Những bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam khi yêu cầu được hưởng quy chế nền kinh tế thị trường?
08/12/2022 01:35
Trên thực tế, trong hầu hết các vụ việc chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam ở thị trường EU, các doanh nghiệp đều có nỗ lực yêu cầu và chứng minh mình đáp ứng các tiêu chí của EU để được hưởng quy chế nền kinh tế phi thị trường. Tuy nhiên hầu hết các vụ việc doanh nghiệp Việt Nam đều không đạt được mục tiêu này (đơn đề nghị bị EU bác) vì những lý do tương đối kỹ thuật.
Phần phân tích dưới đây có thể lý giải phần nào thực trạng này nhìn từ vụ giầy mũ da Việt Nam (2005).
Trong vụ kiện đối với giầy mũ da Việt Nam xuất khẩu sang EU, có 08 doanh nghiệp được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc. Cả 08 doanh nghiệp này đều có đơn đề nghị EU cho hưởng quy chế nền kinh tế phi thị trường và đơn xin được hưởng thuế suất riêng. Không đơn đề nghị nào được chấp thuận.
Hộp - Mức độ thỏa mãn các tiêu chí nền kinh tế thị trường của 08 doanh nghiệp vụ kiện giầy mũ da
Tiêu chí yêu cầu |
Lý do không thỏa mãn tiêu chí |
Các quyết định quan trọng của doanh nghiệp (ví dụ quyết định liên quan đến giá, chi phí, các yếu tố đầu vào, bán hàng, đầu tư...) được ban hành trên cơ sở xem xét cung cầu thị trường và không có sự can thiệp của Nhà nước, đặc biệt các chi phí cho các yếu tố đầu vào cơ bản phải phản ánh đúng giá trị của chúng trên thị trường |
- 04 doanh nghiệp có nghĩa vụ xuất khẩu toàn bộ
- 02 doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước |
Doanh nghiệp có hệ thống số liệu được kiểm toán độc lập theo các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế và áp dụng cho tất cả các mục đích; |
- 03 doanh nghiệp không có ghi chép kế toán
- 03 doanh nghiệp có hệ thống sổ sách kế toán nhưng không theo chuẩn quốc tế
- 01 doanh nghiệp không có thông tin đầy đủ trong sổ sách kế toán |
Các chi phí sản xuất và thực trạng tài chính của doanh nghiệp không chịu những ảnh hưởng đáng kể từ hệ thống kinh tế phi thị trường trước đó (đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến việc đánh giá tài sản thấp hơn giá trị thực của chúng, thanh toán qua bù trừ nợ, trao đổi hàng...) |
- Tất cả các doanh nghiệp: Quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước quyết định (đặc biệt trong việc xác định và điều chỉnh giá thuê đất)
- 03 doanh nghiệp có đánh giá tài sản thấp hơn giá trị thực theo thị trường |
Doanh nghiệp là đối tượng áp dụng của luật phá sản và pháp luật về tài sản đảm bảo tính chắc chắn và ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp |
Tất cả đều thỏa mãn |
Tỉ giá chuyển đổi ngoại tệ trong hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện theo tỉ giá thị trường |
Tất cả đều thỏa mãn |
Nhìn từ Bảng tóm tắt về mức độ thỏa mãn các tiêu chí để được xem là hoạt động theo cơ chế thị trường này của các doanh nghiệp Việt Nam vụ giầy mũ da, có thể thấy rằng trong tương lai khả năng các doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện được tình hình (tăng số các tiêu chí thỏa mãn) là có, đặc biệt là:
- Pháp luật về doanh nghiệp và thực tiễn hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện theo hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; điều này đang được phản ánh ngày càng rõ nét hơn trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Khả năng các doanh nghiệp thoát hoàn toàn khỏi sự kiểm soát bất hợp lý của Nhà nước (khi chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 theo đó quyền điều hành trong doanh nghiệp thuộc về các cơ quan lãnh đạo của doanh nghiệp căn cứ vào tỷ lệ vốn góp/cổ phần mà không phụ thuộc vào việc phần tài sản đó của Nhà nước hay không);
Tuy nhiên, tương lai có được sự công nhận của EU về việc thỏa mãn tiêu chí thị trường cho doanh nghiệp lại không lớn do một số tiêu chí rất khó thỏa mãn (trong khi để được công nhận thì phải thỏa mãn đầy đủ tất cả các tiêu chí), ví dụ:
- Cơ chế quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam có thể có những thay đổi về chi tiết và thủ tục nhưng định hướng đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thống nhất quản lý đất đai là không đổi. Đất đai là phương tiện sản xuất và tài sản lớn của doanh nghiệp, vì vậy nếu EU không thay đổi quan điểm cho rằng giá đất phải đúng giá thị trường thay vì giá Nhà nước giao hay cho thuê thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng tiêu chí này;
- Hệ thống sổ sách kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù được cải thiện tương đối nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập và nếu có đáp ứng đúng chuẩn Việt Nam thì cũng không hẳn đã có thể đáp ứng các chuẩn kế toán quốc tế mà EU yêu cầu.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tin khác
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc kháng kiện tại EU? (10/12/2022)
- Vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc kháng kiện tại EU? (10/12/2022)
- Bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá? (09/12/2022)
- Điều kiện áp biện pháp chống bán phá giá ở EU? (09/12/2022)
- Trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp? (09/12/2022)