Ủy ban châu Âu xác định thiệt hại qua những yếu tố nào?
08/12/2022 01:32
Phù hợp với các nguyên tắc liên quan của WTO, EU quy định việc xác định thiệt hại được tiến hành trên hai khía cạnh sau:
- Khối lượng sản phẩm nhập khẩu được bán phá giá và ảnh hưởng của việc này đến giá của sản phẩm tương tự tại thị trường EU
- Tác động của việc nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất các sản phẩm tương tự của EU
(i) Điều tra về khối lượng sản phẩm nhập khẩu được bán phá giá và ảnh hưởng của việc này đến giá của sản phẩm tương tự tại thị trường EU
Liên quan đến điều tra về lượng sản phẩm nhập khẩu, cơ quan điều tra phải xem xét xem trên thực tế có sự tăng đáng kể của hàng nhập khẩu bán phá giá so với mức sản xuất hoặc mức tiêu thụ tại EU hay không.
Sự gia tăng đáng kể về số lượng nhập khẩu so với mức sản xuất hoặc tiêu dùng nội địa tại EU này có thể là:
- Gia tăng tuyệt đối: Ví dụ số liệu tăng nhập khẩu cao hơn hẳn so với số liệu tăng lượng sản xuất hay tiêu thụ tại EU
- Gia tăng tương đối: Ví dụ lượng nhập khẩu không tăng nhiều nhưng lượng sản xuất hay tiêu thụ tại EU lại giảm.
Hộp - Quy tắc cộng gộp?
Trong điều tra thiệt hại liên quan đến khối lượng nhập khẩu, về nguyên tắc, nếu vụ điều tra liên quan cùng lúc đến nhiều nước xuất khẩu, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá riêng khối lượng sản phẩm bị điều tra được nhập khẩu từ từng nước xuất khẩu liên quan.
Tuy nhiên Ủy ban châu Âu có thể thực hiện việc đánh giá khối lượng cộng gộp từ tất cả các nước xuất khẩu này (cumulation) nếu biên độ phá giá xác định cho nhập khẩu từ các nước đơn lẻ không dưới mức 2% và lượng nhập khẩu từ mỗi nước không ở mức có thể bỏ qua. Ngoài ra, việc cộng gộp như vậy phải là hợp lý theo quan điểm của cơ quan có thẩm quyền sau khi xem xét những điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm nhập khẩu và các điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm nhập khẩu với các sản phẩm tương tự của EU.
Điều kiện này không khó để đạt được, vì vậy Ủy ban châu Âu có xu hướng thường xác định thiệt hại cộng gộp trong các vụ điều tra của mình. |
Về tác động của hàng nhập khẩu bán phá giá đối với giá của sản phẩm tương tự tại thị trường EU, cơ quan điều tra sẽ xem xét trên hai khía cạnh:
- Hàng nhập khẩu bán phá giá có được bán với giá thấp hơn một cách đáng kể (price undercutting) so với giá của sản phẩm tương tự tại thị trường EU không?; hoặc
- Việc hàng nhập khẩu bán phá giá đó có làm giảm giá của sản phẩm tương tự trên thị trường EU ở mức đáng kể hoặc ngăn không cho giá tăng đáng kể không (điều mà lẽ ra sẽ không xảy ra nếu không bán phá giá hàng nhập đó)?
Mức độ tác động đến giá tại thị trường EU sẽ được lượng hóa thông qua việc tính toán “biên độ giảm giá”. Đây là một đặc điểm riêng của điều tra chống bán phá giá tại EU so với các nước khác (các nước khác khi xác định yếu tố này chỉ theo phương pháp định tính, không định lượng).
(ii) Hậu quả của việc nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất các sản phẩm tương tự của EU
Hệ quả của việc bán phá giá đối với ngành sản xuất nội địa EU được xem xét trên một loạt các nhân tố khác nhau của ngành sản xuất đó và những thiệt hại của ngành sản xuất cũng có thể được xem xét ở nhiều dạng khác nhau.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tin khác
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc kháng kiện tại EU? (10/12/2022)
- Vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc kháng kiện tại EU? (10/12/2022)
- Bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá? (09/12/2022)
- Điều kiện áp biện pháp chống bán phá giá ở EU? (09/12/2022)
- Trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp? (09/12/2022)