Tại sao doanh nghiệp phải quan tâm đến các thời hạn điều tra?

08/12/2022 09:22 - 1 lượt xem

Cả quá trình điều tra một vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp ở EU (chưa bao gồm quá trình điều tra rà soát sau khi áp thuế) kéo dài khoảng 12 tháng hoặc hơn. Tuy nhiên, quãng thời gian này phần nhiều dành cho cơ quan điều tra. Còn đối với doanh nghiệp, những thời hạn thường ngắn hơn nhiều trong khi khối lượng công việc yêu cầu thực hiện lại rất lớn. 


Đây chính là lý do chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp không tuân thủ những thời hạn (đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có bất kỳ chuẩn bị nào về tinh thần, nguồn lực và sổ sách cho những vụ kiện như thế này). Và việc không tuân thủ thời hạn dẫn tới những hệ quả rất bất lợi cho doanh nghiệp, ví dụ:


-    Thông tin được trình/nộp không đúng thời hạn sẽ bị bỏ qua, không tính đến khi xem xét;
    
-    Doanh nghiệp có thể mất quyền để thực hiện một số bước tố tụng tiếp theo;
   
-    Kết hợp với những yếu tố khác, doanh nghiệp có thể bị xem là “không hợp tác” và bị áp dụng “các thông tin sẵn có bất lợi”.

    
Trong một số trường hợp cụ thể, nếu có yêu cầu chính đáng từ phía doanh nghiệp, Ủy ban châu Âu có thể gia hạn thêm một thời gian nhất định. Vì vậy, nếu vì lý do nào đó (đặc biệt là những lý do khách quan) mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được các thời hạn thì cần làm đơn xin gia hạn. Việc xin gia hạn vào thời điểm nào, cho hoạt động nào và dưới hình thức nào cần được luật sư tư vấn đầy đủ, chi tiết.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Trên thực tế, trong so sánh với thực tiễn điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp ở Hoa Kỳ, cơ quan điều tra EU tỏ ra linh hoạt hơn “người đồng nhiệm Hoa Kỳ” trong việc áp dụng các thời hạn cũng như gia hạn. Vì vậy, các doanh nghiệp nếu có lý do chính đáng không thể thực hiện một hoạt động nào đó đúng thời hạn thì cần có văn bản xin phép gia hạn cho cơ quan điều tra trong đó trình bày rõ lý do khiến doanh nghiệp không thể tuân thủ thời hạn này. Nếu thực hiện đúng như vậy, khả năng được cơ quan điều tra gia hạn là rất lớn.


Ngoài việc gia hạn, cơ quan điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp của EU cũng tỏ ra tương đối linh hoạt trong nhiều hoạt động khác của quá trình điều tra (lựa chọn nước thay thế, chấp nhận thông tin bổ sung…). Đây là một điểm thuận lợi cho doanh nghiệp nếu biết cách thuyết phục cơ quan điều tra về tinh thần hợp tác và trung thực của mình.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm