Vai trò của Chính phủ nước xuất khẩu trong điều tra chống trợ cấp?

08/12/2022 11:17 - 2 lượt xem

  Khác với điều tra chống bán phá giá, trong điều tra chống trợ cấp, Chính phủ nước xuất khẩu cũng là một bên liên quan trực tiếp đến vụ điều tra.

 

Điều này có nghĩa là vai trò của Chính phủ nước xuất khẩu không chỉ còn dừng lại ở một “điểm trung chuyển thông tin” hay vai trò hỗ trợ như trong điều tra chống bán phá giá mà Chính phủ nước xuất khẩu tham gia trực tiếp vào các hoạt động tố tụng như:

 

- Trả lời Bảng câu hỏi điều tra (Phần dành cho Chính phủ); 

- Cung cấp các thông tin liên quan 

- Tham gia điều trần, trình bày lập luận, phản biện các lập luận…; 

- Tiếp đoàn cán bộ điều tra thực địa và cung cấp các thông tin được yêu cầu…  

 

Lưu ý đối vớ i doanh nghiệp

 

Với sự tham gia của Chính phủ với tư cách một bên chính thức của vụ điều tra chống trợ cấp, « số phận » của các doanh nghiệp bị đơn (mức trợ cấp được tính toán cho doanh nghiệp) sẽ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chứng minh mà còn phụ thuộc vào hành động của Chính phủ nước xuất khẩu cũng như các cơ quan liên quan đến chương trình trợ cấp bị cáo buộc.

 

Vì vậy, việc gắn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và Chính phủ trong vụ điều tra chống trợ cấp cần được chú ý đặc biệt nhằm đạt được kết quả tốt nhất có thể. 

 

Hộp - Vai trò của Chính phủ nước xuất khẩu trong điều tra thực địa điều tra chống trợ cấp?

 

Cũng giống như trong điều tra chống bán phá giá, sau khi nhận được các thông tin từ Bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra của các bên liên quan và các hình thức bổ sung thông tin khác, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành điều tra thực địa tính xác thực và căn cứ của các thông tin trả lời thông qua việc điều tra tại thực địa. Khác với điều tra chống bán phá giá, điều tra thực địa trong một vụ chống trợ cấp bao gồm cả việc điều tra các bảng trả lời của Chính phủ nước xuất khẩu.

 

Điểm khác biệt này cũng dẫn tới một số lưu ý đối với doanh nghiệp:

 

- Sự nhiệt tình tham gia kháng kiện của các cơ quan Chính phủ đôi khi không được như mong muốn của doanh nghiệp (bởi nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp có thể là rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng lại không có ý nghĩa nhiều lắm với các cơ quan của Chính phủ. Vì vậy việc doanh nghiệp theo sát và thúc giục, thuyết phục các cơ quan Chính phủ hiểu đúng tính chất của vụ việc và hành động kịp thời, phù hợp trong quá trình điều tra thực địa của cán bộ Ủy ban châu Âu là rất quan trọng;

 

- Các cơ quan Chính phủ đôi khi e dè khi cung cấp một số loại thông tin (có thể vì lý do bí mật quốc gia chẳng hạn). Ví dụ cán bộ ngân hàng thường không mong muốn hoặc không được phép tiết lộ một số thông tin liên quan đến các doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến điều này để có bước chuẩn bị thích hợp. 

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm