Ủy ban châu Âu xem xét lợi ích của các nhóm liên quan như thế nào?
08/12/2022 11:22
Việc xem xét lợi ích của các nhóm liên quan tại EU có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong quá trình xem xét lợi ích Cộng đồng và đây cũng là quá trình khó khăn cho cơ quan điều tra bởi những nhóm này không có lợi ích giống nhau và việc định tính các lợi ích này không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Tuy nhiên, đối với các nhà xuất khẩu nước ngoài thì sự phân hóa lợi ích này trong nội bộ EU là yếu tố có thể tận dụng được để thu hút sự ủng hộ với mình trong việc kêu gọi không áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
“Ngành sản xuất nội địa tại EU”
Khác với khái niệm “ngành sản xuất nội địa” trong điều tra thiệt hại, “ngành sản xuất nội địa” trong điều tra lợi ích Cộng đồng bao gồm tất cả các nhà sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra, bao gồm:
- Các nhà sản xuất EU đã đứng đơn kiện
- Các nhà sản xuất EU khác (bao gồm cả các nhà sản xuất EU không hợp tác)
Việc xem xét lợi ích của nhóm này dựa trên đánh giá khả năng của biện pháp chống bán phá giá, nếu được áp dụng, trong việc
- Ngăn chặn tình hình trầm trọng của ngành
- Ngăn chặn việc làm phương hại đến các hiệu quả tích cực của quá trình tái cơ cấu
- Đảm bảo khả năng thu hồi và lãi của các khoản đầu tư
“Nhà nhập khẩu”
Nhà nhập khẩu được hiểu là các thương nhân nhập khẩu các sản phẩm bị điều tra trong vụ việc chống bán phá giá liên quan. Đây là nhóm được xem là có cùng lợi ích với nhà nhập khẩu ở một mức độ nào đó.
Đối với nhóm này, việc xem xét lợi ích được thực hiện thông qua đánh giá của Ủy ban châu Âu về:
- Tỷ trọng hoạt động kinh doanh sản phẩm liên quan
- Các vấn đề thất nghiệp, phá sản nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng;
- Khả năng thu lợi nhuận và tăng giá bán nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng;
- Khả năng sử dụng các nguồn cung khác nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng
“Ngành sản xuất thượng nguồn” (up-stream industries – nhà cung cấp)
Nhóm này cũng chịu tác động bất lợi nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng, vì vậy được xem là có cùng lợi ích với nhà xuất khẩu.
Đối với nhóm này, việc xem xét lợi ích được thực hiện thông qua đánh giá của EC về:
- Tỷ trọng doanh thu từ cung cấp nguyên liệu sản xuất sản phẩm liên quan trong tổng doanh thu?
- Khả năng thu lợi nhuận và tăng giá bán nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng
“Ngành sản xuất hạ nguồn” (down-stream industries - ngành sử dụng sản phẩm liên quan làm nguyên liệu đầu vào)
Nhóm này cũng chịu tác động bất lợi nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng, vì vậy được xem là có cùng lợi ích với nhà xuất khẩu.
Đối với nhóm này, việc xem xét lợi ích được thực hiện thông qua đánh giá của EC về các yếu tố dưới đây nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng:
- Độ tăng giá dự kiến?
- Nguồn cung có đủ không?
- Các nguồn cung “an toàn” trong nội bộ EU
- Tỷ lệ thất nghiệp, phá sản?
- Tỷ lệ sinh lợi?
“Người tiêu dùng”
Đây là nhóm lợi ích chỉ được xem xét, cân nhắc nếu đối tượng trong điều tra chống bán phá giá là hàng tiêu dùng
Lợi ích của nhóm này được xem xét thông qua đánh giá về:
- Khả năng ngăn chặn sự tăng giá đột ngột nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng và sự sụt giảm trong tiêu dùng do việc này
(Tuy nhiên: quyết định mua sắm thường không giống như thông lệ thương mại, nó có phụ thuộc vào thị hiếu, vào nhãn hiệu hơn là vào giá cả)
- Khả năng đảm bảo sự lựa chọn cho người tiêu dùng nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tin khác
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc kháng kiện tại EU? (10/12/2022)
- Vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc kháng kiện tại EU? (10/12/2022)
- Bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá? (09/12/2022)
- Điều kiện áp biện pháp chống bán phá giá ở EU? (09/12/2022)
- Trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp? (09/12/2022)