Làm thế nào để phòng tránh một vụ kiện?

08/12/2022 09:26 - 2 lượt xem

Về nguyên tắc, một vụ kiện có thể xảy ra nếu ngành sản xuất nội địa EU có Đơn kiện (Đơn yêu cầu) áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ gửi đến Ủy ban Châu Âu. Đơn kiện phải có những bằng chứng chứng minh hàng nước ngoài nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp vào EU và việc này gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa EU.


Như vậy, về nguyên tắc doanh nghiệp có thể tránh được vụ kiện nếu không tạo ra những “cái cớ” (chứng cứ) để ngành sản xuất nội địa EU sử dụng để đi kiện. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể tránh vụ kiện bằng cách:


-    Trong khả năng có thể, luôn chú ý điều chỉnh giá bán hàng tương tự tại Việt Nam để đảm bảo rằng giá này không (quá) cao hơn so với giá bán sang EU (gọi là giá xuất khẩu) – tuy nhiên điều này chỉ đúng nếu Việt Nam được EU công nhận là nền kinh tế thị trường hoặc ngành liên quan/doanh nghiệp liên quan được thừa nhận quy chế kinh tế thị trường cho riêng mình;
   
-    Cố gắng chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá (giá rẻ) sang cạnh tranh bằng chất lượng (giá không rẻ nhưng chất lượng tốt) – đây là cách thức hữu hiệu để tránh các vụ kiện, đặc biệt khi Việt Nam vẫn còn bị coi là nền kinh tế phi thị trường (và do đó giá tại Việt Nam không được sử dụng để so sánh với giá xuất khẩu).
    
Trường hợp đã có Đơn kiện, doanh nghiệp vẫn có thể ngăn chặn một vụ điều tra (mặc dù khả năng thành công không lớn) bằng cách:

 -    Thỏa thuận với bên đi kiện bằng nhiều cách khác nhau để họ tự rút Đơn kiện (hoặc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị kiện, nếu Đơn kiện kiện nhiều nước);

-    Gặp gỡ, vận động với các nhóm có cùng lợi ích với Việt Nam (ví dụ các nhà nhập khẩu, đại diện người tiêu dùng…) để họ lên tiếng phản đối việc chấp nhận đơn kiện và khởi xướng điều tra. Trong quá trình xem xét đơn kiện và cân nhắc việc có khởi xướng điều tra, Ủy ban châu Âu không thể bỏ qua tiếng nói của nhóm “nội địa” này.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Về mặt lợi ích kinh tế theo ngành, Liên minh châu Âu là một tập hợp không đồng nhất. Dễ nhận thấy nhất là những nhóm lợi ích đối nghịch nhau giữa các nước có năng lực sản xuất khác nhau liên quan đến sản phẩm bị kiện. Ngoài ra, tiếng nói của các lực lượng khác (các ngành sản xuất cuối nguồn, người tiêu dùng…) cũng rất mạnh mẽ, đặc biệt khi theo pháp luật Ủy ban châu Âu buộc phải tính đến các nhóm này khi ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp. 


Vì thế doanh nghiệp Việt Nam và các hiệp hội liên quan cần tận dụng triệt để yếu tố này để cố gắng “phân hóa” lực lượng của phía EU càng nhiều càng tốt, khi đó tiếng nói ủng hộ Việt Nam có thể tăng lên, đặc biệt từ nhóm có cùng lợi ích với Việt Nam hoặc có tư tưởng ủng hộ tự do thương mại, và cơ hội để thoát khỏi vụ điều tra (điều tra ban đầu hoặc điều tra rà soát) cũng gia tăng tương ứng.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm