Tính toán biên độ phá giá?

08/12/2022 01:54 - 1089 lượt xem

Bước cuối cùng trong việc xác định biên độ phá giá là thực hiện tính toán biên độ phá giá.

 

Về nguyên tắc, việc tính toán này được thực hiện cho từng doanh nghiệp, để xác định biên độ phá giá riêng cho từng doanh nghiệp.

 

Trên thực tế mỗi doanh nghiệp thường xuất khẩu nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau cùng thuộc loại sản phẩm bị điều tra. Ngoài ra mỗi doanh nghiệp lại xuất khẩu hàng hóa theo nhiều lô khác nhau, với giá cả khác nhau (kể cả giữa các lô cùng chủng loại sản phẩm).

 

Vì thế công thức tính toán biên độ phá giá là công thức áp dụng để tính ra được biên độ phá giá riêng của doanh nghiệp từ giá cả của các lô hàng khác nhau, chủng loại sản phẩm khác nhau.

 

Hiệp định của WTO chỉ quy định nguyên tắc chung là việc so sánh giá thông thường và giá xuất khẩu để tính biên độ phá giá phải được thực hiện giữa các lô hàng có thể so sánh được với nhau và rằng việc so sánh cần được thực hiện một cách công bằng (ví dụ không thể so sánh giá thông thường cao nhất với giá xuất khẩu thấp nhất).

 

Theo quy định của EU thì biên độ phá giá sẽ được tính lần lượt theo các bước sau đây:

 

-    Bước 1: Tính tổng “trị giá phá giá” của tất cả các giao dịch (phần chênh lệch giữa Giá Thông thường và Giá Xuất khẩu – tính theo giá trị tuyệt đối);
-    Bước 2: Lượng giá trị tuyệt đối này được biểu diễn theo tỷ lệ phần trăm của giá CIF của tất cả các giao dịch xuất khẩu bị điều tra của một nhà sản xuất cụ thể (bao gồm cả các lô hàng được tính toán là không bán phá giá)

  •  

Việc tính “trị giá phá giá” tổng cộng cho tất cả các giao dịch bán hàng có thể được thực hiện theo một trong các cách sau đây:

 

-    So sánh Giá thông thường bình quân gia quyền với Giá Xuất khẩu bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch (gọi là so sánh Bình quân – Bình quân)
-    So sánh Giá thông thường bình quân gia quyền với Giá Xuất khẩu của từng giao dịch (gọi là so sánh Bình quân – Giao dịch);
-    So sánh Giá thông thường của từng giao dịch với Giá Xuất khẩu của từng giao dịch (gọi là so sánh Giao dịch – Giao dịch).

 

Việc lựa chọn phương pháp so sánh nào để tính trị giá phá giá chung có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả biên độ phá giá. Tuy nhiên, quyền lựa chọn phương pháp nào thuộc về cơ quan điều tra  (các bên liên quan không được can thiệp vào việc này).

 

Trên thực tế, phương pháp (i) (so sánh Giá thông thường bình quân gia quyền và Giá Xuất khẩu bình quân gia quyền của tất cả các lô hàng) là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất.

 

Hộp - Ví dụ về các phương pháp tính biên độ phá giá

 

Giả thiết

 

GIÁ THÔNG THƯỜNG

 

Giao dịch                   Số lượng                    Giá bán nội địa                     Giá/Đơn vị

 

1                                  4                                  48                                            12       

 

2                                  2                                  30                                            15

 

Tổng cộng                 6                                  78                                            13

 

GIÁ XUẤT KHẨU

 

Giao dịch                   Số lượng                    Giá xuất khẩu                        Giá/Đơn vị

 

1                                  2                                  30                                            15       

 

2                                  3                                  15                                            5

 

Tổng cộng                 5                                  45                                            9                     

 

Tất cả các giá nói trên đều là giá xuất xưởng. Phí vận chuyển từ điểm xuất xưởng đến biên giới EU là 1 cho mỗi đơn vị.

 

Kết quả

 

Biên độ phá giá tính theo phương pháp so sánh Giá thông thường bình quân gia quyền với Giá Xuất khẩu bình quân gia quyền:

 

-    Giá thông thường bình quân gia quyền: 13
-    Giá Xuất khẩu bình quân gia quyền: 9
-    Tổng trị giá phá giá (tính cho tất cả các giao dịch): (13 – 9) x 5 = 20
-    Tổng giá CIF tại biên giới EU: 45 + (5x1) = 50
-    Biên độ phá giá = 20/50 = 40%

  •  

 

Biên độ phá giá tính theo phương pháp so sánh Giá Thông thường bình quân gia quyền với Giá xuất khẩu từng giao dịch:

 

-    Giá thông thường bình quân gia quyền: 13
-    Giá Xuất khẩu Giao dịch 1: 15
-    Giá Xuất khẩu Giao dịch 2: 5
-    Tổng giá CIF tại biên giới EU: 45 + (5x1) = 50
-    Trị giá phá giá của giao dịch XK 1: 13 - 15 = -2 (biên độ âm sẽ bị quy về 0 trừ khi so sánh theo kiểu bình quân – bình quân)
-    Trị giá phá giá của giao dịch XK 2: 13 – 5 = 8
-    Tổng trị giá phá giá của tất cả các giao dịch: 0 + (8x3) = 24
-    Biên độ phá giá =  24/50 = 48%

 

Như vậy, có thể thấy với cùng các dữ liệu nhưng với cách so sánh giá thông thường với giá xuất khẩu khác nhau thì kết quả biên độ phá giá cũng khác nhau

 

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cũng không áp dụng phương pháp so sánh Bình quân – Bình quân một cách thuần túy. Thay vào đó, Ủy ban châu Âu có xu hướng áp dụng phương pháp so sánh Bình quân – Bình quân theo từng chủng loại sản phẩm mà một doanh nghiệp xuất sang EU rồi sau đó mới tính biên độ phá giá của doanh nghiệp đó (cho tất cả các chủng loại sản phẩm). Cụ thể, thông lệ là Ủy ban châu Âu sẽ:

 

-    Bước 1: So sánh giá thông thường bình quân gia quyền trong giai đoạn điều tra với giá xuất khẩu bình quân gia quyền theo chủng loại hàng hóa (mỗi chủng loại hàng hóa được xác định một mã riêng – gọi là Mã sản phẩm – product code number – PCN)
-    Bước 2: Tính biên độ phá giá bình quân của tất cả các chủng loại sản phẩm.

  •  

 

Chú ý là trước đây theo quy định của EU, trong bước 2 này, nếu biên độ phá giá của một PCN nào đó là âm thì khi đưa vào tính toán nó sẽ được chuyển về thành 0 (gọi là phương pháp “quy về 0” – phương pháp có thể khiến kết quả biên độ phá giá bị tăng lên đáng kể, do các biên độ âm không được sử dụng để bù trừ cho biên độ dương). Tuy nhiên, quy định này đã bị WTO phán quyết là vi phạm WTO (trong vụ Ấn Độ kiện EU áp dụng phương pháp này trong điều tra chống bán phá giá ga trải giường), và do đó EU đã không còn áp dụng phương pháp “quy về 0” trong so sánh Bình quân – Bình quân nữa.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý là sau “vụ việc” này, thay vì sử dụng phương pháp so sánh Bình quân – Bình quân và không được áp dụng cách tính “quy về 0”, EC lại có xu hướng sử dụng phương pháp so sánh Bình quân – Giao dịch vốn trước đây chỉ sử dụng trong các trường hợp đặc biệt (phá giá mục tiêu) và tiếp tục áp dụng cách tính “quy về 0” khi sử dụng phương pháp Bình quân – Giao dịch này. Phương pháp so sánh Giao dịch – Giao dịch cũng thỉnh thoảng được áp dụng và cũng vẫn được phép sử dụng cách tính “quy về 0”.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm