Rà soát cuối kỳ (rà soát hoàng hôn)?

08/12/2022 02:43 - 1068 lượt xem

Thủ tục "rà soát hoàng hôn" được tiến hành vào cuối thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp.

 

Thủ tục này nhằm xác định xem liệu việc chấm dứt hiệu lực của biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp (sau khi hết thời hạn áp dụng nêu trong Quyết định áp thuế chính thức, thường là 5 năm kể từ ngày ra Quyết định, cũng có thể ngắn hơn) có thể dẫn tới việc tiếp diễn hoặc tái diễn hiện tượng bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại không. Nếu câu trả lời là không thì biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ hết hiệu lực. Nếu câu trả lời là có thì về nguyên tắc biện pháp này sẽ được áp dụng thêm 5 năm nữa.

 

Vì vậy, thủ tục rà soát hoàng hôn là một thủ tục điều tra tương đối lớn, được tiến hành trên tất cả các phương diện (cả phá giá/trợ cấp và thiệt hại) gần tương tự như điều tra ban đầu.

 

Hộp - Tại sao có rà soát hoàng hôn?

 

Theo quy định tại Hiệp định về chống bán phá giá và Hiệp định về trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp của WTO, một biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp không được kéo dài quá 5 năm trừ khi chứng minh được rằng việc chấm dứt biện pháp đó sẽ làm tái diễn hoặc tiếp tục hiện tượng bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại. Nói cách khác, biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp có thể được áp dụng ít nhất là 5 năm và có thể được “gia hạn” nhiều lần (mỗi lần tối đa 5 năm, nhưng không hạn chế số lần “gia hạn”). Thủ tục rà soát cuối kỳ (hay còn gọi là rà soát hoàng hôn) là thủ tục để quyết định có “gia hạn” hay không biện pháp này.

 

Như vậy, rà soát hoàng hôn thực chất là việc điều tra lại tất cả các yếu tố (cả phá giá/trợ cấp và thiệt hại) để xem xét xem có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đó thêm một kỳ nữa không.

 

Giống như hoàng hôn là kết thúc của một ngày nhưng có thể một ngày khác lại bắt đầu, rà soát hoàng hôn được thực hiện tại điểm kết thúc một kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp nhưng có thể là cơ sở để biện pháp đó được áp dụng thêm một kỳ nữa (tùy thuộc vào kết quả rà soát hoàng hôn).

 

Việc thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp không cố định mà phụ thuộc vào kết quả thủ tục rà soát hoàng hôn là rất bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn (bởi thủ tục này khiến một biện pháp thuế có thể kéo dài vô hạn định với số lượng các “kỳ” áp thuế không hạn chế). Vì vậy các nước xuất khẩu lớn đều phản đối quy định này, tuy nhiên cho đến nay đàm phán sửa đổi quy định này của Hiệp định về chống bán phá giá của WTO vẫn chưa ngã ngũ và do đó quy định này vẫn còn nguyên hiệu lực.

 

Khởi xướng rà soát hoàng hôn

 

Thông báo về việc sắp hết thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp được đăng trên Công báo của Liên minh châu Âu vào thời điểm thích hợp trong năm cuối của thời hạn nói trên (khoảng 6 tháng trước ngày hết hạn áp dụng biện pháp thuế).

 

  •  

- Trường hợp có yêu cầu rà soát lại: Sau khi có thông báo này, các nhà sản xuất nội địa EU có quyền đệ đơn yêu cầu tiến hành "rà soát hoàng hôn" đối với biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp liên quan muộn nhất là 3 tháng trước khi chính thức hết thời hạn áp dụng biện pháp nói trên. Ủy ban châu Âu cũng có thể tự mình quyết định việc tiến hành rà soát hoàng hôn.

 

- Trường hợp không có đơn yêu cầu hoặc UBCA không tự mình quyết định việc rà soát lại, biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ tự động hết hiệu lực khi kết thúc thời hạn 5 năm nói trên. Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực của biện pháp này cũng phải được đăng tải trên Công báo của Liên minh.

 

Ủy ban châu Âu quyết định có bắt đầu "rà soát hoàng hôn" không trên cơ sở xem xét các chứng cứ do chủ thể đệ đơn cung cấp xem có đủ điều kiện để tiến hành rà soát hoàng hôn hay không.

 

Hộp - Điều kiện tiến hành "rà soát hoàng hôn"

 

Yêu cầu "rà soát hoàng hôn" chỉ có thể được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận nếu yêu cầu này có kèm theo bằng chứng đủ để cho thấy việc chấm dứt hiệu lực áp dụng của biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ có nhiều khả năng gây ra sự tiếp tục hoặc tái diễn việc bán phá giá/trợ cấp hoặc thiệt hại.

 

Khả năng này có thể được xác định thông qua :

 

  •  

- Bằng chứng chứng minh việc bán phá giá/trợ cấp hoặc thiệt hại vẫn đang diễn ra liên tục; hoặc

- Bằng chứng cho thấy việc loại bỏ thiệt hại trên thực tế là nhờ chủ yếu hoặc một phần vào việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp; hoặc

- Bằng chứng chứng minh rằng với hoàn cảnh của các nhà xuất khẩu, điều kiện thị trường, việc bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại sẽ còn tiếp diễn...

 

Thủ tục điều tra

 

Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành trên cả hai phương diện:

 

  •  

- Điều tra về phá giá/trợ cấp và

- Điều tra về thiệt hại

 

Các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, đại diện của nước xuất khẩu liên quan và các nhà sản xuất EU phải được tạo cơ hội để trình bày, phản biện, bình luận về các vấn đề được nêu trong yêu cầu rà soát lại.

 

Các kết luận của Ủy ban được thực hiện dựa trên việc xem xét tất cả các tài liệu được thu thập, cung cấp theo đúng qui định và có liên quan đến việc liệu sự chấm dứt hiệu lực của biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp có nhiều khả năng hoặc không có khả năng dẫn tới sự tiếp diễn hoặc tái diễn hiện tượng bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại.

 

Việc điều tra phải được tiến hành nhanh chóng và thông thường sẽ phải kết thúc trong vòng 12 tháng (có thể gia hạn nhưng không quá 15 tháng kể từ ngày bắt đầu tiến hành việc rà soát).

 

Trong thời gian tiến hành rà soát hoàng hôn, các biện pháp thuế vẫn có hiệu lực áp dụng.

 

Kết quả

 

Tuỳ vào kết quả điều tra rà soát, sẽ có hai cách thức xử lý đối với biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp liên quan:

 

  •  

- Tiếp tục duy trì biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp (thời hạn áp dụng được ấn định trong Quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp) nếu kết quả điều tra cho thấy việc chấm dứt hiệu lực của biện pháp này có nhiều khả năng dẫn tới sự tiếp diễn hoặc tái diễn hiện tượng bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại; hoặc

- Chấm dứt hiệu lực của biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp nếu kết quả điều tra cho thấy việc bán phá giá/trợ cấp hoặc thiệt hại không có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn khi không áp dụng biện pháp này nữa.

 

Như vậy, khác với rà soát giữa kỳ (có thể chấm dứt, tiếp tục hoặc điều chỉnh các mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp), trong rà soát hoàng hôn, biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp chỉ có thể hoặc là tiếp tục (với mức thuế giữ nguyên như mức áp dụng vào thời điểm trước khi tiến hành rà soát hoàng hôn) hoặc là chấm dứt, không có khả năng mức thuế sẽ được/bị thay đổi sau thủ tục này.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI 

Quảng cáo sản phẩm