Quy định về tính toán biên độ phá giá đối với trường hợp nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường của EU?

08/12/2022 01:51 - 1 lượt xem

EU có quy định riêng liên quan đến việc tính toán giá thông thường đối với nước xuất khẩu có nền kinh tế phi thị trường (và tất nhiên điều này ảnh hưởng đến kết quả tính toán biên độ phá giá đối với những nước có nền kinh tế thị trường). Đây là cách quy định phân biệt đối xử mà WTO cho phép (trong Hiệp định về chống bán phá giá của WTO).

 

Nguyên nhân của sự phân biệt đối xử này nằm ở lập luận rằng nước có nền kinh tế phi thị trường (non-market economy - NME) bị suy đoán là có sự kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường, và do đó giá cả (bao gồm cả các chi phí nguyên vật liệu, lao động,….) đều không phản ánh đúng giá cả thị trường. Vì vậy, giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa cũng như các chi phí sản xuất, quản lý, lợi nhuận đều không được coi là đáng tin cậy. Vì thế các cách tính biên độ phá giá chuẩn (chủ yếu dựa trên giá bán hoặc chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp xuất khẩu) không được sử dụng.

 

Thay vào đó, cũng giống như nhiều nước khác, EU sử dụng phương pháp thay thế giá và chi phí của nhà sản xuất xuất khẩu bị điều tra (được suy đoán là không thể hiện đúng trị giá thị trường) bằng giá và chi phí của các nhà sản xuất xuất khẩu ở một nước có nền kinh tế thị trường thay thế (gọi là nước thay thế).

 

Cụ thể:

 

Giá thông thường đối với trường hợp NME sẽ là:

 

i. Giá bán tại thị trường nội địa nước thay thế; 

ii. Giá “tính toán” tại thị trường nội địa nước thay thế;

 

Giá Thông thường NME = Giá thành sản xuất + các khoản chi quản lý hành chính chung + lợi nhuận hợp lý. Trong đó:

​​​​​​​-    Giá thành sản xuất = Các nhân tố sản xuất của doanh nghiệp (theo sổ sách của doanh nghiệp) x Các chi phí thay thế (lấy từ một nước thứ 3 thay thế)
-    Chi phí quản lý, hành chính, chung, lợi nhuận = Các chi phí thay thế lấy từ nước thứ 3.

 

iii. ​​​​​​​Giá bán sản phẩm tương tự từ nước thay thế sang một nước khác

iv. Nếu tất cả các phương pháp trên đều không khả thi thì cơ quan điều tra có thể xác định giá thông thường theo bất kỳ phương pháp nào hợp lý, bao gồm cả giá thực trả tại EU cho sản phẩm tương tự sau khi đã điều chỉnh để bao gồm mức lợi nhuận hợp lý.

 

Trong hoàn cảnh nhiều nước bị xem là có nền kinh tế phi thị trường đã không còn thuộc mô hình phi thị trường “truyền thống” (kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp hoàn toàn) như trước đây mà đã chuyển đổi dần và có những yếu tố của nền kinh tế thị trường, EU cũng áp dụng một cơ chế linh hoạt hơn cho những trường hợp này. Cụ thể, với những nước có nền kinh tế chuyển đổi (được liệt kê tên cụ thể trong Quy định cơ bản của EU về chống bán phá giá), EU sẽ không tự động áp dụng phương pháp tính toán giá thông thường cho nước có nền kinh tế phi thị trường nữa mà tạo cơ hội để các nhà xuất khẩu thuộc những nước này được chứng minh rằng mình đáp ứng được các tiêu chí để được coi là hoạt động theo cơ chế thị trường. Nếu họ chứng minh thành công, họ sẽ được áp dụng phương pháp tính toán như đối với trường hợp nền kinh tế thị trường. Chỉ khi họ không thể chứng minh được thì EU mới áp dụng phương pháp tính toán áp dụng cho nền kinh tế phi thị trường truyền thống.

 

Ngoài ra, còn có thêm một số quy tắc khác biệt nữa trong tính toán biên độ phá giá đối với nước có nền kinh tế phi thị trường. Cụ thể, trong quá trình so sánh giá thông thường (được xác định theo phương pháp nền kinh tế phi thị trường) với giá xuất khẩu, nhà xuất khẩu có thể đề nghị cơ quan điều tra tiến hành những điều chỉnh đối với giá thông thường để tính đến các lợi thế so sánh tự nhiên mà họ có (trong khi những nhà sản xuất ở nước thứ ba thay thế không có).

 

Trên thực tế, cơ quan điều tra rất hiếm khi chấp nhận các đề nghị điều chỉnh này và nếu có thì chỉ dừng lại ở những điều chỉnh giới hạn ở các lợi thế cạnh tranh tự nhiên (những lợi thế cạnh tranh khác xuất phát tự hệ thống kinh tế ví dụ như chi phí nhân công thấp hơn…) sẽ không được chấp nhận.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm