Rà soát giữa kỳ?

08/12/2022 02:46 - 36 lượt xem

Điều tra rà soát giữa kỳ là thủ tục nhằm xác định lại biên độ phá giá/trợ cấp và thiệt hại (từ đó xác định lại mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp) cho phù hợp với những thay đổi trong quá trình thực hiện quyết định áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp (xem xét xem có cần thiết duy trì thuế chống bán phá giá cũng như mức thuế áp dụng có hợp lý không).

 

Các chủ thể sau đây có quyền yêu cầu tiến hành rà soát giữa kỳ (với các điều kiện tương ứng):

 

(i)    Ủy ban châu Âu hoặc quốc gia thành viên EU với điều kiện có bằng chứng đủ để chứng minh sự cần thiết của việc rà soát giữa kỳ - trong trường hợp này yêu cầu rà soát lại có thể đưa ra vào bất kỳ thời điểm nào.

 

(ii)    Bất kỳ nhà xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá liên quan hoặc các nhà sản xuất của EU với điều kiện:
-    Biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đã được áp dụng một khoảng thời gian hợp lý (ít nhất là 1 năm kể từ ngày ấn định thuế chính thức); và 
-    Đơn yêu cầu phải kèm theo đầy đủ bằng chứng chứng minh cho sự cần thiết phải rà soát lại biện pháp đó.

  •  

Trong trường hợp này, yêu cầu rà soát lại chỉ có thể được đưa ra sau khi biện pháp thuế chính thức đã được áp dụng ít nhất 1 năm.

 

Hộp - Bằng chứng chứng minh sự cần thiết phải rà soát giữa kỳ

 

Các chủ thể muốn đưa yêu cầu rà soát giữa kỳ phải có các bằng chứng đủ để cho thấy:

  •  

-    Việc tiếp tục áp đặt thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp không còn cần thiết để bù đắp cho việc bán phá giá/trợ cấp; và/hoặc
-    Thiệt hại không có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn nếu biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp chấm dứt hoặc thay đổi; hoặc
-    Biện pháp hiện tại không hoặc không còn cần thiết cho việc loại bỏ việc bán phá giá/trợ cấp gây thiệt hại..

 

Thủ tục rà soát giữa kỳ

 

Ủy ban châu Âu là cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc rà soát giữa kỳ.

 

Phương thức điều tra trong quá trình này giống với phương thức áp dụng cho giai đoạn ban đầu (giai đoạn điều tra để ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức).

 

Trên cơ sở những bằng chứng thu thập hoặc được cung cấp, UBCA phải xem xét và quyết định các vấn đề liên quan đặc biệt là việc:

  •  

-    Liệu có những thay đổi căn bản về hoàn cảnh liên quan đến việc bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại không; và 
-    Liệu những biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đang thực hiện đã đạt được kết quả dự tính trong việc loại bỏ thiệt hại mà trước đó cơ quan này đã xác định không. 

 

Việc rà soát lại phải được tiến hành nhanh chóng và thông thường kết luận phải được đưa ra trong vòng 12 tháng kể từ ngày bắt đầu việc rà soát lại.

 

Kết quả

 

Trên cơ sở kết quả điều tra, quyết định sẽ được đưa ra theo một trong các giải pháp dưới đây:

  •  

-    Huỷ bỏ biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp liên quan; hoặc
-    Giữ nguyên biện pháp đó; hoặc
-    Sửa đổi biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp (thường là sửa đổi mức thuế áp đặt - có thể theo mức cao hơn hoặc thấp hơn so với mức trong quyết định áp đặt biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức)

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm