩm sẽ không tiến hành điều tra lại vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp là đối tượng của khiếu kiện mà chỉ xem xét các quy định, thủ tục áp dụng trong vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp đã phù hợp với các nguyên tắc tương ứng trong các Hiệp định liên quan của WTO hay không.

 

Trên thực tế, trong các vụ tranh chấp giữa các nước thành viên WTO liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp, các Ban Hội thẩm/Cơ quan phúc thẩm của WTO chỉ xem xét xem:

  •  

-    Việc xác định sự việc của cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ, hợp lý không và
-    Cách đánh giá sự việc đó có công bằng và khách quan hay không;
-    Cách vận dụng các quy định của WTO vào pháp luật, thực tiễn áp dụng của nước nhập khẩu có phù hợp không?
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu Ban hội thẩm thấy có ít nhất hai cách giải thích có thể chấp nhận được cho một qui định của WTO và nếu biện pháp liên quan của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu dựa trên một trong các cách giải thích đó thì biện pháp này sẽ được Ban hội thẩm coi là phù hợp với Hiệp định.

 

Hộp - So sánh khiếu kiện tại Tòa án châu Âu và tại WTO

 

 

Khiếu kiện tại Tòa án châu Âu

Khiếu kiện tại WTO

Nguyên đơn

Các bên có quyền và lợi ích trong vụ điều tra

Chính phủ nước xuất khẩu bị điều tra

Vấn đề khiếu kiện

Các quyết định và các vấn đề liên quan trong vụ điều tra

- Các kết luận điều tra và quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp (tạm thời hoặc chính thức)

 

- Pháp luật và thực tiễn điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp

Phạm vi xem xét

Xem xét các vấn đề pháp lý đối chiếu với pháp luật EU về chống bán phá giá/chống trợ cấp

Xem xét các vấn đề pháp lý đối chiếu với các Hiệp định liên quan của WTO

Kết quả

Giữ nguyên hoặc hủy bỏ quyết định liên quan

Chỉ kết luận việc làm (hành vi, quy định) của nước nhập khẩu có phù hợp với nghĩa vụ của họ trong WTO hay không

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm