Làm thế nào để lựa chọn luật sư tốt?

08/12/2022 09:10 - 3 lượt xem

Như đã nói, hiệu quả tư vấn phụ thuộc vào năng lực của luật sư, một yếu tố mang tính con người, không thể đo đếm chính xác. Vì vậy, không có một bộ nguyên tắc cố định và tuyệt đối đúng về việc lựa chọn luật sư như thế nào là thích hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp. Những cách thức được gợi ý dưới đây chỉ mang tính thông lệ (đã cho thấy hiệu quả trong nhiều vụ việc) và được nhiều chuyên gia nhất trí là có ích.

 

- Trường hợp 1: Nếu doanh nghiệp xuất khẩu đã có quan hệ với một luật sư chuyên về các vấn đề quốc tế

 

Đây là trường hợp rất thuận lợi cho doanh nghiệp bởi luật sư này có thể giúp tư vấn cho doanh nghiệp để tránh các nguy cơ bị kiện, cảnh báo các nguy cơ gần và nếu khó có thể tránh khỏi một vụ kiện, luật sư này cũng có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp về các vấn đề cần thiết ngay trước khi việc điều tra bắt đầu.

 

Nếu doanh nghiệp hài lòng với các tư vấn của luật sư này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp tục thuê luật sư cho vụ kiện liên quan. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng bắt đầu việc chuẩn bị kháng kiện mà không mất nhiều công sức cân nhắc, lựa chọn luật sư. Hơn nữa, trong trường hợp này hai bên có được sự tin tưởng nhất định và cũng đã quen cách thức làm việc của nhau. Điều này có ý nghĩa lớn đối với thành công của việc tư vấn, và vụ kiện.

 

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khá nhiều doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu Việt Nam không có luật sư tư vấn về các vấn đề phòng vệ thương mại, thậm chí không có luật sư tư vấn về các vấn đề thương mại nói chung khi bán hàng sang EU, trường hợp này tương đối khó áp dụng

 

- Trường hợp 2: Nếu doanh nghiệp xuất khẩu phải thuê luật sư mới hoàn toàn

 

Đây là trường hợp tương đối phổ biến, đặc biệt với các nước xuất khẩu tương tự Việt Nam. Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này, doanh nghiệp nên lựa chọn một luật sư tư vấn (theo cá nhân luật sư) cho cả quá trình điều tra phá giá/trợ cấp tại EC theo các yếu tố chính sau:

 

i. Kinh nghiệm 

 

Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc lựa chọn luật sư tư vấn trong một vụ kiện. Kinh nghiệm của luật sư phải được xem xét trong lĩnh vực liên quan (kiện chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp tùy vụ việc) chứ không phải kinh nghiệm pháp luật chung chung hoặc pháp luật trong các lĩnh vực khác.

 

Hơn nữa, cần lưu ý rằng kinh nghiệm trong vụ kiện chống bán phá giá có nhiều dạng (ví dụ kinh nghiệm tư vấn kháng kiện hay đi kiện? Kinh nghiệm tư vấn cho vụ việc đối với hàng hóa ngành hóa chất hay ngành thủy sản…? Kinh nghiệm tư vấn kháng kiện cho nước có nền kinh tế thị trường hay nền kinh tế phi thị trường?...). Vì vậy khi lựa chọn luật sư tư vấn, doanh nghiệp/hiệp hội cần lưu ý đến những kinh nghiệm gần nhất với thực tế vụ việc của mình.

 

Chú ý là “kinh nghiệm” nói tới ở đây phải là kinh nghiệm thành công (chứ không phải kinh nghiệm chung chung). Trong kháng kiện chống bán phá giá, thành công không có nghĩa là luật sư phải giúp bị đơn thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá (bởi với tỷ lệ bị áp thuế tới gần 65% các vụ việc theo thống kê của WTO thì khả năng thoát khỏi thuế là rất ít; điều này càng khó hơn với các trường hợp nước xuất khẩu là nước không được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường). Thành công được hiểu là luật sư tư vấn để doanh nghiệp có được kết quả khả quan (trong so sánh với các bị đơn khác trong cùng vụ việc hoặc trong so sánh với chính bị đơn đó trong những giai đoạn trước đó).

 

Hộp - Tiêu chí lựa chọn luật sư cho vụ kiện chống bán phá giá – chống trợ cấp túi nhựa PE của Việt Nam tại Hoa Kỳ

 

Stt

Các tiêu chí

Điểm tối đa

1

Có kinh nghiệm thành công trong các vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp liên quan đến quốc gia chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường (NME)

2.5

2

Có kinh nghiệm thành công trong các vụ kiện chống trợ cấp

2.5

3

Có kinh nghiệm thành công trong việc đại diện cho phía Việt Nam kháng kiện trong các vụ kiện chống bán phá giá trước đây

1.5

4

Có Luật sư liên kết có kinh nghiệm tại Việt Nam

1.5

5

VPLS ở Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington (nơi diễn ra quá trình kháng kiện)

1.0

6

Chi phí luật sư

1.0

 

Tổng cộng

10

 

Nguồn: Trích Bản khuyến nghị của Hội đồng tư vấn về chống bán phá giá – chống trợ cấp – tự vệ (VCCI)

 

ii. Đội ngũ luật sư hỗ trợ

 

Tư vấn một vụ kháng kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp không chỉ bao gồm việc quyết định chiến lược kháng kiện, định hướng hành động, chuẩn bị các bản lập luận, tham gia các quá trình tố tụng mà còn bao gồm một loạt các hoạt động chi tiết như tính toán các số liệu, xử lý các dữ liệu…Vì vậy một luật sư không thể kham nổi, cũng không thể có chuyên môn cho tất cả các công việc này. Ở EU, các luật sư về vấn đề này thường được hỗ trợ bởi một đội ngũ nhân viên (thường là của công ty luật mà luật sư đó đang làm việc). Đội ngũ này bao gồm:

 

  • Các luật sư hỗ trợ: Thông thường, việc tư vấn cho doanh nghiệp trong một vụ kháng kiện sẽ được thực hiện bởi ít nhất một luật sư chính (có thể có nhiều hơn một luật sư chính) và nhiều luật sư hỗ trợ. Luật sư chính là người quyết định những vấn đề cơ bản, cốt yếu trong quá trình kháng kiện. Các luật sư hỗ trợ là các luật sư thực hiện các công việc theo sự chỉ đạo của luật sư chính, họ thường là người ít kinh nghiệm hơn, được hãng luật giao tham gia vụ việc. Trong một vụ việc, số luật sư chính nhiều quá sẽ gây ra tốn kém chi phí cho bên thuê luật sư, nhưng nếu có quá ít luật sư chính và nhiều luật sư hỗ trợ thì hiệu quả công việc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, các bên thuê luật sư thường được khuyến cáo là phải lựa chọn hãng luật có sự phân công hợp lý giữa số lượng các luật sư chính và luật sư hỗ trợ được giao trực tiếp đảm trách vụ việc. Lưu ý: những hãng luật có nhiều luật sư giỏi, đủ khả năng giúp kháng kiện thành công nhưng luật sư của họ lại đang cùng lúc làm quá nhiều vụ việc thì cũng không phải là lựa chọn tốt.

 

  • Các nhân viên hỗ trợ khác: Như đã trình bày, kháng kiện trong một vụ kiện chống bán phá giá không chỉ bao gồm các vấn đề pháp lý mà còn liên quan chặt chẽ đến các công việc kinh tế, tính toán, thống kê… Vì vậy, trong bất kỳ vụ kháng kiện nào, luật sư tư vấn cũng cần đến sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế, các cán bộ kế toán. Những nhân viên này sẽ thực hiện việc tính toán trên cơ sở các số liệu mà doanh nghiệp cung cấp, các kết quả sẽ được luật sư sử dụng để xác định chiến lược kháng kiện phù hợp.

 

iii. Chi phí luật sư

 

So với các thị trường khác, dù không được nở rộ như ở Hoa Kỳ, EU có một “thị trường” dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) tương đối phong phú với nhiều hãng luật tham gia. Vì vậy tính cạnh tranh giữa các hãng luật tương đối lớn. Các doanh nghiệp kháng kiện có khá nhiều lựa chọn và có thể nhận được các bản chào dịch vụ tư vấn của các hãng luật với giá dịch vụ rất khác nhau. Tất nhiên doanh nghiệp khi nào cũng muốn hạn chế mức phí dành cho luật sư, nhưng đây có lẽ là lĩnh vực mà “đắt xắt ra miếng” – “tiền nào của ấy”: mức phí và chất lượng dịch vụ đi đôi với nhau.

 

  • Phần lớn các hãng luật hoạt động trong lĩnh vực này đều tính phí tư vấn theo giờ. Mức phí theo giờ này không cố định, có thể rất cao đối với tư vấn của luật sư cao cấp và thấp hơn với trường hợp luật sư hạng trung. Mức phí cũng không giống nhau giữa các hãng luật (điểm giống chung là mức phí thường rất cao!).

 

  • Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp tính phí theo công việc. Trong một vụ việc kháng kiện thường có rất nhiều gói dịch vụ nhỏ và hãng luật có thể chọn cung cấp dịch vụ theo từng gói qua từng giai đoạn của vụ điều tra với giới hạn cụ thể cho từng công việc. Lưu ý có những hãng luật sử dụng các chiến lược tính phí khác nhau (ví dụ lấy mức phí rất thấp cho giai đoạn đầu và chỉ tính phí cao ở các giai đoạn sau đó, hoặc tính mức phí thấp hơn trong trường hợp nhiều bị đơn cùng thuê chung luật sư…).

 

  • Các tiêu chí để luật sư xác định mức phí cho một vụ việc là rất khác nhau. Tuy nhiên có 03 tiêu chí thường xuyên được sử dụng, bao gồm:

 

+ Mức độ phức tạp của vụ việc:

 

Vụ việc càng phức tạp thì phí tư vấn cho vụ việc càng cao (theo logic rằng vụ việc phức tạp thì luật sư sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn). Ví dụ vụ việc liên quan đến nước có nền kinh tế phi thị trường (bắt buộc phải tính toán giá dựa trên các yếu tố chi tiết về chi phí) sẽ phức tạp hơn nhiều so với trường hợp bình thường (chỉ cần lấy giá bán của sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu). Hoặc một vụ việc chỉ có một số lượng nhỏ các bị đơn và nguyên đơn thì sẽ ít phức tạp hơn các vụ việc liên quan đến hàng trăm bị đơn, nguyên đơn.

 

+ Kinh nghiệm của hãng luật:

 

Hãng luật có ít kinh nghiệm với các vụ việc tương tự thì luật sư sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để xử lý vụ việc so với hãng luật đã có nhiều kinh nghiệm trong cùng vấn đề, phí luật sư cũng vì thế mà bị đội lên (do phí được tính theo giờ làm việc). Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, việc lựa chọn luật sư cao cấp với mức phí cao có khi lại là lựa chọn kinh tế hơn chọn luật sư ít kinh nghiệm với mức phí thấp hơn.

 

+ Hiệu quả công việc của luật sư:

 

Luật sư có nhiều kinh nghiệm sẽ làm việc nhanh hơn luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm liên quan đến chống bán phá giá và vì vậy có thể tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải công việc nào trong cả gói công việc tư vấn cũng cần sự tham gia của luật sư cao cấp bởi ngoài những phần việc mang tính chiến lược, đa phần các phần việc khác đều là các công việc được thực hiện theo quy trình chung và vì thế chỉ cần một luật sư cao cấp là có thể giám sát công việc của hai-ba luật sư hỗ trợ và đạt được kết quả kỳ vọng (chứ không nhất thiết phải có nhiều luật sư cao cấp).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm