Vấn đề bảo mật thông tin trong quá trình điều tra?

09/12/2022 02:18 - 6 lượt xem

Đối với các bên tham gia vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp, vấn đề bảo đảm bí mật đối với những thông tin kinh doanh “nhạy cảm” mà họ cung cấp trong quá trình điều tra là vấn đề gây nhiều quan ngại và đôi khi là điều cản trở họ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Ngược lại, việc tiếp cận các thông tin quan trọng của đối thủ trong vụ kiện lại là công cụ rất tốt để họ có thể đưa ra những lập luận thích hợp nhằm thuyết phục cơ quan điều tra về những nội dung mà mình mong muốn.

 

Quy định về quyền bảo mật thông tin của các bên trong vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp là quy định mang tính thỏa hiệp với 02 nội dung:

 

- Yêu cầu bảo mật: Các thông tin mật phải được đảm bảo bí mật (cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm bí mật các thông tin được các bên cung cấp dưới dạng mật – không được công khai hay làm lộ dưới bất kỳ hình thức nào); và
- Yêu cầu minh bạch: Bản tóm tắt các thông tin mật phải được công khai (các bên có trách nhiệm cung cấp một bản tóm tắt các thông tin mật để cơ quan điều tra công khai với các bên khác trong vụ điều tra).

 

Thông tin mật có thể có 02 hình thức, bao gồm:

 

- Thông tin có “bản chất mật” (information of confidential nature) hoặc;
- Thông tin được cung cấp theo chế độ mật (information provided on a confidential basis).

 

Ví dụ về thông tin có thể được xem là mật

 

(i) Thông tin có thể mang lại “lợi thế đáng kể cho một đối thủ cạnh tranh”

 

Thường là các thông tin thuộc diện “bí mật kinh doanh” như:

 

- Tên các khách hàng và nhà cung cấp
- Giá bán, báo giá
- Chi phí sản xuất
- Lợi nhuận tính theo từng loại sản phẩm
- Quá trình đàm phán bán hàng
- Thủ tục mua hàng
- Quá trình sản xuất
- Quá trình định giá
- Các loại sản phẩm được sản xuất và bán

 

(ii) Thông tin có thể “có tác động bất lợi đến người cung cấp thông tin”

 

Thường là những thông tin mà nếu được công khai, người cung cấp thông tin sẽ phải hứng chịu hệ quả hoặc nguy cơ:

 

- Bị đuổi việc
- Đe dọa phúc lợi của họ và gia đình họ
- Mất khách hàng (ví dụ luật sư bảo vệ một bên có thể mất cơ hội bảo vệ bên kia với lợi ích đối nghịch trong vụ kiện khác)
- Bị phạt, truy tố (ví dụ trốn thuế)
- Bản tóm tắt các thông tin mật về nguyên tắc phải có nội dung đủ chi tiết để có thể hiệu một cách hợp lý các thông tin mật liên quan. Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc minh bạch và quyền tiếp cận thông tin của các bên khác trong vụ kiện. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt không thể tóm tắt thông tin mật thì doanh nghiệp phải giải trình được tại sao thông tin không thể tóm tắt được.

 

Phương pháp tóm tắt không mang tính bảo mật những thông tin mật

 

- Trường hợp thông tin mật bao gồm phần tường thuật và số liệu: Tóm tắt phần tường thuật và bỏ các nội dung mật (ví dụ các con số chính xác, tên của khách hàng).
- Trường hợp thông tin mật là các Bảng biểu với số liệu: Tóm tắt dưới dạng chỉ số hoặc số phần trăm.

 

Trường hợp các bên yêu cầu bảo mật thông tin không đáng coi là mật hoặc không cung cấp bản tóm tắt thông tin mật “có ý nghĩa” theo đúng yêu cầu thì cơ quan điều tra có quyền bỏ qua thông tin đó (không tính đến thông tin đó khi điều tra và tính toán).

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Vấn đề bảo mật thông tin được EU quy định rất chi tiết và được cơ quan điều tra tuân thủ chặt chẽ, vì vậy về cơ bản các doanh nghiệp có thể yên tâm cung cấp cho cơ quan điều tra các thông tin mà không phải lo lắng về việc thông tin này sẽ khiến lợi thế cạnh tranh của mình bị ảnh hưởng. Ngoài ra nếu xảy ra trường hợp thông tin không được đảm bảo bí mật, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể khiếu nại và khởi kiện cơ quan điều tra về vấn đề này (trên thực tế cán bộ điều tra luôn lo ngại nguy cơ này nên họ thường rất cẩn trọng với vấn đề này).

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong việc bảo mật này thông qua việc:

 

- Yêu cầu bảo mật là hợp lý (thông tin mà mình yêu cầu bảo mật có đủ các điều kiện để được coi là thông tin mật)
- Tuân thủ đúng hình thức và yêu cầu đối với thông tin mật (bởi cơ quan điều tra không có trách nhiệm suy đoán là phải biết rằng thông tin nào là thông tin mật – họ chỉ có trách nhiệm bảo mật nếu doanh nghiệp nêu rõ đó là thông tin mật);

 

Cung cấp cho cơ quan điều tra bản tóm tắt (không mật) của các thông tin mật phù hợp (có ý nghĩa).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm